Đó là tựa đề cho tập thơ của nữ tác giả trẻ Phạm Thị Ngọc Thanh, vừa ra mắt công chúng sáng 25/12/2014  tại Nhà sách Tân Việt 313-315 Bạch Mai, Hà Nội.

Mấy ngày qua, tôi ngồi đọc cả trăm bài thơ của tác giả Phạm Thị Ngọc Thanh, một tác giả nữ còn rất trẻ, trẻ cả về tuổi tác lẫn sự nghiệp sáng tác của mình, nhưng lại có trong tay cả hàng nghìn bài thơ tình, vài tập sách đã xuất bản, cùng một lượng fan hâm mộ động đảo trên mạng lẫn ngoài đời. Điều kinh ngạc ở tác giả này chính là số lượng và tốc độ sáng tác, cứ như bên trong vòm ngực có vẻ hao gầy ấy, là cả một trái núi lửa đang phun trào những mắc-ma tình vậy.

Thơ của Ngọc Thanh không phải là thứ thơ tình hời hợt hay đưa đẩy, cũng không phải là thứ thơ quá sâu sắc, triết luận khiến người ta đau đầu hoặc kính nhi viễn chi. Nó là một thứ thơ, tôi tạm gọi là Thơ Đàn Bà, dẫu không phải là giếng thơi, cũng không đến nỗi như cơi đựng trầu, nó ngòn ngọt, đau đau. Có những bài nó ngọt kiểu một thanh sô-cô-la quệt ngang vết xước của ai đó, lại có những bài, nó như lời tự thú của Một Con Người trước một vị Cha Cố, để nhờ qua kênh tương tác ấy, nói với Chúa về những sự còn thiếu của đàn bà. Và đây là một bài thơ như vậy:

 

Ảnh bìa “Chúng mình có bắt đầu không?”

 

Đàn bà ngốc

Người đàn bà nào cũng ngốc khi yêu

Nhưng lại tự tin rằng mình có thể đổi thay một điều không thay đổi

Đàn bà mạnh mẽ thế nào thì trước ánh nhìn đầy thương yêu cũng vô cùng bối rối

Gìn giữ thế nào thì trước lời mật ngọt cũng cho đi

 

Đàn bà sợ nhất trên đời là sự chia ly

Nên đàn bà luôn muốn tin ngay cả vào những lời nói dối

Đàn bà dù tóc đã bạc màu vẫn muốn mình không tuổi

Trước người đàn ông của mình họ vẫn muốn ngoan

 

Đàn bà luôn muốn khi yêu vẫn giữ đúng cự ly an toàn

Nhưng sự thực là khi bên người kia họ chẳng còn biết mình là ai nữa

Đã yêu rồi thì người đàn bà nào cũng cháy bùng như lửa

Đốt thành than ngay cả trái tim mình

 

Đàn bà lúc nào cũng muốn có người đàn ông chung tình

Nhưng họ vẫn có thể yêu một người đàn ông cả khi biết rằng anh ta có vợ

Bởi đàn bà ngốc nên một đời tự nhận mình mắc nợ

Họ dại khờ xưng tội trước một người đàn ông còn vô số lỗi lầm…

 

Trong bài thơ này còn một câu cuối nữa, mà theo tôi, đó là một câu thừa, không cần thiết, đó là câu: “Thương đàn bà vì đàn bà ngốc đến vô cùng…”. Nếu như tác giả bỏ câu ấy đi, cứ để bài thơ lấp lửng và dang dở thế, tôi tin Chúa sẽ thích hơn và tôi cũng thích hơn nhiều. Bởi thực sự thì Chúa chưa bao giờ muốn người đàn bà hoàn thiện, kể cả tội lỗi hay đức hạnh của họ. Họ cứ ngông ngốc một tí như thế, thông minh in ít thôi, sắc sảo cũng vừa vừa, phố một tẹo và cũng quê một tí, chắc đó là sự hài lòng nhất trong ý Chúa và cũng là trong cái ý của hết thảy đàn ông. Song, đến ngay cái sự dở dở dang dang, ẩm ẩm ương ương ấy, lại cũng là một điều mơ ước cho hết thảy. Vì như Chamfort đã nói rằng, nếu một người đàn bà sắp phải lên đoạn đầu đài, bà ta sẽ đòi một lúc để trang điểm. [If a woman were about to proceed to her execution, she would demand a little to prefect her toiet].

