Tôi đi Tây chuyến này, định quan sát được điều gì hay, khi trở về sẽ biên tập thành sách để cống hiến các đồng bào. Song đợi đến khi về nhà thời lâu lắm; vậy trong khi đi, tôi có giữ quyển nhật ký, ngày ngày ghi chép, được tờ nào gửi về đăng báo trước, toàn là những lời kỷ thực [1] , không có văn chương nghị luận gì; chẳng qua là những tài liệu để đến khi về nhà làm sách vậy.

I

Giữa bể, trên tàu Armand Béhic, ngày 16 Mars 1922

Tôi được quan Thống sứ Bắc kỳ cử sang Đại Pháp thay mặt cho Hội Khai trí tiến đức để dự cuộc đấu xảo Marseille, lại được quan Toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết tại mấy trường lớn ở Paris, ngày 9 tháng 3 tây năm 1922 (tức là ngày 11 tháng 2 ta), xuống Hải Phòng để đáp tàu Armand Béhic về Pháp. 

4 giờ chiều ngày 10 tháng 3, tàu mới cất neo chạy. Trong khi đợi tàu ở Hải Phòng, các ngài thân hào tỉnh ấy tiếp đón khoản đãi một cách rất ân cần. Số các phái viên Bắc kỳ đi dự đấu xảo Marseille cả thảy có bảy người: quan tuần Cao Bằng Vi Văn Định, quan huyện Phong Doanh [2] Trần Lưu Vị, thay mặt cho quan trường Bắc kỳ; ông Nguyễn Văn Vĩnh, ông Phạm Duy Tốn, thay mặt cho Tư vấn nghị viện; ông Hoàng Kim Bảng, thay mặt cho các nhà thương mại; ông Nguyễn Hữu Tiệp, thay mặt cho các nhà canh nông, và tôi là đại biểu của Hội Khai trí tiến đức. Trong bảy ông phái viên ấy, chỉ có bốn ông đi chuyến tàu Armand Béhic, là quan tuần Vi Văn Định, quan huyện Trần Lưu Vị, ông Nguyễn Văn Vĩnh và tôi; còn ba ông nữa xin ở lại đi chuyến tàu sau. 

10 giờ ngày mồng 9 tháng 3 tới Hải Phòng, được đích tin rằng tàu Amand Béhic ở Hương Cảng lại đến trưa mới tới bến và chiều ngày mai mới chạy. Ông nghị trưởng Nguyễn Hữu Thu mời ăn cơm trưa ở nhà Hôtel du commerce. Buổi chiều đi lấy giấy thông hành (passeport) và đổi giấy đi tàu của Nhà nước (réquisition de passage) lấy vé tàu của công ty. Theo lệ mới thi hành trong một năm nay thì phàm người dân Đông Pháp muốn đi lại trong bản xứ hay là xuất dương sang Đại Pháp cùng những xứ thuộc về quyền chính của Đại Pháp, chỉ phải đem theo một cái thẻ căn cước (titre d identité) là đủ; thẻ căn cước ấy do các quan hành chính các địa phương phát, như ai ở tỉnh nào thì xin quan Sứ tỉnh ấy, phải có lý trưởng làng mình nhận thực. Thẻ căn cước ấy không những dùng để xuất hành mà thôi, chính là một cái chứng chỉ về bản thân mỗi người, dùng được nhiều việc lắm: lĩnh tiền ở các kho các sở, ký nhận thơ từ hàng hóa của nhà Giây thép, v.v… Duy khi nào muốn xuất hành ra ngoài địa phận Đông Pháp thời phải đem theo thẻ căn cước đến lấy chữ quan chánh sở Cảnh sát ký nhận. Ấy theo lệ hiện hành thời chỉ có thể là đủ, và người An Nam đi sang Đại Pháp không cần phải giấy thông hành khác nữa. Nhưng từ Đông Pháp về Đại Pháp, tàu phải đỗ ở mấy nơi cửa bể thuộc về người Anh cai trị: Singapore, Colombo, Port Said. Muốn xuống chơi những cửa bể ấy – ba mươi ngày trên tàu, tới đâu mà chẳng muốn xuống, – thì một cái thẻ căn cước của ta không đủ, vì người Anh không công nhận. Bởi thế nên ai đi sang Pháp ngoài thẻ căn cước của mình, xuống đến Hải Phòng cũng phải lấy một cái giấy thông hành nữa. Giấy này do Toà Đốc lý Hải Phòng phát, không lấy tiền. Được giấy thông hành ở Toà Đốc lý rồi, phải đem ra sở Cảnh sát để ghi vào sổ. Đoạn rồi lại phải đem ra sở Lãnh sự nước Anh ký nhận cho phép lên các cửa bể thuộc quyền cai trị nước Anh. Lãnh sự nước Anh là ông quản lý chi điếm công ty (Denis frères) ở Hải Phòng. Lấy chữ ký này phải mất 0$40 lệ phí; nghe nói trong khi chiến tranh, tiền lệ phí ấy tới bốn năm đồng bạc. 

