Cọp Trắng là tác phẩm đầu tay của Aravind Adiga – một nhà báo trẻ từng sinh sống và học tập tại nhiều nước phương Tây và Mỹ. Tác phẩm đã đoạt giải thưởng Man Booker năm 2008 – một giải thưởng danh giá hàng năm dành cho những cuốn tiểu thuyết hay nhất viết bằng tiếng Anh của các nước thuộc khối thịnh vượng chung. Đây là lời nhận xét của Neel Mukhrjee, một nhà văn gốc Ấn nổi tiếng, về cuốn sách: “Tàn nhẫn và xuất sắc mãnh liệt […] Cọp Trắng là một tác phẩm lột trần”.
Cuốn tiểu thuyết viết về một Ấn Độ hiện đại, nó là tấm gương đảo ngược những gì chúng ta từng biết về Ấn Độ truyền thống. Tác phẩm kể lại quá trình lập nghiệp của Balram Halwai, cậu bé xuất thân từ một làng quê nghèo khổ ở Ấn Độ vươn lên thành một doanh nhân giàu có. Cuộc đời của Balram có thể tóm tắt qua chặng đường sau: Balram là cậu bé thông minh nhất trường (thông minh đến độ viên thanh tra trường học đã gọi cậu là “cọp trắng” – loài vật quý hiếm nhất mà mỗi thế hệ chỉ có một con), nhưng vì món nợ của gia đình với lão địa chủ mà cậu bị buộc thôi học, trở thành nhân viên lau dọn trong quán trà. Không chấp nhận sống mãi trong nghèo khổ, Balram đã thu xếp để học nghề lái xe và trở thành tài xế của gia đình lão địa chủ Cò. Nhờ người con trai của lão là Ashok, Balram được cùng chuyển lên New Delhi sinh sống, làm việc cho gia đình Ashok. Bước ngoặt lớn nhất mà Balram đã tạo ra cho cuộc đời mình, từ một tên đầy tớ trở thành một doanh nhân thành đạt, xuất phát từ một tội ác khủng khiếp: Balram đã cắt cổ người chủ tốt bụng của mình và cướp đi toàn bộ số tiền của ông, lấy tiền ấy để gầy dựng sự nghiệp.
Câu chuyện được kết cấu là những lá thư viết trong bảy đêm gửi cho thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ở mỗi đêm, cuộc đời Balram cùng diện mạo Ấn Độ được phơi bày thêm một nét. Tác giả đã tạo nên một thế giới nghệ thuật độc đáo trong tác phẩm để khắc họa một Ấn Độ phi truyền thống, mất nhân tính và lầm lạc trên con đường hiện đại hóa, bên cạnh những giá trị về văn hóa đã tồn tại lâu đời.
Phản đề về không gian
Hiện hữu trong tác phẩm là hai loại không gian: không gian trong bóng tối và không gian ngoài ánh sáng. Hành trình vươn lên của Balram từ một cậu bé thôn quê nghèo khổ trở thành một doanh nhân giàu có được ví như hành trình đi từ bóng tối ra ánh sáng. Nhưng thực chất miêu tả không gian ánh sáng với thành phố hiện đại, những tòa nhà cao tầng, khu mua sắm sang trọng… cũng là để làm nổi bật vùng không gian bóng tối. Ba hình tượng tiêu biểu nhất, được nhắc đến nhiều nhất trong tác phẩm, tượng trưng cho không gian bóng tối là sông Hằng, ngôi làng Laxmangarh và hình tượng chiếc Chuồng gà.
