Ông Lý Kim Khoa – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết: Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hai khuôn đúc Rìu, Đục đồng cổ bằng đá thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây khoảng 2.000 – 3.000 năm. Khuôn đúc Rìu có thân dài 8,1cm; rộng 5,1cm; dày 2cm; nặng 120gam. Khuôn đúc Đục có thân dài 11,2cm; rộng 5,6cm; dày 3,2cm; nặng 360gam.


Khuôn đúc Rìu và khuôn đúc Đục được phát hiện. Ảnh: Đức Tưởng – TTXVN

Đầu tháng 3/2016, bố con ông Nông Văn Thành đi thả lưới đánh bắt cá trên Sông Hồng, đến đoạn bờ lở chảy qua địa phận xã Đông An, huyện Văn Yên, trong khi tìm đá để đóng cọc neo thuyền phát hiện hai mảnh đá có khắc hình thù lạ đã gửi về Chi hội Di sản Văn hóa Bảo tàng tỉnh Yên Bái giám định. 

Các hội viên chuyên môn Di sản của Bảo tàng Yên Bái phối hợp với các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam thẩm định và xác định ban đầu hai mảnh đá có hình thù khắc lạ là khuôn đúc Rìu và Đục đồng cổ thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn có niên đại khoảng 2000 đến 3000 năm. Đó là một minh chứng khẳng định các nghệ nhân thuộc về thời đại Hùng Vương từng sản xuất các loại công cụ trên vùng đất Yên Bái.

Sông Hồng chảy qua địa phận Yên Bái dài trên 115 km, từ thập kỷ 60 đến nay, từng phát hiện trên hàng ngàn loại di vật thời đại Văn hóa Đông Sơn do đôi bờ sông lở, nhân dân canh tác làm phát lộ, có thể kể đến như Thạp đồng, Trống đồng, đồ dùng sản xuất; đồ dùng sinh hoạt, vũ khí chiến binh và các loại đồ trang sức… Các nhà khoa học đánh giá, Thạp đồng Đào Thịnh, Thạp đồng Hợp Minh được phát hiện ở Yên Bái là những Thạp Đồng to nhất, đẹp nhất ở Việt Nam hiện nay.

Đức Tưởng – TTXVN

Exit mobile version