I
Sau cải cách mở cửa 1986, phê bình văn học Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, thoát khỏi cái khung tư tưởng “văn học phục vụ chính trị”, “văn học là vũ khí đấu tranh giai cấp”, thoát khỏi xu hướng nghiên cứu phê bình chủ yếu tìm tòi “tính Đảng, tính Nhân dân, tính giai cấp…” để chuyển sang thời kì nghiên cứu bản thể luận, trong đó xu hướng chủ yếu là tìm kiếm tính thẩm mĩ của văn học. Bước sang thế kỉ mới, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa xã hội, đời sống văn học cũng xuất hiện những nhân tố mới đòi hỏi phê bình văn học kịp thời điều chỉnh thích nghi.
II
1. Bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng xã hội tiêu dùng tác động đến toàn bộ xã hội, và hoạt động văn học cũng không ngoại lệ. Ở nước ta, đã đến lúc bàn đến vấn đề kinh tế – hàng hóa, hàng hóa – kinh tế, sản phẩm văn hóa cũng được nhìn từ góc độ hàng hóa, quy luật thị trường chi phối hoạt động văn học, từ sáng tạo đến xuất bản, lưu thông, truyền bá. Hiện tượng sáng tác để tặng nhau đã lùi sâu vào quá khứ (tất nhiên hiện nay, vẫn có những người bỏ tiền ra tự in thơ, in truyện tặng nhau, nhưng là số ít, và hầu như không có ảnh hưởng gì đến đời sống văn học), hiện tượng nhà văn ăn lương để sáng tác cũng không chiếm phần lớn như trước nữa, đã xuất hiện những nhà văn hoàn toàn sống bằng ngòi bút của mình, chính vì thế, họ cần phải quan tâm đến vấn đề tiêu thụ, đến lợi nhuận, từ đó kéo theo hàng loạt những biến động trong động cơ sáng tạo, quan hệ giữa tác giả và độc giả cũng như bản thân quá trình sáng tạo. Để có thể tiêu thụ được sản phẩm của mình, nhà văn không thể chỉ quan tâm đến việc phơi bày những tâm tư, cảm nhận, tư tưởng của mình về thế giới, về nhân sinh, mà còn phải đặc biệt quan tâm đến nhu cầu của độc giả cùng thời, từ đó điều chỉnh việc chọn đề tài, cách viết, và thậm chí cả tốc độ viết. Không phải ngẫu nhiên, văn học Việt Nam hiện nay xuất hiện hàng loạt các sáng tác viết về đời sống của giới trẻ “năng động, nổi loạn, cô đơn, hưởng thụ”[1] và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ giới trẻ. Khi lí luận tiếp nhận văn học được đưa vào Việt Nam, các nhà nghiên cứu phê bình vẫn chưa tập trung nghiên cứu sự tương tác giữa người sáng tạo và người tiếp nhận dưới ảnh hưởng của kinh tế thị trường, điều đó đồng nghĩa với việc chưa thực sự chú ý đến sự ảnh hưởng của lượng độc giả thực tế trong cơ chế hàng hóa đến bản thân quá trình sáng tạo của nhà văn. Sáng tác chạy theo thị trường rất dễ hủy hoại những giá trị thẩm mĩ vốn có của văn học. Nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra lo lắng trước vấn đề này. Nhưng không ai dám khẳng định một cách dứt khoát toàn bộ những tác phẩm hướng tới phục vụ nhu cầu thị trường đều là tác phẩm vứt đi. Cho dù thế nào đi nữa, những tác phẩm hướng tới phục vụ thị trường vẫn đã và đang tham gia trực tiếp vào hoạt động văn học, bao gồm cả hoạt động sáng tác, truyền bá và tiếp nhận. Ở Trung Quốc, sự xuất hiện và ảnh hưởng của văn học 8x là sản phẩm tiêu biểu nhất cho dấu hiệu của cơ chế thị trường trong hoạt động văn học. Trào lưu này xuất hiện trước tiên là do các nhà xuất bản muốn tìm kiếm một lực lượng sáng tác mới, một lực lượng tiêu thụ sản phẩm sáng tạo mới, sau đó, bằng các chiêu lăng xê, quảng cáo, họ đã tạo nên các “thương hiệu” như Hàn Hàn, Quách Kính Minh, Lâm Thiên Vũ… Trong thời điểm hiện nay, chúng ta thể nghiệm sâu sắc vấn đề “Độc giả: thượng đế của văn học”[2]. Đứng trước thực tế này, phê bình văn học sẽ phê phán gay gắt, coi sáng tác phục vụ thị trường là rác rưởi hay tìm cách lí giải, điều chỉnh hướng đi