Các phái viên [3] An Nam đi đấu xảo Marseille, được Chánh phủ chịu tiền tàu, và đi tàu thời được đi hạng nhì. Trước khi đi, sở Tài chánh ở Hà Nội đã phát cho mỗi ông phái viên một cái giấy đi tàu, gọi là “tống phiếu” (réquisition), nghĩa là giấy của Nhà nước tống đòi công ty tàu bể phải chở không, rồi sẽ tính tiền với Nhà nước sau. Giấy “tống phiếu” ấy, tới Hải Phòng phải đem lại công ty hàng hải Messageries maritimes là công ty có tàu Armand Béhic, để đổi lấy vé tàu. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, ông Trần Lưu Vị và tôi cùng lấy vé một phòng thuộc về hạng nhì; quan tuần Vi Văn Định thời chịu trả thêm tiền để đi hạng nhất. Theo lệ thường các quan Tuần phủ, Thống đốc đều được đi hạng nhất cả; Sở hữu ti lần này lại đặt quan tuần vào hạng nhì cùng với các phái viên khác, cũng là một sự sơ ý; bởi thế nên ngài phải trả thêm tiền để đi hạng nhất cho rõ sự sơ ý ấy. 

Tối ngày mồng 9, ông Bạch Thái Bưởi, ông Nguyễn Hữu Thu, cùng mấy ông thân hào ở Hải Phòng đặt tiệc ở nhà Hôtel de la marine để đãi các phái viên đi Pháp. Tiệc có nhà trò hát, bát âm kèm, vui vẻ lắm. 

Trưa ngày mồng 10 lại dự tiệc ở nhà ông Hàn Hinh, là nghị viên Hải Phòng. 

2 giờ chiều ngày mồng 10, đem hành lý xuống tàu. Phòng hạng nhì của chúng tôi có 6 giường, hiện đã có ba người đi tự Hương Cảng lại, chiếm mất ba giường, là hai ông cố và một con nít 10 tuổi. Hai cố là cố Robert, phó quản lý Hội Truyền giáo Viễn đông ở Hương Cảng, người danh giá và đạo đức lắm, mới được Chánh phủ Đại Pháp thưởng Bắc đẩu bội tinh, và cố Perreaux, trước giảng đạo ở Bình Định (Trung kỳ), gần đây sang Hương Cảng, nay đổi về Sài Gòn. Đứa con nít là con một nhà kỹ sư ở Hương Cảng, theo cố Robert, về Pháp để sang học bên Bỉ-lợi-thì (Belgique). Đi bể xa khơi, gặp được hai bậc đạo nhân làm bạn, cũng là một sự may. 

Kể trong các tàu của công ty Messageries maritimes thời tàu Armand Béhic này là vào bậc trung bình, không được lịch sự như các tàu PorthosAndré Lebon hay là Paul Lecat, nhưng cũng không bé nhỏ chật hẹp như nhiều tàu khác. Nói về sức chạy thời có lẽ vào bậc nhất nhì, tốc độ thường là 13 hải lí (noeuds). Nhưng phải một cái tật, là chạy xóc lắm: ra tới bể hễ hơi có sóng gió một chút thời mở cuộc “khiêu vũ” ngay, nào nhẩy, nào múa, nào nghiêng, nào lượn, uốn éo trên mặt sóng, chẳng hay người đứng ngoài trông có đẹp mắt không, chớ người ở trong thời thật là khó chịu. Lần này tôi mới biết say sóng là cái gì. Trước đi Sài Gòn cũng đã từng say sóng mất nửa ngày, nhưng chửa thấm vào đâu với lần này. Tàu ra chưa khỏi Đồ Sơn đã bắt đầu “múa” rồi: bấy giờ thấy đầu lảo đảo, bụng xôn xao, rồi oẹ, rồi nhổ, có gì trong bụng nôn ra hết. Từ Hải Phòng tới Sài Gòn, tàu chạy có ba đêm hai ngày, mà phải mất hai đêm một ngày say sóng, nằm dí trong phòng, không cất đầu lên nổi, và ba bữa không ăn uống một tí gì. Nhưng bệnh say sóng này cũng lạ: đương lúc say thời tưởng không có gì khổ bằng; qua lúc say thấy người tỉnh táo, khoẻ mạnh và ngon miệng muốn ăn ngay; bấy giờ như quên hẳn, không nhớ gì đến những khó chịu lúc trước nữa. 

Say sóng dữ nhất là vào quãng ngang Tourane, Quy Nhơn. Gần tới Sài Gòn thời bể yên, tàu vững, người lại bảnh bao như thường. 

5 giờ sáng ngày 13, tàu tới Sài Gòn, yết bảng đến 4 giờ sáng ngày 15 chạy về Singapore, đỗ ở Sài Gòn 48 giờ. 

