II

Phê bình sinh thái có cội nguồn tư tưởng sâu xa. Cho dù trên tổng thể, tư tưởng  văn hóa chủ lưu của phương Tây là chủ nghĩa nhân loại trung tâm và tư tưởng chinh phục, khống chế, cải tạo tự nhiên (tổng kết một cách có hệ thống và phê bình những tư tưởng này là nhiệm vụ chủ yếu của phê phán văn hóa mà phê bình sinh thái tiến hành), nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy rất nhiều những luận bàn về tư tưởng triết học sinh thái. Những bàn luận này trước kia bị chúng chúng ta coi nhẹ, nhưng ngày nay lại trở thành cơ sở tư  tưởng quý giá của phê bình sinh thái.


Từ cổ đại Hi La đến thời văn nghệ Phục hưng, văn minh phương Tây cuối cùng xác lập giá trị cao quý của con người và địa vị trung tâm của con người trong tự nhiên: con người là “thước đo của vạn vật”(Protagoras), “linh hồn của vạn vật”(Shakespeare); mà vạn vật không chỉ “tồn tại vì con người” (Aristotle) mà còn “trở thành nô lệ của con người”(Bacon). Nhưng, chúng ta nghe được một số thanh âm khác nhau: nhà triết học cổ đại Hi La cho rằng  “mục đích của nhân sinh là chung sống hài hòa với tự nhiên”[i]. Triết gia cổ đại La Mã Cicero nhấn mạnh tôn trọng hơn nữa tất cả các sinh mệnh, vì “động vật và con người giống nhau, đều cần có tôn nghiêm của sinh mệnh, không nên bị tổn hại”. Học giả chủ nghĩa nhân văn thời kì văn nghệ Phục Hưng Qiesapiernuo đề xuất một cách rõ ràng cần phải tôn trọng vạn vật tự nhiên, vì “trong giới tự nhiên không có gì đáng căm ghét, ngay cả sinh vật bé nhỏ nhất cũng có giá trị thần thánh của riêng mình”.  Một học giả nhân văn khác Tecaixiao trong công trình Bàn về khởi nguồn của tính vật kịch liệt đả kích hệ thống tư tưởng lấy con người làm cơ sở mà những người cùng thời đã xây dựng, cho rằng họ không những không tôn trọng và làm theo quy luật của đại tự nhiên, hơn nữa còn chà đạp thô bạo lên tự nhiên. “Họ quá tự tin vào bản thân, không hề nghĩ chút nào đến trạng thái của bản thân sự vật và sức mạnh của chúng”. Ông cảnh cáo nhân loại: nếu như “không hiểu điều kiện của sinh tồn mà chúng ta phải dựa vào và lực lượng làm mình suy vong, cho dù chúng ta ôm ấp ước vọng sinh tồn mãnh liệt, thì chết chóc cũng sẽ là đương nhiên”[ii]. Vinci đã đả kích như thế này về việc nhân loại bạo hành tự nhiên: “Nhân loại thật sự không hổ thẹn là vua của muôn loài, vì sự tàn bạo của họ vượt qua tất cả cầm thú. Chúng ta dựa vào cái chết của động vật khác để sinh tồn, chúng ta thực là nấm mồ của vạn vật… Sẽ có một ngày, mọi người sẽ giống như tôi, coi giết động vật cũng tàn bạo như giết đồng loại”[iii].

