(Đọc “tôi” bên bến lạ, Đoàn Cầm Thi, Nxb Hội Nhà văn và Nhã Nam, 2016)

Đọc “tôi” bên bến lạ là tập hợp một lượng bài tiểu luận – phê bình của Đoàn Cầm Thi về văn học Việt Nam đương đại, đã đăng tải trên các diễn đàn văn học trong và ngoài nước. Ở đầu cuốn sách của mình, nhà phê bình đã có đôi lời “dẫn lộ”: “Hai chữbến lạ, nợ Đặng Đình Hưng, gợi lên vị trí mà tôi chọn khi đọc văn chương Việt: là kẻ lạ trong ngôn ngữ của mình, theo cách nói của Gilles Deleuze. Đến với văn học Pháp trước, tôi coi văn học Việt vừa là khám phá vừa là tìm về. Sử dụng những kiến thức và phương pháp có được từ bên ngoài để khảo sát cái bên trong. Đọc những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, tôi vừa quen vừa lạ. Như có lúc bạn đi lạc trong thành phố quê hương…” (tr.7).
Với tâm thế như vậy, cuốn sách của Đoàn Cầm Thi đã “lập biên bản” (chữ dùng của nhà phê bình Inrasara) một cách hứng khởi cho sự trở lại và bùng nổ ngoạn mục của những cái “tôi”, cả hư cấu cả phi hư cấu, trong các tác phẩm văn học đương đại Việt được công bố từ Đổi mới đến hôm nay, của các tác giả từ hải ngoại đến trong nước: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, Trần Dần, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Trần Vũ, Đỗ Kh, Thuận, Phong Điệp, Đặng Thùy Trâm, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Phan Việt… Người Việt vốn dĩ luôn che giấu, đậy điệm, lấp liếm “sự thật” của cá nhân. Hôm nay, sự trương nở, rợp kín của những cái “tôi” mang “khát vọng thành thực” và hiện thực hóa không khoan nhượng khát vọng đó trên từng trang sách, phản ánh cùng lúc những thay đổi của xã hội Việt Nam và những hăm hở, quyết liệt của văn chương Việt trong việc đi tìm một hệ giá trị thẩm mĩ mới.

Đọc “tôi” bên bến lạ đã nhắm chọn những tác phẩm độc đáo, “lạ”, bộn bề nhất và cả phức tạp, trừu tượng, mơ hồ nhất để soi ngắm từng con chữ, bóc tách, lẩy ra từng thủ pháp, từng kí hiệu ngôn ngữ rồi gọi tên chúng, truy nguyên “tính tất yếu”, “tính quan niệm” của chúng, truy “bản đồ mĩ học” của tác phẩm, dò những chìa khóa được đặt ở chế độ ẩn nhằm mở thông vào tác phẩm. Để rồi vỡ lẽ đầy khoái thú: “Chữ không chỉ dùng để tải ý, nó không chỉ có nghĩa, mà còn có âm thanh, nhạc điệu. Mỗi con chữ có một cuộc sống riêng, một bí mật riêng, một phiêu lưu riêng” (tr.42). Hay, văn Việt hôm nay là cuộc phiêu lưu của những cái “tôi” phản anh hùng, vô căn cước, phi bản thể – những cái tôi-hậu-hiện-đại. Đó có thể là một cái “tôi” không cá tính, không chân lí, phi-anh-hùng thời hậu chiến của nhân vật xưng “tôi” – con trai ông tướng trong truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Đó có thể là những cái “tôi” bản năng dục tính (lệch chuẩn), bất định và bất an, hoài nghi chính sự tồn tại của mình, giữa một thế giới trừu tượng và duy mĩ, trong tiểu thuyết Song song của Vũ Đình Giang. Đó có thể là những cái “tôi” thời toàn cầu hóa, bay xuyên lục địa, đẹp, cô đơn, trống rỗng và lạnh như những con “ngựa thép” trong tiểu thuyết Ngựa thépcủa Phan Hồn Nhiên… Những cái “tôi” không độc nhất cũng không đồng nhất. Đầy ám ảnh.
