Thế là xong một kiếp hoàng thượng – kịch sỹ trứ danh. Cô Thắm – bây giờ lại trở thành bà Thắm – đau buồn bỏ xứ tha phương. Các thi sỹ làng Kênh vẫn tiếp tục những dòng thơ tình bất tuyệt, vẫn ngợi ca hình bóng giai nhân và ngày càng tìm ra những âm hưởng mới của triết lý… thất tình. Dân làng Kênh không dám ghi thành văn tự, nhưng đời này sang đời khác vẫn truyền miệng kể cho nhau nghe câu chuyện hi hữu đó, xem như một chút kiêu hãnh ngầm là nơi từng dính dáng đến cái sự đẻ ra hoàng đế một thời. Rốt cuộc sân khấu lại trở về vị trí vốn có của nó.
Cô Thắm làng Kênh lúc còn nhỏ bụng ỏng đít beo, người ngợm đen đúa, khẳng khiu như một con cá mắm, lại còn thò lò mũi xanh. Thế mà càng lớn càng phổng phao, xinh đẹp đến không ngờ. Năm cô vừa tròn mười tám tuổi thì đã là một thiếu nữ đẹp vào loại chim sa cá lặn. Trai làng nhiều anh mê mẩn đến quên cả đường cày. Bằng chứng là chỉ nghĩ đến cô thôi mà lắm anh cứ băng băng cày lấn sang ruộng nhà khác. Thế nhưng mê là mê trong bụng vậy thôi. Chứ chả anh nào dám mơ được hưởng hạnh phúc với cái sắc đẹp dường ấy. Các chàng đều tự biết điều rằng cô Thắm sinh ra không phải cho mình. Bởi vì ngoài sắc đẹp mê hồn, cô còn được trời phú cho giọng hát hay cứ như thể đã nhuần nhuyễn từ trong bụng mẹ. Tin đồn về cô chẳng mấy chốc bay xa, bay tới các làng lân cận, loang đến tận kinh thành.
Và cái gì phải đến rồi sẽ đến.
Một hôm, có gã công tử ăn mặc chải chuốt, sang trọng tìm đến nhà cô. Dân làng thì không biết gã là ai chứ tôi – người viết lại câu chuyện này thì chẳng lạ gì. Đại khái gã cũng cùng nghề nghiệp với cái gọi là Mã Giám Sinh bên Tàu. Nghĩa là nghề cung ứng gái đẹp cho các thú vui chơi nơi đô thị. Mặc các nhà đạo đức muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, chứ như bấy giờ, chỉ cần mặc bộ cánh bóng bẩy với túi tiền rủng rỉnh, là những gã trai lơ kiểu này tha hồ mà vơ vét các nàng tiên, những bông hoa dại được coi là hương đồng gió nội trót thác sinh từ những vùng quê lam lũ. Dân làng xuýt xoa bàn tán, lác đác có kẻ nghi ngờ, còn đa số thì mừng thay cho cô Thắm và bố mẹ cô ta. Các trai làng đau xót đến bỏ cơm, bỏ việc mà tự biết chẳng làm gì được, hàng tháng trời hồn vía cứ lạc tận đâu đâu. Nhiều anh trong số đó dần dà bỏ hẳn đồng ruộng, đâm ra làm thơ. Mà chỉ rặt một hạng thơ tình, đúng hơn là thất tình, nghe mà nẫu cả ruột gan. Thế mà có nhiều tập đạt vào loại tuyệt hay lưu hành ở đời. Đến nỗi có nhà nghiên cứu sau này cứ khăng khăng, rằng khái niệm “thất tình” chỉ bắt đầu xuất hiện từ các thi sĩ làng Kênh, rằng trước khi cô Thắm ra đi, trai làng Kênh cũng như dân cả nước chưa biết thế nào gọi là… “thất tình”…
Người viết câu chuyện này không có ý định theo chân cô Thắm ra kinh thành để kể lể về cuộc đời sau đấy của cô. Đại khái cũng chia ra làm hai giai đoạn: Giai đoạn cô qua tay nhiều người và giai đoạn nhiều người qua tay cô. Nhưng có một điều không ai ngờ tới là Trời cho cô ra kinh thành với một sứ mệnh đặc biệt. Sứ mệnh đẻ ra… vua.
