Lê Phương Liên: đội ngũ nghiên cứu lý luận phê bình văn học thiếu nhi Việt Nam thiếu vắng trầm trọng

“Nếu chúng ta không sớm xây dựng một đội ngũ chuyên gia đủ tâm huyết và tài năng để tìm hiểu và nghiên cứu truyền thống văn hóa đã tồn tại hàng nghìn năm của dân tộc, đồng thời mở rộng nhận thức chuyên sâu về văn học trẻ em thế giới thông qua những tác phẩm kinh điển đã được khẳng định trong các nền văn hóa lớn thì chúng ta sẽ thiếu hụt cơ sở lý luận nền tảng cho sự phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam.

Có một thực tế rằng, đội ngũ nghiên cứu lý luận phê bình của nền văn học thiếu nhi Việt Nam thiếu vắng trầm trọng. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Viện Văn học chỉ có 01 chuyên gia duy nhất về văn học thiếu nhi, đó là PGS.TS. Vân Thanh, năm nay chị sắp đến tuổi 80. Trong tất cả các trường đại học của Việt Nam, ở tất cả các khoa Ngữ văn đều không có bộ môn văn học thiếu nhi, hầu hết các nghiên cứu sinh đều hiếm có cơ hội làm luận văn về văn học thiếu nhi. Thực trạng đó không thể không nói rằng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển vững chắc của văn học thiếu nhi Việt Nam”.

Phan Tuấn Anh: Cần giải quyết vấn đề từ gốc, đó là vấn đề đào tạo con người

“Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động phê bình văn học trong tình hình hiện nay, từ góc độ của một nhà sư phạm trực tiếp tham gia giảng dạy lý luận văn học trên giảng đường đại học, chúng tôi cho rằng, cần giải quyết vấn đề từ gốc, đó là vấn đề đào tạo con người. Nhiều năm qua chúng ta thường hay quan ngại và tranh luận về tính chuyên nghiệp trong công tác lý luận phê bình (đặc biệt là phê bình) của lực lượng cầm bút. Và thực tiễn cho thấy, lực lượng hoạt động phê bình chính hiện nay, trên lĩnh vực phê bình báo chí, đa phần là những người tay ngang, không được đào tạo từ chuyên ngành ngữ văn, nên không có đủ công cụ lý thuyết cần thiết, cũng như kinh nghiệm thẩm mỹ trong việc đọc và giải mã văn bản văn học, nhất là những văn bản mới có tính lệch chuẩn và cách tân”.

Hoàng Thụy Anh: Kiểu phê bình báo chí hợp gu với đại đa số bạn đọc

“Người sáng tác và nhà phê bình cần có những cách thức riêng để phục vụ bạn đọc… Kiểu phê bình báo chí hợp gu với đại đa số bạn đọc, còn kiểu phê bình chuyên nghiệp, vì tính “hàn lâm”, tư duy khoa học của nó nên không phải là món ăn ưa thích của số đông. Phương pháp phê bình báo chí xuất phát từ cảm xúc chủ quan, đánh giá tác phẩm thiếu tư duy lý luận, cơ sở khoa học nhưng nó lấp kịp thời những lỗ hổng của phê bình chuyên nghiệp.”

“Nhuận bút đối với một bài lý luận phê bình quá khiêm tốn, không thể bù đắp được công sức tra cứu, tìm kiếm tài liệu, dịch thuật… Tôi nghĩ, nếu muốn nâng cao chất lượng của lý luận phê bình, trước tiên, phải giải quyết triệt để vấn đề cơm ăn áo mặc đã. Có như vậy, các nhà phê bình chuyên nghiệp mới chuyên tâm, thực sự yêu nghề, ở lại với nghề. Nếu không thì vẫn cứ xảy ra tình trạng thiếu hụt, thưa vắng đội ngũ lý luận phê bình và vẫn tiếp tục đề ra các giải pháp một cách chiếu lệ”.