Sông Hằng được miêu tả trực tiếp tám lần trong tác phẩm (không kể đến những mô tả gián tiếp hay chỉ gọi tên): từ thị giác: “Đại dương đem ánh sáng đến đất nước chúng tôi […] nhưng dòng sông đem bóng tối đến Ấn Độ – dòng sông đen” (tr.35); từ khứu giác: “Tôi ngửi thấy dòng sông trước khi nhìn thấy nó: một mùi hôi thối của thịt rữa bốc lên từ phía bên tay phải của tôi” (tr.37); từ cảm giác: “Không! – Thưa ngài Gia Bảo, tôi xin ngài đừng nhúng mình xuống dòng sông Hằng đó, nếu ngài không muốn mồm chứa đầy phân, rơm rạ, những bộ phận thi thể trương nước, xác trâu thối rữa, và bảy loại axit công nghiệp khác nhau” (tr.35) – “Tôi nhúng mình vào một Hằng hà đen kịt – và trồi lên thành một tài xế lái xe” – “Khát khao được làm một kẻ hầu hạ đã thấm vào máu tôi rồi: đóng vào sọ tôi, lần lượt từng cây đinh, và đổ vào huyết mạch tôi, như nước cống và chất độc công nghiệp đổ vào mẹ Hằng hà” (tr.218); từ vị giác: “Chúng tôi liên tục lấy nước sông rửa miệng cho ông, nhưng thứ nước ấy ô nhiễm đến mức làm ông khạc ra nhiều máu hơn nữa” (tr.68); và tính chất: “Cái lớp bùn đen này của Hằng hà. Mọi thứ chết lún trong đó, phân hủy rồi tái sinh từ đó, và chết lún trong đó một lần nữa” (tr.38) – “Đảng viên Đại Xã hội ban đầu là một người tốt. Ông ta xuất hiện để thanh tẩy mọi thứ, nhưng bùn lầy của mẹ Hằng hà đã hút lấy ông ta” (tr.119).
Trong tám lần miêu tả ấy, Hằng hà hiện ra không còn là con sông linh thánh với dòng nước mát trong rửa đi mọi trần tục của nhân thế, không phải là một nữ thần xinh đẹp chảy qua ba cõi hào phóng đem nguồn lợi cá tôm đến cho mọi nhà, mà là một con sông trần tục, ô nhiễm và lạnh lùng, độc ác, được cảm nhận từ khắp cả các giác quan. Con sông linh thánh đã được nhà văn nhìn nhận từ đủ mọi góc độ, tính xác thực và toàn diện vì thế được nâng cao và giàu sức thuyết phục đến người đọc ý đồ phản ánh của nhà văn: ông như muốn cả thế giới và đặc biệt là người dân Ấn hãy nhìn rõ tất cả những mặt trái mà con người đã làm đối với dòng sông ấy. Tính chất linh thiêng đã bị Aravind giải thiêng bằng sự thật. (Thực ra điều này mang tính xã hội rất cao, vì không phải riêng Aravind mà cả thế giới đang kêu gọi người Ấn đừng tắm gội và làm những nghi lễ tôn giáo ở sông Hằng khiến nó trở thành dòng sông ô nhiễm nhất thế giới).
Cùng với sông Hằng, vùng đất quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, luôn mang một giá trị tâm linh quý báu đối với người Ấn Độ (ta hiểu vì sao Shakuntala lại lưu luyến đến thế lúc từ biệt vườn tu – trong kịch Shakuntala của Kalidasa; vì sao năm anh em Pandava sau những đọa đày lưu lạc vẫn trở về đòi lại vương quốc, dù chỉ năm làng xã nhỏ bé – trong sử thi Mahabharata; và chính Tagore đã từng nói: “Tôi đi xa để mãi mãi tái sinh trên quê hương Ấn Độ”). Nhưng trong Cọp trắng, tác giả đã đặt nên phản đề về tính chất thiêng liêng ấy. Để làm điều đó, nhà văn để nhân vật chính Balram nghĩ về quê hương – ngôi làng Laxmangarh – dựa trên những mệnh đề đối lập:
Thứ nhất, Laxmangarh lẽ ra phải là “thiên đường làng mạc điển hình ở Ấn Độ” (theo lời hứa của thủ tướng Ấn Độ) nhưng sự thực đó lại là nơi nghèo khổ nhất ở nông thôn Ấn với “cột điện – hỏng, vòi nước – gãy, trẻ con – quá thấp bé nhẹ cân so với tuổi, cùng những cái đầu to quá cỡ trên đó mang những đôi mắt sáng long lanh, như lương tâm tội lỗi của chính phủ Ấn Độ” (tr.40).
