Hàn Mặc Tử là một gương mặt lớn trong thi ca Việt Nam. Tuy nhiên, có một thời, tên tuổi của ông cùng với phong trào Thơ Mới bị quên lãng. Thời bao cấp, ở miền Bắc, rất ít ai biết đến Hàn. Trước 1975, ở miền Nam, không ai lạ gì Hàn, nhưng sau đó, tên tuổi của Hàn cũng biến mất trên sách báo một thời gian.
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử (22.9.1912 – 22.9.2012)
Thế hệ của chúng tôi là cái bản lề trong vấn đề tiếp nhận văn học lãng mạn. Tôi học lớp 12 năm học 1989 – 1990. Học kì I, học sách giáo khoa cũ, nghe người ta chửi Thơ Mới không còn manh giáp gì. Nào là bạc nhược, suy đồi, lai căng, là tiếng nói của giai cấp tiểu tư sản bấp bênh dao động… Nhìn chung, Thơ Mới bị đạp xuống chín tầng địa ngục. Ăn tết xong, chúng tôi vào học kì II và được học sách Phụ lục Văn 12, trong đó, có bài Đây thôn Vĩ Dạ. Ấn tượng đầu tiên của tôi là bài này rất trong sáng, chẳng có gì xấu xa cả. Nó không nói chuyện chém giết nhau, chửi bới nhau mà chỉ nói một tình yêu trong sáng, thầm kín. Và từ đấy trở đi, tôi thấy người ta nâng Thơ Mới lên tận chín tầng mây. Có điều nghịch lí là, có những người đang say sưa chửi bới Thơ Mới không tiếc lời thì bỗng nhiên đột ngột quay ra tâng bốc Thơ Mới hết lời. Thật không thể hiểu nổi cơ chế tư duy của tầng lớp Người – Vẹt ở Việt Nam !
Tôi học đại học trong cái thời người ta tán tụng Thơ Mới lên tuyệt đỉnh thi sơn. Mỗi sinh viên khoa Văn chúng tôi đều có một cuốn sổ ghi đầy những bài Thơ Mới. Hồi đó, tôi thuộc lòng Thơ Mới rất nhiều và rất hâm mộ Hàn Mặc Tử. Trường ĐHSP Qui Nhơn lại nằm gần mộ Hàn nên buổi chiều, chúng tôi thường đi dạo lên đó. Phải nói, chúng tôi rất gần gũi Hàn và nhiều người muốn tập tành sáng tác thơ theo trường phái của Hàn, muốn được nổi tiếng như Hàn. Có năm, khoa Ngữ văn trường ĐHSP Qui Nhơn tổ chức cuộc Hội thảo về các tác phẩm mới được đưa vào sách giáo khoa. Dự kiến cuộc Hội thảo sẽ kéo dài một ngày và bàn tới nhiều tác phẩm. Nhưng trong buổi sáng, người ta dành quá nhiều thời gian cãi nhau về câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Có một đại biểu quan trọng bực mình bỏ về giữa Hội thảo. Chủ trì là thầy Nguyễn Văn Giai phải dùng tài thuyết khách để dàn xếp nhưng Hội thảo vẫn tan rã. Buổi chiều hôm ấy, không ai đến dự nữa.
Sau này, đi làm giáo viên, tôi vẫn dạy đi dạy lại rất nhiều lần bài Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ tạo cho tôi một niềm hứng khởi kì lạ, hơn hẳn các tác phẩm khác. Tôi biết mình có cái may mắn được giảng bài thơ này trước đông người. Trong khi đó, có rất nhiều người yêu bài thơ, muốn giãi bày cảm nhận của mình về bài thơ nhưng không biết nói với ai. Nhiều anh bạn tôi làm bên ngành thuế vụ thường ra quán nhậu để bình thơ Hàn. Có một ông chủ quán tạp hóa rất mê bài Đây thôn Vĩ Dạ, mỗi lần tôi vào quán mua đồ, ông ta giữ lại rất lâu để “buộc” tôi nghe những lời bình thơ của ông. Rồi, với trình độ Tú tài toàn phần, ông tự dịch bài thơ sang tiếng Anh. Lại có một bác sĩ cung cấp cho tôi thông tin: “mặt chữ điền” là chỉ các bức bình phong ở Huế (anh ta học ĐH Y khoa Huế nên biết rõ điều này). Có vô số người chưa từng học Đây thôn Vĩ Dạ lần nào nhưng vẫn thường say sưa cất tiếng hát “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa…”. Ngoài ra, khán giả cả nước còn biết đến Hàn qua phim ảnh, cải lương, tranh lửa, sách báo và những công trình nghiên cứu phê bình viết về Hàn… Có rất nhiều thứ liên quan tới Hàn Mặc Tử. Rõ ràng, Hàn có một sức sống tự thân trong lòng dân tộc.
Một nhà thơ cùng trường Thơ loạn Bình Định là Chế Lan Viên đã từng hùng hồn phát biểu: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử”. Nghe câu này, có người gật đầu, có người bĩu môi. Nhưng ta thử làm một cuộc điều tra nhỏ xem sao: khi nào có dịp đến chót mũi Cà Mau gặp một bác đạp xích lô trên vỉa hè, ta nêu tên một vài nhà thơ nổi tiếng Việt Nam, có thể bác sẽ lắc đầu không biết. Nhưng khi nhắc đến Hàn Mặc Tử, bác gật đầu ngay: “Tui biết ông nhà thơ ấy bị bệnh hủi nhưng vẫn có nhiều cô yêu”. Thì đó cũng là một cách tồn tại của Hàn Mặc Tử.
Nguồn: nhavantphcm.com.vn