BÙI VĂN DONG

Nguyên GV Trường ĐH Quốc gia 

 

 

PHẠM NGỌC THÁI VỚI TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG THA THIẾT

 

 

Vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Phạm Ngọc Thái được Bộ ngoại thương biệt phá ra nước ngoài công tác, quản lý những người đi xuất khẩu lao động, đồng thời kết hợp làm kinh tế gia đình. Những năm tháng xa nước ấy, anh đã viết nhiều thơ về quê hương:

Có một khoảng trời để thương, để nhớ

Là khoảng trời ở đó có em

Những bóng cây in trên đường phố thân quen

Đêm đêm chiếc lá nhớ lại bay về, xào xạc…

(có một khoảng trời)

“Có một khoảng trời” cũng là nhan đề của tập thơ đầu tay, mà anh đã cho xuất bản sau thời gian đó. Thơ chan chứa những kỉ niệm yêu thương. Tiếng hát từ trong tâm khảm, trái tim nhà thơ bay lên! Nó mang hơi thở nơi dân dã, tình cảm đầm ấm chốn đời thường. Những sự việc, hình ảnh, ta thường gặp trong các mái nhà nơi phố nghèo; trên một bến ga thân quen hay bên bờ hồ trăng thanh, gió thổi. Đôi khi tiếng hát ấy vẳng lên cô quạnh, lẻ loi, lầm lụi hoà vào trong cát bụi cuộc đời.

Như bài “Khúc hát người tha phương”:

Đi về đâu cuối chiều
Khi xung quanh vắng lặng
Con thú nào lạc bạn
Hoảng hốt giữa đồi nương

Suối róc rách bìa rừng
Cứ kêu hoài chân vực
Một thành phố quê hương
Hiện lên trong đáy mắt.

Ôi, cuộc đời nghèo xác
Nằm chết giữa tình thương
Có người vợ hiền lành
Với con tôi ở đó…

Chiều nay trong nắng đỏ
Bước lang thang mình tôi
Khúc buồn như chim bay
Hỡi người tha phương ơi?

Đi về đâu cuối chiều
Đời xa nước cô liêu!

Nước Đức

4/9/1988

Thơ của Thái về nơi chôn rau cắt rốn ấy, bộc lộ những tình cảm rất máu thịt. Trong chủ đề về “Tình yêu quê hương” này, tôi xin phân tích đôi ba bài để thấy rõ điều đó.

 

1/.         TRỞ VỀ
Đôi cánh chim trời quạt gió mây
Ta về non nước nước non đây
Nghe thu xào xạc rung mùa lá
Đông cũng hương đông lạ chưa này?

Ở chốn quê nhà bụi cát bay
Hoà bình mà tan mộng trăng say
Ta về bầu bạn cùng mưa nắng
Lưu lạc người ơi! Gió cuốn thôi…

Ta về trọn cuộc đất cố hương
Với mộng ngàn thu gửi nhân gian
Đông Âu bão giật xiêu Thành Mác
Bốn bể chân trời lạc khói sương.

Bài thơ được tác giả sáng tác ở nước ngoài vào cuối năm 1990, khi Đông Đức mất vào tay Tây Đức, kéo theo một loạt nước XHCN Đông Âu bị sụp đổ. Sau những năm ra ngoại quốc, lúc này anh đang chuẩn bị rời khỏi Đức trở lại quê nhà. Tuy hoàn cảnh thời thế bắt buộc phải trở về cố hương trước thời hạn, nhưng lòng anh lại vui mừng khôn xiết. Ta hãy nghe nhà thơ thổ lộ:

Đôi cánh chim trời quạt gió mây

Ta về non nước, nước non đây

Lấy hình ảnh cánh chim quạt vào trong mây gió, để nói lên nỗi lòng xốn xang:

Nghe thu xào xạc rung mùa lá

Đông cũng hương đông, lạ chưa này?

Lá mùa thu thì xào xạc vì vui, còn mùa đông lạnh lẽo khô khốc… thế mà người lại cảm thấy ngào ngạt hương hoa trái? Quê huơng, xứ sở đã chắp cánh để hồn thơ bay! Thời kỳ đó để mưu cầu cuộc sống, có biết bao người tìm cách ở lại, hoặc chạy sang Tây Đức. Mặc dù anh biết ở quê hương vẫn đang trong cảnh nghèo túng, khó khăn, như đã mô tả:

Ở chốn quê nhà bụi cát bay

Hòa bình mà tan mộng trăng say

“…tan mộng trăng say”: câu thơ nói lên sự tan vỡ trong lòng tác giả, sau một cuộc chiến tranh trở về. Những hy vọng, ước mơ về cuộc sống cũng thành mây khói… vậy mà giờ đây khi nghe tin trở lại quê nhà, thái độ của anh vẫn rất dứt khoát:

