40 năm qua, sống giữa con phố Huế ồn ã, tấp nập nhất Thủ đô, nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ cứ lặng lẽ, cần mẫn nghiên cứu, học hỏi, nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội trong trái tim mình. Rồi một cách tự nhiên và dung dị, tình yêu ấy lan tỏa đến bạn đọc nhiều thế hệ qua những trang sách vừa mang tính học thuật nghiêm cẩn, lại vừa nhiệt huyết, chứa chan tình cảm.

PGS Nguyễn Thừa Hỷ

Bây giờ, ở tuổi 83, căn bệnh viêm đa khớp khiến PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ không thể đi lại thoải mái được. Nhưng với trí tuệ minh mẫn và tình yêu Hà Nội, những cuốn sách mới của ông vẫn cứ nối tiếp nhau ra đời, trong đó mới nhất là cuốn Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội (2018).

Gần 40 năm đau đáu với Thăng Long – Kẻ Chợ

*Thưa PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ, đầu thập niên 1980, khi thực hiện luận án tiến sĩ sử học về Thăng Long – Hà Nội, ông gặp những khó khăn gì?

– Thời điểm đầu những năm 1980, việc tiếp cận các tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp viết về Thăng Long – Hà Nội thời kỳ trung đại khá khó khăn, phải có thẻ đọc đặc biệt. Nhờ thông thạo 2 ngoại ngữ này từ thời còn đi học, tôi dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa hề được ai khai thác trước đó.

Lúc ấy, điều kiện kinh tế của bản thân còn gặp khó khăn, nhưng vì đam mê, nên tôi theo đuổi đến cùng. Sau khi bảo vệ thành công, đến năm 1993, luận án này được chỉnh lý, bổ sung để in thành sách. Năm 2002, cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, với tên gọi Economic History of HaNoi in the 17th,18th,19th centuries. Năm 2006, dựa trên những tiền đề sẵn có, tôi biên soạn cuốn Kinh tế – xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX, xuất bản đúng dịp Đại lễ, và sau đó được trao giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2012.

*Điều mà ông tâm đắc nhất với công trình nghiên cứu này là gì?

– Một trong những luận đề quan trọng tôi đưa ra là: “Thế lưỡng nguyên đối trọng nhà nước – dân gian”. Hiểu đơn giản, nhân tố nhà nước, ngoài những quan xưởng, cục bách tác do chính quyền phong kiến trực tiếp quản lý điều hành, còn thể hiện ở những biện pháp can thiệp, kiểm soát của nhà nước vào đời sống kinh tế của dân chúng (chính sách thuế khóa). Bộ phận kinh tế này chỉ chiếm một thị phần nhỏ, nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đô thị. Kinh tế dân gian đô thị chỉ có thể tồn tại và phát triển được với sự dung dưỡng và có mặt, có lúc là sự hỗ trợ khuyến khích của nhà nước.
Nhưng mô hình này có cả ưu và nhược điểm. Ở một số thời điểm lịch sử, nhất là cuối thế kỷ XIX, nó đã bộc lộ sự trì trệ, đầy rẫy mâu thuẫn, nghịch lý, khiến đô thị Thăng Long – Kẻ Chợ không thể vượt ngưỡng để phát triển lên, mặc dù có tiềm năng to lớn.

* Sống trong bối cảnh kinh tế – xã hội của một đô thị trung đại như vậy, văn hóa thị dân Thăng Long bị ảnh hưởng thế nào, thưa ông?

– Cũng như kinh tế, văn hóa thị dân đất Kinh kỳ là một nền văn hóa lưỡng nguyên đối trọng, mang trong mình những yếu tố đan xen, hòa quyện giữa dòng văn hóa quý tộc – quan liêu và bách tính bình dân, sự cộng tồn của yếu tố cung đình bên cạnh yếu tố chợ – phố.