Thế kỉ 18-19, cùng với sự đề xướng trào lưu triết học hướng về tự nhiên và sự hưng khởi của văn học chủ nghĩa lãng mạn, trong lịch sử văn minh phương Tây, thời kì phồn vinh đầu tiên của tư tưởng sinh thái đã đến. Ý thức trở về với tự nhiên và cùng với chung sống hài hòa vạn vật tự nhiên thậm chí trở thành tư tưởng chủ lưu. Nhà văn chủ nghĩa lãng mạn có cống hiến cực lớn đối với sự hình thành của trào lưu này. Novalis coi đại tự nhiên là “sự tồn tại khác của linh hồn”, đả kích mãnh liệt văn minh công nghiệp thù địch với tự nhiên, gọi nó là “cuộc chiến tranh hủy diệt kéo dài được tính toán một cách cẩn kĩ lưỡng mà nhân loại tiến hành với đại tự nhiên”[iv]. Nhà thơ lãng mạn chủ nghĩa Đức Achim von Arnim từng chất vấn: “Cổ thụ đi đâu rồi? hôm qua chúng ta vẫn còn ngồi dưới nó; còn có kí hiệu nguyên thủy giới hạn cố định nữa! Sao vậy? xảy ra chuyện gì thế? Người dân dường như quên mất chúng rồi”. Trả lời điều đó, nhà văn lãng mạn Pháp Chateaubriand nói: “Rừng sâu có trước các dân tộc, sa mạc đến sau con người”[v]. Làm thế nào để tránh được việc nhân loại sau khi hủy diệt tự nhiên cũng sẽ hủy diệt bản thân? Hugo cho rằng, việc cần kíp nhất trước mắt là cần xây dựng quan hệ đạo đức hài hòa giữa con người và tự nhiên. Ông nói “con người và con người nên đối đãi một cách văn minh với nhau, điều này đã tương đối tiến bộ rồi; sau đó con người cũng nên đối đãi một cách văn minh với tự nhiên, nhưng điều này cho đến nay vẫn là một khổng trống rỗng”[vi]. Thoreau được coi là nhà văn sinh thái vĩ đại nhất của thời đại lãng mạn chủ nghĩa. Ông không tán thành việc lấy con người làm gốc trong việc đối xử với tự nhiên, ông quyết liệt phản đối dựa vào khoa học kĩ thuật quấy nhiễu tự nhiên và thống trị tự nhiên. Những tác phẩm của ông đều “vì con người thể hiện sự tồn tại của tự nhiên bên ngoài nhân loại, nó là sự tồn tại chủ yếu, là sự tồn tại vượt len trên bất kì thành viên của nhân loại”[vii]. Thoreau cho rằng sự tồn tại đó có ý nghĩa to lớn đối với sự tồn tại của nhân loại, có lúc ông dứt khoát dùng chữ “hoang dã” (wilderness) để gọi sự tồn tại đó, và nói “chỉ có trong hoang dã mới có thể bảo hộ được thế giới này”.  Giống như các nhà văn lãng mạn khác, Thoreau cũng nhấn mạnh nhân loại nên sùng bái tự nhiên, sự sùng bái tự nhiên ở mức cao này không chỉ có thể cứu vớt tự nhiên mà còn có thể cứ vớt bản thân nhân loại: “Con người có thể thái độ sùng bái chân chính đối với cây cối và đá sỏi, đó chính là sự sống mới của nhân loại”[viii]. Schopenhauer đặc biệt nhấn mạnh đạo đức luân lí của con người đối với tự nhiên. Ông chỉ ra: “Luân lí Kito giáo không nghĩ đến động vật… Mọi người đều cho rằng động vật không có quyền lợi, họ nói với bản thân, tất cả những gì con người làm đối với động vật không liên quan gì đến vấn đề đạo đức… Điều này quả thật là luận điệu dã man do con người tạo ra”[ix]. Nietzsche lại chỉ ra, con người “căn bản không phải là quán quân của vạn vật: mỗi loài sinh vật đều bình đẳng với các loài vật khác”[x]. Biện chứng pháp tự nhiên của Engel có thể coi là kiệt tác bàn về quan hệ giữa con người và tự nhiên, sau đó những tư tưởng sâu sắc nhất trong kiệt tác này bất luận là chiến tuyến chủ nghĩa tư bản phương tây hay chiến tuyến chủ nghĩa xã hội phương Đông đều không coi trọng đúng mức: “Chúng ta tất yếu phải từng bước ghi nhớ: chúng ta thống trị giới tự nhiên, quyết không giống như kẻ chinh phục thống trị các dân tộc khác, quyết không giống như  một cá nhân nào đó đứng ngoài tự nhiên – ngược lại, đến máu thịt, cân não của chúng ta đều thuộc về giới tự nhiên và tồn tại trong đó; toàn bộ sự sức mạnh chi phối của chúng ta đối với tự nhiên chính là chúng ta mạnh hơn tất cả các sinh vật khác, có thể nhận thức và vận dụng chính xác quy luật tự nhiên”. Tiến thêm một bước nữa, ông nói, “chúng ta không nên quá say sưa với thắng lợi của nhân loại đối với giới tự nhiên. Đối với mỗi lần thắng lợi như vậy, giới tự nhiên đều sẽ báo thù chúng ta. Mỗi lần thắng lợi, ở tuyến đầu tiên đều xác thực đạt được kết quả mà chúng ta dự định, nhưng ở tuyến thứ 2 và thứ 3 lại có ảnh hưởng hoàn toàn khác, ngoài dự dịnh của con người, nó thường thường làm cho kết quả ở tuyến đầu tiêu biến”[xi]. Engel không hề phủ nhận sự khống chế, lợi dụng tự nhiên, nhưng trên thực tế đã dùng mệnh đề nổi tiếng “một lần thắng lợi hai lần thất bại” cảnh báo: nhân loại không thể chinh phục đại tự nhiên, nếu không, chỉ tự chuốc họa vào thân.

