Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III với chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của lý luận, phê bình văn học”, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra trong hai ngày 4-5/6/2013, tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến dự có đồng chí Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch; TS. Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Dương Thị Tuyến – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; PGS.TS Đào Duy Quát – Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng hơn 100 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học trên toàn quốc. Điều hành Hội nghị gồm có: nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà phê bình Lê Quang Trang, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, PGS. TS. Phan Trọng Thưởng, TS. Lê Thành Nghị.

Sau diễn văn khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh, phát biểu chào mừng của bà Dương Thị Tuyến, TS. Lê Thành Nghị báo cáo đề dẫn “Lý luận phê bình trước thực tế sáng tác hôm nay”. Tiếp theo đó là các tham luận và trao đổi. Trong 2 ngày làm việc, đã có gần 50 tham luận và ý kiến được trình bày, phát biểu tại Hội nghị. Dưới đây, chuyên trang Văn học quê nhà- Báo điện tử Tổ Quốc trích đăng một số đánh giá về phê bình văn học hiện nay và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động này.


Nhìn từ góc độ quản lý văn hóa văn nghệ

Lê Thành Nghị: phê bình trực chiến bây giờ ở trong tay các nhà báo

Lý luận văn học đang trong tình trạng kém năng động so với sáng tác… tự nó buông lỏng vai trò dẫn dắt sáng tác”. “Các luận điểm của lý luận Mác xít, của đường lối văn nghệ của Đảng tránh lối vận dụng máy móc đã đành, nhưng lại có biểu hiện không được vận dụng như là một bộ phận thường xuyên phải gắn với sự xanh tươi của đời sống văn nghệ, mà nhiều khi như là những viện dẫn mang tính minh họa, thậm chí có thể có quan niệm e ngại sợ sa vào giáo điều, bảo thủ… Khác hẳn với trước đây, nhưng nguyên lý mỹ học Mác xít thường được trích dẫn như là chìa khóa, như là những hòn đá tảng để diễn giải các hiện tượng văn học, thì lúc này tần suất những ý kiến của lý luận phương Tây đang có xu hướng bị lạm dụng”. “Không phải tất cả những lý thuyết của nước ngoài đều phù hợp, tương thích với tầm đón đợi của công chúng tiếp nhận Việt Nam. Đấy là chưa nói chính phương Tây cũng đang có những biểu hiện khủng hoảng, nhiều lý thuyết xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ XX, có thứ đã bị vượt qua, có thứ bị chính tác của nó bác bỏ, thay đổi. Trong một số công trình lý luận gần đây có tác giả quá nhấn mạnh vai trò bản năng của sáng tạo văn học trong khi bỏ qua ý nghĩa xã hội – lịch sử của tác phẩm, quá nhấn mạnh hình thức nghệ thuật mà có phần xem nhẹ nội dung, hoặc không xem xét nội dung trong mối quan hệ với hình thức, có tác giả, đặc biệt là các tác giả trẻ vận dụng lý thuyết chưa nhuyễn, còn nặng về thích thú giới thiệu các khái niệm trong khi ít bám sát, hoặc không xuất phát từ thực tế văn học Việt Nam”.

“Nhìn chung phê bình văn học vẫn là khâu yếu nhất của văn học hôm nay. Đó là:

– Phê bình dường như đứng ngoài cuộc cho nên không bao quát được tình hình sáng tác đang có nhiều thay đổi. Thiếu những công trình nhìn nhận kịp thời cái đang diễn ra của đời sống văn học, từ đó thiếu những nhận định khoa học về một thực thể đang biến đổi. Cái tích cực chưa được khẳng định mạnh mẽ, cái tiêu cực chưa được ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, phê bình đôi khi tỏ ra lúng túng trước cái mới… Từ việc không bao quát được hết thực tế sáng tác, đến lúng túng, và ngộ nhận trước những biểu hiện khác biệt của thực tế sáng tác văn học, phê bình chưa thực sự đáng tin cậy, và vì vậy chưa có hiệu quả cao trong việc tác động vào công việc của người sáng tạo, của người tiếp nhận như là một hệ quả