Dương Trọng Dật: lý luận phê bình tỏ ra thờ ơ với những điểm nóng trong sáng tác

“Trong khi sáng tác hăng hái xông vào những vùng đất mới, những thể nghiệm sáng tạo thì lý luận phê bình lại tỏ ra thờ ơ với những điểm nóng trong sáng tác đa chiều đa sắc của văn học. Lý luận phê bình có vẻ như không mặn mà trước những vấn đề mới mẻ mà phong trào sáng tác đã đặt ra. Nhiều vấn đề gai góc, hóc búa của sáng tác không được đề cập. Một số lệch lạc, tiêu cực trong hoạt động sáng tác, những tác phẩm non yếu về tư tưởng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc chưa được mạnh dạn mổ xẻ, phân tích. Những thể nghiệm nghệ thuật chưa được xem xét một cách khoa học và từ đó cổ vũ đúng mức. Bàng bạc trong hoạt động lý luận phê bình là hiện tượng né tránh, ngại đụng chạm, hời hợt, xuê xoa theo kiểu dĩ hòa vi quý. Điều đó khiến cho gương mặt lý luận phê bình hiện đại rất nhợt nhạt, thiếu bản sắc, đánh mất tinh thần nồng nhiệt công dân của phê bình những thời kỳ trước và do vậy, đánh mất luôn vai trò tiên phong trên trận địa văn hóa nghệ thuật.

Đã thế, hoạt động lý luận phê bình còn tự làm yếu mình bởi sự phân tán, manh mún. Phê bình thiên về hoạt động tự phát, cảm tính. Hoạt động này trên thực tế thiếu hẳn một sự tập hợp đội ngũ của những nhà phê bình có tầm và có tâm, những cây bút sắc sảo để tạo ra một sức mạnh tổng hợp có sức thuyết phục có thể tác động rộng rãi đến dư luận xã hội. Đó là lý do khiến lý luận phê bình khó có thể định hướng dư luận, và vì vậy, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sáng tác, làm cầu nối hiệu quả giữa tác giả, tác phẩm và công chúng nghệ thuật”.

“Trong đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, lý luận phê bình văn học luôn được coi là lĩnh vực có vai trò tiên phong trong việc định hướng và phát triển hoạt động sáng tác. Tuy nhiên, đáng tiếc, việc hiện thực hóa các quan điểm này thành những chính sách cụ thể lại rất lúng túng và chậm trễ. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là bên cạnh việc tăng cường nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm các cơ quan lãnh đạo văn hóa nghệ thuật phải lựa chọn được những cán bộ có tâm và có tầm vào các cơ quan này, quyết tâm biến nghị quyết của Đảng thành những chính sách cụ thể của Nhà nước. Trong đó tăng cường đầu tư cho lý luận phê bình văn học nghệ thuật một cách thỏa đáng với những bước đi cụ thể, thiết thực và hiệu quả như khuyến khích đầu tư xây dựng đội ngũ, xây dựng một hệ thống lý luận nghệ thuật dân tộc hiện đại Việt Nam bằng việc khuyến khích các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này, ưu tiên công bố các tác phẩm lý luận phê bình, chế độ khuyến khích nhuận bút”.

Hồ Thế Hà: cần phải tôn trọng và phát huy những giá trị, kết quả nghiên cứu khác nhau

Để phê bình văn học thực sự năng động và đáp ứng nhu cầu phát triển cấp thiết của lĩnh vực này, trước mắt cũng như lâu dài, chúng tôi xin đề xuất những vấn đề sau:

– Trước hết, về mặt nhận thức, nền phê bình nước ta phải tự ý thức và đổi mới toàn diện hơn nữa theo tinh thần hiện đại, khoa học và sáng tạo từ các thành tựu lý luận và phê bình của thế giới trên cơ sở bám sâu vào thực tiễn sáng tạo và văn hóa Việt Nam để những kết quả nghiên cứu, phê bình thực sự là những sáng tạo mới, giá trị mới, tín hiệu mới theo tầm đón nhận và đón đợi mới của độc giả, đặc biệt là độc giả chuyên sâu.

– Kế đến, về mặt hiệu quả của phê bình, cần phải quan tâm đến bản chất của sáng tạo và tiếp nhận văn học để giải quyết một cách khách quan và nghệ thuật mối quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ, từ đó phát hiện đúng giá trị tư tưởng của tác phẩm văn học từ thế giới hình tượng và ngôn từ nghệ thuật, tránh tán bình theo lối ấn tượng chủ quan, xa rời với chỉnh thể văn bản.

– Thứ đến, về mặt đa dạng hóa kết quả phê bình, cần phải tôn trọng và phát huy những giá trị, kết quả nghiên cứu khác nhau do phương pháp tiếp cận khoa học khác nhau cũng như do thực tế và quan niệm riêng của từng nhà phê bình. Đó chính là yêu cầu cao của nhu cầu tiếp nhận văn học hiện đại để không những nâng cao trình độ sáng tác của nhà văn, nhà thơ mà còn là nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ của người đọc nói chung.