Thừa được thời giờ dài rộng như thế, bèn bỏ tàu xuống bộ, dạo chơi thành phố và thăm hỏi bạn bè. Nhưng trước khi đi chơi, anh em rủ nhau vào chào quan Thống đốc Nam kỳ Dr Cognacq, ngài chính là quan đại lý trông coi về việc đấu xảo ở bên Đông Pháp; ngài tiếp tử tế lắm, và chúc cho các phái viên vượt bể được bình yên, mạnh khoẻ. Nhân quan Toàn quyền Long[4] cũng ở Sài Gòn, các phái viên muốn xin vào chào ngài, nhưng bữa ấy ngài bận nhiều khách, không thể tiếp được, có hẹn đến 11 giờ hôm sau là ngày 14 lại. Hôm sau, đúng giờ ấy, các phái viên vào chào ngài, ngài hỏi han và nói chuyện ân cần lắm, nói rằng ngài sẽ gặp các phái viên ở bên Pháp, vì cách vài tuần nữa ngài cũng xuống tàu về Pháp. 

Trưa ngày 13, anh em cùng nhau về Chợ Lớn, trước là xem phố phường, sau là thử vào ăn cơm một hiệu cao lâu ở đấy xem cách người Khách ở Nam kỳ tiếp người An Nam thế nào. Cách đó thật là lãnh đạm vô cùng. Người Khách ở Chợ Lớn tựa hồ như không cần gì người An Nam cả; mà những hàng trí thức trong Lục tỉnh ngày nay, đối lại với họ cũng lạnh nhạt như thế. Coi đó thời biết hai giống người ác cảm nhau đã sâu lắm; cái ác cảm ấy có lẽ cũng là một sự hay cho đường kinh tế nước ta sau này. 

Chiều ngày 13, các ông Bắc kỳ buôn bán ở Sài Gòn đặt tiệc tại nhà ông Đắc là đại lý của hiệu Đào Huống Mai ở Sài Gòn để đãi các phái viên. Ông Đắc mới ra Hà Nội vắng, nhưng các bạn Bắc kỳ đến dự tiệc cũng đông, thật là tỏ ra cái cảm tình người đồng quận [5]

Tiệc đoạn ở hiệu Đào Huống Mai, thời các bạn Nam kỳ cho xe hơi đến đón đi xem trò “xiếc” (cirque) của người đồng bào mình mới mở tại Sài Gòn được vài bữa. Bọn xiếc này đặt tên là “xiếc Tân Nam Việt” (cirque du jeune An-nam), tài tử toàn là người An Nam cả, mà đứng chủ là ông André Thận, năm trước đã sung phái bộ ra xem Hội chợ ở Hà Nội. Bọn này mới tập có mấy tháng mà làm trò đã tài lắm, leo dây, múa rối, chẳng kém gì các bọn xiếc của người Mỹ người Ý đã sang làm trò ở bên ta. Có mấy vai tài tử xuất sắc nhất, tưởng sánh với người các nước cũng không thua, nhất là vai thầy Hào và vai cô Mão. Đàn bà An Nam ta mà làm trò xiếc trước nhất: chắc là cô Mão này. 

Xong trò xiếc lại diễn thêm một bài tân kịch đề là “Vợ ngoan làm quan cho chồng” của ông Hồ Văn Lang đặt để giúp cho việc cổ động công thải 6 triệu đồng. Bài [6] kịch soạn khéo, người diễn cũng giỏi. Trước tôi vẫn biết trong Nam kỳ mấy năm nay mới xuất hiện một lối kịch mới gọi là “tuồng cải lương” thịnh hành lắm, nhưng chưa hiểu cải lương ra thế nào. Nay được xem bài kịch này mới rõ. Tuồng “cải lương” là một lối kịch đặt theo kiểu mới của Âu tây, nhưng vẫn giữ cái phong vị cũ của tuồng ta, là đương khi các vai nói chuyện như thường, lại pha thêm mấy đoạn hát theo điệu đàn, thành ra vừa là kịch, vừa là ca bản tân, bản cựu, tưởng cũng là một lối tuồng hợp với trình độ người mình hiện bây giờ. Ngoài Bắc ta thường có muốn cải lương diễn kịch, có lẽ cũng phải theo một lối ấy trong ít lâu, rồi mới mong tìm được một cái thể khác thích đáng hơn. Nếu thế thì đồng bào ta trong Nam kỳ đã thí nghiệm rồi, ta cứ việc nhân đấy mà châm chước. 

Trưa ngày 14, ông Nguyễn Phú Khai, nguyên quản lý báo Tribune indigène, hiện làm chủ hiệu buôn nhập cảnh Thuận Hoà, mời ăn cơm ở nhà riêng ông đường Pellerin. Ông Nguyễn cũng có thể cho là một tay lãnh tụ trong “Tân Nam Việt” ta ở Nam kỳ, người thông minh, linh lợi, lại có cái tư tưởng cao về quốc gia, về xã hội, cách giao thiệp ôn hoà nhã nhặn, rõ ra một người có tư cách khác thường. Tân học mà được như ông cả, ấy mới thật là xứng đáng. 

3 giờ chiều, ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem Hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc kỳ về xem nhà máy dầu và máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên đã to tát như thế, mà chúng tôi thấy hưng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát li được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp. 