của sáng tác để phát huy những nhân tố tích cực của thị trường? Những gì thuộc về quy luật thì không thể cưỡng lại được. Trong một lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình, đạo diễn Nguyễn Hoàng khi trả lời câu hỏi: nếu phải lựa chọn giữa làm phim nghệ thuật và phim thị trường, ông sẽ chọn cái gì? Ông đã không ngần ngại trả lời “chọn làm phim thị trường”. Ông cho rằng, làm phim nghệ thuật, chủ yếu cho một số ít nhà phê bình điện ảnh ngồi tấm tắc với nhau, còn làm phim thị trường, có khán giả thì mới có tiền, và điều cơ bản hơn, độc giả chính là sức sống, là lí do ra đời và tồn tại của nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Vì thế, trong thời điểm hiện nay, có lẽ, cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề độc giả, vấn đề người tiếp nhận trong toàn bộ hoạt động văn học, đồng thời chú ý hướng tới khám phá, phân tích nhu cầu thị trường, tâm lí độc giả cũng như sự tương tác giữa nó với nhà văn và bản thân quá trình sáng tạo. Cũng không nên vội vàng phủ nhận những tác phẩm xuất hiện với mục đích phụ vụ thị trường tiêu thụ. Dù thế nào, đây cũng là một hiện tượng tồn tại thực tế ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện văn học hiện nay.
2. Sự phát triển của phương tiện truyền thông và sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng cũng tác động không nhỏ đến toàn bộ hoạt động văn học. Sự phát triển của điện ảnh, truyền hình, video, internet, máy ảnh, các trò chơi điện tử, karaoke…tạo ra xu hướng đề cao chức năng vui chơi giải trí và thể nghiệm thị giác của văn hóa. Dường như mọi lĩnh vực đều được thị giác hóa, hình ảnh hóa. MTV làm âm nhạc được thị giác hóa, truyền hình, điện ảnh đã làm văn học được thị giác hóa… Điều này dẫn đến hiện tượng không ít người thích xem phim hơn đọc truyện, khả năng tưởng tượng nắm bắt hình tượng thế giới nghệ thuật trong tác phẩm văn học thông qua ngôn từ bị ảnh hưởng.[3] Trong bối cảnh văn hóa thị giác trỗi dậy, văn học bị đẩy ra bên lề, ở một góc độ nào đó, vị trí của nó trong cộng đồng nghệ thuật bị giảm sút, nhưng nó lại tìm thấy cơ hội phát triển của mình trong sự “hợp tác” với điện ảnh. Trong hoàn cảnh này, văn học không thể không chú ý đến việc thực hiện chức năng giải trí, không thể không chú ý đến vấn đề văn hóa đại chúng. Khi văn hóa đại chúng trỗi dậy thì tất cả những thứ thuộc về kinh điển có xu hướng bị giải trừ, những thứ thuộc về “đại tự sự” bị tấn công, biên giới của văn hóa tinh anh bị thu hẹp. Ngày nay, rất ít người đủ nhẫn nại để đọc những cuốn tiểu thuyết hàng trăm trang với những tư tưởng triết lí sâu sắc kiểu như Tội ác và trừng phạt của Dostoiepski hay Suối nguồn của Ayn Rand, kéo theo tình trạng coi trọng những tác phẩm “cỡ nhỏ”. Sự xuất hiện của Sát thủ đầu mưng mủ (đã bị thu hồi) như một biểu hiện cực đoan của sự đề cao chức năng tiêu khiển của văn học cũ. Diêu Văn Binh từng nói: “Tiêu khiển giải trí vốn là nhu cầu đời sống tinh thần bình thường của con người, nhưng nếu coi nó là giá trị chủ yếu, từ đó hình thành mô hình tiêu dùng tinh thần theo kiểu “ăn nhanh” thì không chỉ làm cho văn hóa trở nên tầm thường đơn điệu mà còn khiến cho đại chúng trả nên đơn điệu tầm thường”[4]. Độc giả của văn học Việt Nam hiện nay ít nhiều bị ảnh hưởng bởi bầu không khí trỗi dậy của văn hóa đại chúng với sự đề cao chức năng giải trí tiêu khiển và văn hóa thị giác đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sáng tạo văn học. Sự biến đổi của thị hiếu thẩm mĩ cũng là một vấn đề mà phê bình văn học hiện nay cần quan tâm, từ đó có thể lí giải một số khía cạnh khác của hoạt động văn học.