– Thứ nữa, về mặt tập hợp và bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác phê bình, cần phải quan tâm đến công tác động viên, phát huy tính trung thực, tính đẳng cấp và tính nhân văn trong nghiên cứu và phê bình để phát hiện, khẳng định đúng giá trị của tác phẩm, cố gắng tránh sự phát hiện sai và nhận định lệch, làm nhiễu lượng thông tin về tác phẩm nào đó đối với người đọc. Muốn vậy, tổ chức phải có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, có hiệu quả cho những chủ thể phê bình văn học, đặc biệt cho học tập ở các nước có nền lý luận, phê bình văn học tiên tiến.

– Cuối cùng, về mặt bằng phê bình văn học trong cả nước, cần chú trọng đến các địa phương. Ở nước ta, mỗi tỉnh đều có Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, trong đó, lực lượng sáng tác văn học là đông và mạnh nhất, nhưng những người làm công tác phê bình văn chương thì vô cùng mỏng. Ngoài những tỉnh lớn, có các trường Đại học trên địa bàn, đội ngũ giảng viên văn học ở các Khoa Ngữ văn kiêm thêm công tác phê bình văn học địa phương. Còn những tỉnh khác chỉ là bạn văn, bạn thơ phải làm công việc này. Vậy là có thực tế so le phê bình ở trung ương và địa phương. Phê bình truyền thông, báo chí, chủ quan, thiếu phương pháp luận và thao tác luận rơi vào các địa phương. Như vậy, những giá trị văn học địa phương thường không hiện diện trong mặt bằng chung của văn học cả nước. Đó là một thiệt thòi cho văn học một vùng đất. Và cũng là thiếu khuyết cho diện mạo chung của văn học cả nước.”

Cao Hồng: không nên phủ định sạch trơn và coi một trường phái nào đó là “có vấn đề”

“Dù đã nỗ lực để đổi mới, phát triển hơn so với giai đoạn trước nhưng lý luận phê bình ở Việt Nam hiện nay vẫn chậm phát triển so với mặt bằng chung của thế giới. Phê bình chưa theo kịp những yêu cầu cấp thiết của đời sống sáng tác văn học, chưa tạo nên sự hấp dẫn đối với bạn đọc, nhưng công trình đạt chất lượng còn khiêm tốn. Từ thực tiễn phát triển của nền phê bình văn học ở Việt Nam ngót 30 năm qua, thiết nghĩ đế đến lúc chúng ta cần triệt để đổi mới tư duy trong việc xây dựng nền phê bình văn học dân tộc mà theo chúng tôi cần tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, Nhà nước và các tổ chức liên quan nên dành sự ưu tiên cho việc tập hợp, tổ chức các nhà khoa học dịch và giới thiệu một cách có hệ thống những công trình lý thuyết văn học của thế giới, nhất là các lý thuyết hiện đại…

Thứ hai, cần có thái độ khách quan, khoa học trong việc tiếp nhận, ứng dụng lý thuyết phê bình văn học nước ngoài. Không nên độc tôn, quá coi trọng một trường phái lý luận phê bình, xem đó như một chuẩn giá trị để định giá các trường phái khác, cũng không nên phủ định sạch trơn và coi một trường phái nào đó là “có vấn đề”. Mỗi phương pháp phê bình đều có ưu thế và giới hạn của nó….

Thứ ba, nhà trường (đặc biệt là những trường đại họ đào tạo ngành văn, báo chí) cần phát hiện và có chiến lược đào tạo đội ngũ nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp. Sinh viên phải được trang bị một cách hệ thống kiến thức thiết thực về mỹ học, lý luận và phương pháp nghiên cứu văn học. Muốn có được điều này cần có sự hợp lực của các nhà khoa học, các thầy cô giáo, sự đầu tư của nhà nước để bắt đầu từ khâu biên soạn một hệ thống giáo trình, một chương trình học vừa khoa học trong việc cung cấp kiến thức nền tảng cho người đọc, vừa chú trọng khâu thực hành viết phê bình văn học. Sẽ không thể có nền phê bình phát triển bền vững, chất lượng nếu nhân tố con người và việc phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng bị bỏ ngỏ”

