Ngay cả chỉ là hình dung sơ bộ mà cũng đã là rất khó. Khó vì những biến động quá lớn trong thực trạng và các tiêu chí đánh giá.

Đó là tình hình hoàn toàn khác biệt với tất cả các giai đoạn trước mà tôi được biết và chứng kiến.

Chẳng hạn thời kỳ 1930-1945, tôi muốn xem là thời kỳ hoàn thiện diện mạo hiện đại của đời sống văn học; thời kỳ văn học gặt hái được một mùa màng ngoạn mục nhất, trong đó có thành tựu của nghiên cứu – lý luận – phê bình. Chỉ trong 15 năm, nếu thành tựu sáng tác là rất nổi bật trên cả ba trào lưu văn học thì thành tựu phê bình cũng được kết tinh trên nhiều tác gia, tác phẩm tiêu biểu như của Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Lê Thanh, Trương Chính, Trần Thanh Mại, trong đó có những tên sách có giá trị thế kỷ như Phê bình và Cảo luận, Thi nhân Việt Nam, Nhà văn hiện đại

Sau 1945 cho đến thời Đổi mới, đời sống văn học đi vào một quỹ đạo mới, thành tựu của nghiên cứu lý luận phê bình hướng vào quỹ đạo của Đường lối cách mạng và Đường lối văn nghệ của Đảng. Sau những chuẩn bị “nhận đường” ban đầu theo ba phương châm Dân tộc, Đại chúng, Khoa học, và mục tiêu phục vụ Công Nông Binh, lý luận văn học mác xít về văn học – nghệ thuật dần dần hình thành và hoàn thiện vào những năm 60, trên miền Bắc, qua các văn kiện của Đảng và các Hội nghề nghiệp, và trong các ý kiến phát biểu của những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như Hồ Chủ tịch, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu… Từ đây – “văn hóa – nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Từ đây tính Đảng phải được xem là linh hồn của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ đây – trong mọi thứ tính làm nên phẩm chất của văn học mới – thì tính chiến đấu phải được xem là biểu hiện tập trung nhất của công tác phê bình. Và – cao hơn cả: “lý luận phê bình là một phương thức chỉ đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ”(1).


Từ nhận thức trên, công tác lý luận- phê bình luôn được đặt ở vị trí tiền tiêu; và người làm công việc phê bình phải được sự tin cậy cao nhất của Đảng. Do vậy mà nhìn vào đội ngũ – thì số lớn, nếu không nói là tất cả, đều là những người được Đảng giao trách nhiệm và nắm giữ những vị trí then chốt trong các cơ quan tuyên huấn, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ… Những gì họ viết hoặc nói đều được xem là những phát ngôn chính thống để giữ cho văn học – nghệ thuật không được xa rời, hoặc chệch ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng – nó là cái lỗi nặng nhất trong mọi thứ lỗi. Và dễ hiểu những tên bài, tên sách trong cả một thời kỳ dài đều có một khuôn chung – đó là: Dưới ánh sáng đường lối văn nghệ của Đảng, Noi theo đường lối văn nghệ Mác Lênin của Đảng, Phấn đấu sáng tạo theo đường lối văn nghệ của Đảng, Mãi mãi đi theo đường lối văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luyện thêm chất thép cho ngòi bút, Trên mặt trận văn học, Căn bản vẫn là vấn đề lập trường – tư tưởng, Đường lối văn nghệ của Đảng – vũ khí, trí tuệ, ánh sáng

Tình hình trên kéo dài cho đến cuối thập niên tám mươi.

*

Thời Đổi mới, kể từ cuối thập niên 80 cho đến nay là thời kỳ đời sống văn học phát triển trong xu thế hội nhập với tác động của cuộc cách mạng thông tin và nền kinh tế thị trường.

Một thời kỳ diễn ra dài ngót 30 năm, tính cho đến nay, với sự đồng hành của 4 (hoặc 5) thế hệ viết – kể từ thế hệ 3X đến 9X; trong đó thế hệ bắt đầu viết hoặc được sinh ra sau 1975 đang dần dần đóng vai trò chủ đạo. Diện mạo phê bình cũng theo đó mà thay đổi.

Khi thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không còn xuất hiện và yêu cầu về tính Đảng ít được nhắc đến thì lực lượng phê bình lãnh đạo cũng không còn tồn tại, sau sự ra đi (hoặc ngừng hoạt động) của các tên tuổi chính – tiêu biểu làm nên gương mặt phê bình suốt từ giữa thập niên 50, sau kết thúc cuộc chiến chống Nhân văn – Giai phẩm cho đến cuối 80.

