Thương nhớ người bạn – nhà sưu tập tranh Lê Thái Sơn vừa qua đời, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh gửi đến eVan bài viết về chân dung một nghệ sĩ đoản mệnh của làng sưu tập tranh Sài Gòn.

1. Nửa khuya 26/7, tôi đang ngủ say thì điện thoại di động réo liên tục. Mở máy phía bên kia giọng anh Đỗ Huy Bắc lào phào: ”Minh ơi! Lê Thái Sơn nó chết rồi! Trần Hùng từ Hà Nội gọi vào báo! Chưa rõ thực hư  ra sao! Em nhiều bạn bè hỏi kiểm tra thông tin xem!…”.

Lê Thái Sơn chết thì họa có mà đùa! Nó to, khỏe như thế! Trẻ như thế! Tròn trặn bốn mươi bốn tuổi! Nó có thể cười nói phơ phớ cả ngày về chuyện mỹ thuật, tranh pháo chẳng bao giờ chán. Nó cũng sẵn sàng lên đường ngay tắp lự nếu biết ở đâu đó có một nguồn tranh mới cần bán, cần trao đổi. Thậm chí chỉ đến để xem tranh thôi cũng được! Nó mê tranh một cách kinh khủng!


Nhà sưu tập Lê Thái Sơn.

Khi bắt đầu dừng kinh doanh mua bán hóa chất toàn tâm vào chuyện tranh, Sơn đi lê la từ sáng đến chiều, từ khuya đến tối mịt mới mò về nhà. Đố vợ con nào mà chịu nổi!

Thường, Lê Thái Sơn mời anh em đến cà phê sang trọng trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3. Ở đó gần cái sàn giao dịch chứng khoán me mé phố Lê Ngô Cát. Thuận một công hai việc, vừa bàn chuyện tranh vừa nghe ngóng cổ phiếu lên xuống. Được giá thì bán, thấp giá thì mua. Và bao nhiêu tiền kiếm được thường đập hết vào tranh. Khổ thế! Nhiều lần nó chở tôi chạy loanh quanh thành phố ghé ngân hàng rút tiền. Sau đó hai thằng ôm một bọc lên xe hơi phóng đi lấy tranh. Cái nguồn tranh của Sơn cũng là cái kho tiềm ẩn nhiều “thâm kinh bí sử”.

Không biết Sơn nghe ở đâu, quan hệ thế nào mà hóc hẻm Sài Gòn nào còn giữ tranh quí của ai, họa sĩ nào nó đều biết. Khi Sơn mua căn nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch – quận 3 thì gallery Thái Sơn ra đời và tổng hành dinh tranh pháo của Sơn lui về đây với mấy quán cà phê trước ngõ như: Miss Sài Gòn, 69…

Cuộc sống nhiều thâm trầm hơn, đòn đau cũng lắm nên ít tranh luận ngợi ca như xưa. Nhiều khi nó gọi tôi đến chỉ để nhìn thấy nó ngồi một mình buồn rầu với đống tranh. Nó “tử thủ” với tranh khi thị trường nhếch nhác biến loạn không còn ai để ý gì đến tranh pháo nữa! Cổ phiếu chết trước. Tranh từ từ ngắc ngoải theo sau. Tôi ngồi im lặng. Chỉ đến cho nó bớt cô đơn. Hai thằng lọt thỏm giữa tranh và tranh nhiều nỗi niềm mà cũng chẳng biết bắt đầu như thế nào và biết nói gì! Tôi hiểu Sơn chỉ có đủ và thừa ngôn từ để nói về cái đẹp, cái hay của tranh chứ ngoài ra không đủ sức để chuyển qua đề tài khác.

Nó có một cái xe hơi để đi oách ơi là oách thì đùng cái bán vèo vì mua tranh. ”Tôi sẽ mua lại xe lúc khác! Còn bây giờ cần tiền để mua tranh cái đã! Tranh của danh họa, của các cụ không phải lúc nào mua cũng được! Còn xe thì lúc nào chả được!…”, nói rồi nó cười he he.

Nhưng rốt cuộc, tôi thấy Sơn có mua lại xe được đâu! Bởi cái thị trường tranh Việt Nam như ma trơi. Có đó, mất đó! Kẻ sống được thì phần đông phải đi đêm, làm tranh giả, tranh chép để bán… Tôi thấy Sơn như chàng Đôn Ki sốt đánh nhau với cối xay gió. Cái cách sống thẳng phơ của nó nhiều người yêu nhưng lắm kẻ ghét. Đặc biệt với những ai cùng làm nghề!