5 giờ chiều cùng mấy ông ngoài ta đi xem vườn Bắc kỳ nghĩa trang, cách thành phố Sài Gòn 6-7 cây-lô-mét. Đó là nơi nghĩa địa của người Bắc ở Sài Gòn. Số người ngoài ta vào lập nghiệp trong ấy ngày một nhiều, mà hướng lai [7] không có một khu đất nào riêng để chôn những người bất hạnh mất đi. Nay nhờ có mấy ông hữu tâm xướng xuất lên, mua được một khu đất chừng mười mẫu, kinh doanh làm thành một vườn nghĩa địa, hiện nay đã có vài ba cái mộ mới chôn. Tình đồng quận, nghĩa tử sinh, thật là một việc đáng khen lắm. 

7 giờ tối thời các bạn Nam kỳ đặt tiệc tại nhà Saigon-palace-Hôtel để đãi phái viên Bắc kỳ. Dự tiệc bữa ấy, ngoài mấy anh em chúng tôi, có những vị như sau này: ông Nguyễn Phú Khai, ông Trương Văn Bền, ông Lương Văn Mỹ (công chính kỹ sư ở Chợ Lớn), quan Đốc phủ Chợ Lớn Nguyễn Tấn Sử, ông Nguyễn Phan Long, ông Nguyễn Chánh Sắt, ông Lê Hoàng Mưu, ông Nguyễn Tử Thức, ông Lê Đức, ông Nguyễn Văn Thường, ông Hồ Văn Lang, ông Tự An (ở báo Tribune indigène), ông Nghiêm. Tiệc thật là vui vẻ lắm, rõ hiểu cái tình liên lạc kẻ Bắc người Nam. Khi uống champagne, ông Nguyễn Phú Khai thay mặt các bạn Nam kỳ chúc phái bộ Bắc kỳ vượt bể bình yên và sang bên Đại Pháp quan sát được nhiều điều ích lợi cho đồng bào. Ông Nguyễn Văn Vĩnh thay mặt các phái viên Bắc kỳ cám ơn các bạn Nam kỳ. 

Tiệc xong, ông Trương Văn Bền và ông Nguyễn Phú Khai đem xe hơi riêng đưa các phái viên đi chơi phố phường, về Chợ Lớn, rồi ra Sài Gòn theo đường bờ sông cho đến nơi gọi là Lang Thô, một bên thuyền bè đậu, một bên dẫy đèn điện dài nhấp nhánh như sao sa, trên trời, mặt trăng chiếu rọi, thật là một cảnh ngoạn mục. 

Buổi tối này là một buổi tối cuối cùng của anh em chúng tôi còn để chân trên đất nước nhà, trước khi dời mình sang những phương xa cõi lạ. Từ Hải Phòng đến Sài Gòn, tuy lênh đênh trên mặt bể, nhưng vẫn chưa ra khỏi hải phận nước nhà; từ đây trở đi mới thật là băng miền di vực [8] . Cho nên trước khi từ biệt các bạn Nam kỳ để xuống tàu, ai nấy cũng thấy có chút cảm động trong lòng, cảm động vì cái tư tưởng cố quốc tha hương. 

4 giờ sáng ngày 15, tàu cất neo chạy về Singapore (Tân-gia-ba). Ra khỏi Vũng Tàu (Cap Saint-Jac-ques), lại gặp sóng to, say sóng mất non một ngày, mãi đến hôm nay16, mới tỉnh dậy, ăn được một bữa, thấy người hơi khoan khoái, vào trong phòng khách, viết mấy dòng này. 

*

Giữa bể, ngày 18 Mars 1922 (khỏi Singapore, gần Penang)

4 giờ sáng ngày 15 Mars, tàu dời bến Sài Gòn chạy về Singapore (Tân-gia-ba). Tự Sài Gòn ra đến bể có sáu chục cây-lô-mét tàu đi khúc khuỷu theo con sông Sài Gòn; đến 8 giờ sáng thì vừa tới Cap Saint-Jac-ques (Vũng Tàu), địa thế chỗ này cũng hiểm trở và cảnh trí cũng ngoạn mục: hai bên núi bao bọc như cái tay ngai, giữa một cái vũng to, nước nửa xanh, nửa đỏ, nước đỏ là nước sông chảy ra, nước xanh là nước bể dồn vào; ngoài xa là bể khơi man mác. Trên núi trông xa xa thấy những nhà lầu trắng xoá ở giữa đám cây xanh um tùm: đó là nhà biệt thự (villas) của các quý quan mùa nóng ra nghỉ mát, vì nơi Vũng Tàu này chính là một sở nghỉ hè như Đồ Sơn, Sầm Sơn ở Bắc kỳ vậy. Trong Nam kỳ nói đi chơi “Ô-Cắp” (Au Cap) cũng là một cách phong lưu lịch sự như ngoài Bắc nói đi tắm Đồ Sơn vậy.

Ô-Cắp không những là một nơi nghỉ chơi, lại là một cái chiến cảng để giữ cửa Sài Gòn và cả miền hải phận Nam kỳ, và là nơi sở tại của một quan đại lý thuộc về tỉnh Bà Rịa. Nên ngoài những nhà mát của các quý quan, lại còn những toà sở khác nhiều lắm, và thường khi có tàu chiến đậu. Đi ngoài trông vào, không khác gì một nơi tỉnh thành lớn. 

Tự Sài Gòn ra Tân-gia-ba có đi ngang qua quần đảo Côn Lôn (Poulo Condore) nhưng đi tận ngoài xa, không trông rõ. 

Mới ở Vũng Tàu ra, bể hơi có sóng gió, lại say sóng mất quá nửa ngày nữa, nhưng ra quá bên ngoài thời yên ngay, và cho đến tận Singapore đều được bình tĩnh như thường. 

8 giờ sáng ngày 17 Mars, tàu tới Singapore. Đáng lẽ tới từ 4 giờ đêm, vì tự Sài Gòn đến Singapore đi có hai ngày tròn, nhưng nghe đâu người Anh có lệ không cho tàu ngoại quốc xuất nhập đương đêm. Cho nên tàu đến trước cửa Singapore tự nửa đêm mà còn phải đậu ở ngoài xa, đến sáng rõ mới quay mũi vào bến. 

Mặt trời mới mọc, trông vào bến Singapore, không cảnh gì đẹp bằng, như một bức tranh sơn thủy vậy. Lần này mới được trông thấy một nơi hải cảng là lần thứ nhất, thật là một cái cảnh tượng to tát. Cửa Hải Phòng, cửa Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này còn kém xa nhiều. Bến liền nhau với bể, chạy dài đến mấy nghìn thước, tàu đỗ không biết cơ man nào mà kể, tàu của khắp các nước đi tự Á Đông sang Ấn Độ và Âu Tây đều phải qua đấy. 

Cửa Singapore này là đặt ở trên một cái đảo ở cuối bán đảo Malacca, ngay đầu eo bể Malacca, địa thế thật là tiện lợi cho đường buôn bán, và cũng tiện lợi cho sự quân bị. Người Anh ở á Đông, phía trên giữ được cửa Hồng Kông (Hương Cảng), phía dưới giữ cửa Singapore, thật là chiếm được hai nơi then chốt ở cõi á Đông này, địa thế hiểm yếu không đâu bằng. Mà hai nơi ấy trước kia là hai cái đảo nhỏ cùng tịch [9] , bỏ hoang không ai đi đến bao giờ; nhất đán vào tay người Anh kinh doanh trong mấy chục năm, trở nên hai nơi hải cảng và thương phụ [10] nhất nhì trong thế giới: cái nghị lực của giống người Anh cũng khả kinh vậy. 

Bây giờ bao nhiêu tàu bể của các nước đi qua lại bên Á Đông này, tất phải do qua hai cửa Singapore và Hồng Kông; hai cửa ấy lại theo cái chế độ “tự do mậu dịch” của nước Anh, đồ hàng hoá các nước đem vào không phải thuế thương chánh, nên cái phong trào buôn bán thật là có vẻ phồn thịnh hơn các cửa bể khác nhiều. 

Trước khi tàu ghé bến, phải đợi cho quan thầy thuốc Anh xuống khám xem hành khách có ai mắc bệnh truyền nhiễm không. Đến khi tới nơi, hành khách chưa được xuống vội, phải đợi cho quan cảnh sát lên khám giấy thông hành. Trong khi chiến tranh thì ai muốn xuống bến cũng phải trình giấy thông hành cả, nhưng bây giờ thì chỉ người nào đỗ hẳn ở Singapore mới phải trình giấy mà thôi; còn các hành khách khác xuống chơi vài ba bốn giờ rồi lại về tàu thời được tự do đi lại; lệ có khoan hơn trước nhiều. 

Trên bến thấy mấy viên quan cảnh sát Anh và lính cảnh sát toàn là người Mã Lai và người Ấn Độ cả. Còn những phu chở hàng và mang đồ hành lý thì phần nhiều là người Tàu và người Mã Lai. 

Vào đến trong phố thời nghiễm nhiên là một nơi đô hội của người Tàu, chẳng kém gì thành phố Chợ Lớn. Phố xá đông đúc, san sát những hiệu Khách cả, có mấy dãy phố toàn những nhà tửu lâu khách sạn, ngày đêm tấp nập những khách ăn chơi, người đi lại. Đi lại trong phố phường, có xe kéo và xe hơi, xe kéo người Khách kéo, xe hơi người Khách cầm máy. Đại để, công việc gì cũng là người Khách làm cả, từ bán cháo rong cho đến làm chủ hiệu, tựa hồ như người Anh mở mang đất này riêng cho người Tàu đến sinh lý, còn thổ dân là giống Mã Lai thời bị khu trục [11] ra ngoài cái sinh hoạt giới tuyến vậy. Coi đó cũng đủ biết cái nghị lực của người Tàu, kể không kém gì người Anh vậy. Người Anh có cái tài sáng tạo kinh doanh, người Tàu có cái sức thừa hành lao động, người Anh là cái óc sắp đặt, người Tàu là cái tay làm lụng, hễ đâu có hai giống người ấy tất là nơi sinh hoạt phồn thịnh. 

Singapore có thể chia ra hai phần: một phần là phố Khách, một phần là phố Tây; phố Tây cũng sầm uất bằng phố Khách mà lại có cái vẻ nguy nga hơn. Phố Tây ở Singapore này có khác phố Tây ở các nơi khác, nhất là khác các phố Tây của người Pháp ở, như trong các thành phố ta; người Pháp ở đâu thì những nhà lầu to lớn phần nhiều là các dinh thự công sở của Nhà nước; người Anh ở đâu thì những nhà lầu to lớn là các cửa hàng, các hội buôn, các công ty, các ngân hàng. Những hàng buôn của người Anh ở Singapore thật là những lâu đài vĩ đại, có khi chiếm từng dãy phố dài. 

Ngoài các phố phường buôn bán, đến những nơi nhà ở riêng, làm theo lối “biệt thự” (villas) của người Anh, nhà xây ở chỗ đất cao, chung quanh vườn rộng, xe hơi chạy lùng khắp được. Những nhà ấy phần nhiều của người Anh, nhưng cũng có nhà của các chủ hiệu Khách lớn; ban ngày xuống phố làm việc, chiều tối về nhà riêng nghỉ. 

Xe hơi ở Singapore, thật không biết cơ man nào mà kể, nào xe riêng, nào xe thuê, cả ngày chạy như mắc cửi. Vào đến Sài Gòn, thấy xe hơi chạy đường Catinat đã lấy làm nhiều, nhưng xe hơi ở Singapore lại còn nhiều hơn nữa, và ở Singapore đường phố nào cũng như đường Catinat hết thảy. 

Ở trên tàu xuống, anh em đi dạo qua mấy phố gần bến, mỗi người đổi mấy đồng bạc Đông Pháp lấy tiền Singapore để tiêu dùng cho dễ. Bạc Đông Pháp, nhất là bạc đồng, ở đây chuộng lắm; mỗi đồng bạc của ta, trừ tiền cáp còn được một đồng năm xu bạc Singapore; coi đó thời biết rằng bạc ta có giá trị, vì lệ thường đem tiền mình đi dùng ở xứ khác, chỉ có thiệt, không có lợi bao giờ. 

Đi chơi vừa đến trưa, không trở về tàu ăn cơm, rủ nhau vào một hiệu cao lâu Khách, gọi làShanghai Hôtel; cách bày biện tiếp đãi ở trong các cao lâu khách đây có ý lịch sự hơn các cao lâu ở Chợ Lớn nhiều. Khách trong cao lâu là người Quảng Đông cả; nhân trong bọn chúng tôi có quan tuần Vi thông tiếng Quảng Đông, nên nói năng giao thiệp cũng dễ. Người khách không biết chúng tôi là người An Nam, vì trước khi xuống bến anh em đã nhất luật cải âu phục cả. Họ hỏi có phải là khách Thượng Hải mới ở Mỹ về không. Chúng tôi cũng đáp rằng phải, và hiện nay đi du lịch sang nước Pháp. Coi đó thời biết rằng người Tàu hễ khác tỉnh thời không nhận biết được nhau nữa, vì ngôn ngữ bất đồng, người Quảng Đông với người Thượng Hải đối nhau cũng bớ ngớ như người khác nước vậy. 

Người Khách ở Singapore chỉ có người Quảng Đông buôn bán to và người Phúc Kiến Triều Châu làm các nghề nghiệp nhỏ; còn người Thượng Hải ít lắm; cho nên trong khi đi dạo chơi các phố Khách, người Khách nào cũng cho bọn chúng tôi là người Thượng Hải. 

Ăn cơm xong, anh em thuê hai cái xe hơi để đi dạo quanh khắp tỉnh thành một lượt trước khi tàu chạy. Xe hơi chạy thuê ở đây nhiều và rẻ lắm: ở các đầu phố thường đỗ hàng chục cái, giá thuê giờ thứ nhất là ba đồng, giờ thứ nhì hai đồng, đi hai giờ thời chạy vòng quanh được thành phố Singapore một lượt, đi tự dưới bến, qua các phố Khách phố Tây, men các đồi cao su ở sau bến, vào xem vườn hoa, rồi lại quay về bến, vừa đúng ba giờ, xuống tàu nghỉ chơi một lúc thời tàu chạy. 

Tự Singapore đến Penang tàu chạy phải 36 giờ, chừng sớm mai thì tới nơi. Penang cũng là một cái cửa bể ở về phía tây bán đảo Malacca. Người ta nói rằng tự Singapore ra Penang có đường xe lửa liền, đi mất chừng 10, 12 giờ. Hành khách xuống chơi Singapore, có lỡ không về tàu kịp thời cứ xe lửa ra Penang, rồi đợi tàu ở đấy cũng được. Người làm trong tàu có khuyên chúng tôi nên làm như thế, cũng là một cách du lịch hay, nhưng nghĩ đến ngồi trong xe lửa 10, 12 giờ ở một xứ xa lạ mình không biết tiếng, tưởng cũng không có thú gì, nên anh em đúng giờ trở về tàu cả. 