Trịnh Đình Khôi: phê bình chưa đi sâu vào phẩm chất văn học

“Cái yếu nhất của phê bình văn học hiện nay là không khí học thuật trong phê bình chưa đi sâu vào phẩm chất văn học mà nói những điều bên ngoài văn học. Bên cạnh đó thiếu lý thuyết và cả bản lĩnh phê bình. Phần nhiều những bài viết phê bình văn học hiện nay còn nặng về cảm tính, chưa có nhiều kết hợp cảm thụ cảm tính với cảm thụ lý tính; nghĩa là nói như Anatole France sau khi “phiêu lưu tâm hồn giữa những kiệt tác” ta phải khám phá ra phương pháp nào, kết cấu nào, ngôn ngữ nào, ký hiệu nào đã tạo ra sự say mê thu hút con người và phải thấu hiểu quy luật hình thành tác phẩm, bản chất của quá trình sáng tạo. Từ góc độ mỹ học phê bình, ta còn thiếu những chuẩn mực nghệ thuật mà hạt nhân của nó là hệ thống triết học, mĩ học và lý luận văn học; nghĩa là phải có lý thuyết của ngành với tư cách là một ngành khoa học mang tính nghệ thuật.”

Thời đại thay đổi, văn học thay đổi, thẩm mỹ và thị hiếu công chúng thay đổi; cần có sự hướng đạo của lý luận phê bình. Phê bình là cầu nối giữa tác phẩm và công chúng, chỉ cho họ cái hay, cái dở khi tiếp nhận văn học, từng bước nâng cao năng lực thẩm mỹ, và trình độ dân trí. Tình hình sáng tác, tài năng nghệ sĩ phát triển được hay không không thể tách rời những chỉ dẫn, những dự báo, những kích thích của nhà phê bình.”

Nguyễn Văn Long: phê bình ít nêu được những vấn đề đáng chú ý của đời sống văn học

“Phê bình văn học sau những hoạt động khá sôi nổi ở chặng đầu thời kỳ đổi mới thì gần đây có vẻ mờ nhạt, ít nêu được những vấn đề thực sự đáng chú ý của đời sống văn học. Một số cuộc tranh luận lại rơi vào tình trạng vụn vặt, thổi phồng những chi tiết, hoặc đao to búa lớn, quy chụp, lên án người khác một cách thiếu căn cứ. Lối phê bình “phe cánh”, phê bình quảng cáo thương mại hóa vẫn tồn tại, nhiều bài phê bình, giới thiệu lại chỉ thấy người viết đưa đẩy ngôn từ chung chung, hoa mỹ mà không có ý tưởng rõ ràng. Nhiều người đã nêu vấn đề đáng báo động về văn hóa phê bình. Đội ngũ phê bình tuy không phải là quá ít ỏi, nhưng phần đông lại thiếu tính chuyên nghiệp và những tài năng phê bình thì thực sự hiếm hoi. Lớp người viết phê bình già dặn kinh nghiệm thì sau giai đoạn sôi nổi ở đầu thời kỳ đổi mới, hầu hết đã chuyển sang công việc nghiên cứu, giảng dạy, ít hoặc không viết phê bình nữa.

Mặc dù có những hạn chế như đã nêu ở trên và có cả những điều khác nữa, nhưng lý luận phê bình văn học vẫn là một phần không thể thiếu để làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam trong hơn 30 năm qua, nhất là từ khi có công cuộc đổi mới. Nó đã góp phần tạo nên sự chuyển biến trong ý thức nghệ thuật, quan niệm văn học, phần nào tác động tích cực đến cả sáng tác và tiếp nhận, tuy không phải lúc nào cũng có được vai trò gợi mở, định hướng và là nhân tố tổ chức quá trình văn học.”

Vũ Nho: các nhà phê bình nên đọc sách của nhau và lắng nghe nhau

“- Cần có sự quan tâm đúng mức của những người cùng giới phê bình. Nghĩa là nhà phê bình cần đọc sách của nhau, cần trao đổi với nhau, cần bàn bạc và lắng nghe nhau khi đứng trước một hiện tượng văn học. Nếu có trao đổi, bàn bạc như vậy, chắc sẽ tránh khỏi những sai sót không đáng có, những nhận định thái quá về một tác phẩm hay một hiện tượng văn học.