Thứ hai, Laxmangarh có “cảnh tượng cơ hồ đẹp nhất thế gian”: từ trên đỉnh pháo đài, “tôi nhìn thấy đỉnh tháp của ngôi đền, khu chợ, rãnh cống lấp lánh, khu dinh thự địa chủ – và nhà tôi, với đám mây nhỏ màu sẫm ở bên ngoài – ả trâu cái” (tr.63); nhưng hóa ra trong mắt Balram, đó lại là nơi đáng phỉ nhổ nhất trên đời: “Tôi rướn người ra khỏi bờ tường của pháo đài về hướng làng – rồi làm một chuyện ghê tởm […] tôi đã phun nước bọt” (tr.63), vì đó là mảnh đất đã vắt kiệt sức lao động của người nghèo trên những cánh đồng địa chủ để làm cho nó màu mỡ tốt xanh, là nơi mà dân cư không bao giờ được bỏ phiếu vì những quyền lợi của mình, là nơi mà Balram đã chứng kiến cái chết thảm thương của những người muốn tìm cách thoát khỏi lề thói trói buộc của nó: mẹ và cha mình.
Thứ ba, Laxmangarh là một vùng đất linh thiêng: “Bodh Gaya – thị trấn nơi Đức Phật ngồi dưới một cái cây và giác ngộ, khai sinh ra Phật giáo – nó ở đâu nếu không phải chính đây, tại huyện quê nhà của tôi! Chỉ cách Laxmangarh vài dặm” (tr.39); nhưng trong suy nghĩ của Balram, đó đáng là vùng đất bị thần linh chối bỏ: “Tôi không biết Đức Phật có đi ngang qua Laxmangarh không […] Tôi thì nghĩ ông ấy chạy băng qua nó – nhanh hết cỡ – đến đầu bên kia – và không bao giờ ngoái lại!” (tr.39). Vì vậy mà chẳng có lí do gì có thể níu giữ được Balram, nhân vật này luôn tìm mọi cách thoát li khỏi vùng đất đó, dù nó là quê hương mình.
Qua những cặp mệnh đề đối lập trên, ta luôn thấy hiện lên một Laxmangarh trong hình dung với những giá trị đặc sắc và thiêng liêng của nó và một Laxmangarh trong hiện thực, qua miêu tả của Balram, là phản đề của những hình dung ấy. Như vậy, từ hai hình tượng sông Hằng và ngôi làng Laxmangarh, tác giả đã chỉ ra một phản đề chung của niềm tin tâm linh, điểm tựa tinh thần của người Ấn Độ. Đây là hai hình tượng không gian thuộc về tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa tâm linh của dân tộc Ấn, nhưng tác giả đã phủ định chúng một cách không thương xót, đưa vào đây một cái nhìn sắc nhọn về tính chất thực sự của chúng – đó là những vùng không gian bóng tối che lấp và vùi chôn cuộc đời con người.
Nếu hai hình tượng không gian trên thuộc về không gian tự nhiên thì hình tượng thứ ba thuộc về không gian xã hội – Chuồng gà. Chuồng gà là cách đặt tên của Balram cho vùng không gian của những tên đầy tớ, nô lệ, người nghèo khổ – những người thuộc tầng lớp dưới đáy của xã hội – tách biệt với không gian ngoài Chuồng gà của những ông bà chủ, những người thuộc tầng lớp trên. Hình tượng Ấn dụ này được nhắc đi nhắc lại sáu lần trong tác phẩm dưới góc nhìn của tác giả hòng tố cáo gay gắt sự tồn tại vô nghĩa lí của hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ. Tiếp tục bằng lối văn hài hước và tạo ra những mệnh đề đối lập, tác giả đưa ra nhận xét về một đất nước Ấn Độ như sau: (1) Người Ấn là dân tộc trung thực nhất thế giới; (2) Người Ấn có lòng yêu thương, ôn hòa nhất thế giới; (3) Ở Ấn Độ không cần chế độ độc tài và cảnh sát chìm. Nhưng thực chất, tất cả những điều ấy tồn tại được, tạo nên một xã hội ánh sáng phát triển là nhờ có Chuồng gà. Chúng ta quay trở lại xem xét những nhận xét trên:
(1) Người Ấn là dân tộc trung thực nhất thế giới: Thực chất tác giả muốn nhấn mạnh đến lòng trung thành và trung thực một cách mù quáng, ngu dốt của những kẻ đầy tớ với những người chủ của mình. Họ trung thành vì họ bị nhốt trong chiếc Chuồng gà vô hình, chiếc chuồng được rào lại bởi những vòng dây kẽm mang tên bổn phận (dharma) mà họ đã được dạy dỗ từ thần thoại, sử thi (hình tượng của lòng trung thành điển hình nhất là thần Hanuman, kẻ hầu trung thành của Rama và Sita: “Chúng tôi thờ cúng Hanuman trong đền của mình vì đó là tấm gương sáng ngời cho những kẻ phụng sự chủ nô của mình với lòng trung thành, tình yêu thương và sự tận tâm tuyệt đối” (tr.39).
(2) Người Ấn có lòng yêu thương, ôn hòa nhất thế giới (tư tưởng bất tổn sinh): vì họ đã được giáo dục từ nhỏ tư tưởng nhân – quả của Ấn Độ giáo, rằng mỗi hành động của mình ở thời điểm này hay kiếp này sẽ gieo lấy cái nhân và gặt về cái quả của nó ở thời điểm khác hay kiếp khác. Dù thuộc đẳng cấp nào, tầng lớp nào, sang hay hèn, tôn quý hay tiện dân, người Ấn đều không dám xem thường điều răn ấy. Tác giả đã chỉ ra sự tuân thủ nghiêm nhặt tư tưởng này xuất phát từ lòng sợ hãi của dân tộc mình, đặc biệt với những kẻ dưới đáy xã hội, về sự trừng phạt ở tương lai nếu họ dám đi ngược lại nó. Nên thà họ chịu chấp nhận ở trong chiếc Chuồng gà và hàng ngày cố tranh giành lẫn nhau không khí để thở chứ không hề nghĩ đến việc phải ra khỏi chuồng, nên hiển nhiên suốt đời họ không thoát ra được.
(3) Ở Ấn Độ không cần chế độ độc tài và cảnh sát chìm: Vì hiển nhiên Ấn Độ là đất nước dân chủ. Nói lên điều ấy, tác giả chỉ nhằm lật lên mặt trái của xã hội, rằng đất nước này không cần những giám sát hay cảnh sát canh phòng, không cần những bộ luật chế tài với người dân, vì đất nước này đã có Chuồng gà, một thứ quản lí con người còn ghê gớm hơn cả luật pháp, vì những “con gà” bên trong canh chừng lẫn nhau, con này canh không cho con kia thoát ra để đời sống chung không bị xáo trộn, tai biến (“Đám đầy tớ phải ngăn cản những đầy tớ khác biến thành nhà cải cách, kẻ thử nghiệm hay người khởi nghiệp […] Chiếc chuồng được canh giữ từ bên trong” (tr.219)). Thực chất, đó là một Ấn Độ phong kiến trong vỏ bọc của chế độ dân chủ.
Như vậy, từ hình tượng không gian Chuồng gà, tác giả đã đặt ra phản đề thứ hai về mặt trái của thiết chế xã hội, sâu sắc nhất chính là hệ thống phân chia đẳng cấp.
Phản đề về thời gian
Tiểu thuyết được xây dựng dựa trên hai loại thời gian: thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật (hay thời gian kể truyện), hợp thành thời gian kết cấu của tiểu thuyết: thời gian trần thuật là thời gian bảy đêm nhân vật chính kể lại câu chuyện của mình; còn thời gian được trần thuật là thời gian diễn biến truyện, do sự hồi tưởng lại quá khứ thông qua lời kể của nhân vật.
