Vào những ngày giáp Tết, ở đâu đó ta sẽ bắt gặp những phiên chợ Tết mọc tự phát. Chợ Tết  thường họp từ 25 đến 30 tháng chạp,được bày bán rất nhiều mặt hàng như bánh kẹo, mứt Tết, quất , mai đào. Chợ Tết không chỉ đơn thuần là nơi mua bán chuẩn bị cho năm mới sắp tới, mà còn là một nét văn hóa truyền thống hàng năm của người Việt Nam.



Ở những phiên chợ Tết quê, thông thường nhiều gia đình có “cây nhà lá vườn” tranh thủ đem ra chợ bán để kiếm tiền sắm Tết, xen kẽ là những tiếng cười đùa nô nức của những em nhỏ theo bố mẹ ra chợ bán hàng. Nào gà, nào chuối, nào lá dong, nào đào quất đua nhau được bày bán khắp chợ.


Đâu đó trên con phố Phan Bội Châu bắt gặp một phiên chợ Tết trong lòng Quán Ăn Ngon với hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ tặng khách, những quầy hàng Tết được dựng lên bày bán xung quanh. Quầy hàng Tết tại đây rất đa dạng quầy bán đồ khô như măng, miến, nấm, mộc nhĩ…quầy bán bánh mứt kẹo với các loại mứt Tết đa dạng bên cạnh là quầy rau củ quả với những loại quả đặc trưng của ngày Tết.


Với phong cách chợ Tết đặc trưng, những thức hàng khô như măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, bánh đa nem, bóng bì treo trên gian hàng khô cũng làm du khách phải nán lại mua, xem. Những chiếc bánh chưng được luộc trong suốt 14 tiếng, khi vớt ra có một màu xanh mướt đặc trưng xếp bên những chiếc giò lợn, giò bò, cùng những sản vật vùng miền ngon lạ như khâu nhục, măng vầu Tuyên Quang là những thức quà tết đặc sắc mà du khách có thể mua về dùng hoặc làm quà cho gia đình, bạn bè.


Xã hội ngày càng hiện đại,nhiều nét tốt đẹp trong văn hóa Thăng Long- kẻ chợ ngày một mai một, những đóng góp quý báu cho văn hóa dân gian truyền thống như phiên chợ tết của Quán Ăn Ngon là một điều vô cùng đáng quý.Những hình ảnh đó , dù là ở nơi đâu, đều rất quen thuộc, rất đỗi thân thương. Không khí rộn ràng náo nức tại nơi đây đã tạo nên một phiên chợ đậm chất quê Việt Nam.


Phiên Chợ Tết của Quán Ăn Ngon mở cửa từ ngày 24 đến 26 tháng Chạp hàng năm nhằm phục dựng lại nét văn hóa của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về.

Theo VOV