2. Với mỹ thuật, Sơn không chịu được sự giả dối và sao chép. Cho dù là sao chép ”tinh tướng” đến đâu đi nữa. Và Sơn cho rằng chính việc đi đêm đó của nhiều nhà sưu tập tranh đã phá vỡ thị trường tranh Việt Nam trên thế giới. Làm thị trường này vốn đã manh mún bây giờ càng thảm hại.

Lê Thái Sơn có dịp đi nước ngoài xem các triển lãm Art Singapore, tham gia hội chợ đấu giá tranh quốc tế của các nhà sưu tập Sotheby, Christie’s… Mỗi lần trở về, bao giờ nó cũng điện cho mình mơ ước thế này thế nọ… Tôi thấy nó đẹp như một khát vọng. Ở trong một vũng lầy ít ánh sáng như thị trường tranh Việt, đụng độ với đám ”chợ trời”, ”ma cô” hàng bữa mà nó không để khô đi mới lạ!

Ở gallery Thái Sơn ngoài tranh là bộ sưu tập các cuốn sách, bài báo, bài viết nghiên cứu về tranh của các cây viết phê bình mỹ thuật nổi tiếng như Nora Taylor, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Nguyên Hưng, Nguyệt Cầm, Đông Dương… Nhiều lần để hiểu thêm về hội họa Sài Gòn trước 1975, tôi đã lục tìm tư liệu ở đây.

3. Nhiều người chỉ biết Sơn sưu tập tranh của các họa sĩ trong nước. Ít ai biết Sơn rất mê hội họa nước ngoài mà nhất là tranh của Affandi. Affandi (1907 – 1990), một trong những bậc thầy của mỹ thuật châu Á. Đây là một trong số ít ỏi danh họa có tranh đấu giá cao ngất ngưởng ở Đông Nam Á. Ông theo trường phái ấn tượng Indonesia. Trong sưu tập của Sơn theo tôi biết có tranh của họa sĩ này. Đây cũng là điều bí mật mà rất Sơn rất ít khi tiết lộ.

Đỉnh của giá tranh Affandi vượt xa kỷ lục 500.000 USD. Bức tranh này Affandi vẽ một bầy ngựa kéo cuồn cuộn, hung hãn và rất có không khí. Sơn cho biết tình cờ mua được ở Sài Gòn trong một gia đình trí thức quý tộc thượng lưu hết thời. Chủ nhân bức tranh vốn là một du học sinh tại Paris, Pháp những năm 1930. Thời điểm này, Affandi cũng đang theo học hội họa ở châu Âu. Có thể bức tranh đã được vẽ theo đơn đặt hàng sao đó và người sưu tầm tranh này đã đưa về nước. Thời điểm đó Affandi chưa nổi tiếng. Sau khi ông chết đi bức tranh bị bỏ xó, con cái không ai đoái hoài đến, xuống cấp trầm trọng. Nó được bán đổ bán tháo cùng nhiều tranh khác mà Sơn vẫn hay đùa với mình là ”giá rác”!

Sự thực bức tranh của Affandi Sơn mua với giá bao nhiêu đến nay nó vẫn giữ kín không cho tôi biết. Nó đã làm các trích lục xung quanh bức tranh. Liên lạc qua mạng với bảo tàng danh họa Affandi ở Indonesia để kiểm tra và thực hiện các xác nhận chứng từ. Bước đầu nhân viên giám định bảo tàng xác nhận là có dấu hiệu đây là bức tranh của danh họa từ đường nét, phong cách ông vẽ. Nhưng vì thời gian quá lâu và bức tranh bị hư hỏng khá nặng nên muốn làm các chứng thực tiếp theo phải đưa tranh qua Indonesia giám định trực tiếp và cũng phải tốn một khoảng tiền không nhỏ. Sơn mắt tròn mắt dẹt bàn với mình về chuyến đi này và yêu quý Ngựa đến mức chỉ những người bạn thân nhất mới được xem.

Sơn mất đột ngột, tôi không biết trong gia đình có ai biết được giá trị rất lớn từ bộ sưu tập của Sơn hay không? Nếu không giữ được, bán đổ bán tháo thì thật là uổng tiếc!…

4. Khi quán Cà phê Thứ bảy của nhạc sĩ Dương Thụ ra đời ở đây có treo giới thiệu những bức tranh của họa sĩ Dương Bích Liên. Sơn là người đến và với con mắt nhà nghề nó đã phát hiện ngay đó là tranh giả.