3. Sự xuất hiện của internet tạo ra biến đổi lớn về lực lượng sáng tác, phương thức sáng tác, xuất bản, truyền bá, cách đọc và sự tương tác giữa tác giả và độc giả. Với internet, sáng tác văn học không còn thuộc về số ít người mà thuộc về tất cả mọi người, ai cũng có thể sáng tác và công bố tác phẩm của mình, chỉ cần một máy tính nối mạng, một website hoặc đơn giản chỉ cần một account là có thể công bố tác phẩm của mình. Văn học mạng ra đời, văn học blog xuất hiện với tốc độ viết nhanh, phần lớn thiên về phơi bày cá nhân, việc lấy một nickname đã khiến cho người sáng tác tự do trong việc bộc bạch những gì thuộc về riêng tư thầm kín. Việc dùng máy tính để sáng tác cũng làm cho quá trình sáng tác khác hẳn với dùng giấy mực sáng tác. Việc dùng máy tính sáng tác không đòi hỏi nhà văn phải trải qua quá trình cấu tứ nghiêm ngặt hoàn chỉnh, không cần thiết phải sắp xếp thỏa đáng viết gì trước viết gì sau, chuẩn bị kết thúc như thế nào, không nhất thiết phải chuẩn bị đầy đủ chu toàn tài liệu mới có thể ngồi viết. “Vì con chuột máy tính chỉ vào đâu là có thể thêm hoặc xóa đi ở đó, cấu tứ hoàn chỉnh rõ ràng trở thành thừa thãi, sự chuẩn bị đầy đủ tài liệu cũng không cần thiết. Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến đâu viết đến đó, viết đến đâu nghĩ đến đó”[5]. Khi hoàn thành sáng tác, chỉ cần một cú kích chuột là tác phẩm được công bố rộng rãi trên internet, đến với đông đảo mọi người, không cần thông qua biên tập, kiểm duyệt. Đối với kiểu sáng tác này, dấu vết bản thảo như một căn cứ để người nghiên cứu nắm bắt quá trình tư duy, quá trình sáng tác của nhà văn cũng không tồn tại. Cách đọc trên mạng dưới sự chi phối của phương thức tìm kiếm, lên mạng chỉ cần gõ một từ, chúng ta có được hàng trăm kết quả, đang đọc văn bản này lại vội vàng chuyển sang văn bản khác khiến cho việc đọc thiên sang nắm bắt thông tin, ít nhiều làm mất đi sự “trầm tư” trong tiếp nhận, mà trầm tư mặc tưởng mới là trạng thái phù hợp nhất với sự tiếp nhận văn học. Trước kia, sự tương tác giữa tác giả và độc giả rất hạn chế, nhưng với internet, khi nhà văn công bố tác phẩm của mình, họ có thể trực tiếp nhận được các comment phản hồi phong phú, tức thì, thông qua đó nhà văn có thể nắm bắt được số lần view và các chiều hướng phản hồi, từ đó điều chỉnh cách viết cũng như quyết định cho tác phẩm được xuất bản thành sách hay không xuất bản thành sách. Không những thế, tác giả không chỉ thông qua tác phẩm giao lưu với độc giả của mình, mà còn có thể trực tiếp trao đổi với độc giả tạo nên tính liên tục, trực tiếp, tức thì trong giao lưu. Comment của độc giả ở một khía cạnh nào đó cũng chính là một kiểu phê bình, vì thế, sự tồn tại của sự tương tác giữa tác giả và độc giả không chỉ tạo nên tính dân chủ, cởi mở mà còn góp phần tạo nên cục diện “đại chúng hóa” trong phê bình văn học. Trước những biến động lớn như vậy, phê bình văn học Việt Nam hiện nay cần phải làm gì để thích ứng? Một điều rất dễ nhận thấy là bản thân phê bình văn học có tính hiện đại, tính cập nhật, tính thời sự, thì trong hoàn cảnh internet phát triển, văn học mạng trở thành một bộ phận không thể thiếu của văn học, phương thức sáng tạo, tiếp nhận và truyền bá đã khác xưa, thì phê bình văn học càng phải nâng cao hơn nữa tính kịp thời, nhanh nhạy trước các hiện tượng văn học, đồng thời phải quan tâm nhiều hơn đến cơ chế sáng tạo, tiếp nhận trong thời đại kĩ thuật số.
