PHAN AN SA

Chương Dân Phan Khôi với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là những người cùng thời, cùng từ cửa Khổng sân Trình bước ra, cùng phá cái nghiệp chữ Hán để theo nghề viết văn Quốc ngữ và cùng nổi tiếng lúc sinh thời với một người là nhà báo, một người là thi sĩ. Hai ông là bạn thiết, nhưng lại có số phận rất khác nhau.

Nhà văn Phan Khôi và Nhà thơ Tản Đà

  Tản Đà quê Sơn Tây, sinh năm 1888, mất năm 1939 lúc mới năm mươi hai tuổi, dưới thời người Pháp còn cai trị. Sự nổi tiếng của ông lúc sinh thời, vì thế, cứ còn đó và treo trên đầu văn giới, người đời sau mỗi lần nhắc đến ông đều phải ngước lên chiêm ngắm.

Phan Khôi quê xứ Quảng, sinh năm 1887, hơn Tản Đà một tuổi, sống đến tận thời Dân chủ Cộng hòa sau khi người Pháp đã bị đuổi đi, rồi mới qua đời năm 1959, thọ bảy mươi ba tuổi. Đó cũng là lúc ông từ một nhân sĩ yêu nước bỗng chốc trở thành kẻ tội đồ, theo đó, sự nổi tiếng lúc sinh thời của ông bị vùi xuống bùn đen, nhiều chục năm sau người đời cố tình quên ông đi. Nhưng rồi đến lúc người đời lại phải nhắc đến ông, đưa ông trở lại cuộc sống bằng cách tái công bố hơn 2500 bài báo của ông trong quá khứ, chứa đầy 8000 trang sách. Sự nổi tiếng lúc sinh thời của ông, vì thế, xem ra còn được ngưỡng vọng hơn trước, mặc dù ông đã về chầu Trời hàng nửa thế kỷ nay.
Có cái số mệnh khác nhau đó là bởi giữa họ đã tồn tại hai cái tính cách khác nhau.

***

Tôi đang kể về một câu chuyện cách nay những một trăm năm, hồi đó hai nhân vật chính trong câu chuyện được kể ở đây chỉ mới ba mươi, ba mốt tuổi, nên xin phép được gọi họ bằng anh, để chúng ta ngày nay có thể cảm hết được sức sống và sự nổi tiếng mà họ đã từng có được ngay khi còn rất trẻ.

Năm 1918, trước khi đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, Phan Khôi đang ở nhà tại làng Bảo An, thì nhận được thư của Nguyễn Bá Trác, bạn anh, ở Hà Nội gửi về, rủ anh ra đó làm báo Nam Phong của Phạm Quỳnh. Số là, năm 1911 anh được mãn hạn tù của thực dân Pháp và triều Nguyễn, nhưng vẫn nằm trong diện bị quản thúc vô kỳ hạn, hàng tháng phải ra trình diện và mỗi bước đi đều nằm trong tầm kiểm soát của nhà chức trách, khiến anh vô cùng bực bội. Vì vậy, nhận được thư rủ ra Hà Nội, anh coi là một dịp tốt cho mình thoát ra khỏi nhà, thoát ra khỏi làng, vì vậy đã hết sức vận động cha anh là cụ Phan Trân, rồi nói khó với các chức việc ở làng, ở xã để được đi Hà Nội.

Đến Hà Nội, Phan Khôi trọ ở phố Hàng Đào, hàng ngày đến tòa soạn Nam Phong ở phố Hàng Bông làm việc. Một đêm mùa xuân, tiết trời lạnh ngắt, anh đang nằm đọc báo ở trên gác tòa soạn Nam Phong, thì ở dưới nhà bỗng có khách đến. Anh xuống nhà thì Nguyễn Bá Trác đã ra mở cửa đón khách, đó là một người đàn ông dáng đậm, tóc cắt ngắn, đầu vuông vức, xoan tuổi anh. Nguyễn Bá Trác nhanh nhảu giới thiệu với anh:
– Đây, ông Nguyễn Khắc Hiếu!

Nghe hết câu, Phan Khôi giật thột như có luồng điện chạy trong người, vùng đứng dậy đáp lễ, tay vẫn cầm tờ báo đọc giở. Lúc bấy giờ, cái quý danh Nguyễn Khắc Hiếu là không phải vừa, đối với Phan Khôi lại càng long trọng lắm. Nghe đến tên Nguyễn Khắc Hiếu, ông rợn cả người, quả có thế thật! Thì cứ suy ra cũng đủ thấy: sự trứ tác bằng chữ Quốc ngữ hồi đó còn ít lắm, nhất là các thể loại thuộc lĩnh vực sáng tác. Thế mà Phan Khôi đã từng được đọc trên Đông Dương tạp chí những bài như Cái chứa trong bụng người của Tản Đà, vừa mới rồi lại được đọc Giấc mộng con của ông mới xuất bản, khiến Phan Khôi phải phục ông là tay đại tài. Trong tư cách một nhà phê bình, Phan Khôi tự nhận định với chính mình: “Anh Phạm Quỳnh, anh Nguyễn Văn Vĩnh chỉ viết theo sách, theo tư tưởng của Tây. Chứ đến thằng cha này thì hắn tự viết ra tư tưởng của hắn, thì chính hắn mới là tay sáng tạo!”.

Thế còn chưa là mấy! Đến vận văn của Tản Đà còn làm cho Phan Khôi như muốn cúi rạp xuống đất, không dám ngước mặt lên nữa kia! Anh thường hay lấy giọng để ngâm những câu Ngoảnh trông lên anh đếch thấy có ra gì, hoặc là Mời khách hãy ngồi yên trong cõi tục của Tản Đà mà ngợp người đi. Những lúc ấy, Phan Khôi thấy Tản Đà như ở trên cao, còn mình, nhờ đọc thơ của ông ấy mà cũng được theo lên ở trên cao vậy. Thế là, anh, đáng lẽ phải cúi rạp xuống đất, mà nay lại ở trên cao, làm sao mà chẳng ngợp?!

Rồi cái đêm mùa xuân lạnh ngắt ấy, ba người họ nói chuyện với nhau đến tận khuya. Hóa ra cái ông Tản Đà ấy rất vui tính, lại hay cười và nhũn nhặn lắm. Sáng ra, Phan Khôi như chưa tỉnh giấc chiêm bao, anh khoe với Nguyễn Bá Trác:

– Đêm qua tôi được gặp ông Tản Đà rồi!

Thật tình là Phan Khôi lấy sự được gặp Tản Đà làm hân hạnh lắm. Suốt thời gian Phan Khôi làm việc cho Nam Phong, anh còn gặp Tản Đà một vài lần nữa, nhưng gặp nhanh và cũng không có gì đáng ghi nhớ. Một điều Phan Khôi nhận thấy cách chắc chắn, là Tản Đà chẳng hề để mắt đến anh, đã thế thì anh cũng chẳng mong gặp ông ta làm chi. Hai năm tiếp theo, Phan Khôi vào Sài Gòn, rồi xuống Hải Phòng, thì hình như anh cũng chẳng còn nhớ đến Tản Đà nữa.

Từ năm 1921 Phan Khôi ở Hà Nội viết báo Thực Nghiệp và dịch Kinh Thánh, có gặp Tản Đà nhiều hơn nên có hơi thân với ông ấy hơn trước. Hồi đó Phan Khôi nổi tiếng trong đám bạn bè là tay hay rượu, uống nhiều mà không say, lại sính thơ, đến mức viết ra được cuốn Nam âm thi thoại. Nhờ hai cái đó mà anh mới bén với Tản Đà thi sĩ. Một bữa, anh uống với Tản Đà tại một quán ở phố Chả Cá, từ chín giờ sáng đến một giờ chiều, nói hết chuyện ấy sang chuyện khác, uống hết chai ấy sang chai khác. Rồi hai người thấy tâm đầu ý hợp, dần dần trở nên đôi bạn thiết.
Năm ấy tạp chí Hữu Thanh ra đời, Tản Đà làm Chủ bút. Tản Đà muốn Phan Khôi có chân trong Tòa soạn lắm, nhưng bị ai đó cản, nên thôi, nhưng Phan Khôi cũng có viết bài cho tạp chí đó. Hai người họ cứ vài ngày lại gặp nhau để uống rượu và đàm luận với nhau tất cả những gì cùng quan tâm. Chỗ hai người hay gặp nhau là cái gác ở phố Bờ Sông, gần cột đèn, về sau trở thành cái gác mà tờ Hữu Thanh lấy làm tòa soạn, cũng có mấy lần ở nhà một cô đào ở phố Hàng Giấy. Cái lối đánh chén của Tản Đà thì kề cà, mất thì giờ lắm, Phan Khôi không theo được, nên ít khi hai người họ ngồi trọn bữa với nhau. Có bữa Tản Đà đem cả hỏa lò để ở bàn và tự làm lấy món ăn, đến nỗi mãn một tiệc ăn, người nhà phải thay than trong lò đến năm, sáu bận. Thông thường một mình Tản Đà vừa ăn lại vừa viết, anh nói có thế mới thú. Có lần Tản Đà viết giấy mời Phan Khôi đến lúc mười giờ đêm, rồi uống mãi cho đến hai giờ sáng, tại cái gác Hữu Thanh đó. Lần khác ở nhà cô đào Lân, hai người, cùng một người nữa bạn Tản Đà, uống từ mười một giờ đêm đến năm giờ sáng mới về.

Có một bữa chén Phan Khôi không thể quên trong đời anh. Tản Đà cùng người bạn đến trước, chiếm một cái phòng nhỏ mà rất lịch sự ở trong cùng. Đoạn Tản Đà bắt cô Lân phải mặc quần áo đàn ông ra đón Phan Khôi ở cửa. Cô Lân ở phố Hàng Giấy lúc bấy giờ nổi tiếng lắm, còn gọi bằng Thụy Khanh, lại có cô em tên Đức. Hôm ấy, Tản Đà ép cô Lân phải mặc trai ngồi uống rượu nói chuyện với cả bọn như bốn người đàn ông, chứ không có cô Đức dự vào. Đến khi người bạn ra về trước, trong tiệc mới xoay lại làm hai cặp. Thụy Khanh ra một câu đố để thách cả bọn: Đức bắt cô, tất hữu lân. Tản Đà và Phan Khôi nhìn nhau, chịu, không đối được. Về sau, bất đắc dĩ Phan Khôi phải xin Thụy Khanh bớt cho ba chữ, thành: Đức hữu lân, để Phan Khôi đối lại: Dân hưng hiếu. Dân là một chữ trong bút tự Chương Dân của anh!

Tản Đà làm Chủ bút Hữu Thanh đâu chừng nửa năm thì thôi, anh xin từ chức. Việc Tản Đà từ chức, Phan Khôi cũng cho là phải, đến như Phan Khôi cũng khó mà làm được, huống chi Tản Đà! Từ khi Tản Đà không ở Hà Nội nữa thì hai người cũng xa nhau, xa cả mặt lẫn lòng. Phan Khôi nghiệm ra Tản Đà với mình không làm bạn lâu được, không phải tại gì mà tại tính cách hai người không giống nhau, quả đúng như Nguyễn Du từng nói: Trong khi chắp cánh liền cành, mà lòng rẻ rúng đã đành một bên đó vậy!

Nhớ lần đầu tiên uống rượu ở cái quán trên phố Chả Cá, say rồi, Phan Khôi rủ Tản Đà đi chơi, nhưng Tản Đà đòi về nhà nghỉ. Bấy giờ Phan Khôi cậy chỗ thân tình, lại đã có chén rượu, nên nói như nạt:

– Uống say để rồi làm gì, chứ để đi nghỉ thì uống say làm chi?

Tản Đà gượng cười rồi đi cùng về nhà Phan Khôi ở trọ trên phố Hàng Đào, tại đó, Tản Đà ngủ trên gác, Phan Khôi chơi tổ tôm ở nhà dưới.

Khi sắp làm Chủ bút tờ Hữu thanh, Tản Đà mở cuộc diễn thuyết về chủ đề Đời đáng chán hay không đáng chán. Trước hôm diễn thuyết, có người trong nhóm Hữu Thanh dặn Phan Khôi rằng, giữa lúc diễn thuyết hễ nghe vỗ tay thì vỗ tay theo. Anh lấy làm quái, anh mắng người ấy đã đành, mà nhân đó anh cũng ngờ cả Tản Đà nữa: một người quân tử sao lại có sự oa rập với nhau như thế? Về sau, anh xét ra Tản Đà bị lợi dụng, những sự sắp đặt ấy toàn là của người khác chứ không phải của Tản Đà. Biết vậy, nhưng cái cảm tình của anh đối với bạn, vì đó, đã lợt lạt đi mất vài phần.

Bấy giờ báo bị kiểm duyệt. Bài đầu tiên Phan Khôi viết cho Hữu Thanh là bài Nghĩa làm dân được Chủ bút Tản Đà khen lắm, nhưng rồi bị kiểm duyệt bỏ đi, không được đăng. Một hôm, giữa bữa rượu, Tản Đà nói với Phan Khôi:

– Đó, anh coi, tôi viết bao nhiêu bài không sao, còn anh mới viết một bài đã bị xóa, đủ biết ai có tài đáng làm Chủ bút hơn?

Vẫn biết anh nói chơi, nhưng nói chơi bằng một câu chẳng có ý cao thượng chút nào, khiến Phan Khôi không thích. Lần khác, sau bữa rượu, Tản Đà hỏi anh:

– Anh xa vợ hàng năm, ở một mình như thế…, thì làm thế nào?

Phan Khôi trả lời:

– Tôi theo phác-xia chủ nghĩa. Tôi coi sự nam nữ là một sự cần, cũng như phác-xia. Hễ tôi cần phác-xia thì cứ đến nhà xia.

Thế rồi hai người cùng đến một nhà ở phố Gia Ngư. Mỗi người làm việc của mình xong, bỗng có một tay người Pháp đến gây chuyện lôi thôi, Phan Khôi toan dùng võ lực đối phó. Tản Đà nhất định cản Phan Khôi, bắt phải đi về. Về đến nhà, Tản Đà giảng giải cho anh nghe cái cử chỉ của anh vừa rồi là cử chỉ của kẻ vũ phu, không nên có! Nhưng Phan Khôi không chịu, cãi lại:

– Đã đến thế rồi, còn sợ gì là vũ phu nữa!?
Thì ra về đạo đức, hai bên có quan niệm khác nhau: Tản Đà thì đi chơi gái được, nhưng đánh đánh lộn thì không được. Còn Phan Khôi, đã chơi gái được thì đánh lộn cũng chẳng từ!
Vì hai cái thái độ không thể dung nhau ấy mà làm cho hai người khi biệt nhau rồi là thôi, không hề có thư từ cho nhau. Mãi đến bảy, tám năm sau, vào năm 1927, Tản Đà vào Sài Gòn gặp Diệp Văn Kỳ, thì Phan Khôi, vì gặp một chuyện rắc rối không đâu ở Sài Gòn nên phải lánh xuống Cà Mau, không gặp nhau được. Qua năm 1928, Tản Đà cùng Ngô Tất Tố lại vào Sài Gòn làm phụ trương Văn chương cho tờ Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kỳ, thì Phan Khôi cũng đã về Sài Gòn và cũng đang viết cho tờ báo ấy. Hai người gặp nhau tay bắt mặt mừng như xưa mà tâm tình đã thấy có chỗ cách biệt với nhau rất xa. Cuối năm 1929 đầu 1930 Tản Đà và Ngô Tất Tố trở về Bắc. Năm 1931 ở Sài Gòn, Phan Khôi viết bài Cái cười của con rồng cháu tiên và bài Tống Nho với phụ nữ đăng trên tờ Phụ nữ tân văn, ở Hà Nội Tản Đà đọc được, qua năm 1932 ông viết liền bốn bài lấy tựa đề là Bài trừ cái nạn Phan Khôi ở Nam Kỳ, phản đối gay gắt quan điểm của Phan Khôi, đăng trên tờ An Nam tạp chí. Trong loạt bài báo này, Tản Đà đòi xử chém Phan Khôi!

Đã ở vào tuổi bốn mươi lăm, Phan Khôi biết Tản Đà là người thông minh, có thiên tài, nhưng không chịu học. Ông tự cho ông như thế là đến nơi rồi, không còn tiến bộ gì nữa, bởi vậy ông nhìn đời không được rõ. Biết như thế nên Phan Khôi đã thật lòng nhịn thua ông, ông đòi chém Phan Khôi, nhưng Phan Khôi chẳng hề nói lại nửa lời.

Thế thì làm sao hồi đầu hai người hợp nhau được, chơi với nhau được? Ngẫm lại, Phan Khôi thấy hai người hợp nhau được ở cái chỗ đại tiết! Chứng cứ là: Lần uống rượu ở cái quán trên phố Chả Cá đó, hai bên thảo luận về cái cách con người sống ở đời nên như thế nào cho phải? Cả hai đều rập nhau lên tiếng:

– Chúng ta nên gắng làm đại trượng phu!

Rồi hai người đọc cùng một đoạn trong sách Mạnh Tử nói về thế ứng xử của bậc đại trượng phu. Phiên ra tiếng ta, nghĩa là:

– Cư trú tại ngôi nhà rộng nhất thiên hạ – đó là ngôi nhà đạo Nhân; chiếm vị trí chính giữa thiên hạ – đó là đứng ở vị trí Lễ; đi theo con đường rộng rãi nhất thiên hạ – con đường của Nghĩa; khi đắc chí thì cùng nhân dân đi theo con đường Nhân Lễ Nghĩa; khi không đắc chí thì tự mình đi theo con đường riêng mình. Giàu sang không làm cho mình kiêu cuồng, nghèo hèn không khiến ý chí thay đổi, uy vũ không thể khuất phục chí khí. Người như vậy có thể gọi là bậc đại trượng phu.

Cùng đọc xong một lúc, trong khoảnh khắc ấy, cả hai cùng cười phá lên và uống cạn chén mình. Trong khoảnh khắc ấy, cả hai thấy mình hào hoa vô cùng, phong nhã vô cùng, vĩ đại vô cùng, thì làm sao chẳng trở nên một đôi bạn đồng tâm cho được?

***
Đến cái ngày một mất một còn, đến cái ngày gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay, thì hai người họ cũng vẫn cứ hợp nhau ở chỗ đó, chứ có sao?

Trưa ngày 7 tháng 6 năm 1939, nhằm ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Mão, Tản Đà qua đời tại số nhà 71 Ngã Tư Sở, Hà Nội. Lúc đó Phan Khôi đang có mặt tại Hà Nội. Nghe tin Tản Đà thi sĩ về chầu Trời — ông nói thế cho oai và theo cách thi sĩ dùng điển tích trong thơ của mình — Phan Khôi cảm động lắm. Ông muốn tỏ cái tình của mình đối với thi sĩ, nên ông nghĩ hay là mình có câu đối phúng hoặc hùn cùng các báo một số tiền quyên giúp gia đình người quá cố? Nhưng rút cục, cả hai thứ đều không có, vì lâu nay ông không đặt câu đối được nữa và mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội nên cũng nghèo như Tản Đà vậy. Thế rồi ông quyết định tỏ cái tình ấy theo kiểu cây nhà lá vườn, của nhà trồng được, đó là viết một bài báo kể về mối quan hệ giữa hai người từ xưa. Cách ấy xem ra cũng tiện mọi bề!
Đúng lúc ấy Phan Khôi gặp một trận ốm nặng, nhưng vào buổi chiều ngày 9 tháng 6, ông vẫn hòa vào dòng người đưa tiễn Tản Đà rời xa cõi nhân sinh mãi mãi. Về nhà trọ ở phố Hàng Bông, lúc cơn bệnh đã lui bớt, ông gắng gượng ngồi viết bài Tôi với Tản Đà thi sĩ, nhưng không kịp đăng trong Tao đàn số đặc biệt về Tản Đà ra ngày 1/7/1939, mà phải đăng vào số ghép 9 +10 ra ngày 16/7/1939.

Cuối bài báo, Phan Khôi than:

– Ông Tản Đà ơi! Đại trượng phu!

– Chúng ta có là đại trượng phu không, ông Tản Đà?

Chính nhờ có bài báo đó mà người đời sau mới tỏ tường đôi chút về đôi bạn thiết nổi tiếng một thời: Phan Khôi và Tản Đà(1) ./.

Linh Đàm, mùa Hạ Đinh Dậu, 2017
____________________
Chú thích:
(1). Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1938 – 1942, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2017, trang 112 – 117.

(Nguồn: Văn hóa Nghệ An)

Đăng lại từ Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version