Tuy những bức tranh này ”sơn phết” là lấy từ trong một collection của một nhà sưu tập nức tiếng của Sài Gòn – Hà Nội và cũng tai tiếng là trùm tranh giả! Sơn vô cùng thất vọng. ”Dương Thụ bảo đây là hội quán trí thức! Trí thức tại sao lại treo tranh giả để lừa người khác… Hết chỗ chơi rồi sao?…”. Sau lần đó, Sơn không bao giờ đến quán Cà phê Thứ Bảy nữa! Tôi bán tín bán nghi. Hỏi nó tại sao lại xác tín như thế, liệu có quá hồ đồ và tự tin quá không? Nó đã đưa ra một ví dụ mà tôi từ chỗ phân vân đã thấy có lý: ”Tôi nói tranh giả là bởi tôi là người trong nghề. Tôi biết rõ Dương Bích Liên thực sự có những bức tranh nào? Hiện đang nằm trong những sưu tập của ai? Những bức của họa sĩ giới thiệu ở đây hoàn toàn không có chữ ký của người vẽ… Hơn nữa, nghĩ xem nhé! Tranh Dương Bích Liên hiện đang sốt với giá cao ngất ngưởng… Từ hàng chục ngàn đô trở lên! Có ai treo tranh của một danh họa ở một cái quán nước lơi khơi như treo mỡ trước miệng mèo như thế không?…”.

Tất nhiên! Một người tinh ý như Sơn đá qua là biết ngay! Đáng tiếc là ở Cà phê Thứ Bảy các nhà nghiên cứu nghệ thuật, mỹ thuật tầm cỡ như Nguyễn Quân, Trần Hậu Tuấn… vào ra nói chuyện thuyết trình vanh vách. Cứ xem những bức tranh kia là vô can. Chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Riêng tôi vẫn giữ quan điểm ủng hộ Sơn. Đã là hội quán trí thức thì chỉ có thể là trí thức thật!

5. Sơn có nhiều kỷ niệm làm việc với các văn nghệ sĩ. Từ các họa sĩ Thái Tuấn, Lưu Công Nhân, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Bùi Xuân Phái… cho đến Thuận Hồ, Nguyễn Trung, Hoàng Tường, Lê Thiết Cương. Nhiều lần mình bảo ”Ông có cái nhìn riêng không giống ai! Nên viết lại!”. Nó ngần ngừ. Sau đó Sơn cũng tập tò viết một số bài trên các báo…

Triển lãm Về Nguồn lần cuối cùng của họa sĩ Thái Tuấn, Lê Thái Sơn có đóng góp rất lớn. Tuy vậy, nó vẫn không nói với ai. Những ai biết họa sĩ Thái Tuấn đều biết ông sinh hoạt ăn ở chật hẹp như thế nào ở nhà anh con trai là Thái Kỳ trong xóm Quần Ngựa hay Bến Tắm Ngựa cũ. Bây giờ là đường Lý Chính Thắng. Sơn đã đưa mình đến đó. Mình nhớ mãi hình bóng họa sĩ cao lêu đêu, loay hoay một mình trên căn gác chật chội ờ tầng hai. Vậy mà không phải ai cũng biết căn nhà này ngày xưa là một ”tửu lâu” văn nghệ. Nơi Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Quang Dũng, Bùi Xuân Phái… từng đến.

Khi Thái Tuấn trở về Việt Nam thì bạn bè đã mất gần hết. Năm đó ông đã 93 tuổi. Ước nguyện cuối cùng của ông là được vẽ một phòng tranh bằng những hoài niệm quê hương, một đời sống qua! Lê Thái Sơn đã ủng hộ bằng cách chịu mọi chi phí để mua màu, toan, bút vẽ… cho ông. Khi triển lãm khai mạc ở gallery Tự Do, Sơn nói với tôi: ”Làm sao có thể giữ được tình yêu lâu bền với hội họa như bác Thái Tuấn nhỉ? Đến tuổi của bác, liệu tôi với ông còn tình yêu đó không? Thấy Thái Tuấn vẽ tôi rưng rưng, tôi sướng…!”

6. Buồn Sơn quá!

Đột nhiên bỏ bạn bè! Bỏ tranh!

Chấm dứt cuộc chơi! Không lời trăn trối!

Bốn mươi bốn xuân phơi phới!…

Bỏ tất cả mà ra đi Sơn ơi!…

Tranh và rác…

An Bình, 3 giờ sáng 27/7/2012

Nguồn:eVan

Exit mobile version