4. Xu hướng thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật và đời sống thường nhật hóa hoạt động thẩm mĩ ở Việt Nam cũng tác động mạnh mẽ đến phê bình văn học. Trong xã hội hiện nay, những loại hình nghệ thuật kinh điển trước kia là nơi thể hiện tập trung tính thẩm mĩ như vũ đạo, âm nhạc, điêu khắc, kịch, tiểu thuyết, thơ ca, hội họa…, đặc biệt là những môn nghệ thuật quý tộc không còn chiếm vị trí trung tâm nữa. Tính thẩm mĩ, tính văn học mà nghệ thuật kinh điển theo đuổi bị suy thoái, thay vào đó là sự mở rộng phạm vi thẩm mĩ và sự hưng thịnh của một số hoạt động mang chuẩn thẩm mĩ mới như quảng cáo, ca khúc thời thượng, thời trang, phim truyền hình nhiều tập, thiết kế môi trường, quy hoạch đô thị, trang trí nội thất… Cái đẹp, nghệ thuật hiện hữu ngay trên những tờ quảng cáo. Môi trường hoạt động nghệ thuật trước kia giữ một khoảng cách nghiêm ngặt với đời sống thường nhật thì ngày nay lại nhập vào đời sống đại chúng, hoạt động nghệ thuật xuất hiện nhiều hơn ở các quảng trường, trung tâm mua sắm, siêu thị cao cấp, hoa viên trung tâm và các không gian khác. Ở những môi trường này, hoạt động văn hóa, thẩm mĩ, buôn bán, hoạt động xã hội hòa làm một, giữa chúng không tồn tại ranh giới rõ ràng. Xu hướng đời sống thường nhật hóa thẩm mĩ xuất hiện điển hình hơn ở các nước phương tây phát triển, nó là sản phẩm của chủ nghĩa tiêu dùng, của văn hóa tiêu dùng. Mặc dù xã hội Việt Nam chưa phải là xã hội tiêu dùng, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chủ nghĩa tiêu dùng ảnh hưởng toàn cầu, ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, mức độ ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng càng ngày càng rõ nét. Trong chủ nghĩa tiêu dùng, giá trị hàng hóa không nằm ở giá trị trao đổi vốn có mà nằm ở việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Tiêu dùng trở thành cơ sở quy loại của tất cả, đồng thời cũng thành cơ sở cho hoạt động văn hóa nghệ thuật. Con người không chỉ tiêu thụ hàng hóa vật chất mà phần nhiều là tiêu dùng quảng cáo, tiêu dùng thương hiệu, kí hiệu…Chúng ta đang dần dần tiến vào thời kì văn hóa hàng hóa hóa, tiến vào thời đại tiêu dùng. Sự phát triển của truyền thông đại chúng cũng góp phần không nhỏ vào việc hình thành xu thế đời sống thường nhật hóa thẩm mĩ ở Việt Nam. Đào Đông Phong khi nghiên cứu về vấn đề này ở Trung Quốc đã từng nói: “Không thể phủ nhận, thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật và đời sống thường nhật hóa hoạt động thẩm mĩ đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong phương thức sản xuất, truyền bá, tiêu dùng của văn học nghệ thuật và toàn bộ lĩnh vực văn hóa, thậm chí thay đổi định nghĩa liên quan đến “văn học”, “nghệ thuật”… Điều này nên xem là sự khiêu chiến đối với nghệ thuật, đồng thời cũng là cơ hội hiếm có của nó”.[6] Thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật đã xóa bỏ khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống. Trong bối cảnh này, thật khó để có thể tìm thấy cái gọi là “thuần văn học”. Phê bình văn học nếu lẩn tránh hiện tượng thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật, lảnh tránh sự mở rộng phạm vi thẩm mĩ, chỉ tập trung nói về những tác giả tác phẩm kinh điển trong lịch sử, nếu chỉ căn cứ trên những tác phẩm như vậy để khái quát thành quy luật vĩnh hằng của văn học thì khó có thể thiết lập được quan hệ tích cực với đời sống thường nhật và môi trường