*

Chủ nhật, 19 Mars 1922

8 giờ sáng hôm nay tàu đến Penang, đỗ 6 giờ, đến 2 giờ chiều lại chạy. Tàu không ghé áp tận bến, đứng cách xa ngoài chừng một nghìn thước, hành khách muốn vào bến phải đi bằng cái “sà-lúp” của công ty, hay là thuê thuyền chở vào. Khách lên xuống ở bến này cũng ít, phần nhiều là người Chà Và (Ấn Độ). 

Penang là một cái cửa bể ở trên một hòn đảo về phía tây bán đảo Malacca, tức đất danh là Poulo Penang, Poulo Penang là tiếng Mã Lai: poulo nghĩa là cù lao, penang nghĩa là cây cau, Poulo Penang là “cù lao cây cau”, vì ở đấy có nhiều cau lắm. Tên đất này cũng có quan hệ chút đỉnh với lịch sử nước ta: chính đấy là chỗ Đức cha Bách Đa Lộc [12] hồi sang giúp đức Cao Hoàng [13] ta thường đi lại ở đó, và chính đấy là chỗ có trường đại tập của dòng truyền giáo Gia Tô ở Á Đông, phần nhiều các cố đạo sang giảng giáo bên ta từ xưa đến nay và các thày giảng ta đều học qua ở đấy. 

Penang bây giờ thuộc quyền cai trị của người Anh. Kể là một nơi thương phụ thì kém không bằng Singapore, phố phường không có đông đúc rộn rịp, sinh hoạt không có sầm uất phồn thịnh bằng. Nhưng kể là một chốn đô hội thời cũng là một chốn đô hội to, mà lại có một cái vẻ phong phú riêng khác với Singapore. Singapore là chỗ làm lụng, Penang là chỗ nghỉ ngơi. Đi ra ngoài mấy phố buôn bán, toàn là những nhà ở riêng của các phú thương người Anh, người Khách, cũng làm theo một lối “biệt thự”như ở Singapore, nhà giữa, vườn cây chung quanh, nhưng rộng rãi, mát mẻ hơn nhiều. Vườn nào cũng đặt đường chạy quanh cho ô tô đi được. Có nhiều cái vườn rộng mênh mông, trồng toàn cau và dừa, như vô số những cột thẳng một dóng cau, trên lá xoè như cái tán trông đẹp lắm. Các biệt thự của người Tàu có những hoành phi, câu đối, chậu hoa, ghế đá, đôn sứ, núi giả, nghiễm nhiên ra cái vẻ phong lưu của người Đông Á. Người Tàu lại còn có những nhà hội quán riêng, làm theo kiểu các “câu lạc bộ” (clubs) của người Anh, có câu lạc bộ cho đàn ông, lại có câu lạc bộ cho đàn bà. Nói tóm lại, người Tàu ở đây có cái vẻ phong phú, khác các nơi đô hội Tàu khác, là không ồn ào, rộn rịp, mà bình tĩnh êm đềm, ra cái phong vị các nhà phú ông điền chủ nước Anh. Các nhà biệt thự ở đây có lẽ là của những tay phú thương ở Singapore, ngoài thì giờ làm việc về đấy để hưởng cái thú thanh nhàn bình tĩnh. 

Đến Penang có một nơi thắng cảnh tuyệt thú, khách du lịch ai cũng phải đến xem. Đến xem một nơi ấy cũng đáng công tự trên tàu xuống bộ. Nơi ấy là chùa “Cực lạc” của người Tàu đặt ở trên một ngọn núi, cảnh trí đã đẹp, đứng trên núi cao trông xuống dưới biển, kiến trúc lại công phu và có một cái vẻ cực kỳ tráng lệ. Tự dưới đi lên, xẻ thành đợt đá, như cái thang rộng, càng bước lên càng thấy những lầu những các, những đình những tạ, chồng chất lên nhau, trông thật là nguy nga. Ngoài những nhà thờ Phật, thờ Tổ, thờ các vong linh, lại có những nhà khách, nhà mát, chỗ thưởng ngoạn phong cảnh, cùng những núi giả, vườn hoa, cầu bắc ngang, suối nước chảy. Chỗ nào có mảnh đá lớn lại có những chữ đề vịnh của các văn nhân du khách đã qua đấy. Có mảnh đá đề bốn chữ lớn Vật vong cố quốc [14] , thật là tỏ được cái chí của người Hoa kiều đã xây dựng ra cõi chùa này. Người Khách dời bỏ nước nhà mà đến lập nghiệp ở đây, may làm nên giàu có, không có quên tổ quốc, muốn gây nên một nơi cảnh trí phảng phất có cái phong vị nước nhà để làm chỗ du ngoạn cho di dưỡng tính tình. Vào đến cảnh chùa này không thể không cảm phục nghị lực khác thường của người Tàu, đi đến đâu cũng gây nên sự nghiệp cơ đồ lớn, nghiễm nhiên làm chủ nhân ông trong đất nước người ta, mà giữa cái cảnh phong lưu phú quý ấy không hề bao giờ quên cố quốc, đến đâu cũng cố giữ lấy cái phong vị cũ của nước nhà. 

