Người viết đã gặp nhà thơ của Hương thầm một ngày mùa thu Hà nội, giữa căn hộ cao cấp sang trọng, để nghe bà tâm sự về tình yêu, về cả… facebook và tennis!

Gặp nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vừa khó vừa dễ. Dễ là bởi chị đã về hưu và không còn bận rộn với “8 giờ công sở” và khó vì chị đi nhiều, tham gia nhiều hoạt động, từ thể thao tới các hoạt động xã hội khác.

Hẹn gặp nữ văn sỹ nổi tiếng vào một buổi chiều mua thu đẹp trời. Chị vui vẻ đón khách tại nhà riêng. Nhìn tác phong nhanh nhẹn và vẻ ngoài rất trẻ trung của Phan Thị Thanh Nhàn, ít người “dám” tin chị đã cận kề tuổi thất thập cổ lai hy. Rồi chị nói chuyện – nhẹ nhàng, điềm đạm, duyên dáng – đúng phong cách của một người phụ nữ sinh ra, lớn lên và gắn bó với Hà Nội…

Rất nhiều người muốn biết, nhà thơ của “Hương thầm” giờ sống và làm việc như thế nào?

Một ngày của tôi rất bình dị. Vì đã về hưu nên giờ đây tôi dành nhiều thời gian cho thể thao, tôi chơi tennis, đi bơi thường xuyên và ngoài ra tôi còn đi khiêu vũ với bạn bè. Tôi cũng viết truyện, thơ cho một số báo theo yêu cầu (cười). Cuộc sống của tôi đơn giản lắm, bạn cứ đọc các bài thơ của tôi thì biết, nó không màu mè hoa lá vì con người tôi là vậy – giản dị, chân thật.

Hương thầm đã “ám ảnh” cả một thế hệ. Bài thơ ra đời đã 43 năm và vẫn được rất nhiều độc giả yêu thích nhưng khán giả trẻ không phải đều biết về “giai thoại” liên quan tới bài thơ này, chị có thể chia sẻ một lần nữa với những độc giả trẻ để họ hiểu thêm về “Hương thầm?

Tôi viết bài thơ Hương thầm vào năm 1969, thời điểm đó nhà tôi ở Yên Phụ, tôi viết bài thơ dành tặng em trai khi em sắp đi bộ đội. Ngày đó sau vườn nhà tôi có cây bưởi đào, em trai tôi hay nhặt hoa bưởi bỏ vào túi xách của chị và “hình như” cậu chàng cũng có tình cảm với cô hàng xóm mà không dám ngỏ. Thanh niên ngày xưa mà, nhát lắm, có tình cảm cũng chưa chắc dám nói. Sau đó em tôi đi bộ đội và hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ… Mỗi khi nhớ tới em, tôi đều muốn khóc… Tôi thương em rất nhiều.

Tôi yêu hoa bưởi và mùi hoa bưởi. Sau này khi nhà không còn cây bưởi nữa, mỗi khi ra phố thấy người ta bán hoa bưởi tôi đều mua về. Mùi hoa bưởi với tôi là “hương thầm” – nồng nàn nhưng ý nhị.


Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đọc thơ cho các chiến sỹ bộ đội tại đường 9, năm 1971

Đã qua thời thơ ca và văn chương làm mưa làm gió thị hiếu đọc. Bản thân chị bây giờ, đọc gì?

Tôi đọc nhiều sách, đó là thói quen không đổi. Nói chung bạn bè tặng gì là tôi đọc, đọc hết, không bỏ sót tác phẩm nào. Tôi cũng được nhiều người mới viết hoặc các bác về hưu nhờ đọc truyện, thơ của họ và “cho ý kiến”, nhưng thú thật là giờ nhiều tuổi rồi, tôi rất ngại. Ngoài ra tôi cũng đọc báo điện tử khá thường xuyên để nắm được các tin tức thời sự. Báo chí bây giờ thông tin phong phú nhưng cũng nhiều tin lá cải lắm.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn dường như vẫn luôn rất trẻ trung và năng động, qua cách chị trò chuyện, giao lưu với những bạn trẻ trên mạng xã hội có thể thấy rõ điều này. Bí quyết để chị luôn trẻ trung hơn nhiều so với tuổi là gì?