– Thiếu tính chuyên nghiệp trong những bài viết biểu hiện trên cả hai khía cạnh: trong khi có hiện tượng sính lý thuyết, thiếu thực tiễn thì vẫn có nhiều bài viết theo lối cảm nhận cảm tính, đặc biệt là phê bình báo chí…. Phê bình trên báo chí thường rất ăn xổi ở thì. Phóng viên báo chí có thể viết đủ thể loại từ văn học đến sân khấu, điện ảnh, lễ hội dân gian… cho nên kiến thức thường không sâu, bài viết thường mang tính quảng cáo. Hoặc là tâng bốc, giật tít to nhưng nội dung bài viết lại nghèo nàn, thiếu thuyết phục. Hoặc rồi đọc qua loa rồi khen chê cảm tính, rất ít khi được nhìn nhận theo một cơ sở lý thuyết nào đó. Nếu kiểu phê bình văn học sính lý thuyết, thiếu thực tiễn thể hiện sự lúng túng của người viết, tạo ra sự rối rắm trong tiếp nhận, thì kiểu phê bình báo chí nặng về cảm tính làm người sáng tạo và người tiếp nhận nhàm chán là không tránh khỏi

– Đội ngũ nhưng người viết phê bình không đến nỗi phải đốt đuốc đi tìm nhưng cũng không thể nói là hùng hậu. Lực lượng đã ít, mặt khác, ít viết, ngại đọc, sợ va chạm, muốn yên thân là tâm lý chung của cả giới. Một sự phẳng lặng, tẻ nhạt kéo dài từ trước và vẫn còn cho đến tận hôm nay. Một sự bằng lòng với những giá trị trung bình đang làm cho sáng tác văn học ít có khả năng vương đến những đột biến. Những người trước đây tích cực bây giờ chuyển sang những lĩnh vực khác như khảo cứu, dịch thuật, làm sách tư liệu, viết về các vấn đề văn hóa. Lớp phê bình trẻ từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, độ mươi lăm cây bút, ra đời tự phát và công việc chính của họ không phải là phê bình, vì thế không viết cũng không sao. Cái ta vẫn gọi là phê bình trực chiến bây giờ ở trong tay các nhà báo và chất lượng như ta đã biết…

Một số kiến nghị:

– Muốn nâng cao chất lượng lý luận, phê bình, trước hết cần tiếp tục đổi mới tư duy để hiện đại hóa lý luận, phê bình. Tư tưởng lý luận văn học làm nền tảng cho việc phát triển chung của đất nước là chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong định hướng đó, mỹ học Mác xít và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là những cơ sở mang tính nguyên tắc, là kim chỉ nam cho sự phát triển và đổi mới văn học nghệ thuật nước ta theo hướng hiện đại hóa, trong đó có lý luận phê bình… Nhưng để hiện đại hóa lý luận, đã đến lúc cần có những nghiên cứu sâu hơn nữa những luận điểm chủ nghĩa Mác Lê nin về văn hóa nghệ thuật, tạo thêm sức thanh xuân cho chúng kể cả những luận điểm vẫn còn nguyên giá trị.

– Chất lượng và hiệu quả lý luận phê bình không những đòi hỏi sự hoàn thiện về mặt lý thuyết mà còn luôn luôn phải xuất phát từ thực tiễn, tác động mạnh mẽ vào thực tiễn sáng tác… nhà quản lý cần có nhiều chính sách hơn nữa, nhà lý luận phê bình cần tích cực nhập cuộc, tiếp tục đổi mới và phát triển để lý luận phê bình đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của công chúng văn học Việt Nam.

– Cần khuyến khích và tổ chức dịch và giới thiệu thêm những lý thuyết văn chương nước ngoài, nếu chưa có điều kiện dịch đầy đủ thì dịch những lý thuyết quan trọng nhất. Những lý thuyết này có thể có thứ chưa có những tương thích với văn học trong nước, tuy nhiên về lâu về dài là cần thiết…

– Hiệu quả của lý luận, phê bình có khi đến từ việc làm tưởng khác xa với văn học. Đó là không ngừng mở rộng dân chủ. Dân chủ kích thích những tìm tòi tư tưởng và nghệ thuật táo bạo, tạo điều kiện kích thích hoạt động phê bình.