Ở Penang còn có một cái đền Ấn Độ của người Chà thờ thần Siva, Vishne. Trong đền cũng không có cái gì lạ, chỉ thấy trên trần treo lủng liểng những đèn cốc bằng thủy tinh nhuộm xanh nhuộm đỏ, và ở giữa thì có một cái buồng kín, đóng dóng sắt như một cái chuồng, trong có cái tượng thần bằng vàng. 

Đến Penang, mấy anh em cũng cùng nhau thuê một cái ô tô đi chơi khắp mọi nơi như ở Singapore – Giá ô tô ở đây cũng giống như ở Singapore và tiền tiêu cũng một thứ như Singapore (Straits Settlements money), có điều lạ là ô tô ở đây đều chạy về tay trái cả không chạy tay phải như bên ta, mới trông cũng lạ mắt. 

Vừa đi quanh đảo Penang được một lượt thời vừa đến giờ tàu chạy, vội vàng thuê một cái thuyền của người Chà để chở tự bến ra tàu. Ra đến nơi tàu vừa cất thang, đúng 2 giờ chạy về Colombo. 

Quãng đường tự Penang đến Colombo dài lắm, phải bốn ngày ròng rã mới tới nơi. Bốn ngày đêm nằm trong tàu, bồng bềnh giữa bể Ấn Độ Dương, chung quanh không trông thấy mảnh đất nào, thật cũng chồn [15] thay! Ấy là không biết bể có yên lặng cho hay không, hay lại sóng gió mà say sóng nữa thời khổ quá! 

*

Trên tàu, thứ tư, 22 Mars

Bể không sóng gió, nước vẫn phẳng lặng, thế mà tàu lúc lắc, đầu đảo điên, thế mới lạ. Ở bể ấn Độ Dương này, tuy trên mặt không có sóng, mà ở dưới có những “sóng đáy” (lames de fond), tự dưới đáy bể lên, sức lại càng mạnh lắm, làm cho cái tàu khi thì chồng chềnh bên này sang bên kia, khi thì nhảy chồm đàng sau ra đàng trước, chỉ lung lay có một phía thì còn chịu được, nếu vừa chồng chềnh hai bên lại vừa nhảy chồm hai đầu thì người mạnh đến đâu cũng phải say sóng. Nhà thuyền viên có tiếng riêng để chỉ những khi sóng dữ như thế: gọi là casserole, nghĩa là tàu nghiêng lộn như cái chảo đương đun nấu ở trên lò. Từ bữa nọ tới nay, tuy chưa hôm nào phải “làm chảo” như thế, nhưng mà bể có sóng đáy cũng khó chịu lắm; phải nằm luôn trên ghế dài, hễ ngồi dậy thời đầu lảo đảo ngay, thành ra mấy hôm nay không cầm bút viết được một dòng nào cả. 

Cứ như thế mà nằm bốn ngày luôn ở trên tàu, lại từ Colombo đến Djibouti, nghe đâu còn phải 8 ngày nữa, chà chà! Nghĩ mà dài ghê! Mấy ngày đầu ở trên tàu còn thấy vui rồi sau chán quá! 

Ngày nào cũng ăn rồi lại nằm, nằm rồi lại ăn, bể lặng còn có thể đi bách bộ quanh tàu được, bể sóng thời đành nằm dí trên ghế, nói chuyện mãi rồi cũng đến hết chuyện, đọc sách thời nhiều khi váng đầu không đọc được, cứ thế luôn trong một tháng trời, phỏng có chán không? 


[1]Ghi chép việc thực. (Từ đây về sau các chú thích có dấu (*) đều là của Vương Trí Nhàn.)

[2]Một huyện trước thuộc Ninh Bình, nay thuộc Ý Yên – Nam Định.

[3]Nghĩa như đại biểu ngày nay.

[4]Tên đầy đủ: Maurice Long.

[5]Như cách nói đồng hương ngày nay.

[6]Vở kịch.

[7]Từ trước đến nay.

[8]Xứ lạ.

[9]Xa xôi, quanh quẽ.

[10]Cửa biển mở mang cho ngoại quốc thông thương.

[11]Đuổi.

[12]Tên Pháp là Pigneau de Béhaine.

[13]Chỉ Gia Long.

[14]Chớ quên nước cũ.

[15]Chữ chồn ở đây, có lẽ là trong chữ bồn chồn lấy ra. Nay không dùng riêng.


Trích “Pháp du hành trình nhật ký” của học giả Phạm Quỳnh –