Do sự phát triển của báo chí lên đến nhiều trăm tờ, thuộc đủ các loại: báo in, báo hình, báo mạng thì mặc nhiên phê bình báo chí được đưa lên hàng đầu. Dẫu chuyên hoặc không chuyên, việc thông tin về hoạt động văn học – nghệ thuật cũng là một nhu cầu chung, phổ biến của xã hội; và do vậy cũng là đối tượng cho các loại báo chí quan tâm. Điều đó khiến cho các ông chủ báo, các nhà báo và các biên tập viên báo chí bỗng trở thành các vai diễn quan trọng trong đời sống phê bình. Phải qua họ, hoặc nhờ vào họ mà một tác giả, hoặc một tác phẩm nào đó mới đến được với công chúng qua kênh truyền thông, trước khi có sự bàn bạc, thẩm định của các giới chuyên môn.

Là báo chí nên bài vở thường phải ngắn, và nội dung được đề cập chủ yếu là những vấn đề thích hợp với đời sống chính trị, xã hội nhiều hơn là đời sống văn chương. Việc bàn thảo chung quanh một tác phẩm hay, hoặc có chuyện để bàn, do vậy bỗng trở nên rất hiếm – kể cả trên các báo của các Hội nghề nghiệp, hoặc các viện nghiên cứu… Và đó chính là nguyên cớ cho sự im ắng, tẻ nhạt của đời sống phê bình.

Như vậy có thể nghĩ: đây là thời phê bình báo chí làm nên gương mặt chủ đạo, có tác dụng thay thế hoặc lấn át phê bình chuyên nghiệp. Nhưng phê bình chuyên nghiệp là ai, và ở đâu thì cũng rất khó tìm. Ngoài các ông chủ báo và biên tập viên báo chí, xuất bản, ngoài những người viết tự do (cho các báo chí) thì đó là sự xuất hiện lẻ tẻ, rời rạc dăm mười tên tuổi ở một số viện nghiên cứu, hoặc các khoa văn, khoa văn hóa, khoa học xã hội ở các trường. Chăm viết, hoặc không, họ vẫn còn nhiều việc khác để làm, bởi đó là nơi họ ăn lương. Và cũng có thể còn tham gia vào dăm dự án nghiên cứu này nọ, trong các chương trình nghiên cứu của cơ quan. Và như vậy thì cái gọi là chuyên nghiệp lại rất đáng hồ nghi… Còn các thế hệ đi trước họ, thế hệ có một  lịch sử viết gắn với các giai đoạn trước, nhiều người vừa có thẻ hội viên Hội Nhà văn vừa có học hàm Giáo sư hoặc Phó Giáo sư thì số lớn, theo tôi, họ đã không xuất hiện, hoặc không xuất hiện trong tư cách người phê bình; bởi các thế hệ sáng tác đồng hành với họ số lớn cũng đã lên lão cả rồi (Theo thống kê gần đây nhất của Hội Nhà văn Việt Nam thì số hội viên có tuổi thọ trên 70 hiện nay là 276 người trên tổng số 966 hội viên, chiếm tỷ lệ trên 31%!). Ai cũng chỉ có một thời sung sức – ở tuổi ngoài 20, 30… Hoặc muộn lắm là 50, 60… Nếu có kéo dài thêm thì chỉ nên xem là người đồng hành, chứ không thể, không nên là chủ lực, bởi sự bất cập của họ, và khoảng cách về nhiều phương diện giữa họ và các thế hệ trẻ hôm nay là quá rộng, quá xa. Vai trò chủ lực, làm nên diện mạo và thành tựu chung của phong trào phải dành cho các thế hệ sau. Còn họ, nếu ai còn sức, còn có điều kiện để hành nghề thì lùi vào bình diện nghiên cứu lịch sử; để làm một cái cầu nối cho các thế hệ sau đừng quên lịch sử. Bởi, phê bình chính là sự nối dài của lịch sử, trước khi trở thành lịch sử.