Lê Quang Trang: cần lý giải sâu hơn để xốc lại đội ngũ trong tình hình mới

“Theo dõi tình hình lý luận phê bình văn học của chúng ta, người có trách nhiệm không thể không lo lắng: nhiều vấn đề nguyên tắc hệ trọng của lý luận không còn thích hợp hoặc đã bị vượt qua mà chưa có sự tiếp nối thay thể thỏa đáng; tính hệ thống trong giới thiệu còn nhiều tùy tiện; chuyện phê bình gần như bị thả nổi, trên mặt báo quá nhiều chuyện vặt, nào khai thác đời tư nghệ sĩ, nào trang phục hở hang; việc đánh giá khen chê nặng về cảm tính hơn là dựa trên những tiêu chí khoa học, một số quan điểm lệch lạc, thậm chí sai trái được truyền bá công khai… ngay trên các cơ quan ngôn luận chính thống của Nhà nước. Nếu chúng ta hiểu đầy đủ được sức mạnh của văn học nghệ thuật và báo chí trong xây dựng cũng như công phá đối với xã hội thì điều lo lắng ấy hoàn toàn có lý do và điều đó cũng phù hợp với những vấn đề mà Đảng đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 4 mới đây. Nói rằng, những chuyện trên đây không chỉ quan hệ đến sự suy thoái hóa của nền lý luận văn học nghệ thuật, mà nhìn rộng ra có liên quan đến tồn vong chế độ, cũng không phải là quá.

Những biểu hiện nói trên xuất hiện hàng ngày trên các mạng xã hội và báo chí, cả chính thức và phi chính thức, cả chính thống và phi chính thống. Phần phi chính thống là các mạng xã hội, nhiều khi còn lan truyền nhanh hơn báo chí chính thống của ta. Lại bởi cách nói trái, nói ngược, đánh vào sự tò mò của người đọc, nên loại này có sức lôi cuốn riêng….

Phương thức tháo gỡ:

– …Cần nhấn mạnh trách nhiệm của người cầm bút. Bởi lẽ khi mang danh nhà lý luận phê bình, họ không chỉ là người đọc bình thường mà công chúng nhìn họ, tin tưởng họ như một chuyên gia, cho nên cần phải xứng đáng với niềm tin đó. Nhiều tấm gương của những người đi trước trong việc trau dồi để mở rộng tri thức, rèn luyện cảm thụ và tay nghề để đạt được đến sự toàn diện và tinh tế trong thẩm định, trong khái quát, đặc biệt là sự dũng cảm, bản lĩnh khi cần xuất hiện như một chiến binh ra trận, nay thấy thưa vắng dần. Tôi nghĩ, cần lý giải sâu hơn để xốc lại đội ngũ trong tình hình mới.

– Cần chủ động và khoa học hơn trong đó đặc biệt quan tâm đến phát hiện, bồi dưỡng lực lượng lý luận phê bình từ trong các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy được coi là môi trường nảy sinh các cây bút lý luận phê bình. Cần truyền cho họ tình yêu, tạo điều kiện cho họ làm nghề và sự chăm chút thích đáng. Nếu như trong sáng tác, năng khiếu đóng một vai trò quan trọng thì trong lý luận phê bình, việc bồi dưỡng, đào tạo càng cần chú ý hơn.

– Cần phát triển lực lượng từ các địa phương…. làm sao để các cây bút địa phương có thể phát huy ưu thế của mình, đi sâu vào những đề tài của địa bàn mình, kết hợp với những mặt mạnh của đội ngũ chung, về tầm nhìn rộng, chuyên môn giỏi, độ khái quát cao của những cây bút đầu ngành, tạo nên chất lượng mới về hiệu quả hoạt động của lý luận phê bình.