Các nhà sinh vật học thế kỉ 18-19 đã có những cống hiến vĩ đại đối với tư tưởng sinh thái của nhân loại. Nhà thực vật học Thụy Điển Linnaeus đề xuất thuyết “thể chung của tự nhiên” và trật tự tự nhiên, rất coi trọng quan hệ tương hỗ giữa vạn vật tự nhiên. Các nhà khoa học thuộc phái Linnaeus đề xuất thuật ngữ nổi tiếng “dây xích sinh vật” (chain of being), chỉ ra “trong bất kì tình huống nào, nếu như một mắt xích của dây xích tự nhiên bị đắt đoạn thì sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn không có trật tự của chỉnh thể”[xii]. Năm 1866, thuật ngữ “sinh vật học”(Oecologie) do nhà khoa học người Đức Haeckel lần đầu tiên đề xuất, (sau đó biến thành oecology, cuối cùng mới biến thành ecology). Theo Haeckel giới định, sinh thái học là “khoa học nghiên cứu quan hệ giữa sinh vật và thế giới bên ngoài của nó”[xiii]. Thuyết tiến hóa của Darwin có vai trò thúc đẩy không nhỏ đối với sự phát triển của tư tưởng triết học sinh thái. Phát hiện ra quan hệ mật thiết giữa con người với các sinh vật khác, đã phá vỡ tham vọng hoang đường con người thoát li khỏi sinh vật khác đứng cao hơn tất cả, thúc đẩy con người xây dựng ý thức tất cả các sinh vật đều có quan hệ huyết thống, thấy rằng nhân loại và các sinh vật khác có cùng nguồn gốc trên ý nghĩa sinh vật học, tiếp đó thúc đẩy con người mở rộng luân lí của nhân loại đến tất cả các sinh vật, đem sự quan tâm của con người mở rộng đến tất cả các sinh mệnh khác. Nhà tiểu thuyết Anh thế kỉ 19 Hardy đã nhìn ra ý nghĩa của học thuyết này một cách vô cùng rõ ràng. Ông trình nói: “Xem ra chỉ có rất ít người nhận thấy, xác lập ảnh hưởng sâu xa nhất của học thuyết khởi nguyên về cộng đồng vật chủng là ở lĩnh vực đạo đức …”[xiv].