công cộng, cuối cùng sẽ tự làm mình khô héo. Vì thế, trong thời điểm hiện nay, phê bình văn học không thể chỉ dừng lại ở “nghiên cứu nội tại”, cần phải mở rộng phạm vi nghiên cứu mà cụ thể là thiết lập hướng phê bình văn hóa, như vậy mới có thể tiến hành phân tích giải thích sâu sắc nguyên nhân xã hội sâu xa dẫn đến sự xuất hiện của các hiện tượng văn học. Giáo sư Kim Nguyên Phủ từng khẳng định: “Chuyển hướng văn hóa của văn học đương đại là xu thế phát triển chung của lịch sử, đồng thời cũng là kết quả vận động của các yếu tố nội tại của văn học”.[7]
5. Bối cảnh toàn cầu hóa cũng tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó có phê bình văn học. Đối với phê bình văn học ở một quốc gia, toàn cầu hóa không còn nghi ngờ gì nữa đã trở thành một góc nhìn không thể thiếu. Toàn cầu hóa là sự thể nghiệm mang tính tương hỗ, tính cộng sinh toàn cầu của con người hiện đại, là “phương thức tư duy có tính tương tác hoặc cộng sinh toàn cầu khi chúng ta khảo sát một vấn đề thực tại nào đó, tức là phương thức tư duy khảo sát một vấn đề của một khu vực nhất định xuất phát từ sự tương tác mang tính toàn cầu. Mỗi sự thay đổi ở một khu vực không đơn giản do khu vực đó quyết định mà là có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với khu vực xa xôi khác trên thế giới hoặc với sự phát sinh thế này hoặc thế khác của chỉnh thể thế giới”.[8] Toàn cầu hóa không đơn giản là toàn cầu nhất thể hóa, “khi nói đến văn hóa toàn cầu hóa không có nghĩa đơn giản chỉ là chỉ xu thế toàn cầu nhất thể hóa của văn hóa, mà là khảo sát hiện tượng văn hóa ngày nay từ góc độ toàn cầu hóa, nhìn ra quan hệ tương tác, cộng sinh giữa các khu vực trong quá trình văn hóa, đặc biệt là nhìn thấy sự đối thoại đa nguyên giữa văn hóa các dân tộc trong quá trình văn hóa toàn cầu.”[9]. Toàn cầu hóa tất nhiên dẫn đến xu hướng đối thoại đa nguyên văn hóa, và trong sự đối thoại đa nguyên này, văn hóa mỗi dân tộc quyết không chấp nhận sự đồng chất hóa, mà ngược lại, nỗ lực tìm kiếm vẻ riêng biệt độc lập của chính mình. Trong thời điểm hiện nay, phê bình văn học nên vận dụng góc nhìn toàn cầu hóa nhằm khảo sát, phân tích lí giải các hiện tượng văn học bằng cách đặt nó vào trong môi trường rộng lớn hơn với những biến đổi, thẩm thấu, nhìn thấy tình khác biệt, tính đa nguyên, tính đa dạng, sự liên quan của hiện tượng văn học được sinh thành. Toàn cầu hóa mang lại một cái nhìn mới đồng thời cũng tạo nên những thách thức mới cho phê bình văn học. Trong thời đại toàn cầu hóa, tính chất “tạp giao, thẩm thấu lẫn nhau” giữa các hiện tượng nổi lên như một đặc trưng tiêu biểu. (ở đây, “tạp giao” chỉ trạng thái các hình thái văn hóa khác nhau (bao gồm cả hứng thú thẩm mĩ, thể thức nghệ thuật, hình thức văn học…) cùng tồn tại, “thẩm thấu lẫn nhau” chỉ trạng thái các hình thái văn hóa khác nhau cùng tồn tại và thẩm thấu vào nhau). Trong bối cảnh này, văn học thể hiện rất rõ tính liên văn bản. Văn bản văn học được tạo thành từ sự tạp giao tương hỗ giữa hai thể loại trở lên, như tiểu thuyết, thơ ca, kịch, nhật kí, phóng sự, và tìm cách dung hòa nhiều phương thức thể hiện như tự sự và trữ tình, độc thoại và đối thoại, ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ sách vở, ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ địa phương, hiện thực và lãng mạn…. Cũng chính vì thế, sáng tạo văn học luôn hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa chồng chéo, không