Tôi bơi lội từ bé, khi nhà còn ở Yên Phụ thì tôi hay đi bơi ở hồ Ao Vả. Ngày bé tôi nghịch ngợm lắm, hồ Tây, sông Hồng đều bơi hết cả rồi (cười). Giờ tôi vẫn đi bơi đều đặn và tập tennis. Ngoài ra tôi vẫn tự ra phố bằng xe máy mỗi ngày.

Một lý do nữa khiến tôi có vẻ trẻ hơn tuổi, theo tôi đó là vì cách nhìn cuộc sống, tôi là người lạc quan, luôn nhìn mọi thứ ở khía cạnh đẹp, luôn “gạn đục khơi trong”. Tôi thích trò chuyện với những người hóm hỉnh, vui vẻ, hài hước, ví dụ như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Trần Đăng Khoa… Nói chuyện với các bạn này thì lúc nào tôi cũng cười được.

Thời gian này thấy chị đi nhiều, chị đam mê du lịch khám phá hay muốn “chạy đua với thời gian”?

Từ trước tới giờ tôi đều thích đi du lịch, khám phá. Tôi đã đi khá nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Đức, Pháp, Ý, Singapore, Malaysia… Năm 1977, tôi được đi Nga – khi ấy là Liên Xô, đó cũng là lần đầu tiên tôi được đi máy bay. Sang Liên Xô tôi choáng ngợp tưởng như mình tới một thế giới khác vì cuộc sống ở Nga lúc ấy văn minh quá so với Việt Nam mình. Sau này tôi cũng có điều kiện đi một vài nước để tham quan. Tôi rất thích khám phá danh lam thắng cảnh nhưng ẩm thực thì không thích vì chẳng đâu bằng Việt Nam. Tôi ăn đồ ăn ở các nước, kể cả Trung Quốc, nơi đã có câu ca ngợi: “Ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật,ở nhà Tây”, bọn tôi cũng đã làm thơ vui: “Cơm ăn toàn mỡ chan dầu”… Tóm lại, ăn cơm nước ngoài, thì chỉ muốn về nhà ngay, càng ăn lại càng nhớ đồ ăn quê mình. Ở tuổi tôi, còn sức khỏe là tôi còn đi, đi để mở rộng hiểu biết và tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi này.

Tuổi đã khá cao nhưng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn rất trẻ trung

Tuổi đã khá cao nhưng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn rất trẻ trung

Niềm vui trong cuộc sống – hiện tại với chị là gì?

Hiện tại thì đơn giản lắm, ví như lên Facebook được mọi người thăm hỏi, chúc mừng, chia sẻ tình cảm, thế là vui rồi. Ngoài ra, những dịp anh chị em tôi tụ họp cùng ăn uống nói chuyện cũng rất tuyệt vời. Nhà tôi đông anh chị em, kể cả em trai đã hi sinh là 8 người, mỗi khi gặp nhau là vui lắm. Tôi có hai chị gái rất hay đến chơi,nhất là khi tôi ốm mệt, và có hai cô em gái rất chăm sóc bà già là chị PTTN. Hai em trai và con của hai em đều có vẻ yêu quí và thân thiết với Bác Nhàn. Tôi cũng có một, hai bạn gái thân mà tôi có thể nói mọi điều mà không sợ các bạn hiểu lầm rồi nói đi nói lại với người khác (mỗi bạn tôi chỉ tâm sự một khía cạnh nào đó của cuộc sống riêng-thế cũng là hạnh phúc rồi.).

Mới đây tôi có thêm niềm vui lớn là ra mắt cuốn “Phan Thị Thanh Nhàn tuyển tập”. Đây là cuốn tuyển tập các tác phẩm thơ – văn gồm thơ, truyện ngắn viết cho thiếu nhi, chân dung văn học. Cuốn này tôi in theo yêu cầu của NXB Hội nhà văn, được nhà nước tài trợ, in không mất tiền , chỉ phải mua sách tặng thôi(cười). Tôi nghe nói cuốn sách này sẽ được lưu giữ và gửi tới 450 thư viện trường học trong khắp cả nước.

Chị nhìn nhận thế nào về lớp nhà văn trẻ hiện nay?

