Trong tuần qua, báo chí thế giới đã cùng đưa một tin thú vị về người đưa thư tận tụy nhất từng thấy. Bức thư được chuyển tới đúng tay người nhận dù không hề có một địa chỉ rõ ràng chi tiết, tất cả chỉ có một sơ đồ vẽ tay do người gửi tự thực hiện.
Trước đây, những câu chuyện về lá thư bỏ trong chai, thả xuống biển, vượt hàng ngàn dặm biển, để rồi cuối cùng được ai đó tìm thấy sau nhiều năm, hay thậm chí là hàng chục năm đã xuất hiện rất nhiều trên báo.
Rồi những lá thư bị bỏ sót ở bưu điện, sau hàng thập kỷ mới được phát hiện ra và đem giao tới tay người nhận cũng đã vài lần được nhắc đến. Nhưng câu chuyện lần này hoàn toàn khác.
Dường như câu chuyện xoay quanh những lá thư vẫn luôn khiến con người ta, dù ở bất cứ thời nào, cũng đều cảm thấy thích thú. Câu chuyện về một lá thư kỳ lạ ở Iceland đã gây sốt trong tuần qua. Người nhận thư là chị Rebecca Cathrine Kaadu Ostenfeld.
Chị Rebecca đã rất ngỡ ngàng khi một lá thư được chuyển tới nông trại nhà mình, nơi chị đang sống cùng với chồng và 3 con nhỏ, ở gần ngôi làng Búðardalur thuộc miền tây Iceland. Trên lá thư không hề có tên người nhận, cũng không có địa chỉ rõ ràng, người gửi đã vẽ một sơ đồ để giúp người đưa thư tìm tới nơi có người nhận.
Trên bì thư có vài dòng chữ “mông lung”: “Đất nước: Iceland. Thành phố: Búðardalur. Địa chỉ nhận: Một nông trại có một cặp đôi người Iceland/Đan Mạch và 3 đứa trẻ cùng rất nhiều cừu!”. Ngoài ra, người gửi còn đề thêm một “manh mối” để giúp người đưa thư tìm ra người nhận: “Một phụ nữ Đan Mạch làm việc trong siêu thị ở Búðardalur”.
Lá thư đã được viết và gửi từ thủ đô của Iceland – Reykjavík. Người gửi là một khách du lịch đã từng trọ lại ở nông trại nhà chị Rebecca nhưng đến khi gửi thư cảm ơn gia đình chị thì đã quên mất địa chỉ cụ thể như thế nào.
Điều phi thường nằm ở chỗ dù lá thư này hoàn toàn không đáp ứng những tiêu chuẩn của một lá thư thông thường được gửi qua đường bưu điện, thì cuối cùng, nó vẫn có thể đến đúng tay người nhận.
Lá thư này đã được chuyển tới tay chị Rebecca từ tháng 3 nhưng mãi tới gần đây, lá thư mới được biết đến khi một tờ tin tức địa phương đăng một mẩu tin nhỏ về lá thư này và kết luận rằng: “Mọi điều đều có thể xảy ra ở Iceland”.
Kể từ đây câu chuyện đã tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội cùng các tờ tin tức nước ngoài như một câu chuyện nhỏ truyền cảm hứng về sự tận tụy của một người đưa thư vô danh nào đó, đã âm thầm mẫn cán hoàn tất nhiệm vụ của mình.
Đó còn là sự “cẩn thận dễ thương” và niềm tin lạc quan của người gửi thư “đãng trí” khi vẫn quyết định gửi đi một lá thư kỳ lạ như thế. Một câu chuyện nhỏ dễ chịu đem lại nụ cười cho tất cả những ai biết đến.
Theo Bích Ngọc – Dân trí (dịch từ BBC)