Tư tưởng luân lí sinh thái nửa đầu thế kỉ 20 có thể coi là nguồn gốc tinh thần trực tiếp nhất của phê bình sinh thái, trong đó quan trọng nhất là luân lí “kính trọng sinh mệnh” của Schweitzer và “luân lí địa cầu” của Leopold. Schweitzer cho rằng, sự đồng tình của nhân loại nếu “không chỉ liên quan đến con người, mà còn bao gồm tất cả sinh mệnh, đó chính là luân lí có độ rộng và độ sâu chân chính”[xv]. Albert Einstein cũng tán thành quan niệm luân lí rộng lớn này, ông chỉ ra “nhân loại vốn là một bộ phận khác của vũ trụ…. Nhiệm vụ ngày nay và sau này của chúng ta là dùng sự từ bi quảng đại để đối đãi vạn vật tự nhiên”[xvi]. Leopold coi sự hoàn chỉnh, ổn định, mĩ lệ của thể chung của sinh mệnh là “luân lí địa cầu” với tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, là tiêu chí biểu hiện thời đại của sinh thái học đã đến”[xvii].

Một người khác trực tiếp thúc đẩy sự trỗi dậy của phê bình sinh thái là Carson. Bà tiến hành phê bình sâu sắc văn minh phương Tây: “Chúng ta cứ cuồng vọng bàn đến việc chinh phục tự nhiên. Chúng ta còn không đủ trưởng thành để hiểu rằng con người chỉ là một bộ phận rất nhỏ của cũ trụ rộng lớn. Điều cốt yếu trong thái độ của nhân loại đối với tự nhiên ngày nay chính là vì con người hiện đại đã có năng lực có thể cải biến triệt để và hoàn toàn hủy diệt tự nhiên, quyết định vận mệnh của toàn bộ trái đất”. Sự kịch liệt khuếch trương năng lực nhân loại “là điều bất hạnh của chúng ta, hơn nữa rất có thể là bi kịch của chúng ta. Vì năng lực to lớn này không chỉ không chịu khống chế của trí tuệ và lí tính mà còn lấy sự vô trách nhiệm làm tiêu chí của nó. Cái giá lớn nhất phải trả của việc chinh phục tự nhiên chính là tự chôn vùi bản thân”[xviii]. Sau đó “nhân loại tự say sưa với năng lực to lớn của mình, xem ra đang đi ngày một xa trên con đường thực nghiệm hủy diệt bản thân và thế giới”[xix]. Carson “đã chất vấn thái độ cơ bản của xã hội kĩ thuật này đối với tự nhiên”[xx], làm lộ ra “quan niệm nguy hiểm ẩn tàng trong hành vi can thiệp và khống chế tự nhiên”[xxi], “cảnh cáo việc chúng ta dùng kĩ thuật chinh phục tự nhiên một cách thiếu tầm nhìn xa rất có thể sẽ hủy diệt tài nguyên cần thiết đối với sự sinh tồn của nhân loại, mang đến cho nhân loại tai họa mang tính hủy diệt”[xxii].

Phê bình sinh thái có cơ sở tư tưởng sâu rộng, nhưng điều này chưa đủ xác định nó sẽ có một tương lai huy hoàng. Phê bình sinh thái khởi đầu từ phê phán văn hóa tư tưởng, cũng dương danh ở phê phán văn hóa tư tưởng, sự phê phán này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy chúng ta nhận ra khiếm khuyết nghiêm trọng thậm chí chết người của truyền thống văn hóa và tư tưởng nhân loại. Nhưng, nếu như nó muốn thực sự đạt được sự “trưởng thành trên phương diện lí luận”, thì không thể chỉ dừng lại ở phê phán, mà tất yếu trên cơ sở kế thừa thành tựu tư tưởng sinh thái của người đi trước, giải quyết những vấn đề tư tưởng lớn mà người đi trước vẫn chưa giải quyết. Phê bình sinh thái không nên chỉ là “khoa học mang tính lật đổ”[xxiii], mà còn cần phải là khoa học mang tính xây dựng. “hướng đến sự trưởng thành trên phương diện lí luận”, đem đến trước tác lí luận mang tính tiêu biểu có ảnh hưởng rộng rãi”[xxiv] là kì vọng của giáo sư chủ nhiệm khoa Anh văn đại học Harvard Buell đối với sự phát triển trong tương lai của phê bình sinh thái, nhưng phê bình sinh thái cuối cùng nên có những đột phá nào trên phương diện thực hiện lí luận, Buell lại không chuyên tâm trình bày. Tôi cho rằng, phê bình sinh thái chí ít nên giải quyết vấn đề của bốn phương diện sau, hoặc chí ít có một số đột phá mang tính khai sáng.

