Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du đã phát hiện cuốn sách cổ có niên đại 163 năm trước, liên quan đến đến dòng họ Nguyễn – Tiên Điền.

Phát hiện sách cổ có niên đại 163 năm ở Hà Tĩnh
Một trang của cuốn sách tìm được. Ảnh: BK.

Cuốn sách cổ “Tiên Điền xã tân khoa văn, bản huyện lịch khoa hoàng bảng tiên đạt liệt vị tiên sinh và văn cúng, văn thức” của xã Tiên Điền (Nghi Xuân) được viết bằng chữ Hán cổ trên chất liệu giấy dó, khổ 22.5 x 26.5 cm, dày 140 trang, được bảo lưu nguyên vẹn từ trang đầu đến trang cuối.

Sách được chép từ năm Nhâm Tý (1852), triều vua Tự Đức thứ 5. Nội dung chia làm 3 phần: Phần thứ nhất nói về thuyết ngũ hành; phần thứ hai mô tả và vẽ sơ đồ một số ngôi mộ tổ ở Bắc Ninh (Võ Gia huyện – Nguyễn Nhân Duy tổ mộ trung Trạng nguyên Bắc Ninh, Bắc Ninh – Nguyễn Đăng Đạo tổ mộ Trạng nguyên, Bắc Ninh – Nguyễn Cộng tổ mộ trung Thám hóa), Hải Dương (Hải Dương – Chí Lính huyện, Ngô Đình tổ mộ trung Trạng nguyên, Hải Dương – Thanh Lâm huyện, Võ (Vũ) Dương tổ mộ trung Trạng nguyên); Hà Nội (Hà Nội – Thanh Trì huyện, Nguyễn tộc tổ mộ đăng lang dưỡng thập nhị nhân); Hưng Yên ( Hưng Yên – Bình dân xã Nguyễn Dưỡng Đạo tổ, địa trung Thám hoa)… Phần thứ ba ghi nhiều địa danh và có vẽ một số bản đồ (chi đồ) cùng những luận bàn về nội dung thuyết ngũ hành được ghi ở phần thứ nhất. Cuốn sách cổ được phát hiện trên địa bàn xã Tiên Điền (Nghi Xuân – Hà Tĩnh).

Sách được viết bằng chữ Hán. Ảnh: BK.
Sách được viết bằng chữ Hán. Ảnh: BK.

Đây là di sản Hán – Nôm độc đáo và quý hiếm, sẽ cung cấp nhiều tư liệu quý nhằm phục vụ công tác phục dựng về di tích, về các lễ nghi tại Văn thánh xã Tiên Điền. Hiện nay cuốn sách được Ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Du phối hợp với Câu lạc bộ Hán – Nôm Nghệ An khảo cứu, sưu tầm và chuyển về bảo quản tại kho tư liệu của Khu di tích Nguyễn Du để phục vụ công tác nghiên cứu.

Sơ đồ vẽ trong cuốn sách cổ vừa tìm thấy. Ảnh: BK.
Sơ đồ vẽ trong cuốn sách cổ vừa tìm thấy. Ảnh: BK.

Trong những năm gần đây, tại Hà Tĩnh cũng phát hiện nhiều cuốn sách cổ quý hiếm từ thời Nguyễn, đặc biệt có thể kể đến như các đầu sách: Minh thánh kinh thị đọc, Kinh thi kinh đức quan, Độ thế chân kinh Trần Đại Vương, Chính kinh văn, Khuyến thiện, Khuyến hiếu… Phần lớn các cuốn sách này đều in bằng giấy dó mỏng, mịn với khổ giấy không đều nhau được viết chữ Hán hoặc chữ Nôm. Qua nhiều biến cố lịch sử nhưng đến nay vẫn được bảo quản trọn vẹn.

Theo Hà Tùng Long – Dân Trí