Trong thời gian kể truyện, diễn tiến thời gian luôn diễn ra theo đường thẳng hướng về phía trước. Ở đây có hai trục thời gian song hành cùng nhau: Trục thời gian thứ nhất hiện lên bề mặt của câu chuyện là thời gian chạy theo cuộc đời của nhân vật: đi từ làng Laxmangarh đến thủ phủ New Delhi và cuối cùng dừng chân ở thành phố Bangalore (ứng với quá trình đi lên của Balram từ một cậu bé thôn quê nghèo khổ trở thành một tài xế gia đình và sau thành một doanh nhân thành đạt). Trục thời gian thứ hai ẩn đằng sau diễn biến truyện là thời gian phát triển của đất nước và con người Ấn Độ: là quá khứ, hiện tại và tương lai của Ấn Độ: một Ấn Độ bóng tối vươn mình ra một Ấn Độ ánh sáng, nhưng để hướng tới tương lai tươi đẹp thì phải cần đến sự lựa chọn hướng đi của mỗi người: “Ở đây (Bangalore), nếu một người muốn trở thành người tốt, anh ta có thể trở thành người tốt. Ở Laxmangarh, anh ta thậm chí còn không được lựa chọn. Đấy chính là điểm khác biệt giữa Ấn Độ này và Ấn Độ kia: sự lựa chọn” (tr.334). Như vậy điểm mốc tương lai này là một điểm mốc mang tính dự báo và vùng đất Bangalore này được tượng trưng hóa như thể một vùng đất hứa mà Ấn Độ sẽ vươn tới, nơi mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn, con người sống bình đẳng, đầy đủ hơn nếu như biết và dám lựa chọn. Điều này được minh chứng qua một chi tiết cụ thể: Nhân viên của Balram đã lái xe đâm vào một người đi xe đạp, giống như hoàn cảnh trước đây của Balram khi còn ở New Delhi (vợ Ashok đâm phải một đứa bé trong tình trạng say xỉn), chỉ khác là vị thế bây giờ đã đảo ngược: Balram không còn là một tên tài xế ngồi ở băng sau chiếc xe do bà Ashok lái, mà giờ đã trở thành ông chủ của tên tài xế đâm chết người kia. Không hành xử giống chủ mình ngày xưa là đổ hết tội lên đầu tên tài xế hèn mọn của mình (mọi tên tài xế ở New Delhi đều phải lãnh trách nhiệm gánh tội thay cho chủ, như một bổn phận), Balram đã đến tận nhà người bị hại đền bù một số tiền và đưa đến cơ hội nghề nghiệp cho em trai người đã chết. Chỉ một chi tiết nhỏ ấy đã cho thấy hình ảnh một Ấn Độ mới ở Bangalore, mới hơn Ấn Độ mới hiện tại ở New Delhi hay bất cứ thành phố công nghiệp nào khác. Đó là một Ấn Độ thuộc về tương lai.
Ta có thể hình dung diễn biến thời gian ấy qua sơ đồ sau:
Ta nhận thấy, nếu thời gian trong tác phẩm cổ điển luôn là một vòng thời gian tuần hoàn, thời gian của định mệnh và trật tự nhân quả; thì thời gian ở đây chỉ diễn ra theo một chiều hướng đi tới trước, đó là thời gian của sự lựa chọn. Như vậy, thông qua việc kể chuyện từ sự hồi tưởng của Balram, tác giả đã tạo ra một kiểu phản đề về thời gian truyền thống, chính là thời gian nghệ thuật đối nghịch lại trật tự định mệnh, nhân quả.
Phản đề trong hình tượng nhân vật
Các nhân vật trong tác phẩm được phân chia thành hai dạng: những nhân vật thuộc hệ thống xã hội (địa chủ, chính trị gia, những người lao động nghèo, đầy tớ, nô lệ) và những nhân vật thoát ra khỏi hệ thống xã hội (gia đình (cha, mẹ) Balram, Balram, Ashok). Có một sự thực rõ ràng rằng: tất cả những nhân vật nằm ngoài hệ thống hay cố thoát ra khỏi hệ thống xã hội đều nhận một kết cục bi thảm, trừ Balram:
Mẹ Balram chết khi Balram còn nhỏ và được hỏa thiêu theo tập tục, nhưng ấn tượng không bao giờ phai mờ trong trí cậu là hình ảnh bàn chân của bà bật ra ngoài trên giàn hỏa thiêu, không chịu cháy, như chống lại sự tiêu hủy ấy. Cái chết của mẹ là một điều bí ẩn với Balram nhưng ắt hẳn bà đã có những tư tưởng không được “chính thống” lắm khi còn sống (“Cái chết của mẹ quá to tát đến nỗi tôi biết ngay cuộc đời bà hẳn rất khốn khổ. Gia đình tôi có lỗi gì đây” (tr.36)).
Cha Balram là một người đặc biệt, khác với những người nghèo khác ở khu bóng tối. Ông thà làm phu xe, còng lưng kéo xe ở thành thị để kiếm những đồng tiền còm cõi chứ nhất định không chịu làm công trên cánh đồng địa chủ, ông cho Balram đi học với niềm hi vọng con trai mình sẽ thoát khỏi khu bóng tối. Nhưng tất cả kế hoạch ông đều không thành và ông chết vì bệnh lao mà không hề được chạy chữa.