Trước hết là nguyên tắc triết học về địa vị của con người trong tự nhiên và chuẩn tắc luân lí cơ bản trong việc đối đãi với tự nhiên. Liệu có cần triệt để phủ nhận chủ nghĩa nhân loại trung tâm luận? liệu có phải tất yếu hướng đến chủ nghĩa sinh thái trung tâm? Cuối cùng là tiếp tục kiên trì coi lợi ích của con người là hạt nhân đồng thời coi trọng lợi ích của vạn vật tự nhiên, hay là chỉ coi con người là một mắt xích trong chuỗi sinh vật (bình đẳng với các mắt xích khác) và coi lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái là cao nhất? sinh thái trung tâm liệu có phải tất yếu dẫn sự coi nhẹ nguyên tắc công chính?

Tiếp nữa là chủ nghĩa phát triển. Từ khi câu lạc bộ Roma đề xuất suy nghĩ mang tính phủ định đến nay, vấn đề này không chỉ không được giải quyết mà còn ngày càng phức tạp. Phát triển hay là sinh tồn?- phát triển có ích đối với sinh tồn hay là có hại đối với sinh tồn? Sự phát triển của nhân loại hiện nay hay là sự sinh tồn của con cái đời sau? Sự phát triển của nhân loại hay là sự sinh tồn của các vật chủng khác? Có thể và quan tâm đến sinh tồn và phát triển như thế nào? (bao gồm sự sinh tồn lâu dài của con cháu đời sau và vạn vật tự nhiên). Thế nào mới là sự phát triển chân chính? Nhân loại chân chính cần sự phát triển như thế nào? Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng và càng ngày càng trở nên quan trọng.

Tiếp nữa, chủ nghĩa khoa học và chủ nghĩa lạc quan kĩ thuật. Sự phê phán của các triết gia như Lewis Mumford, Heidegger, Horkheimer, Marcuse, Habermas…đối với khoa học kĩ thuật vì sao không được đại đa số mọi người, đặc biẹt là đại đa số những nhà chính trị có khả năng quyết định đối với mô hình phát triển xã hội và các nhà khoa học khác tiếp nhận? Trên cơ sở chỉ ra sự phát triển của khoa học kĩ thuật phá hoại có tính hủy diệt đối với sinh thái, làm thế nào để bình giá về vai trò quan trọng không thể thiếu của khoa học kĩ thuật đối với việc nhân loại thoát khỏi khó khăn sinh tồn và nguy cơ sinh thái? Làm thế nào để thúc đẩy khoa học kĩ thuật phát triển trên con đường thực sự có trách nhiệm đối với nhân loại và chỉnh thể hệ thống sinh thái.

