Với các hiện tượng văn học đáng chú ý như chất lượng dịch thuật, trình diễn thơ Vi Thùy Linh, sách phê bình của Đặng Thân…, giới phê bình hàn lâm hầu như “im hơi lặng tiếng”. Những vấn đề này được nêu trong hội nghị lý luận phê bình hôm 5/6 ở Tam Đảo.
Việc Hội nghị lý luận phê bình văn học toàn quốc tại Tam Đảo trong hai ngày 4-5/6 không thực sự đặt trọng tâm vào giới phê bình trẻ và các hiện tượng văn học đang nóng khiến nội dung ít sôi nổi. Theo chương trình hội nghị, lớp trẻ hầu như chỉ được “cất tiếng nói” vào buổi làm việc cuối cùng và trong suy nghĩ của nhiều người tham dự, cả già lẫn trẻ, đó là một điều đáng tiếc.
Một điều đáng tiếc khác là hội nghị chỉ nêu chứ chưa “mổ xẻ” kỹ các vấn đề thời sự của văn học, trong đó có chuyện dịch thuật đang rất được quan tâm. Hội nghị năm nay là lần thứ ba, 2 lần trước đây vào năm 2003 và 2006.
|
1. GS Phong Lê nêu vấn đề: “Đêm thơ của Vi Thùy Linh ở Nhà hát Lớn Hà Nội cuối năm ngoái, chính tác giả lên sân khấu trình diễn, có sự có mặt của những nhân vật nổi tiếng, được báo chí đưa tin, nhưng sau đó số phận của hai tập thơ và văn xuôi (những tác phẩm mới của tác giả được giới thiệu qua đêm thơ – TT&VH) thế nào? Không thấy ai nói. Hội thảo thơ về Nguyễn Quang Thiều rất lớn, tổ chức trong một ngày trong một hội trường lớn, dư âm ra sao?”.
“Tập phê bình tiểu luận Dị nghị luận – Đồng chân dung của nhà văn Đặng Thân và những lời khen rất có cánh sau bìa sách, được tô đậm như một tác phẩm rất có giá trị, nhưng cũng không có phản hồi gì từ Hội Nhà văn. Tại sao lại im ắng như thế?” – lời GS Phong Lê.
Nhưng các hiện tượng mà GS Phong Lê đã gọi tên, về sau trong hội nghị không có ý kiến trao đổi lại nào đáng kể, ngoài việc nhà phê bình Văn Chinh (vừa được giải thưởng phê bình của Hội Nhà văn) khẳng định lại với ông rằng Dị nghị luận – Đồng chân dung là một cuốn sách rất có giá trị.
2. Ông Phạm Xuân Nguyên là nhà phê bình duy nhất nêu ra chủ đề phê bình dịch thuật, hướng đến một vấn đề đang nóng hiện nay. “Tôi muốn đi vào vấn đề thời sự: dịch thuật gây ra dư luận trong thời gian gần đây” – ông nói – “Điều đáng mừng là sách dịch được quan tâm, trình độ người đọc xét về trình độ ngoại ngữ đã nâng lên”.
“Nhưng, điều đó lại gây ra những vụ tranh cãi làm rối dư luận. Báo chí có công phát hiện nhưng xin nói thẳng là không đủ thẩm quyền để phán xét một tác phẩm có phải là thảm họa dịch thuật hay không, và nhiều lúc báo chí làm cho tình hình có vẻ quá phức tạp. Như nhà phê bình Trần Thiện Khanh đã nói, trong những trường hợp như thế, phê bình hàn lâm cần phải phối hợp với phê bình truyền thông thì lại không làm”.
“Phê bình văn học phải đi cùng với văn học chứ không phải định hướng cho văn học. Chừng nào còn xa cách đời sống văn chương, chừng ấy phê bình còn mất hiệu lực là tiếng nói phản biện văn chương và xã hội” – theo nhà phê bình Đoàn Ánh Dương.
Nếu không bám sát đời sống sáng tác và đưa ra nhận định về những hiện tượng văn học mới, thậm chí cực mới và khiến người ta hoang mang, hoạt động nghiên cứu phê bình văn học đại học Việt Nam sẽ thành một “ngành nghiên cứu xác ướp” – từ dùng của TS Đỗ Văn Long, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Trông chờ ở người trẻ và “những người ở lại” “Nếu có thể đảo lộn chương trình hội nghị từ hôm qua đến hôm nay thì tôi nghĩ đáng ra phải cho các nhà phê bình trẻ phát biểu đầu tiên và chúng ta sẽ thảo luận những chủ đề mà họ đưa ra” – nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân góp ý khi buổi thảo luận cuối cùng của hội nghị vào sáng 5/6 sắp kết thúc. Nhà phê bình nổi tiếng thẳng thắn Nguyễn Hòa thì chia sẻ: “Một số đại biểu đến dự, được giới thiệu trang trọng, phát biểu xong vào ngày hôm qua rồi bỏ về. Tại sao đến phát biểu rồi về? Mong mỏi gì ở những người đến đây phát biểu rồi về? Tôi chỉ hy vọng ở những người còn ở lại cho đến lúc này”. |