Nếu có một đội ngũ phê bình ở các viện, các trường – mà ta quen gọi là phê bình hàn lâm, thì cũng cần lưu ý đến một khu vực được làm rất thường xuyên – đó là việc viết và chấm các luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ. Ở đây đời sống văn học đương đại rất được cập nhật; mỗi năm trên khắp các trường (thuộc khối văn hóa – nghệ thuật, khoa học xã hội – khoa học nhân văn) có sự ra lò của hàng trăm, nhiều trăm luận văn, qua đó, diện mạo văn học hiện đại, kể cả những khu vực áp sát vào thời sự nhất vẫn được bàn và bình, khen và chê… Và đó chính là nơi diễn ra hoạt động phê bình, chỉ có điều công chúng rộng rãi ít biết đến, trừ các Hội đồng chấm, và đôi khi, trực tiếp hoặc gián tiếp, có sự góp mặt của tác giả, rồi sau đó vào ngủ yên trong các kho của thư viện.

Đây là hiện tượng trước thời Đổi mới chưa hề có.

Như vậy, theo tôi thực trạng phê bình hiện nay gắn bó trực tiếp với hoạt động báo chí. Còn phê bình trong đời sống nghiên cứu và giảng dạy ở các viện và học đường thì ít có tác động đến công chúng bạn đọc. Ngoài hai loại đó, không biết cái gọi là phê bình chuyên nghiệp nằm ở đâu?

Vào cái thời tất cả mọi ngành nghề đều hướng tới chuyên nghiệp hóa, thì với phê bình lại theo chiều ngược lại.

Thế nhưng chính vào lúc phê bình yếu tính chuyên nghiệp nhất thì đời sống sáng tác lại bề bộn, nhiều màu vẻ nhất. Không thể đếm xuể biết bao nhiêu cuộc thi đã được tổ chức trên mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề cùng với bấy nhiêu các hội đồng chấm giải, từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao. Không thể đếm xuể số lượng thơ, truyện, tiểu thuyết, phê bình – tiểu luận… được in ra. Cái in ra thì nhiều, nhưng đến được với bạn đọc là bao nhiêu? Cái in ra vừa để biếu vừa để bán; và cả bán và biếu có được đọc không? Chưa thấy có một điều tra xã hội học nào để đo đếm tác động của văn học – nghệ thuật đối với đời sống xã hội

Nhìn vào các lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, điện ảnh mới thấy “thương” cho văn học, khi mỗi quyển sách được in ra chỉ là 300, 500 hoặc 1000 bản mà vẫn khó bán trên tỷ lệ ngót 90 triệu dân. Cố nhiên, nếu là sách hay (số này rất hiếm – và thường là sách dịch) và được quảng cáo tốt thì được in nhiều hơn. Tính số đầu sách được in, với số đầu sách được giới thiệu trên báo – nhờ vào các mối quan hệ thân quen hoặc vị nể – thì tỷ lệ là vô cùng bất cập. Có nghĩa là chìm trong im lặng. Một im lặng đến mênh mông. Thậm chí nếu có được giới thiệu ở một góc, hoặc nửa trang, một trang nào đó của một tờ báo chuyên hoặc không chuyên thì cũng đâu dễ gây được sự chú ý – kể cả các giải này, giải nọ.

Viết đến đây, tôi không tránh được ý nghĩ bi quan về vai trò và vị trí của văn học nói chung trong đời sống, trước sức mạnh áp đảo của các nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vai trò của các lợi ích vật chất và giá trị của đồng tiền. Trong bối cảnh đó, con người hôm nay đến với văn học – nghệ thuật trước hết như một nhu cầu giải trí (nhìn vào đời sống âm nhạc, điện ảnh ta sẽ thấy rất rõ điều này); và như vậy thì mục đích của phê bình cũng chỉ giới hạn ở nhu cầu thông tin, quảng bá… Nó có mạnh hơn lên, hoặc yếu đi; có thực hiện đúng với chức năng hay không thì sách in ra vẫn… ế – như cách nói của một nhà thơ gần đây(2).

Một chấn hưng cho phê bình trở về với tính chuyên nghiệp của nó có nghĩa là cần có một đội ngũ – yêu nghề, tinh thông về nghề, và sống được bằng nghề. (Câu chuyện thật là xa xôi!). Họ phải được đào tạo và giao trách nhiệm, và được tạo các điều kiện tốt cho việc thực hiện các trách nhiệm.

——————————-

(1) Trường Chinh: Về phê bình văn học; Tạp chí Văn học, số 1-1969.

(2) Jnrasara: Thơ vẫn sống và vẫn… ế; Tuổi trẻ; số 20-2-2012.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An