Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Hồ Chí Minh còn là nhà báo vĩ đại của dân tộc, Người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và dắt dẫn báo chí nước ta phát triển và trưởng thành. Các phẩm chất tuyệt vời “đại nhân, đại trí, đại dũng” của Bác đều dành cho cách mạng-vì dân tộc và nhân loại cần lao. Là nhà cách mạng lỗi lạc, lại được xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn hóa uyên thâm, bản thân lại có năng khiếu bẩm sinh về báo chí và văn chương, Người đã sử dụng báo chí (và văn chương) làm một thứ vũ khí sắc bén trong hoạt động cách mạng. Các tác phẩm của Người có giá trị to lớn về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Riêng về báo chí, kể từ năm 1919 cho đến năm 1969, Bác Hồ đã viết hơn 2000 bài báo, thuộc nhiều thể loại, với nhiều bút danh, tạo nên một phong cách đặc sắc-phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Phong cách báo chí Hồ Chí Minh là sự tổng hòa những đặc điểm độc đáo, sinh động và giàu tính thẩm mỹ về tư tưởng, đạo đức, về đề tài, thể loại, kết cấu và văn phong, cũng như các hình thức thể hiện trong các tác phẩm báo chí của Bác. Cơ sở tư tưởng của phong cách báo chí Hồ Chí Minh là: Vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, kết hợp với đạo đức cao cả và trong sáng của Người là: “Cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư”. Đấy cũng là mục đích, là nội dung khái quát các tác phẩm báo chí của Bác Hồ.
Đề tài các tác phẩm báo chí Hồ Chí Minh rất đa dạng. Bác không viết chuyên sâu về một đề tài, như nhiều nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp. Bác không bỏ qua một đề tài nào, một vấn đề nào, một sự việc nào liên quan đến đời sống của nhân dân ta và cách mạng quốc tế. Bác viết về mọi đối tượng: Về ta, về bạn, về địch. Đề tài quan trọng, tập trung nhất của Bác là viết về ta. Bác viết về mọi tầng lớp nhân dân: Nam, phụ, lão, ấu, về công-nông-binh-trí thức, những người buôn bán, những người theo các loại tôn giáo và các nhà tư sản dân tộc có lòng yêu nước thương nòi-để kêu gọi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”! Bác đi vào những đề tài thiết thực nhất đối với nhân dân và đất nước. Viết về “Đời sống mới”, Bác chỉ ra những nội dung cụ thể, là: “Sốt sắng yêu Tổ quốc”, “Sẵn lòng công ích”, cho đến cách ăn mặc, làm việc, biết cư xử và “biết ham học”, v.v.. Bác viết về Tết Trung thu, sức khỏe và thể dục, bình dân học vụ, “Đạo đức công dân”; “Tìm người tài đức” phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, cho đến các vấn đề của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, v.v..
Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại của dân tộc.
Thể loại báo chí của Bác rất phong phú. Bác vận dụng mọi hình thức thể loại để biểu đạt nội dung, nhằm mục đích: “Giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng” (Lời Bác trong bài “Cách viết”, 8-1953). Từ các bài nói, bài viết, bài thơ, các bức thư (đăng báo) cho đến các thể tài tin, bài, phóng sự, ký sự, bút ký hay tùy bút (chủ yếu Bác viết vào những năm 20 của thế kỷ XX) được Bác dùng xen kẽ, kết hợp với nhau, tuy Bác không ghi là “phóng sự”, “ký sự”, “bút ký” hay “tùy bút” dưới nhan đề bài viết của mình. Nếu chỉ căn cứ vào lý luận về thể loại theo cách hiểu cũ, rập khuôn, máy móc, sẽ không thể hiểu hết được các vấn đề hình thức thể loại của các tác phẩm báo chí Hồ Chí Minh. Nói cách khác, là một nhà báo vĩ đại, kỳ tài, Bác Hồ không lệ thuộc vào hình thức thể loại của bài viết, chỉ cốt trình bày tốt nhất nội dung, thể hiện rõ nhất chính kiến của mình. Vì vậy, Người đã sáng tạo, bổ sung, đem lại nhiều vấn đề mới mẻ, độc đáo và khoáng đạt cho lý luận về thể loại của tác phẩm báo chí ngày nay và trong tương lai-kể cả ở Việt Nam và thế giới. Thường là Bác kết hợp một vài thể loại trong bài viết của mình, tạo nên một sắc diện tươi tắn, sinh động và biến hóa cho tác phẩm, nhằm làm cho quần chúng “nhớ được”, “hiểu được” và “làm được” (chữ Bác dùng). Bác nói: “Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần làm cho mọi người thấy được nhiều loài hoa đẹp” (trích bài “Cách viết”).
Kết cấu bài viết của Bác chặt chẽ, gọn gàng. Bác thường vào đề bằng lời trực tiếp. Nhiều bài viết của Bác không phải cứ theo khuôn mẫu: Mở bài, thân bài và kết luận, mà chỉ có hai phần: Đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Ngay trong phần đặt vấn đề, cũng đã có ý giải quyết vấn đề, nhưng ý tứ rất rõ ràng, mạch lạc. Mỗi phần trong một bài, Bác chỉ nêu một, hai ý lớn; mỗi ý được diễn đạt bằng một, hai câu hoặc đoạn văn ngắn gọn. Văn phong của Bác đa dạng, thể hiện bộ óc thông minh trác tuyệt, tâm hồn lộng gió thời đại và sự am hiểu văn hóa Đông-Tây, kim-cổ của Người vô cùng sâu rộng. Viết về kẻ địch, Bác thường dùng lối văn châm biếm ý nhị nhưng ý tứ rất sâu xa, sắc sảo, thông minh đến kỳ lạ; văn phong vừa có tính chất báo chí, vừa có tính chất nghệ thuật văn chương. Viết về ta, viết cho quần chúng nhân dân, Bác lại dùng lời văn nôm na, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ của dân tộc, diễn đạt theo cách nói, cách nghĩ, cách cảm của quần chúng.
Các tác phẩm báo chí của Bác thường rất ngắn, viết “thiết thực” và kịp thời, không lạm dụng tiếng nước ngoài. Nét độc đáo này cũng xuất phát từ định hướng tư tưởng: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?” của Bác. Phê phán cái lối viết “rau muống”, nghĩa là tràng giang đại hải, làm cho người đọc như bị “chắt chắt vào rừng xanh”, Bác dạy các nhà báo: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt”, vì “trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu” (trích bài “Cách viết”). Bác không lạm dụng tiếng nước ngoài, mặc dù Người thông thạo nhiều ngoại ngữ. Bác nói: “Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia”. Bác dạy: “Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng”. Bác khuyên các nhà báo phải “học cách nói, tiếng nói của quần chúng”, và chính Bác đã làm gương về mặt này. Vì thế, ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh rất giản dị, trong sáng, đậm đà tính dân tộc.
Phong cách báo chí Hồ Chí Minh là mẫu mực tuyệt vời của báo chí cách mạng nước ta 87 năm qua và còn mãi mãi, có tiếng vang lớn đối với báo chí quốc tế. Những tác phẩm báo chí bất hủ của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tạo nên phong cách báo chí Hồ Chí Minh, có sức mạnh lớn lao động viên nhân dân làm nên những thành tựu huy hoàng của cách mạng Việt Nam, trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, tạo dựng vị thế Việt Nam trên thế giới, khích lệ chúng ta vững bước tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày nay.
Đào Ngọc Đệ
Nguồn: QĐND