Cột điện được vẽ hoa ở quận 11, TP Hồ Chí Minh.
Tiền nhân mấy trăm năm trước có dạy rằng trên đời có ba thứ không nên tranh luận, bởi sẽ không bao giờ có hồi kết và chỉ làm sứt mẻ thêm quan hệ. Đó là tôn giáo, tình yêu và thẩm mỹ. Đúng quá, cô gái tôi yêu dù mũi tẹt dí như người tiền sử đi nữa chắc chắn phải còn có nhiều ưu điểm khiến trái tim tôi rung động cũng như bức tranh nọ có chứa đựng vô vàn hồi ức tuổi thơ, tôi có quyền yêu nó gấp vạn lần bức tranh giá trị trăm triệu USD đang treo trang trọng tại bảo tàng bên kia đại dương.
Tôi mở đầu như vậy để bắt đầu đi vào một câu chuyện đang gây nhiều tranh cãi, đó là hàng trăm cột điện trên nhiều tuyến đường tại thành phố Hồ Chí Minh được thay da đổi thịt bởi những bàn tay thanh niên tự nguyện trang trí vẽ hoa lên chúng.
Trước đó thì sao, hàng cột điện đen đúa nhem nhuốc bởi tờ rơi quảng cáo, sơn xịt vẽ bậy và nó cứ lừng lững khô khan đứng đó trơ gan cùng tuế nguyệt, không ai hay. Người dân đã quá quen mắt với sự lem nhem đó và mặc định trong tư duy không hề liên quan đến hai chữ thẩm mỹ, chúng chìm lẫn lộn giữa không gian đô thị chật hẹp, nóng bức ngột ngạt khí thải xe cộ.
Tôi đứng sững dưới hàng cột điện trên con đường Lạc Long Quân (quận 11, TP Hồ Chí Minh), một tuổi thơ ùa về bởi những nét vẽ vô cùng đáng yêu. Ô kìa bông hoa giống y chang cùng chúng bạn chung lớp mẫu giáo vẽ tặng mẹ nhân ngày 8-3 lên những miếng bìa đen đúa thời bao cấp những năm 1980. Đúng là bông hoa ấy, tô tròn nụ vàng cánh tỏa năm phía màu đỏ rồi cành xanh tuột thẳng dưới, chiếc lá xanh ngơ ngác mọc lưng chừng.
Điều quan trọng nhất, trong trí tưởng tượng tuổi thơ, hoa này đơn giản là hình họa, thật khó có thể định danh chúng là giống hoa mỹ miều nào, có hay không tồn tại trên đời. Không thể nhầm lẫn đi đâu được, tôi tin chắc có nhiều bạn đọc cũng nhận ra những đóa hoa “vô loài” đó, rưng rưng cảm xúc bởi đã có một tuổi thơ như vậy.
Cũng lại có một đám đông khác trên mạng xã hội Facebook đang mạt sát những tác phẩm được tạo ra bởi sự nhiệt tình kể trên.
“Tôi đến ạ cái lũ nhiệt tình ở xứ tôi. Họ biến cái thành bức tường dán Phiếu bé ngoan của con tôi, mà sao giỏi thế, vẽ cái nào y hệt cái đấy, rất đều!”.
Trang tường ở làng chài Trung Thanh.
“Tôi chúa ghét so sánh, nhất là so sánh với bọn Tây, cơ mà tôi không chịu nổi. Tôi gửi các bạn xem tiếp những bức tranh vẽ tường tại làng chài thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) tác phẩm của một số khách du lịch Hàn Quốc. Tôi không nói đến đẹp xấu, chỉ muốn nói rằng: Vẽ đường phố – không phải chỉ là tô màu… nếu thế kia là vẽ, thì tôi nghĩ bà Thìn cạnh nhà là họa sĩ lâu rồi! Bà ấy ngày xưa chuyên đi quét vôi gốc cây cho đỡ sâu! Bả quét còn đều tay hơn các em SV tình nguyện kia”.
“Tôi đoán thể nào hai đầu đường phố này phải có thêm ghế cho khách du lịch họ ngồi nghỉ, vì cười nhiều quá quặn bụng lại không đi được!”.
Lại nói về làng bích họa trong Quảng Nam, cách đây chừng một năm tôi có ghé thăm. Ngay phía đầu làng Trung Thanh có một lán nghệ sĩ, nôm na là tổng hành dinh của nhóm họa sĩ trong đó có cả nhiều họa sĩ Việt Nam.
Họ lăn lê bò toài dưới đất đến vài chục người, kẻ đứng người ngồi họp bàn, vẽ phác thảo, ướm đồ họa từng ngôi nhà các sáng tác phẩm cùng nhau góp ý. Tất nhiên các tác phẩm của nhóm nghệ sĩ này tô vẽ lên tường nhà dân rất cầu kỳ, như đã thổi một linh hồn của biển, của gió, biến những ngôi nhà lúp xúp khô khan bên cát trắng bỗng sáng lòa. Tôi đánh giá rất cao về vấn đề thẩm mỹ lẫn sự nghiêm túc trong sáng tác, chí ít là vậy.
Cũng dăm tháng trước, một ông Tây “ba-lô” ở trọ trong phố cổ Hà Nội rảnh việc mang sơn xanh đỏ sơn kín ngõ xóm khu vực sinh sống. Xét về cảm nhận, tôi thấy sợ vì chóe lóe quá đà. Tất nhiên người ta, báo chí cũng xô vào khen nhiều lắm, phải chăng cái gì “Tây” làm thì đều có một giá trị nghệ thuật mà người Việt không hiểu được hay chính chúng ta vẫn chưa biết cách đồng cảm để yêu thương, vỗ về cho nhau?
Nếu có một sự nhiệt thành mang tên nghệ thuật, có lẽ bất kể nơi đâu cũng cần những ý tưởng và bàn tay đủ khéo léo và chuyên nghiệp thực hiện. Giống như việc trang điểm của phụ nữ, dù yêu con thế nào cũng không thể để đám trẻ tô lông mày hoặc bôi son cho mẹ được.
Sơn vẽ lên cột điện ở tp. Hồ Chí Minh, ốp tranh gốm Phù lãng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, vẽ lên thuyền thúng ở đảo Lý Sơn hoặc vẽ lên tường nhà ở làng chài Tam Thanh, Quảng Nam…Tất cả những việc làm đó đều hay nếu như có giám tuyển, tức có người chuyên môn chọn lọc họa sĩ cách thức vẽ, chất liệu, nội dung những bức tranh thì mới bảo đảm được hiệu quả thẩm mỹ. Giám tuyển là một yêu cầu bắt buộc vì đây là những dự án nghệ thuật có tính chất cộng đồng, nó ảnh hưởng đến nhiều người trong một không gian rộng. Nếu không có giám tuyển mà là tự phát thì không những không có hiệu quả thẩm mỹ mà lại có tác dụng ngược lại.
LÊ THIẾT CƯƠNG
Nguồn: Báo Nhân Dân
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài