Ngày 6.10, những người yêu mến nhà văn, nhà báo Phan Khôi kỷ niệm 125 năm ngày sinh ông. Di sản tinh thần mà Phan Khôi để lại vẫn sừng sững như những tháp đá ven đường để lớp hậu sinh trông vào mà dấn bước…


Phan Khôi là một người ưu tú của đất “Quảng Nam hay cãi”, đọc những bài báo của ông trên Phụ nữ tân văn, Trung lập, Đông tây… mới thấy, ông cãi tuốt luốt, sự gì ông cũng thấy chưa ổn, cần phải đem ra bàn dưới con mắt luận lý của tri thức. Thời nay, chúng ta gọi việc “cãi” như thế là phản biện, và đọc Phan Khôi mới thấy ngày hôm nay, chúng ta đang thiếu một người phản biện thông thái như ông biết dường nào.

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân – người đã có công sưu tầm, biên soạn loạt sách “Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo” nhận xét: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng… ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức”.

Người cùng thời với ông mặc dù rất tôn trọng Phan Khôi nhưng thường hơi có ý trách ông hơi lạnh lùng quá, nhà phê bình Thiếu Sơn viết: “Văn ông trước sau tôi vẫn phục là sáng sủa, nhưng cũng vì ông ít tình cảm quá mà nó cũng thiếu vị đậm đà, cái văn thể của ông nó cũng một tính cách với cái văn thể của Voltaire… Cái lối văn đó, khiến người ta hiểu, thì được, để người ta cảm, thì không, nó có thể làm vui cho khối óc mà không cám dỗ được cõi lòng… Đã vậy, ông Phan Khôi là người có tính khắc khổ, nhất nhất cái gì cũng phải hai năm rõ mười ông mới chịu. Hơi sái một chút là ông viện luận lý, mang văn pháp ra cãi bằng được mới nghe”.

Tôi là kẻ sinh sau đẻ muộn, với các bậc tiền nhân luôn một lòng kính trọng, nhưng đọc những nhận xét trên về Phan Khôi vẫn muốn có đôi điều bảy tỏ. Nói văn Phan Khôi ít tình cảm, không cám dỗ được cõi lòng tức là mới chỉ bóc được lớp áo của văn ông. Còn với tôi, đọc văn của Phan Khôi, tôi chỉ muốn cho đêm dài mãi, muốn được khóc, được cười, được cúi xuống kính cẩn ngưỡng mộ tấm lòng của ông đang hiển hiện trên trang sách.

Phan Khôi có lòng với cuộc đời biết là bao nhiêu, ông đau với cái dốt nát của xã hội thời điểm đó, ông buồn đến tái tê vì nhiều người trong giới tri thức vẫn lầm lẫn u mê cho rằng Việt Nam có “quốc học” (tức là triết học hay nền học thuật của một nước) như ai. Ông viết: “Thấy không có thì chúng tôi phải nói là không có, đó là chỗ trung hậu thành khẩn của chúng tôi, cũng như một nhà kia, ông cha nghèo thì phải khai thiệt là nghèo, không có một cục đất nào thì phải khai thiệt là không có một cục đất, hầu cho con cháu lo mà làm ăn vậy”.


Nhà văn Phan Khôi (thứ 2 từ phải qua) chụp tại Trung Quốc trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn

Với một xã hội không coi việc học để làm sự tu tiến cho con người mà chỉ coi như một phương tiện để kiếm miếng ăn, ông viết: “Không nên đổ tội cho ai, chỉ nên đổ tội cho cái quan niệm về sự học ở nước ta từ trước đến giờ. Người mình coi sự học cũng như cái cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cái cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa”. Ngẫm ra điều Phan Khôi thấy ở năm 1931, khi ông viết bài báo này, đến bây giờ, cái quan niệm về sự học của người Việt vẫn chưa có gì thay đổi, thật chua xót.

Ông lo cho mọi sự trong cuộc sống của người Việt, bênh vực cho quyền lợi của người phụ nữ: “Trong cái vòng đạo đức luân lý, tôi muốn lấy Khổng Mạnh làm thầy, mà đồng thời tôi cũng muốn phế truất Hán nho và Tống nho” bởi hai phái này chủ trương cấm đàn bà cải giá. Ông khuyên muốn giải quyết tốt nhất cho cái bi kịch muôn đời “mẹ chồng – nàng dâu” không còn cách nào khác là gia đình trẻ phải được sống riêng, đừng tôn vinh cái thuyết “cửu thế đồng cư” nữa.

Ông vạch ra cho người Việt thấy cái xấu xí trong tiếng cười của mình, chẳn hạn hễ mà thấy có người trượt chân ngã trên đường mưa, thì các “con Rồng cháu Tiên” phải xúm vào cười ầm lên một chặp cho no nê chứ chưa tính gì đến chuyện chạy lại mà nâng đỡ họ. So với cái cười của người Âu, ông viết: “Cái cười do sự vui, thì trong đó có cái vẻ đầm ấm của sự sống, nó hiệp với cái nguyên tắc của sự sanh tồn. Những dân tộc ấy kêu là văn minh, là phải, bởi vì họ giữ được cái tư cách loài người vậy”.

