Gần 40 năm chung sống, nhà văn Chu Lai và vợ – Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng đã cùng nhau vượt qua nhiều gian khó. Cùng là nhà văn và là những người lính, ông bà thấu hiểu những khó khăn, ác liệt của cuộc chiến và có sự đồng cảm trong từng trang viết. Vì thế, các tác phẩm của nhà văn Chu Lai đều có sự đóng góp của nhà văn Vũ Thị Hồng.

Nhà văn Chu Lai và vợ-nhà văn Vũ Thị Hồng
Nhà văn Chu Lai và vợ-nhà văn Vũ Thị Hồng

Nhờ văn chương se duyên

Nhà văn Vũ Thị Hồng là phóng viên mặt trận của quân khu V, còn nhà văn Chu Lai là lính đặc công ở vùng ven Sài Gòn. Sự nên duyên của đôi vợ chồng Chu Lai – Vũ Thị Hồng làm nhiều người lầm tưởng, ông bà đã có thời gian yêu nhau từ trong kháng chiến. Nhưng thực ra, chỉ khi giải phóng miền Nam, trở ra Bắc, nhà văn Vũ Thị Hồng mới gặp nhà văn Chu Lai. Khi ấy, bà đang là biên tập viên của Nhà xuất bản Quân đội, còn nhà văn Chu Lai là phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhờ một trại sáng tác văn học, ông bà đã có dịp gặp nhau.

Ngày ấy, hai phòng ở cạnh nhau nên mỗi lần viết xong một trang bản thảo, Chu Lai lại sang phòng bạn văn – biên tập viên Vũ Thị Hồng để đọc cho bà nghe. Ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” với tốc độ mỗi ngày một chương chỉ vì muốn được sang gặp “người đẹp” thật nhiều. Vốn tính cẩn thận, nữ nhà văn đọc từng câu từng chữ, góp ý cho nhà văn Chu Lai. Sự tâm đầu ý hợp trong viết văn, sự đồng cảm trong từng trang viết đã kết nối nhà văn Chu Lai và Vũ Thị Hồng. Để rồi sau đó, hai nhà văn đã nên duyên vợ chồng.

Ngày mới cưới, ông bà không có nhà để ở, đành mượn tạm một căn phòng của nhà khách quân đội. Nhưng sau ngày cưới 1 tháng, hai vợ chồng lại lên mặt trận biên giới phía Bắc.

Những ngày tháng ở chiến trường, cùng ăn cùng ngủ với bộ đội cứ nối dài thêm với vợ chồng nhà văn Chu Lai – Vũ Thị Hồng. Và chất liệu về người lính mỗi ngày thêm đầy đặn trong mỗi nhà văn. Cuộc chiến kết thúc, hai ông bà lại trở về với công việc thường ngày. Không có nhà, hai vợ chồng đành “ai về nhà người nấy”. Đến khi nhà văn Vũ Thị Hồng sinh con trai đầu lòng, cơ quan mới phân cho ông bà một căn nhà rộng 14m2 ở số 8 phố Lý Nam Đế. Ngôi nhà đã gắn bó nhiều kỷ niệm với gia đình nhà văn Chu Lai – Vũ Thị Hồng. Mãi đến năm 1997, ông bà mới được phân một căn hộ rộng hơn.

Điểm tựa của nhà văn Chu Lai

Sự thành công của nhà văn Chu Lai không thể không kể đến vai trò của người vợ – Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng. Nữ nhà văn tạo điều kiện tốt nhất để ông có thời gian sáng tạo, tham gia các trại viết văn. Nhờ đó, nhà văn Chu Lai đã sáng tác không mệt mỏi, liên tục cho ra mắt các tác phẩm. Mỗi trang viết của ông trước khi ra mắt độc giả thường được nhà văn Vũ Thị Hồng đọc và chỉnh sửa kỹ lưỡng. Ông và bà rất hiểu những con chữ của nhau, bởi đó là những trang viết về chiến tranh và những người lính thì quá hiểu những gian khổ, ác liệt của cuộc chiến. Cũng giống như hồi còn yêu nhau, nhà văn Vũ Thị Hồng luôn lặng lẽ đi bên cạnh người đàn ông sôi nổi, ồn ào, hy sinh và đóng góp ý kiến trong từng trang viết của chồng. Không ít trang viết của nhà văn Chu Lai đã được bà sửa từ các chi tiết nhỏ nhất. Vì hy sinh cho chồng nên nhà văn Vũ Thị Hồng viết ít. Một phần nữa, bà còn làm Trưởng ban Công tác Phụ nữ Quân đội nên cũng bận rộn với các chuyến đi.

Dù đã có các cuốn sách được ra đời như Xóm biển, Tiếng rừng, Có một thời yêu, Trở lại là em và sở hữu dày dạn các chất liệu chiến tranh nhưng Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng đã bắt đầu cảm thấy ngại với con chữ. Vì thế, để giúp bạn đời lấy lại cảm hứng sáng tác, nhà văn Chu Lai đã đích thân lái xe chở bà về thăm chiến trường Quế Sơn, Quảng Nam, những nơi bà đã theo Trung đoàn chủ lực của Sư đoàn 711, Sư đoàn 2, Sư đoàn 3… Ông bà còn ghé qua một vài nơi nhà văn Chu Lai từng chiến đấu. Bà được gặp lại các đồng đội cũ của chồng và nghe họ gọi Chu Lai bằng cái tên “anh Mười” đầy trìu mến.

Được trở lại với nơi mình từng chiến đấu, nhà văn Vũ Thị Hồng đã lấy lại cảm giác cầm bút. Thời gian vừa qua, người đọc đã được đón nhận cuốn tiểu thuyết “Mùa thu ở lại” của bà và sẽ còn tiếp tục đón nhận thêm nhiều đứa con tinh thần nữa của nhà văn Vũ Thị Hồng. Với hai nhà văn quân đội, đề tài về chiến tranh luôn là mạch ngầm xuyên suốt trong các tác phẩm văn chương. Và nhà văn Vũ Thị Hồng sẽ luôn đồng hành cùng những trang viết của nhà văn Chu Lai.

Theo Phạm Thu Hương – An ninh Thủ đô