Ông Ashok là người chủ của Balram, con trai của một địa chủ nhưng do hấp thụ nền giáo dục phương Tây nên Ashok có những cung cách khác so với những ông chủ giàu có ở Ấn Độ. Ông đã đưa Balram thoát khỏi khu bóng tối, lên New Delhi và đối xử rất tốt với Balram. Chính vì vậy mà Ashok trong con mắt của một kẻ đầy tớ như Balram là một người chủ “yếu đuối, vô dụng, đãng trí và hoàn toàn không được bảo vệ bởi những bản năng thông thường chảy trong huyết quản của một địa chủ”. Nhưng bản thân con người này không hoàn toàn là một con người mới có đủ khả năng tái tạo xã hội mà dần đi vào con đường thỏa hiệp với xã hội ấy, ông trở nên sa ngã vào con đường ăn chơi trụy lạc như những tay chủ khác sau sự đổ vỡ của gia đình mình. Chính vì sự nửa vời giữa cũ và mới như thế nên Ashok đã nhận một cái kết thê thảm là bị chính tên đầy tớ mình tin cậy giết chết để cưỗm sạch tiền.
Nếu cha mẹ Balram chỉ là những người mang theo trong mình mầm mống của sự phản kháng lại hệ thống xã hội, đến Ashok là nhân vật đã đặt nửa bước chân ra ngoài hệ thống ấy nhưng cuối cùng lại bị nó kéo trở lại vào trong, thì Balram là nhân vật duy nhất thoát ra khỏi hệ thống, phá vỡ tính bền vững của cấu trúc xã hội. Trong Chuồng gà vĩ đại của tầng lớp dưới đáy, chỉ duy nhất có một con gà dám vượt ra ngoài để hóa thành Cọp Trắng. Vì nhân vật này ý thức rất rõ giá trị bản thân mình: “Họ mãi là nô lệ vì không thể nhìn thấy những điều đẹp đẽ trong cuộc sống […] Từ khi chỉ là một thằng nhóc con, tôi đã thấy được những gì đẹp đẽ trong cuộc sống. Số tôi không làm nô lệ suốt đời” (tr.62). Nhưng nhân vật này hoàn toàn không phải là hình tượng vĩ đại, anh hùng vì đã dám chống lại xã hội đương thời (kiểu như hình tượng Promete ăn cắp lửa trong Thần thoại Hy Lạp), vì hành động của Balram thực chất là hệ quả của con đường tha hóa chính bản thân anh ta trong sự tha hóa của người chủ mình. Từ một tên đầy tớ trung thành, cần mẫn và hết lòng vì chủ, Balram bắt đầu đòi hỏi những nhu cầu hưởng lạc như chủ, dẫn đến những hành vi gian lận chủ để kiếm thêm tiền, và cuối cùng là giết chính người chủ vẫn đối xử tốt với mình để cướp tiền. Hành động của Balram là hành động mang tính tự phát và dự báo cho một cuộc nổi loạn sẽ xảy ra một khi cấu trúc xã hội ấy lung lay, và nếu xảy ra thì chắc chắn đó sẽ là một cuộc nổi loạn đẫm máu, được thực hiện bằng những tội ác khủng khiếp nhất.
Như vậy, khi xây dựng nhân vật này, nhà văn không hề có ý ngợi khen hay ủng hộ, mà ông chỉ đặt ra phản đề của kiểu con người truyền thống Ấn Độ, hòng giúp độc giả nhận ra tính chất cần thiết phải thay đổi của một hệ thống xã hội tàn bạo và bất công.
*
Đây là lời giới thiệu đầu tiên của nhân vật về đất nước mình đến thủ tướng Ôn Gia Bảo: “Có một thực tế về Ấn Độ là nếu ngài tiếp nhận hầu hết những gì nghe được từ thủ tướng chúng tôi rồi đảo ngược nó lại, ngài sẽ biết sự thật về nó” (tr.35). Như vậy bản thân cuốn tiểu thuyết ngay từ đầu đã là một tấm gương trái chiều về một Ấn Độ truyền thống: trong đó soi tỏ mặt trái của tôn giáo, tín ngưỡng, cấu trúc xã hội và con người. Bằng cách làm này, Aravind Adiga đã trình bày một Ấn Độ được nhìn ở góc độ khác, góc nhìn từ đáy lên thể hiện trong thế giới nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.
N.H.A
Nguồn trích dẫn trong bài viết: Aravind Adiga. Cọp trắng (Người dịch: Thi Trúc).
NXB Trẻ và dtbooks. 2009.
|
Nguồn tin: TCNV 09-2012