Với tư cách một bộ phận của văn hóa Việt Nam truyền thống, văn hóa thị dân Thăng Long là một nền văn hóa hòa đồng, mang tính cách phương Đông. Điều này tạo ra thế cân bằng ổn định xã hội và trong tâm thức của mỗi con người. Thế nhưng, nó cũng để lại những hệ lụy tiêu cực như sự cầu an, thụ động, triệt tiêu nhân cách của từng con người thần dân, cũng như sức ì, trì trệ, lạc hậu trong sự phát triển xã hội đô thị.

Bức ảnh quý chụp PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ (ngoài cùng,bên trái) và cố họa sĩ Bùi Xuân Phái trong một cuộc gặp T2.1988

Bên cạnh đó, trong nền kinh tế đô thị hàng hóa thị trường thế kỷ XVII – XVIII, ý thức vươn tới sự hoàn hảo, trọng danh giá của thị dân Kẻ Chợ đôi khi lại phản tác dụng, làm tha hóa một bộ phận cư dân, dẫn tới những thói sĩ diện chuộng thời thượng, thích phô trương bề ngoài.

Tựu chung lại, trong tiến trình lịch sử, thị dân Thăng Long đã mang hai đặc trưng nổi bật: một cấu trúc đẳng cấp đa thành phần và một phẩm chất đa tính cách. Năm 1897, một tác giả Pháp có tên Eliacin Luro đã tán tụng: “Đó vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc này về nghệ thuật, kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giàu có, số dân đông đúc… đó chính là trái tim của đất nước”. Trong khi Thị giảng học sĩ Phạm Đình Hổ thì than phiền phố phường Kẻ Chợ là nơi có “thói chuộng lạ, hiếu thượng đến cùng cực”, nhiều “mẹo lừa”, “đời suy thói tệ”…

* Ở thời điểm cách đây 35 năm, việc đưa ra luận đề này dường như có gì đó hơi “nhạy cảm”, thưa PGS?

– Buổi bảo vệ luận án có nhiều tên tuổi cốt cán của ngành giáo dục, sử học, như GS Nguyễn Khánh Toàn, “bộ tứ” Lâm – Lê – Tấn – Vượng, GS Văn Tạo, GS Vũ Khiêu… Hội đồng đánh giá rất cao về mặt tư liệu của luận án, bởi nó mang đến cái nhìn đa chiều. Nhưng cũng có một số ý kiến băn khoăn, vì thời đó, người ta còn tâm lý hơi e dè với những cụm từ mới như “thế lưỡng nguyên”. Về sau, khi Đảng khởi xướng, lãnh đạo đường lối đổi mới, tư duy đó dần trở nên bình thường. Chúng ta giờ đã quá quen với câu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Một số tác phẩm của PGS Nguyễn Thừa Hỷ

Trải qua thăng trầm lịch sử, thị dân Hà Nội nay đã có nhiều thay đổi trong mọi phương diện, cả mảng sáng và mảng tối, mặt phải và mặt trái của tấm huân chương. Nhưng đâu đó, như một gen di truyền văn hóa, những hình bóng, dấu ấn quá khứ vẫn vương đọng lại.

Nhìn lại một quá trình thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của thành phần kinh tế nhà nước và tư nhân từ thời bao cấp đến khi đổi mới, hội nhập; hay vấn đề xây dựng con người mới được đặt ra gần đây…sẽ thấy rằng lịch sử và tiền nhân để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Thế hệ hôm nay cần biết trân trọng, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm. Từ đó hiểu đâu là động lực, đâu là lực cản để đề ra định hướng, chiến lược phát triển thủ đô, cũng như đất nước trong tương lai.

Thị dân Hà Nội cần một cuộc “cách mạng tâm hồn”

* Cuối năm 2018, ông có ra mắt tuyển tập nghiên cứu “Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội”. Đây có phải là sự nối dài những trăn trở của ông về Hà Nội như đã được đề cập trong công trình trước đó?