Cuối cùng là phát hiện và dẫn nhập tài nguyên tinh thần của văn minh phương Đông cổ đại. Đây là một khuynh hướng phát triển quan trọng của phê bình sinh thái hiện nay. Rất nhiều các nhà tư tưởng và triết gia sinh thái như Schopenhauer, Schweitzer, Huxley, Toynbee,Capra, Ralston … đều nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của trí tuệ sinh thái phương Đông cổ đại. Nxb Đại học Harvard liên tục xuất bản nhiều chuyên luận bàn về giá trị to lớn của tư tưởng sinh thái phương Đông cổ đại đối với trào lưu văn hóa sinh thái, như Tư tưởng Nho gia và sinh thái học(2001), Nho gia và sinh thái học (1998), Tư tưởng Phật giáo và sinh thái học (1997). Ngày càng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa sinh thái, tư tưởng sinh thái ý thức được rằng phát hiện và dẫn nhập trí tuệ sinh thái phương Đông cổ đại rất có thể sẽ giúp triết học sinh thái, luân lí học sinh thái, văn học sinh thái và phê bình sinh thái giải quyết được những khó khăn được nêu ở trên. Ở phương diện này, học giả Trung Quốc có ưu thế lớn, trên thực tế, khuynh hướng phát triển này của phê bình sinh thái mang đến cho học giả Trung Quốc có cơ hội hiếm có để hướng đến diễn đàn học thuật thế giới. Trên diễn đàn thế giới của phê bình sinh thái, rất nhiều người đang chờ đợi sự tham dự của học giả Trung Quốc, chờ đợi những cống hiến mới, tài nguyên tinh thần có tính gợi ý đến từ quê hương của trí tuệ sinh thái phương Đông cổ đại cho sự toàn cầu hóa của phong trào tư tưởng xanh.

Đỗ Văn Hiểu dịch từ tiếng Trung

Ngô Hương Giang hiệu đính thuật ngữ từ tiếng Anh

(Dịch, tổng hợp từ bản tiếng Trung: Phê bình sinh thái Âu Mĩ, Nxb Học Lâm, 2008, và Phê bình sinh thái: Phát triển và nguồn gốc, trong “Tuyển tập văn luận văn học sinh thái Trung quốc và thế giới”, Nxb Đại học công Thương Triết Giang, 2010, tr48-60)

Chú thích


[i] Will Curtis, The Nature of Things, The ECCO Press, 1984, “Preface”, p.ix

[ii]加林:《意大利人文主义》,三联书店1998年,第185_188页

[iii] wynneTyson,TheExren山deircle,ParagonHouse,1989,P.65.

[iv]狄特富尔特等编《人与自然》,三联书店1993年版,第23页

[v]同上书,第209一210页。

[vi]Wynne Tyson, The Extended Circle, Paragon House, 1989, p131.

[vii] Lawrence Buell, The Environmental Imagination: Thoreau, Nature Wirting, and the Formation of American Culture, Haravard University Press 1995, p 2009

[viii] H.D.Thorean, The works of Henry Thorea, Vol. I Walden Edition, 1906, p182

[ix] Wynne Tyson, The Extended Circle, p308

[x]狄特富尔特等编《人与自然》,第90页。

[xi]恩格斯:《自然辩证法》,人民出版社1984年版,第304一305页。

[xii] Donald Worster, Nature’s Ecônmy: A History of Ecological Ideas, Second Edition, Cambridge university Press, 1994, p46

[xiii] Ibid., p.192

[xiv] Ibid., p185

[xv]史怀泽:《敬畏生命》,上海社会科学院出版社1996年,第103页。

[xvi] Wynne Tyson, The Extend Circle,.p76

[xvii]参见利奥波德《沙乡年鉴》,吉林人民出版社1997年,第213页

[xviii] Linda Lear, Rachel Carson: Witness for Nature, Henry Holt & Company, 1997, p 407

[xix] Carol B. Gartner, Rachel Carson, Frederick Ungar Publishing, 1983, p187

[xx] Mary A. McCay, Racel Carson, Twayne Publishers 1993, p80

[xxi] Paul Brooks, The House of lìe: Rachel Carson at Work, Houghton Mifflin, 1972, p.239-94

[xxii] Philip Sterling, Sea and Earth: The life of Rachel Carson, Thomas Y, Crowell Company, 1970, p193

[xxiii] Donald Worster, Nature’s Ecônmy: A History of Ecological Idea, 1994, p58

[xxiv] Lawrence Buell, “On Ecocriticism (Aletter)”, OMLA 114,5 (oct, 1999), p.1091

Nguồn: Vanvn.net