Phan Trọng Thưởng: Lý luận văn học và mỹ học Mác xít không còn giữ vị trí độc tôn, duy nhất đúng

“Ở Việt Nam, từ khi đổi mới và hội nhập với thế giới, lý luận văn học và mĩ học Mác xít tuy vẫn được xác định là cơ sở lý luận nền tảng, nhưng không còn giữ vị trí độc tôn, duy nhất đúng như nhiều chục năm hậu bán thế kỉ XX nữa. Trong tiến trình đổi mới và hội nhập, tư duy lý luận nói chung, tư duy lý luận văn học nói riêng đã giũ bỏ được màu sắc giáo điều, chủ quan, phiến diện để dần trở thành một thực thể năng động, khách quan, và có tính hệ thống hơn….”

Những năm qua, phê bình văn học “nhận thức một cách đúng mức vai trò của các yếu tố hình thức trong quá trình tổ chức tác phẩm nghệ thuật mà một thời từng bị xem nhẹ… Song, nghịch lí phê bình đã xuất hiện ngay trong thực tiễn này. Vì quá sùng bái hình thức, người ta đã biến tác phẩm nghệ thuật, biến công trình sáng tạo của nhà văn chỉ còn là “trò chơi cấu trúc”, là một tổ hợp các yếu tố có ý nghĩa phương tiện, là sự nhào nặn sắp xế hình thức giống như khối rubic trong tay nhà văn. Thực tế có ý nghĩa phổ biến này đã khiến T.Todorov một đại biểu ưu tú của trường phái cấu trúc Pháp thế kỉ XX đã đưa ra lời cảnh báo: Văn chương lâm nguy, có ý nghĩa thức tỉnh giới nghiên cứu phê bình. Theo tác giả, chính khuynh hướng xa rời bản chất xã hội nhân văn của văn học đã dẫn văn chương đến chỗ chỉ còn là sáng tạo hình thức thuần túy, công thức, nhàm chán, ít người học và người đọc. Thiết nghĩ, lời cảnh báo đó cần thiết đối với thực tiễn nghiên cứu lý luận và phê bình văn học Việt Nam hiện nay.”

“Hình như giữa hoạt động phê bình và thực tiễn sáng tác chưa đạt được sự tương thích cần có. Trước các hiện tượng mới xuất hiện không chỉ thiếu vắng các cây bút phê bình mới mà còn thiếu vắng cả kỹ năng, phẩm cấp và bản lĩnh phê bình. Đã có ý kiến lý giải không khí ảm đạm của phê bình là do thực tiễn sáng tác thiếu các yếu tố kích thích, mời gọi, thậm chí thách đố phê bình. Ngay cả các giải thưởng văn học cũng không tạo được sức hấp dẫn. Có thể đó là một thực tế, nhưng cũng có thể đó chỉ là ngụy biện. Nhìn vào thực tiễn hầu như phê bình không phản ánh đúng cả thực trạng lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Sự lúng túng của phê bình thể hiện trước hết ở việc phát hiện, thẩm định, đánh giá và định hướng các giá trị văn học, ở khả năng hướng dẫn thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Không thể phủ nhận được rằng nền văn học đương đại của chúng ta vẫn đang thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật lớn, xứng tầm. Nhưng với những thành tựu sáng tác đã có, vẫn có thể hội đủ các yếu tố để phê bình không rơi vào tình trạng trầm lắng, trì trệ như hiện nay

Như vậy, cả trong tương quan với lý luận và tương quan với thực tiễn sáng tác, phê bình vẫn đang tụt hậu”.

Lê Thị Bích Hồng: người làm phê bình “nâng cao trách nhiệm và dấn thân hơn nữa”

“Hoạt động lý luận phê bình văn học ở nước ta những năm gần đây đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu có những đổi mới về quan niệm, về phương pháp nghiên cứu lý luận, phê bình văn học; tính chủ thể của nhà văn được coi trọng. Nhiều tác phẩm lý luận, trường phái nghiên cứu văn học nước ngoài được giới thiệu…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tình hình phê bình văn học những năm gần đây đang tồn tại nhiều bất cập.