– Tôi nhấn mạnh chữ “người Hà Nội” ở tên cuốn sách, vì không đồng tình với quan niệm, cách phân chia từng phổ biến một thời về người Hà Nội gốc và người tứ xứ nhập cư. Tôi chỉ quan tâm đến câu hỏi, một người sống ở Thủ đô thì có yêu thương, có hiểu biết, thấu cảm và đóng góp gì cho thành phố này hay không?

Ở phần cuối: Hà Nội trong tầm nhìn viễn cảnh, tôi dồn nén nhiều tâm tư của mình về chất lượng thị dân Thăng Long – Hà Nội. Những con người Hà Nội đích thực, sau khi tìm hiểu về những quãng đời chìm nổi của đô thị này, làm sao lại không tự hào về một truyền thống lâu đời của lòng yêu nước, tinh thần lao động cần cù khéo léo, nếp sống hào hoa, thanh lịch, trọng chữ tín?

Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhìn thẳng vào những mảng tối, biểu lộ qua những tật xấu có thực: thói sĩ diện chuộng hình thức hư danh, tính bảo thủ ít sáng tạo trong lao động, tinh thần thụ động với những lề thói cố hữu. Và gần đây là những biểu hiện của thói bạo lực mất nhân tính, thói vô cảm đáng báo động…Toàn cảnh khối thị dân đương đại của Hà Nội vẫn là một bức tranh đa sắc, không dễ dàng cho việc định tính, đánh giá chất lượng.

*Ông có nghĩ rằng khi chỉ ra những mảng tối ấy, nhiều người sẽ nói rằng ông bi quan không?

– Lịch sử và cuộc sống giống như một ngôi nhà có nhiều cửa sổ. Tôi nghĩ đó là cái nhìn khách quan. Yêu thương Hà Nội đâu phải là cứ tô hồng. Ai cũng phải công nhận Hà Nội bây giờ thay đổi đến chóng mặt. Nhưng sự đàng hoàng không phải chỉ ở những tòa nhà chọc trời, khu đô thị hiện đại. Con người cũng phải có nhân cách tử tế, tức là chúng ta phải chăm lo nhiều hơn đến phần đạo đức nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tôi gọi đó là cuộc cách mạng tâm hồn trong từng gia đình, từng cá nhân con người thị dân, phục hưng lại những giá trị Chân – Thiện – Mỹ mang tính phổ quát. Thực ra, những năm qua, đã có nhiều cuộc vận động xây dựng con người mới, nếp sống mới, gia đình văn hóa… nhưng sẽ còn một chặng đường rất dài. Quá trình hội nhập, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi toàn những mặt trái, mà bỏ qua hoặc tiếp nhận hời hợt, ở bề nổi những giá trị văn minh của nhân loại.

Mỗi cá nhân hãy tự đặt câu hỏi: Vì sao Hà Nội giàu truyền thống với một nguồn tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng nhân văn phong phú như vậy, từng một thời vang bóng, mà ngày nay, dù đã đạt được những tiến bộ, nhìn chung vẫn thua kém các đô thị bạn bè trong khu vực và trên thế giới?

Sách vở mang tới niềm vui sống

*Vẫn giữ thói quen làm việc hàng ngày dù đã ở tuổi 83, ông có bí quyết gì để tìm được sự tập trung ấy?

– Ở tuổi này, tôi cực kì thấm thía câu nói: Được làm những gì mình thích là hạnh phúc của một con người. Giờ nghỉ hưu rồi, nên ngoài thời gian dành cho gia đình, tôi có thể làm việc 8 tiếng 1 ngày, khi nào mệt thì nghỉ chứ không làm quá sức. Tôi luôn chuẩn bị tâm thế cho mình, có thể ngày mai sẽ ra đi bất chợt.
Người làm lịch sử như tôi giống như công nhân cần mẫn đào tìm quặng vậy. Từ giờ đến cuối năm, tôi sẽ có thêm một cuốn về Hà Nội thời Lê Trung hưng, tập 2 của Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây. Tôi cũng đang hoàn thành bản thảo Lịch sử Việt Nam tập 10 – Đàng Ngoài 1593-1771 (thuộc Đề án khoa học xã hội cấp quốc gia “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam”).
Trước đây, khi còn khỏe, tôi thường lui đến thư viện. Nhưng sau cơn bạo bệnh, sách và internet trở thành cứu cánh. Giờ trong nhà tôi chỉ giữ 1.000 cuốn sách giấy, nhưng trong máy tính cá nhân tôi lưu 15.000 cuốn sách số, đủ các thể loại. Ngoài chuyên môn sâu về lịch sử, văn hóa Việt Nam và Hà Nội, tôi quan niệm mình phải đọc rộng Đông, Tây, kim, cổ.