Diễn ngôn văn chương có khả năng tích lồng trong mình nhiều diễn ngôn nhất, do vậy luôn là diễn ngôn “đa bội”, giàu sức dung chứa nhất. Tác phẩm văn chương chấp nhận mọi góc nhìn, mọi hướng tiếp cận, mọi cách đọc nó, miễn là không xuyên tạc nó, “vu khống” nó. Đọc “tôi” bên bến lạ dày đặc những trích dẫn,   đúng và trúng, biểu thị một thao tác, thái độ khoa học, khách quan. Từng luận điểm của nhà phê bình được kiến tạo và tựa vững chắc, tin cậy từ/trên những chứng cứ, dữ kiện văn bản tác phẩm. Chẳng hạn, với truyện ngắn Cỏ lau, Nguyễn Minh Châu “chứng minh rằng chiến tranh, dưới mọi hình thức và tên gọi, phá hủy con người, cả vật chất lẫn tinh thần” (tr.52). Hay, với tiểu thuyết Chinatown, “không ẩn ức da màu không mặc cảm tiểu nhược không tinh thần hậu thuộc địa, Thuận đi tìm hình hài mới cho tiểu thuyết hôm nay” (tr.189). Hay, đặc biệt đáng chú ý hơn, sau khi khảo sát tỉ mẩn văn bản nhật kí của Đặng Thùy Trâm (bản mà người bác sĩ – liệt sĩ này viết tay, còn “trong dạng nguyên sơ”, chưa qua “xử lí”, “biên tập” của những người làm sách), theo cách “nói có sách mách có chứng”, Đoàn Cầm Thi cho rằng, nhật kí của Đặng Thùy Trâm không chỉ/phải là câu chuyện một nữ “anh hùng” với “niềm tin tưởng như chỉ có ở tôn giáo – thứ niềm tin mang đầy cảm giác thánh thiện”, không chỉ là những dòng “đầy yêu thương, hi vọng” như lời giới thiệu đầu cuốn sách khi được xuất bản, như những nhận xét trên báo chí khi cuốn sách được phát hành. Theo điểm nhìn, cách đọc của Đoàn Cầm Thi thì nhật kí Đặng Thùy Trâm là tâm sự của một con người sống trong hoàn cảnh cùng cực của chiến tranh. “Người phụ nữ trẻ này mang trong mình ánh sáng và bóng tối, vừa cao đẹp vừa trần tục, dạn dày nhưng ấu trĩ, cả tin nhưng lại nhiều giằng xé và đầy mâu thuẫn. Đọc nhật kí của Đặng Thùy Trâm, ta có cảm giác đang luồn lách vào những hang vực sâu hiểm nhất của nội tâm tác giả (…) ngổn ngang những câu hỏi, những im lặng, những bí mật. Nó phản ánh nhu cầu nội tại của bản thân tác giả, ám ảnh bởi những cái “tôi” bất ổn, bất định, hoài nghi” (tr.238-239). Đọc “tôi” bên bến lạ còn xuất hiện với mật độ dày đặc những liên hệ Đông Tây kim cổ, biểu hiện sinh động ở tác giả cuốn sách một lối đọc liên văn bản, một tư duy văn học so sánh thông tuệ, sắc sảo. Chẳng hạn, đọc Nguyễn Huy Thiệp, sau những khảo sát văn bản cùng những liên hệ so sánh dọc ngang, Đoàn Cầm Thi “kết luận”: “Nếu quả thật trong những tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi đắng cay về thời đại và thế sự, thì qua những suy nghĩ về mối giao hòa giữa tự nhiên và cõi người, về sự sống và cái chết, tác giả dường như muốn đạt tới một cái nhìn tổng quát hơn về nhân gian: không có thay đổi cũng không có cách mạng, cuộc sống không hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu. Đó là sự chuyển hóa không ngừng giữa đêm và ngày, giữa đông và hè, giữa tĩnh và động, là sự cân bằng giữa thiện và ác, giữa âm và dương” (tr.30-31).
Có những “sự thật” mà Đọc “tôi” bên bến lạ trưng ra, ban đầu có thể vượt ngưỡng tiếp nhận của một bộ phận người đọc, nhưng khi bình tâm, chắc hẳn họ sẽ tin và chấp nhận, bởi đó là sự thật của văn bản tác phẩm, sự thật của nhân vật, sự thật của đời sống này. Tuy nhiên, nhà phê bình cũng chỉ là một chủ thể đọc, nhiều giới hạn và không thể kháng cự, khống chế được phần chủ quan, mà “sự thật” là một phạm trù đầy tính nhòe mờ và bất định, sắc sắc không không, cho nên kết quả đọc của họ đôi khi có thể không nhận được nhiều đồng tình, chia sẻ. Chẳng hạn như người viết bài này, sau rất nhiều lưỡng lự, đã không hoàn toàn gặp gỡ, chia sẻ với Đoàn Cầm Thi khi cùng đọc Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, hay Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng. Tác