Đó là hoạt động lý luận phê bình văn học có phần chững lại; có biểu hiện tụt hậu về nhiều mặt so với yêu cầu, chưa đáp ứng được nhiều vấn đề của đời sống, còn ra rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác; thiếu tính chuyên nghiệp, thừa tính nghiệp dư bởi không ít cây bút còn thiếu những trang bị cần thiết về tri thức; lý luận văn nghệ và mỹ học mác xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó; đội ngũ phê bình vừa thiếu, vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận, phân bố không đều ở các ngành nghệ thuật; thiếu định hướng và thiếu tiêu chí cụ thể cho việc chọn lọc, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…”

“Trong đội ngũ đông đảo người làm phê bình vẫn còn một bộ phận chưa có ý thức tự nâng cao mình… Có trường hợp, người làm phê bình thiếu cái tâm cần thiết của người làm nghề. Lại có khi “ăn theo, nói leo, nói dựa, hùa theo đám đông…” hoặc thiếu chủ kiến của riêng mình, hoặc phê bình tiếp thị, gây ra các sự cố, các vụ scandal để kích thích trí tò mò của bạn đọc để bán sách…”

Giải pháp:

– Cần nắm vững tinh thần Nghị quyết 23 -NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nghị quyết tạo không gian thông thoáng cho VHNT nói chung và phê bình văn học nói riêng: “khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về lý luận và phê bình văn nghệ vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của văn nghệ”

– Với người làm phê bình, để nâng cao chất lượng hơn, cần tập trung vào hai vấn đề: nâng cao trách nhiệm và dấn thân hơn nữa; nâng cao chuyên môn hơn nữa để phê bình chuyên nghiệp hơn. Muốn vậy, người làm công tác phê bình phải có “con mắt tinh đời”, có học vấn sâu rộng, thường xuyên cập nhật kiến thức lý luận và bổ sung kịp thời các tư liệu thực tiễn phê bình và lịch sử văn học, và không ngại sự đụng chạm. Đây là phần quan trọng làm điểm tựa cho phê bình phát triển. Đồng thời cần sự trung thực và bản lĩnh, bởi vì người viết phê bình phải trực ngôn, phát ngôn theo chính kiến.

– Cần phải có giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa đào tạo và xây dựng đội ngũ với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng cơ chế đánh giá, khuyến khích và tạo các điều kiện, khả năng để kích thích phê bình phát triển….

– Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam làm cơ sở cho hoạt động sáng tạo, tiếp nhận, đánh giá và quản lý văn học nghệ thuật. Đồng thời xây dựng hệ thống chuẩn mực giá trị văn chương, hệ thống tiêu chí đánh giá tác phẩm. Hệ thống giá trị chuẩn mực mà chúng ta hướng tới sẽ không nằm ngoài bảng giá trị tinh thần chung của dân tộc, trong đó giá trị nhân văn, giá trị yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc… vốn là các giá trị tinh thần truyền thống cơ bản của đất nước ta.

– Cần có chế độ khuyến khích bằng nhuận bút cho lao động phê bình. Cải tiến chế độ nhuận bút cho các bài phê bình, cọi trọng giới phê bình chuyên nghiệp.

– Nâng cao chất lượng sáng tác văn học, chất lượng các giải thưởng văn học tạo ra sức hấp dẫn, và các yếu tố kích thích, mời gọi phê bình…

– Các cơ quan thông tin, truyền thông, nhất là các cơ quan báo, đài chủ lục cần phát huy tốt hơn nữa vai trò tuyên truyền, quảng bá, định hướng dư luận xã hội đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu đạt tốt; đồng thời tham gia tích cực việc uốn nắn những lệch lạc, phê phán những biểu hiện sai trái trong văn học nghệ thuật, đặc biệt trong hoạt động phê bình văn học.

– Sớm phát hiện và ngăn chặn các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường vào phê bình. Giảm thiểu và đi tới loại trừ động cơ cá nhân, thiếu tính xây dựng trong đời sống phê bình văn học hiện nay. Đề cao đạo lý phê bình, văn hóa tranh luận và ý thức trách nhiệm của người làm phê bình trước công chúng và trước lịch sử văn học. Không khí tranh luận cần được khơi lại theo hướng phát huy và tôn trọng dân chủ trong tranh luận để tất cả đều được bình đẳng, đề cao ý thức cầu thị trước chân lý văn chương.”


Nguồn: Toquoc