– Một điều quan trọng không thể thiếu là người viết phê bình cần trung thực và dũng cảm. Cần phải có bản lĩnh của mình, không chạy theo thị hiếu, không chạy theo thời thượng. Tôi nghĩ người viết cần có quan điểm độc lập. Một tác phẩm không đáng khen, không đáng biểu dương thì dứt khoát không động bút. Có lẽ sự nể nang, kèm với thiếu bản lĩnh, nên đã có những bài viết cố chứng minh theo một đơn hàng đặt sẵn, dẫn đến mất niền tin của bạn đọc, không ít thì nhiều, dẫu sao cũng để lại hình ảnh không đẹp của giới phê bình”

Vũ Quần Phương: Việc thẩm định thơ của ban giám khảo các loại giải thưởng chưa chính xác

“Việc thẩm định thơ của ban giám khảo các loại giải thưởng chưa chính xác dẫn đến việc biểu dương những tập thơ, những tác giả không thật sự có tài năng. Mới đầu công chúng thơ còn có phản ứng tranh luận, sau rồi mọi người thất vọng, thờ ơ. Giải thưởng mất chức năng phát hiện nhân tài, đương nhiên dẫn đến nhiều cách bình giá khác, cách phát hiện khác.

Phẩm chất ban giám khảo, bao gồm năng lực chuyên môn, sự trung thực của từng thành viên giám khảo và phương pháp làm việc của toàn ban giám khảo. Hiện nay việc biểu lộ ý kiến thường bằng bỏ phiếu kín và kết quả thuộc về người được nhiều phiếu thuận.

Dùng phiếu kín giúp cho người chấm được độc lập trong nhận định và hoàn toàn tự do bộc lộ ý kiến của mình. Nhưng cũng có một bất lợi là họ không chịu trách nhiệm về phẩm chất thẩm định của mình. Một ai đó không có năng lực đánh giá thơ hoặc bị chi phổi từ cảm tính yêu ghét hay từ lợi ích nhóm, lá phiếu thẩm định của họ vẫn nguyên giá trị hợp lệ và phẩm chất giám khảo của họ cũng xếp ngang với mọi người.

Nhưng tại sao không có năng lực đánh giá mà lại được mời làm giám khảo. Đây là hậu quả của một nhầm lẫn kéo dài đã lâu. Đó là nhầm lẫn chức năng giữa ban tổ chức giải thưởng và hội đồng thẩm định. Thí dụ giải thưởng cấp quốc gia do Chủ tịch nước ký tặng, ban tổ chức giải thưởng ở cấp chung khảo phải thuộc Bộ VHTTDL, do chính Bộ trưởng làm Trưởng ban. Luật hành chính là phải như thế. Nhưng coi ông bộ trưởng là người có năng lực đánh giá cao nhất về phẩm chất thơ của một tác phẩm hay một nhà thơ là bất cập, trừ trường hợp ông bộ trưởng vốn là một nhà thơ lớn hay nhà phê bình thơ. Việc đánh giá chất lượng thơ phải thuộc về một hội đồng thẩm định, do ban tổ chức giải lập ra, tập hợp những người có chuyên môn tin cậy về lĩnh vực này. Hội đồng thẩm định bằng các thao tác chuyên môn của mình tạo nên kết quả thẩm định. Ban tổ chức giải sử dụng kết quả này cùng các tiêu chí về nhân thân thí sinh và tôn chỉ mục đích của giải thưởng để bỏ phiếu xếp loại.

Trước khi bỏ phiếu ở Hội đồng chuyên môn hay ở Ban tổ chức giải đều qua thảo luận công khai, các thành viên đều phải có ý kiến và có bản nhận xét để lưu lại trong hồ sơ giải. Nội dung bản nhận xét phải đồng nhất với ý kiến lúc thảo luận và được biểu lộ trong phiếu kín. Yêu cầu này thể hiện phẩm chất trung thực của thành viên thẩm định. Loại trừ hiện tượng thảo luận công khai thì ủng hộ nhưng khi bỏ phiếu kín lại phủ định.

Với giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn, thành viên ban thẩm định chọn từ Hội đồng thơ có bổ sung những hội viên ngoài hội đồng là những nhà thơ, nhà phê bình có nhiều bài nhận định về thơ xác đáng trong năm đó. Ban tổ chức giải thì cấu tạo từ ban chấp hành, cố nhiên không phải là tất cả thành viên chấp hành, và một số hội viên khác. Các ban này thay đổi nhân sự theo từng năm và chỉ công khai danh tính khi công bố kết quả.