 

Song nếu nhìn dưới góc nhìn phân tâm học, thì dẫu cho người đàn bà có “thật thà” mà thú tội đến đâu đi chăng nữa, thì đằng sau đó vẫn là một khát vọng, một mơ ước, một khoảng chờ đợi, dẫu có khi là niềm chờ trong vô vọng. Trái tim của đàn bà không chỉ có lửa, dễ nóng dễ nguội, mà còn là một lỗ đen với hấp lực kinh hoàng những thứ họ cần. Nhưng đừng có ai dại dột mà trêu ngươi vào sự cần ấy của họ, bởi chỉ ngay sau lúc ấy, nếu như sự bất cần có cơ hội ùa đến, nó sẽ đẩy bạn ra đến tận vùng biên của vũ trụ, mà nơi đó chỉ có bạn và nỗi cô đơn thống khổ mà thôi.

 

Ở một bài thơ khác, bài thơ Đừng Mơ Nữa, ta lại thấy có một Ngọc Thanh tương đối khác. Tỉnh táo hơn, chủ động hơn và cũng có vẻ đã khôn hơn trong tình yêu, trong khổ đau lẫn trong hạnh phúc:

 

Đừng mơ nữa

 

Đừng mơ nữa em

Hãy tỉnh dậy và nhìn cuộc đời

Cuộc đời đắngCuộc đời cay

Cuộc đời mục rỗng

 

Thức dậy đi em ,

để thấy lòng mình như con tàu đắm

Những hoa hồng sớm mai không có chỗ cho mình

Thức dậy thôi emXỏ chiếc giầy thật êm vào đôi bàn chân

Bước qua từng viên sỏi cuộc đời đừng ngoảnh lại

Tình yêu biến kẻ thông minh thành người khờ dại

Những vết sẹo không dễ dàng lành lại sau đau

 

Nhưng rồi vẫn phải đứng lên, đi tiếp dù ta chẳng còn nhau

Vẫn phải sống và thở dưới bầu trời giọt lệ

Đừng tự ru lòng bằng thuốc tê , hãy đối diện với những điều tồi tệ

Uốn lưng còng đỡ lấy cô đơn

Trên đời này vẫn có những loài hoa mọc kiêu hãnh trên bùn.

 

Có lẽ đây là một trong những bài thơ tình quý trong tập thơ mới ra của Ngọc Thanh mà tôi rất thích. Tôi thích cái vẻ kiêu hãnh gói gém rất nhẹ nhàng trong từng câu chữ của chị, khéo léo như một sự dỗ dành mà vẫn toát lên được sự mạnh mẽ. Ở đây, tôi đã thấy một người đàn bà như Schiller đã thốt: Đàn bà cao quý thay, họ bện và dệt nên những hoa hồng của thượng giới ở trong đời sống phàm tục của chúng ta. [Honor woman! They entwine and weave heavenly roses in our earthly life].

Tôi cố ý không đi vào bình một câu thơ cụ thể nào trong cả hai bài thơ vừa dẫn, chỉ mượn gió đưa chèo, hùa theo cảm xúc của thi sĩ để chống con thuyền lòng bấp bênh trên những thi vị của tình. Song, nếu trên tay bạn hiện đang sở hữu cuốn thơ mới ra của Phạm Thị Ngọc Thanh, có lẽ bạn cũng có suy nghĩ như tôi rằng, thơ tình của Ngọc Thanh là những bản tự tình của người đàn bà xưng tội, những tội danh mà cả Chúa lẫn đàn ông đều không cần ai xưng cả!

Và, nếu như bạn chỉ cần để ý một chút thôi, bạn sẽ thấy những tựa đề các bài thơ của Ngọc Thanh trong cả tập sách vừa in, giống như những tựa đề cho những ca khúc được viết bởi điệu Bolero, chầm chậm, bình dân, mà rất thấm vào lòng người nghe, người đọc. Có lẽ, đó cũng là lối thơ rất hợp với Thanh, với những gì mà cô đã và đang trình hiện và theo đuổi.

Đàn bà và thơ tình, hoa hồng và rượu, đều là những thứ thuốc phiện đối với cánh đàn ông. Đôi khi không biết say cùng những thứ ấy, lại có khi mắc tội với Chúa, với Phật đã hoan hỷ cho dự mình vào cái cõi chẳng dưới không trên này…

 

Chu Giang Phong

Exit mobile version