giả Đọc “tôi” bên bến lạ cho rằng mạch ngầm sâu nhất, ám ảnh nhất, còn đọng lại trong mỗi người đọc sau khi đọc Mình và họ chính là “mĩ cảm của bạo lực” (tr.133), là “một nguồn mĩ cảm đặc biệt” (tr.135) do bạo lực tạo ra. Người viết bài này lại đọc thấy mạch ngầm sâu nhất, làm nên tầm cao tư tưởng của Mình và họ chính là một cách kiến giải và cảnh báo (ra vẻ tỉnh bơ, ráo hoảnh) về căn nguyên và hệ quả của bạo lực ăn sâu cắm rễ trong thực thể Việt. Cũng vậy, người viết bài này không đọc thấy ở Những ngày thơ ấu tình yêu mà tác giả dành cho người mẹ của mình là “một tình yêu tuyệt đối, nhục cảm, khó thổ lộ, gần với loạn luân” (tr.266), như cách tác giả Đọc “tôi” bên bến lạ đã đọc ra. Lí thuyết công cụ “mặc cảm Oedipe” của Freud đã tỏ ra khá vừa khuôn khi đem ráp vào cái sự ghét cha yêu mẹ của cậu bé Hồng trong cuốn tự truyện nổi tiếng nói trên. Nhưng, nếu “tình yêu tuyệt đối, nhục cảm” mà cậu bé Hồng dành cho người mẹ là có thật, thì theo lẽ thông thường phải đi kèm với tình cảm ghen tuông, khát vọng độc chiếm. Cho dù tác giả Đọc “tôi” bên bến lạ cố thuyết phục, rằng sự yêu ghét ở cậu bé Hồng “không theo quy luật nào”, thì người viết bài này cũng không làm sao hình dung và chấp nhận được cái “sự thật” là cậu bé Hồng một mặt dành “tình yêu tuyệt đối, nhục cảm, gần với loạn luân” cho người mẹ, mặt khác lại đi “si mê”, “ngưỡng mộ” (tr.267) người tình của mẹ, và “chỉ với hai dòng”, tác giả Những ngày thơ ấu đã “mô tả cuộc đối mặt giữa mẹ và người tình” bằng “một trong những tứ văn đẹp nhất về tình yêu trong văn học Việt Nam” (tr.268)… Biết làm sao được, vì như đã nói, tác phẩm văn chương luôn lắng nghe, chấp nhận mọi cách đọc, tôn trọng quyền dân chủ của cộng đồng diễn giải, nhờ thế nó luôn quyến rũ, bởi nó luôn ở chế độ mở, dang dở, không hoàn kết.
Những đối tượng được chọn và khảo sát trong Đọc “tôi” bên bến lạ chỉ là một phần trong rất nhiều thí dụ về tính phong nhiêu, phức tạp của văn học Việt Nam đương đại. Nó phá vỡ những đường biên thể loại. Nó cố tình làm đảo lộn các cặp phạm trù hư cấu – phi hư cấu, thực – ảo. Nó đề xuất định nghĩa mới về cái đẹp, làm lung lay và bất an các quan điểm thẩm mĩ sẵn có. Nó đóng lên văn học dấu ấn của thế hệ chủ thể viết và thời đại mà nó được khởi sinh, nó thuộc về. Nó ươm những cái mầm, cho tương lai. Trong một vài trường hợp, chủ thể viết đã “chứng tỏ một khả năng tưởng tượng phi thường, cho văn học thành một nghệ thuật tung hỏa mù, đánh lộn sòng. Dường như với họ, trước khi là một nhu cầu, một nhiệm vụ, một giải thoát, một thách thức, viết là một cuộc chơi, một trò ảo thuật, đôi khi là một màn hài kịch” (tr.105). Họ “viết như một ám ảnh, một thao tác, một thử nghiệm, một bí ẩn, một mục đích – cuối cùng và duy nhất” (tr.154-155). Họ viết để nhập quốc tịch cho mình tại lãnh thổ văn chương, bởi nói như Cao Hành Kiện, “quốc tịch của nhà văn, chính là văn học”. Số phận, lịch sử tiếp nhận những tác giả, tác phẩm dạng này buộc người ta từ bỏ cách diễn giải thụ động, dễ dãi, giản lược. Đọc “tôi” bên bến lạ khẳng định tính độc lập của nghệ sĩ trong sáng tác, tính tự do của công chúng trong hấp thụ thẩm mĩ. Đồng hành cùng cuộc phiêu lưu của tác giả cuốn sách này, người đọc được khai phóng: không có tác phẩm nào là bất khả giải, chỉ có sự đọc của mình chưa tiến hóa kịp so với sự viết của nhà văn mà thôi.
Đọc “tôi” bên bến lạ đã gọi tên và cổ súy một cách nồng nhiệt, hào sảng cho nỗ lực thám hiểm, kiến tạo những “bến lạ”, những khả thể văn chương của những cái “tôi” đứng hẳn về phía mới, thích phiêu lưu cùng/trong chữ. Và đến lượt mình, tác giả cuốn sách cũng đã tự trình hiện mãn nhãn một cái “tôi” như thế.

Theo Hoàng Đăng Khoa – VNQĐ
Exit mobile version