Phan Khôi đặc biệt quan tâm đến đạo nghĩa thầy trò, ông cảm khái cái nghĩa thầy trò của Khổng Tử và Nhan Uyên, bởi đó là một mối “tương tri tương đắc” với nhau ở chỗ đạo lý, học vấn, còn ở người Việt mình, nó chỉ là mối quan hệ vì lợi, thầy chỉ cho trò cách làm văn hay để đậu làm quan. “Hỏi sao từ xưa đến nay, mấy ông thầy nước ta không tác thành ra thánh hiền mà chỉ tác thành ròng những quan lớn”.

Sinh thời, nhà thơ Lê Đạt vô cùng kính trọng mỗi lần nhắc đến cụ Tú Khôi – người mà đã bị chung cái án “Nhân văn giai phẩm” với ông, theo Lê Đạt, Phan Khôi tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm chỉ bởi quá yêu quý những người thuộc lứa đàn em, đàn cháu như Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm…

Nhà thơ Lê Đạt mỗi lần dịch được một câu thơ Đường nào ưng ý đều đem đến “khoe” với cụ Tú Khôi, hễ cụ gật đầu là vui sướng như trẻ con bởi đó là một bậc uyên thâm về Hán học.

Ông kể lại: “Một lần, tôi đã chứng kiến cảnh một nhà học giả thời danh mời ông cộng tác viết một chuyên khảo, Phan Khôi đã đứng lên nói rất to trước mặt mọi người: “Tôi không cộng tác với ông vì ông dốt lắm”. Phải nghe cái tiếng “dốt” nhọn hoắt như chọc thủng nhĩ mới hiểu Phan Khôi là một người bộc trực dữ dằn đến mức nào”.


Nhà văn Phan Khôi cùng vợ và hai con trai, ảnh chụp năm 1956

Phan Khôi là một người tràn đầy tiết tháo. Với ông, những người coi sự học là để đua danh lợi giàu sang với đời là một điều đáng phỉ báng, nhưng những người học mà không biết nghĩa lý thì cũng đáng thương không kém.

Cả đời mình, Phan Khôi dùng tài văn, tài báo chỉ để khích lệ một xã hội ham học, học để hiểu nghĩa lý mới cầu mong sự tiến bộ, để dân tộc ta đỡ tụt hậu, thiệt thòi. Ông viết: “Rày về sau thế nào trong nước ta cũng phải có một bọn người cả đời chỉ chuyên lo một việc học mà không biết đến việc chi hết, thế thì họa may nước mới khá ra… Nếu đôi trăm năm nữa mà cái tinh túy của Tây học không tìm thấy được ở xứ này cũng như Hán học ngày nay, thì cái lỗi ấy đổ vào mình chúng ta”. Một tấm lòng với dân với nước kể như thế cũng đã đến tận cùng.

Từ sau án Nhân văn giai phẩm, Phan Khôi không được viết lách gì hết, theo lời ông Phan Nam Sinh – con trai của nhà văn thì: “Trừ khi ngồi vào bàn làm việc như mặt trời chiều còn cố hắt những tia nắng cuối ngày trước khi sắp tắt, thời gian còn lại ông chỉ muốn được nằm một mình, lặng thinh hết giờ này tới giờ khác trong căn phòng rộng chừng mười mét vuông dành cho gia đình tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc – Hà Nội”.

Không biết một nhà ngôn luận chuyên nghiệp, một nhà tư tưởng lớn, một học giả thông kim bác cổ như Phan Khôi đã nghĩ gì trong những tháng năm cuối đời nằm lặng thinh quay mặt vào bức vách tường ấy? Còn bao nhiêu lời gan ruột với đất nước, với dân tộc mà ông chưa kịp nói ra?

Tôi còn nhớ đọc đâu đó câu chuyện, trên hành trình hành hương về đất Phật Tây Tạng, người ta hay nhìn thấy những tháp đá ven những con đường cheo leo nguy hiểm, ấy là dấu hiệu của những người đi trước gửi lại cho người đi sau, như một biểu tượng xác tín, để người sau đỡ lạc đường và cảm nhận được hơi ấm vĩnh cửu bao la của tình đồng đội.

Phan Khôi đã để lại cho lớp hậu sinh bao nhiêu là những ngôi tháp đá như thế trên con đường dằng dặc và khó nhọc mà ông từng trải qua. Gặp và hiểu được những nhân cách lớn như ông, tôi như đứa trẻ non nớt cảm thấy bớt sợ hãi, bớt choáng ngợp trước biển học mênh mông của nhân loại. Và có thêm lòng dũng cảm để bước tới.

Nguồn: Phunutoday