Tôi thực sự không theo dõi và quan tâm sát sao tới các nhà văn trẻ… Một vài cây viết “trẻ” trong mắt tôi như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái… cũng đã ở tuổi 40, 50. Tôi vẫn luôn thích các tác phẩm của họ. Còn với những nhà thơ nhà văn ở thế hệ 7X, 8X thì tôi không biết nhiều, nhưng cũng có các bạn rất tài năng như DiLi, Thụy Anh, Nguyễn Xuân Thủy… nhưng vì đã nhiều tuổi nên tôi không biết hết nếu không được các bạn chủ động tặng sách và… làm quen.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tại nhà riêng

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tại nhà riêng

 

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tại nhà riêng – một căn hộ chung cư cao cấp

Thời điểm này chị vẫn rất yêu thơ, sức viết hình như không giảm sút, những bài thơ tình của chị vẫn say đắm. Chị nhìn nhận thế nào về tình yêu – ở thời điểm hiện tại?

Thành thực mà nói, sau khi ông nhà tôi qua đời, tôi đã thử yêu nhưng toàn thất vọng(cười)…. Gần đây tôi vẫn viết thơ tình, nhiều bài mới như Không báo trước, Đà Lạt anh, Số không… Nhưng tình yêu với tôi giờ đơn giản lắm, đó không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu với cuộc đời, đôi khi chỉ là với nhành hoa, ngọn cỏ. Ở tuổi này, tôi nghĩ nhiều về quá khứ, về những kỷ niệm đẹp trong tình yêu vì ngoài chồng tôi, tôi cũng có trải qua một mối tình và… hai, ba người có lúc đã mến mộ, yêu quí (thoáng qua thôi). Tôi luôn ghi nhớ những kỷ niệm đẹp.

Nhiều người cứ  “tra hỏi” tôi viết bài thơ này tặng ai, dành cho ai nhưng quả thực, với một người viết thì bài thơ trước tiên là của họ, là cảm xúc của người viết chứ viết cho ai, viết ở thời điểm nào là không quan trọng, bài thơ không phải của ai khác mà chỉ là của nhà thơ.

Chị có dự định ra sách trong tương lai?

Tôi đang định xuất bản tập truyện ngắn và tập văn thơ cho thiếu nhi. Tôi rất thích viết cho thiếu nhi. Hẳn nhiều bạn đã đọc qua Xóm đê ngày ấy, Học trò lớp 9, Đứa bé mất cha, Bỏ Trốn… của tôi. Kế hoạch của tôi chỉ là vậy, làm xong hai cuốn này chắc tôi nghỉ viết! (cười)

Nhà văn, nhà thơ có thể sống được bằng nghề không thưa chị?

Tôi nghĩ là không…

Vậy xin hỏi với một nhà thơ như chị – không sống bằng nghề viết, chị đi du lịch, mua nhà đẹp bằng gì?

Tôi may mắn là ở nhà nào cũng có người muốn hỏi mua, hỏi thuê. Tôi chuyển nhà nhiều lắm, cứ mỗi lần bán nhà lại lãi được một ít. Bạn bè cứ gọi đùa tôi là “trùm bất động sản” (cười), cái nhà tôi đang ở cũng đang có người hỏi thuê lúc thì 1000, lúc thì 900 đô/ tháng mà tôi lười chuyển nhà nên thôi…

Trân trọng cảm ơn chị và chúc chị luôn trẻ trung, mạnh khỏe, yêu đời.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khoe tuyển tập văn thơ mới ra mắt.

Không báo trước


Từ ngày chàng lấy vợ
Rồi định cư nước ngoài
Họ không hề gặp gỡ
Không một dòng email
Bất ngờ chàng gõ cửa
Nàng cũng hơi càu nhàu:
“Tôi mà không mông má
Trông khác gì giẻ lau!”
“Ừ, tôi không báo trước
Để thấy bà như xưa
Áo con thì không mặc
Tóc chỉ còn lơ thơ …”
Họ trêu đùa chọc phá
Chê xấu nhau đủ điều
Tiếng cười như nắc nẻ
Không một lời thương yêu.
Chàng lặng thầm nhận biết
Tấm áo nàng đang mang
Là áo len xưa cũ
Chàng cởi trao cho nàng.
Một ngày đông giá lạnh
Cái thời còn khó khăn
Cái thời còn rét mướt
Cái thời còn đói ăn…
Trong căn phòng sang trọng
Bàn nở đầy hoa tươi
Chàng không hề báo trước
Bỗng gặp thời đôi mươi.

P.T.T.N (2008)

 

Nguồn: Dantri