*Nếu có một điều nhắn nhủ với những người nghiên cứu trẻ, ông muốn nói gì?

– Bạn bè và học trò cũ vẫn thường tới thăm nom, trò chuyện. Tôi cũng nhận hướng dẫn các một số nghiên cứu sinh làm luận án trong khả năng của mình. Dù tuổi cao, khi nào mọi người cần đến tôi, tôi không bao giờ từ chối cả, vì điều đó có nghĩa mình vẫn có ích. Đó là cách tôi giữ tâm hồn mình lạc quan, yêu đời.
Tôi chỉ muốn chia sẻ: Một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, ngoài đam mê, dứt khoát phải tạo riêng cho bản thân mình một ngân hàng dữ liệu, một tinh thần lao động cần cù tỉ mỉ. Và đặc biệt nên tạo cho riêng mình một bản sắc, một căn cước cá nhân trong việc trình bày nội dung ý tưởng và phong cách diễn đạt.
Hà Nội còn vô vàn những góc cạnh để nghiên cứu từ quá khứ tới hiện tại. Vì thế, tôi hi vọng sẽ có nhiều bạn trẻ tiếp bước những gì thế hệ đi trước đã gợi mở!
*Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Vài nét về PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ sinh năm 1937 giữa không gian lõi của Hà Nội – phố Hàng Cót. Ông là một trong những sinh viên ưu tú của khóa 1, Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp năm 1959, ông có khoảng 30 năm đứng trên bục giảng, lần lượt công tác tại Ty/Sở giáo dục Hà Nam và Hà Nội.

Đầu những năm 80, ông quyết định làm nghiên cứu sinh ngành lịch sử. Mặc dù được gợi ý 2 đề tài về “Khởi nghĩa nông dân” và “Khai hoang ở miền Nam”, nhưng ông nhận thấy đã có nhiều người từng làm trước đó và không phải sở trường của bản thân. Cuối cùng, với sự hướng dẫn của cố GS Phan Huy Lê, nhà giáo này chọn nghiên cứu về kết cấu kinh tế – xã hội của đô thị Thăng Long – mảnh đất mình sinh ra, và tất nhiên, dành vô vàn tình cảm mến thương. Cơ duyên ấy là cột mốc quan trọng, khiến PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ gắn bó sâu sắc với ngành Hà Nội học trong suốt mấy thập kỷ qua.
Nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại năm 1984, được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1996. được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002. Từ 1990 – 2002, ông giảng dạy bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội.

Các công trình khoa học tiêu biểu: Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX (1993); Kinh tế – xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX (2010; Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn (2011); Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới (2018);“Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội” (2018)…

“Bác Hỷ là người rất Hà Nội”

“Tôi là người gần gũi với PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ với tư cách đồng nghiệp, nên dễ dàng đánh giá được những ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực lịch sử. Về tính cách, bác Hỷ là người rất Hà Nội, trong lối sống, công việc, trong đối nhân xử thế… Tình yêu với mảnh đất này là động lực chính để ông đạt được thành tựu như ngày hôm nay. Đối với Giải thưởng Lớn, người được vinh danh ở hạng mục này luôn cần có một quá trình tích lũy lâu dài, kết tinh qua bề dày tri thức, tác phẩm cụ thể và nhân cách sống” (Nhà sử học Dương Trung Quốc – Thành viên Ban chung khảo)

https://thethaovanhoa.vn