Y Phương chính tên dân tộc Tày của mình là Hứa Vĩnh Sước, người đàn ông ở làng Hiếu Lễ. Ông đã viết như thế trong một bài thơ về tên làng mình, đúng hơn, về sự vang vọng của cái tên làng Hiếu Lễ như tiếng gọi của nguồn cội dân tộc.


Ba mươi tuổi từ mặt trận trở về, vội vàng cưới vợ, dựng xây nhà cửa, va chạm với đời sống nhọc nhằn,… để rồi “lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên”. Việc phải đứng ra toan lo, gánh vác, làm cột trụ cho đời sống gia đình khiến ông vỡ lẽ ra nhiều điều. Ý nghĩ khôn lên nỗi buồn thấm tháp/ Bàn chân từng đạp bằng đá sắc/ Trở về làng/ Bập bẹ bước đầu tiên. Một sự đổ vỡ cùng lúc với một thức nhận, cái chao chát của đời sống hàng ngày bị đẩy xuống hàng thứ yếu, trở thành cái thoáng qua nếu người ta vẫn hướng về nguồn cội. Nói với con ra đời trong hoàn cảnh ấy, nhận thức ấy. Vì thế, bài thơ vừa như một lời dăn dạy đối với con cái vừa như một lời nhắc nhở chính bản thân mình, một tâm sự muốn giãi bày, chia sẻ với những “người đồng mình” của tác giả.
Bài thơ được mở đầu bởi những miêu tả giản dị, chọn lọc:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Hiện lên trước mắt người đọc là hình ảnh những bước chập chững đầu tiên của đứa con thơ. Một khung cảnh vui vẻ, xum vầy, âu yếm, thân thương. Cả cha và mẹ đang vui đùa với đứa con của mình. Đứa trẻ, ngập ngừng trong niềm yêu thương ấy, vừa muốn bước về cha, vừa muốn bước về mẹ nên cứ rềnh ràng ra mãi. Nhưng câu thơ còn một hàm ý khái quát, con người ta đứng lên bằng hai chân, lớn lên bằng sự chăm sóc của song thân cha mẹ, muốn trụ vững vàng trong đường đời, phải luôn khắc ghi công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Sự hiểu biết (tiếng nói), niềm vui (tiếng cười) có được đều do công ơn ấy. Nhưng có hiểu biết, có niềm vui, theo thời gian, đứa trẻ không chỉ sống mãi trong vòng tay cha mẹ. Và mẹ cha, khi ấy, gieo vào trí óc và tâm hồn thơ ngây của con trẻ niềm tin yêu vào con người, tình khăng khít đồng bào đồng chủng:
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Nhưng đứa trẻ không phải lúc nào cũng có thể hiểu được những điều trừu tượng ấy. Và cha mẹ đã giảng giải cho chúng. Đó là những bài học đầu đời, bài học nằm nôi nhưng sẽ theo trẻ em suốt cuộc đời:
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Lời thơ như lời kể thủ thỉ tâm tình. Kể về cuộc sống lao động của người làng và nếp sống sinh hoạt thường ngày của họ. Về con đường nối những bản làng. Về việc cha mẹ tìm thấy nhau, yêu nhau rồi sinh con đẻ cái… Mỗi hình ảnh đều được chắt lọc kĩ lưỡng, giàu tính biểu tượng. Một cuộc sống được ý thức nâng niu, chăm chút, luôn hướng tới cái đẹp, cái thiện. Dụng cụ kiếm con cá, con cua dưới suối, dưới sông cũng được người dân trang trí, gọt tỉa cho bền, cho đẹp. Núi rừng cho rau, cho trái nhưng cũng cho cả hoa nở bốn mùa thơm ngát. Và trong những ngôi nhà sàn, bên bếp lửa bập bùng, người ta hát cho nhau nghe những bài dân ca, những phong slư, si, lượn,… con gái, con trai hát giao duyên khiến cho cái vách nhà gỗ mộc mạc, đơn sơ tưởng như thô mộc ấy ngày càng đẹp lên bởi được ken thêm câu hát say sưa, tình tứ. Và những con đường đưa người ta đến với nhau… Có lẽ, với người dân vùng cao, không biểu tượng nào gợi lên tình cảm gắn bó keo sơn, thắm thiết hơn con đường mòn làng bản. Kể cả đống lửa sàn đêm đông hay đống lửa rừng đêm hội, dù nó có thể quây tụ cả làng. Bản làng người dân tộc thưa vắng, nhà cách nhà rất xa, bàn chân người bước đi bao lần với đủ dẹm cỏ cây thành lối mòn? Bàn chân người phải năng lại qua đến mức nào mới ngăn không cho cỏ cây mọc ra chèn lối? Những tấm lòng đã tạo nên những con đường ấy. Tấm lòng mẹ cha đã góp phần giữ gìn con đường ấy.
Nhưng có điều, cuộc sống đẹp đẽ kia vừa có thật, vừa hiện diện như một ước mơ. Người vùng cao lam lũ, vất vả lắm mới duy trì được cuộc sống nghèo khó của mình. Thiên nhiên đâu chỉ dành riêng cho con người sự ưu đãi. Vì thế, nhà thơ mới thốt lên:
Người đồng mình thương lắm con ơi