ngừng sinh thành và mất đi, dường như không có giới hạn nào trong việc sinh thành hình tượng, tạo nên sự xuất hiện, phát triển của hình tượng, độc giả có thể căn cứ vào bản thân mình tại “thời điểm đó” để tiếp nhận từ những góc độ khác nhau, có được những thể nghiệm khác nhau. Tác phẩm văn học kiểu này dường như chỉ là những phiến đoạn, những mảnh vỡ ghép lại, người đọc có thể tự do tổ hợp lại theo hứng thú, kinh nghiệm, trình độ của mình. Mỗi thể loại xuất hiện trong tác phẩm của thể hiện những nét riêng của mình, nhưng dưới sự tổ hợp của nhà văn, thông qua cảm nhận của người đọc mà có được sự cộng hưởng vừa thống nhất vừa đa dạng. Phê bình văn học hiện nay cũng cần lưu ý đến vấn đề này và xem nó như một biểu hiện của văn học thời kì toàn cầu hóa. Trong thời đại toàn cầu hóa, ở nước ta, các lí thuyết phê bình phương Tây được giới thiệu một cách rộng rãi tạo nên cục diện mang tính đa nguyên trong lí thuyết phê bình văn học. Phê bình kí hiệu học, Phê bình phân tâm học, Tự sự học, Chủ nghĩa cấu trúc, Mĩ học tiếp nhận, Phê bình nữ quyền…. đã được giới thiệu vào Việt Nam và gặt hái được những thành quả nhất định. Vấn đề đặt ra là vận dụng các lí thuyết ngoại lai như thế nào cho phù hợp với thực trạng văn học Việt Nam, phê bình văn học Việt Nam phát triển như thế nào trong sự tương tác với các lí thuyết phê bình phương Tây?
III
Có thể nói phê bình văn học Việt Nam hiện nay đang đứng trước vô vàn thách thức mới mà sức tác động của cơ chế thị trường, xã hội tiêu dùng, sự bùng nổ của phương tiện truyền thông kĩ thuật số, sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng, sự phổ cập của internet, bối cảnh toàn cầu hóa mới chỉ là những biểu hiện dễ nhìn thấy nhất, tác động rõ nét nhất đến toàn bộ hoạt động văn học, từ khâu sáng tác, xuất bản, truyền bá đến tiếp nhận. Ứng phó với mỗi một thách thức có một cách giải quyết riêng, nhưng trên tổng thể, vấn đề đặt ra phê bình văn học hiện nay là thích ứng hơn nữa với diễn biến mới của thực tiễn văn học, tự trang bị quan niệm, cách tiếp cận phù hợp. Cần tổ chức dịch thuật giới thiệu một cách có hệ thống các lí thuyết phê bình phương Tây hiện đại, từ đó sàng lọc, vận dụng vào tìm hiểu văn học nước nhà, hình thành cục diện đa diễn ngôn trong phê bình văn học.
Bắc Kinh ngày 14 -11-2011
[1] Ba nữ nhà văn 8x Việt Nam đang được săn tìm, http://giadinh.net.vn
[2] Chu Đống Lâm chủ biên: Văn học tân tư duy, Nxb Giáo dục Giang Tô, 1996,tr2 bản tiếng Trung
[3] Xem Triệu Dũng: Phương tiện truyền thông đại chúng và sự biến đổi văn hóa.Nxb Đại học Bắc Kinh, 2010, bản tiếng Trung
[4] Nhìn sự chuyển biến thẩm mĩ đương đại từ góc độ văn hóa đại chúng. Báo Học viện giáo dục An Huy, 1-2001. Bản tiếng Trung
[5] Triệu Dũng: Thấu thị đại chúng văn hóa. Nxb Văn sử Trung Quốc, năm 2004, tr251
[6] Thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật và sự trỗi dậy của nghiên cứu văn hóa – kiêm bàn về văn nghệ học. Khoa học xã hội Triết Giang, 1-2002
[7] Bàn về “chuyển hướng văn hóa” trong văn nghệ học đương đại Trung Quốc.Nghiên cứu văn học, số 5-2011, tr59
[8] Vương Nhất Xuyên: Toàn cầu hóa và sự biến đổi của văn nghệ trong thế kỉ giao thoa. Nxb Đại học Sư phạm Bắc Kinh, 2001, tr4. Bản tiếng Trung
[9] Sđd, tr6
Nguồn: * Tham luận Hội thảo Nghiên cứu – phê bình văn học hiện nay, Viện Văn học, 12/1/2012. Copyright © 2012 – PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Nguồn: Vannghetre