Ta về bầu bạn cùng mưa nắng

Lưu lạc người ơi! Gió cuốn thôi…

Hay là:

Ta về trọn cuộc đất cố hương

Với mộng ngàn thu gửi nhân gian

Mộng và hồn của tác giả bài thơ “Trở về” này, quả thật là gắn bó máu thịt với quê hương. Nhưng điều ta cần quan tâm chính còn ở hai câu thơ kết:

Đông Âu bão giật xiêu Thành Mác

Bốn bể chân trời lạc khói sương

Chủ nghĩa Mác đã trở nên hoang tưởng, hàng loạt các nươc XHCN Đông Âu bị sụp đổ – Thế giới chìm vào trong màn sương khói, tương lai nhân loại không biết sẽ ra sao? Chỉ từ một bài thơ 12 câu có ý tự bạch, đã vượt lên bao quát cả tính nhân tình thế sự! Lời thơ vẫn bay, tình thơ tha thiết, tứ thơ thật khúc triết và sâu sắc.

 

2/.  “TIẾNG HÁT ĐỜI THƯỜNG” – cũng được tác giả sáng tác ở nước Đức vào năm 1989. Bài thơ viết về người vợ hiền với đứa con thơ ở nơi quê nhà đang mong mỏi đợi chồng:

Trong một phố nghèo có người vợ trẻ

Vẫn đón con đi, về… như thường lệ

Vóc em thanh cũng thể mùa xuân

Đôi mắt em, đôi mắt ấy màu đen.

Đôi mắt màu đen là đôi mắt người phụ nữ Á Đông, mà người ta thường gọi là đôi mắt đen huyền. Nhưng ở đây, đôi mắt đen mà tác giả gợi lại của người vợ trẻ trở nên yêu dấu và tha thiết biết bao: Đôi mắt em, đôi mắt ấy màu đen /- Đó là đôi mắt của quê hương, ngày đêm vẫn ngước nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm chờ anh. Lời thơ tha thiết, khó có bút nào tả hết.

Nếu Xuân Diệu viết:

Mắt em thăm thẳm như màu gió

Thơ cũng vàng trong như nắng hanh

Đó là đôi mắt hẹn hò của tình yêu trai gái. Còn trong bài thơ này, đôi mắt lại chứa đựng một nỗi niềm của người vợ gần gũi bên chồng: buồn vui và sướng khổ trong cuộc sống. Ngày ngày nàng vẫn đón con đi, về… nơi quê nhà. Thơ tả bình dị nhưng vẫn đọng.

Đó chính là cái phố nghèo mà nhà thơ đã từ biệt để ra đi đất khách, quê người. Quê hương, còn ở đâu thân thiết hơn thế nữa! Nàng là tình yêu trái tim của cuộc đời anh. Hình ảnh thành phố thân thuộc được tác giả gợi ra:

Ôi quê hương!

Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội

Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi

Chưa tối đã khêu đèn, bê mẹt thuốc rao đêm

Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội.

Đứa cháu gái bé bỏng ấy cứ tối tối phải bê mẹt thuốc rao bán kiếm sống, đến nỗi không còn đoán ra được tuổi đời của nó? Con phố nhỏ thân quen thì mỗi cơn mưa xuống lại ngập úng, lầy lội – Ở đó, vợ con anh: Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội /- Tất cả cứ thế, cứ thế chảy trào trong cảm xúc của nhà thơ. Lời thơ không cầu kỳ mà vẫn tạo dựng những hình ảnh quê hương thân thiết. Ngay ngôi nhà vợ con anh đang sống, cũng được miêu tả bằng những hình ảnh gần gũi mà đầy ý nghĩa:

Ngôi nhà nhỏ bên đền

Gốc đa, quán báo

Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon (1)

Đêm hồ ước trăng soi

Chiều lá me, lá sấu

Cung thành xưa dấu đại bác còn. (2)

–  Chú thích (1) ý rằng: Ngôi nhà nhỏ ngày đêm soi mình lên bóng nước, với câu chuyện xa xưa: Nàng Thị Lộ đi bán chiếu gon ở Hồ Tây đã gặp ông Nguyễn Trãi, cùng câu chuyện đối đáp giữa hai người đã trở thành truyền thuyết lưu tụng đến ngày nay.

Nguyễn Trãi ướm hỏi Thị Lộ rằng:

Ai ở Tây Hồ bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu hết hay còn

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi

Đã có chồng chưa được mấy con?

Nàng Thi Lộ đáp lại:

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon

Cớ chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân xanh chừng độ trằng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, hỏi chi con.

–  Chú thích (2): Là hình ảnh Thành Thăng Long Cửa Bắc, còn in dấu đạn đại bác khi quân Pháp đổ bộ vào đánh chiếm cố đô. Thăng Long thất thủ, quan tổng đốc Hoàng Diệu đã phải thắt cổ để tuẫn tiết.

Bài thơ thật sâu sắc, ý tình chan chứa vô cùng. Chính cái thành phố quê hương ấy và  những người thân, từng một thời đã theo anh ra mặt trận của cuộc chiến tranh xưa:

Miền đã theo tôi vào cuộc Trường Sơn

Hành quân rừng già võng treo sườn gió

Giờ lại theo anh trong cuộc sống tha phương nơi đất khách, quê người:

Ai biết chiều nay người vợ trẻ

Đứng mong chồng bên đứa con thơ

Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu!

Nó heo hút tựa con chim sẻ hót trên cánh đồng mênh mang nước, lại thân thương trong tiếng của người hát rong trên sân ga. Ta cảm thấy như nhà thơ đã khóc! Nước mắt anh chảy tràn trong bể tình nhân thế này. Giọt lệ ấy đẫm tình người mà xanh sắc mùa thu quê hương. Bài thơ muốn nhắn nhủ cùng những ai khi rời xa tổ quốc, luôn hướng về nơi chôn rau cắt rốn của mình:

Tuyết bạc quê người… xứ sở mưa cau…

Đi đâu, đến đâu: Nhớ về phố ấy!

“Tiếng hát đời thường” là một bài thơ quê hương hay!

 

3/. Bài “NGƯỜI CON GÁI SÔNG XƯA” – Nhớ về những tháng năm, khi đất nước vẫn còn trong chiến tranh đánh Mỹ. Có một chiều trên đường ra mặt trận, nhà thơ đã cùng đơn vị dừng chân nghỉ lại ở một thôn xóm nhỏ. Khi ấy, làng quê Việt Nam rất yêu thương với những người chiến binh ra đi, vào nơi chiến trường đánh Mỹ. Lúc đó, Phạm Ngọc Thái là một anh lính trẻ, chàng trai tuổi mười chín, đôi mươi, với một trái tim đang khát vọng và cháy bỏng tình yêu.

Chính trong tối đó, anh gặp một thiếu nữ làng. Làng em ở bên con Sông Hồng, cuồn cuộn phù sa… màu son sắt, thủy chung:

Sông Hồng chảy muôn năm vẫn đỏ

Bãi ngô non xanh gió chân mây

Người con gái anh gặp thời chinh chiến

Cái buổi qua làng lâu bấy đến nay.

Tuổi trẻ hồn xuân phơi phới. Cô thiếu nữ làng lại xinh xắn, dễ thương. Thế là, chỉ giây lát của tình quân dân thắm thiết, anh và nàng đã đã dan díu với nhau. Hẳn người con gái ấy phải để lại trong anh nhiều nỗi cảm thương – Bởi vậy, dù  mấy mươi năm qua, khi mái tóc trên đầu đã ngả bóng, nhà thơ vẫn bồi hồi nghĩ về những kỉ niệm xa xưa. Bài thơ được ra đời như thế! Lòng anh giữa trời sao mênh mông nỗi nhớ:

Lá tre rụng bao mùa, trôi dĩ vãng

Và quê em, đời sống có nâng cao?

Người năm ấy, em ơi! Giờ tóc trắng

Đang bồi hồi thao thiết giữa trăng sao.

Tác giả kể lại: Tối đó, người con gái ngồi bên anh trong ánh bếp lửa hồng. Tháng năm, bóng em vẫn còn soi mãi vào cuộc đời anh với tình quê đằm thắm:

Làng em luỹ tre xanh bất tử!

Mới gặp một đêm mà đã thấy thương thương

Bóng nhìn anh, mắt theo giờ còn biếc

Như phù sa cứ bồi mãi khôn cùng…

Phạm Ngọc Thái là một con người của quê hương bình dị, thân thương. Khi cuộc đời nhà thơ sau này đầy những đắng đót, xa xót… thì những kỷ niệm ngọt ngào xưa lại càng da diết trái tim anh. Lời thơ viết về hồi ức mà thật rung cảm, tưởng như có cả lệ chảy ở bên trong. Tình em quyện với tình quê hương máu thịt, tha thiết mà vô biên. Tất cả theo thời gian, như bóng câu bay qua để không bao giờ còn quay lại – nhưng vẫn còn đây, tấm tình thuỷ chung, in dấu trong thơ của thi nhân:

Người con gái sông xưa, ơi có biết!

Một thời trai bão táp cuộc hành quân…

Đêm thành phố nhớ em buồn da diết

Em bây giờ, có hạnh phúc không em?

Bài  thơ đầy ắp tính nhân văn.

                                                                     

 

Exit mobile version