Nhà thơ muốn cho con mình hiểu sâu sắc hơn nữa về những con người xung quanh, muốn con khi lớn lên không chỉ nhìn thấy mỗi cái đẹp đẽ của cuộc sống và vội quên đi cái khổ ải, lao lực để có được cuộc sống ấy. Đồng bào dân tộc sống với thiên nhiên và phải cố gắng lắm mới không bị nhòe hòa vào nó. Sống là khẳng định bản thân mình, bằng sức khỏe, bằng tâm hồn, bằng trí tuệ. Nó kết thành phẩm chất của người miền núi:
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá ghập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Có cái gì như ấm ức, như xa xót trong lời căn dặn con của người cha ấy. Lẩn quất trong lời thơ có một hình ảnh khác, một vùng quê khác với những con người khác, phong tục khác được đem ra để so sánh. Mới đầu còn rất dè dặt, người cha chỉ đem so sánh nỗi buồn, ý chí của người đồng mình với cảnh vật gần gũi của quê hương, với núi, với sông. Nhưng rồi cái quá khứ nếm trải của mình sống dậy, trỗi dậy. Người đàn ông mà bàn chân từng đã dẫm đất muôn phương kia sau một thời gian đi vắng trở về, thấy bản làng có đổi khác, thấy lòng người có dần đổi khác. Dù bản thân có muốn níu giữ nét mộc mạc quê nhà nhưng lòng vẫn không thể phủ nhận một sự thật, có những vùng đất khác mang những sức hút khác đang tác động đến bản làng bình yên này. Niềm day dứt ấy nhen lên như nghẹn ắng ngang lời dặn. Lời thơ tự nhiên ngập ngừng (dẫu làm sao), người cha không tìm được lời để diễn đạt mạch lạc cho con nỗi lo lắng trong lòng mình. Để rồi, để trấn áp nỗi lo ấy, như dặn con mà cũng như căn dặn chính mình, người cha dường như phải lên gân, lấy sức truyền cho con ý chí, niềm tin, khao khát giữ lấy nếp sống ông bà. Ba từ “sống” được đặt ở đầu câu nhấn mạnh tới ba vấn đề nhạy cảm nhất: chê đá ghập ghềnh tức là chê mảnh đất quê hương; chê thung nghèo đói tức là chê cuộc sống nghèo khó, lam lũ; chê cuộc sống tự nhiên như sông như suối là chê lối sống ông bà. Người cha rất sợ điều đó xảy ra, bởi nếu đã chê mảnh đất cha ông, chê cuộc sống nghèo hèn, chê lối sống lạc hậu thì người ta sẽ rời bỏ quê hương bản quán.
Nhưng đấy là một thực tế, một hiện hữu mà cuộc sống người cha đang phải đối mặt. Lời thơ chợt lắng lại, thủ thỉ, tâm tình. Bởi ở đáy lòng mình, người cha vẫn tin người ta là hoa đất, khi con người hiểu biết được mình, hiểu biết được mảnh đất mà mình sinh sống thì người ta sẽ vẫn mãi còn yêu thương nó. Vì vậy, đời đời, kiếp kiếp, lớp người trước phải truyền lửa cho lớp người sau. Truyền thống dân tộc sẽ là sức mạnh giúp người ta tin tưởng, vươn lên.
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Một niềm tin, niềm vui se sắt nhưng luôn lóe sáng trong lời thơ. Nhà thơ tự hào về sức sống như tự nhiên của con người quê hương, ý chí kiên cường chinh phục tự nhiên để làm đẹp thêm cho cuộc sống của mình. Chất phác, hồn hậu mà mạnh mẽ, kiên gan đã trở thành phẩm chất của người miền núi, phong tục của đời sống miền núi. Thấu thị điều ấy, lời dặn rành riêng cho con, định hướng cho lựa chọn của con, đã trở nên ấm áp, tươi vui:
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con
Trong số ít các nhà thơ dân tộc thiểu số, ngay khi xuất hiện, Y Phương đã đem đến cho văn học một tiếng nói rất đặc biệt. Bằng những lời thơ giản dị, giàu hình ảnh, giàu tiết điệu, gồ ghề, thô tháp, mộc mạc, đơn sơ,… ông đã thể hiện được một cách chân thực và sâu sắc bản tính chân thật, mạnh mẽ, thuần khiết của người miền núi bằng chính lối cảm, lối nghĩ của người miền núi. Suy nghĩ bằng hình ảnh và biểu hiện bằng nhịp điệu là một nét đặc sắc của Y Phương không chỉ riêng với bài thơ Nói với con này. Đó là phẩm chất Tày, tính cách Tày, hồn cốt Tày trong thơ của người đàn ông làng Hiếu Lễ. Có điều, đọc bài thơ, người đọc không chỉ thấy cái chất Tày phổ đậm trong những biểu hiện của sức sống và vẻ đẹp của con người miền núi mà còn thấy những day dứt khôn nguôi của nhà thơ trước ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Bài thơ vì thế, là tiếng nói chân thành và tâm huyết của Y Phương với việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình, thể hiện tình yêu sâu đậm với quê hương mình, niềm tin vào ý chí vươn lên của cộng đồng mình.

Nguồn tin: TCNV 11-2012

Exit mobile version