Phẩm chất của ban chấm giải sẽ tạo nên giá trị của giải và tính thuyết phục của giải cũng tạo uy tín cho ban chấm giải. Cơ chế ấy dần dần tạo nên chuẩn mực cho công tác thẩm định.”

Phạm Phú Phong: Ở nước ta thực chất không có nhà phê bình chuyên nghiệp?

“Ở nước ta thực chất không có nhà phê bình chuyên nghiệp, hẳn là điều ai cũng muốn thừa nhận… Chuyên nghiệp là gì? Một mặt, đó là người có chuyên môn sâu, có nhiều đóng góp về lĩnh vực mà anh ta hoạt động, mặt khác, anh ta phải kiếm sống được bằng chính cái nghề chuyên nghiệp đó. Ở nước ta, không ai kiếm sống bằng nghề làm phê bình văn học cả. Các ngành khoa học khác, các loại hình nghệ thuật khác, và ngay cả người sáng tác văn học, cũng có thể kiếm sống bằng chính cái nghề của mình, thậm chí, còn là cán bộ sáng tác có biên chế ở các cơ quan văn hóa văn nghệ và có thể sống bằng đồng lương. Còn phê bình, chỉ là nghề làm thêm, làm tay trái. Danh không chính thì ngôn không thuận. Người làm phê bình không thể hưởng lương để đi sáng tác được, điều đó, nếu trong thực tế có trường hợp nào như thế, đã thấy vô lý từ động thái, từ thao tác. Trong lời dẫn cuốn Bình luận văn chương, Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: ‘tôi vẫn nghĩ trong thiên hạ vốn không có nhà phê bình chuyên nghiệp, không có sẵn nhà phê bình chuyên nghiệp’. Họ hầu hết vốn làm nhiều công việc chuyên môn khác nhau, tham gia công việc phê bình một cách tự nguyện xuất phát từ lòng mê đắm văn chương, viết nhiều, viết hay, viết giỏi, được xã hội thừa nhận (trong đó có cả việc được kết nạp vào các tổ chức văn học), được gọi một cách sang trọng là nhà phê bình, thế thôi. Đa phần họ là nhà giáo dạy văn, nhà nghiên cứu làm việc tại các viện nghiên cứu, nhà báo trông coi các chuyên mục phê bình, nhà biên tập ăn lương tại các nhà xuất bản, nhà lãnh đạo công tác văn hóa văn nghệ… Gần gũi nhất với công việc phê bình văn học, là các nhà nghiên cứu ở các viện nghiên cứu văn học, công việc chính của họ là nghiên cứu văn học, chứ không phải phê bình văn học. Thực tế, lâu nay ở Viện Văn học, có các ban văn học cổ đại, cận đại, hiện đại, dân gian, nước ngoài, lý luận… chứ không hề có ban phê bình. Ở các trường đại học cũng có các bộ môn tương tự, về lý thuyết có bộ môn lý luận văn học chứ không có bộ môn phê bình văn học.

Vậy là từ trong đào tạo, đến hoạt động thực tiễn, và cả ở viện nghiên cứu đều không có chỗ cho phê bình văn học, làm chi có tính chuyên nghiệp trong phê bình? Ở các cơ quan trung ương đã thế, thì ở các địa phương hẳn cũng thế, và có khi còn kém cỏi hơn”.

Nguyễn Thị Minh Thái: Các nhà phê bình văn học hôm nay đương đầu với bi kịch đọc không vỡ chữ từ nguyên tác của dịch giả

“Theo tôi, chỗ của nhà phê bình văn học là đứng giữa tác phẩm văn chương và người đọc, với tư cách là người bình giá, thẩm định, môi giới cái đẹp của con chữ nhà văn đến với độc giả. Cũng vì thế, nhà phê bình đương nhiên phải thông hiểu cả hai nghệ thuật tạo nên mối quan hệ thẩm mỹ đặc thù giữa cái viết và cái đọc này, với một bên là nghệ thuật viết văn của nhà văn và một bên là nghệ thuật đọc văn của người đọc.

Ở chỗ rất đặc biệt này, có thể rất nhiều khi/ít khi, nhà phê bình phải đương đầu và phải vượt qua một bi kịch thường xảy ra đối với cái đọc tác phẩm văn chương, đó là bi kịch đọc không vỡ chữ. Thậm chí việc giải quyết bi kịch này có thể là việc cấp thiết nhất, cần đặt ra thường hằng đối với những ai đã mang lấy nghiệp phê bình văn học vào thân, nếu không muốn nói, đây cũng chính là vượt thoát của cả nền văn học Việt Nam trong suốt tiến trình hiện đại hóa của nó, đã, đang và sẽ diễn ra dài dài suốt từ thế kỉ 20 cho đến thế kỉ 21 hôm nay…

Cũng chính vì buộc phải vượt thoát bi kịch này mà các nhà phê bình hôm nay luôn phải đương đầu với bi kịch ‘đọc không vỡ chữ’, nhất là đối với các tác phẩm mới. Chúng ta từng chứng kiến cách đọc văn xuôi như đọc báo trong tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cùng sự quá lời đến mức xúc phạm nhà văn, khi một cán bộ văn nghệ tỉnh Cà Mau đã kết tội nữ nhà văn này một cách thô bạo và khiên cưỡng trên báo chí…

Vừa qua, 8.5.2013, tại Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra cuộc thảo luận về dịch thuật và phê bình dịch thuật. Tôi cho rằng căn cơ của việc thảo luận này vẫn không ra ngoài việc đọc và dịch hiện nay, trong ít nhiều trường hợp, vẫn chưa thoát khỏi việc đọc chưa vỡ chữ của nguyên tác, dẫn đến việc dịch cũng không vỡ chữ thành tiếng Việt từ nguyên tác… Trong nền dịch thuật hôm nay, đã xuất hiện những nhà phê bình “ném đá” vào những dịch giả, cùng những lời lẽ đánh đập thô bạo, quá lời, khiến một số dịch giả phải kêu lên “chưa có không khí phê bình dịch thuật lành mạnh”. Song, phải thấy rằng, không phải lúc nào, tác phẩm nào của dịch giả cũng sáng láng trong cách đọc vỡ chữ tiếng nước ngoài và cách uyển chuyển ‘Việt hóa’ của người dịch am tường tiếng Việt, khiến cho, có lúc, dịch thuật văn chương nước ngoài sang tiếng Việt đã được gọi tên là “thảm họa dịch thuật”.

Đỗ Ngọc Yên: ai cũng có quyền phát biểu những suy nghĩ chủ quan của mình về tác phẩm, tác giả

“Xét về đội ngũ các nhà văn làm lý luận – phê bình, theo một thống kê đăng trên báo Văn nghệ, 5 năm (2006-2010) trong khoảng 300 người tham gia viết phê bình, có khoảng 39 nhà phê bình chuyên nghiệp, chiếm khoảng 13%. Người ít nhất có một bài, người nhiều nhất có tới 18 bài (Nguyễn Chí Hoan) in trên tờ báo này. Cũng trong tổng số 300 người ấy có tới 170 người vừa sáng tác vừa phê bình, chiếm khoảng 56,7%. Họ làm nhiều nghề khác nhau như giáo viên, nhà báo, nhà quản lý, người lao động tự do; ở nhiều môi trường công tác tại địa phương, trung ương và với nhiều học hàm, học vị khác nhau…

Nếu như đấy là những con số đáng tin cậy, thì chỉ cần nhìn vào 13% nhà phê bình chuyên nghiệp và 43% người làm phê bình không phải là người sáng tác, đủ cho thấy một thực tế là lực lượng phê bình chuyên nghiệp hiện nay mỏng đến mức rất đáng báo động. Vẫn biết rằng lý luận phê bình văn học không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng chắc chắn nó là một chuyên ngành khoa học cần được đào tạo bài bản ở một trình độ nhất định và phải mang tính chuyên nghiệp hẳn hoi. Việc đóng góp, khen chê một tác giả, tác phẩm văn chương là quyền của mọi người và được chia đều cho tất cả. Ai cũng có quyền phát biểu những suy nghĩ chủ quan của mình về một tác phẩm văn chương hay một nhà văn nào đó. Nhưng không phải mọi ý kiến đều có khả năng tiếp cận chân lý nghệ thuật như nhau. Đấy chính là ranh giới giữa lý luận phê bình chuyên nghiệp và những người tham gia hoạt động phê bình nghiệp dư, vui thì nên, quên thì thôi.

Nguồn: Vanhocquenha

Exit mobile version