Khi ấy cô Thắm đã thành cô đào nổi danh tài sắc của một nhà hát sang trọng giữa kinh thành. Có một quý ngài nghe tin đồn đại về cô đã không quản tới thân phận của mình mà tiền hô hậu ủng tới bao trọn cả nhà hát để chiêm ngưỡng dung nhan. Quý ngài họ Hoàng vốn thuộc dòng hoàng tộc chính thống, có quyền thế nghiêng ngửa cả một vùng rộng lớn. Quả nhiên ngài ngây ngất đến độ điên đảo ngay khi vừa trông thấy giai nhân. Thế là chẳng phải mối lái linh tinh, ngài lập tức ra lệnh cho tuỳ tùng rước cô Thắm về phủ mà không cần điều tra lý lịch, hay tiền án tiền sự lằng nhằng nếu có của người đẹp. Một điều ngài không biết, mà có biết chắc cũng phớt luôn là cô Thắm khi ấy đã mang trong bụng một cái bào thai khoảng hai tháng tuổi – kết quả của một sự cố mang tính nghề nghiệp với một gã phong lưu họ Dương. Tất nhiên sự sủng ái của quý ngài hoàng thân dành cho cô thật là vô bờ bến. Đủ chín tháng mười ngày, thằng bé sinh ra ngay lập tức được mang họ của ngài – họ Hoàng, Hoàng tôn Dương. Cái tên thật là trêu ngươi, như thể nhắc nhở nó sau này không được quên người cha đích thực của mình. Cô Thắm nghiễm nhiên trở thành một bà lớn vinh hiển chẳng kém gì bậc mẫu nghi thiên hạ. Mặc dù sau đó chỉ vài năm, ngài hoàng thân quý hoá và phúc đức ấy vì tửu sắc quá độ mà đột ngột chầu trời. Nhưng gia sản và đất phong của ngài để lại cho mẹ con cô, không những thế, Hoàng tôn Dương lúc này còn được tập ấm tước của cha hờ – tước vương, thì sự vinh hiển lại càng tăng thêm phần rực rỡ.
Hoàng tôn Dương càng lớn càng lanh lợi, sáng sủa. Đến khi trở thành một chàng trai lừng lững, thì trong người đã mang đầy đủ cả chất phong lưu của cha đẻ lẫn chất quý phái, danh gia vọng tộc của cha hờ. Cô Thắm (nay phải gọi là Thái phi mới đúng) nhân nhàn rỗi việc đời, vả lại cũng nhớ nhung nghiệp cũ nên đứng ra mở hẳn một nhà hát lớn vào loại nhất nước thời ấy.
Nói về đương kim hoàng thượng lúc bấy giờ, Đức Ngài vốn là con thứ được lập lên sau khi người anh ruột vắn số ở ngôi không lâu. Lúc còn nhỏ chơi thuyền trên hồ, Đức Ngài chẳng may bị rơi xuống nước, khi vớt lên được từ cống đơm cá thì đã mười phần không còn lấy một phần sống sót. May gặp một gã thầy thuốc người Tàu, gã cam đoan sẽ cải tử hoàn sinh cho Đức Ngài, chỉ có điều sau này sẽ bị liệt dương. Mạng người (nhất lại là hoàng tử) là quý chứ cái khoản ấy dẫu có liệt cũng chẳng chết ai. Tất nhiên Đức Ngài được gã lang băm kia cứu sống. Về sau, khi đã lên ngôi hoàng đế, cái sự thiệt thòi kia quả không dễ chịu chút nào, nhất là trong cung lại có sẵn mấy trăm mỹ nữ, cung tần. Đức Ngài dẫu tế nhị không nói ra nhưng cả trăm quan lẫn thần dân thiên hạ, ai ai cũng hiểu nỗi bức xúc của Đức Ngài. Bấy giờ, gã lang băm ngày trước lại xuất hiện. Lạ sao gã toàn xuất hiện vào đúng những lúc gay cấn. Gã dâng lên Đức Ngài một bài thuốc chữa khỏi cái căn bệnh oái oăm ấy, mà người viết xin miễn kể ra ở đây vì nó không hợp với luân thường cho lắm. Về sau có nhà viết sử bình luận rằng chính gã đã cố tình tạo ra căn bệnh ấy ở Đức Ngài, nhân lúc cứu Đức Ngài thoát khỏi chết đuối, sau đó chờ cho đến khi Đức Ngài lên ngôi rồi lại đến xin chữa để lập công. Nếu thế thì thật là ghê gớm cho âm mưu của những gã lang băm. Quả nhiên sau này gã ỷ vào công lao đó mà lộng hành, tác oai tác quái đến mức ngang nhiên ngủ cả với cung nữ mà vẫn được Đức Ngài lờ đi.
Sau khi khỏi bệnh, Đức Ngài như con cá kình từ trong ao tù vọt ra giữa biển cả mà thỏa sức vùng vẫy. Bài thuốc thật là kì diệu. Cái “của quý” trước kia vốn mềm nhũn như con đỉa của Ngài, thì nay lại có khả năng giương lên hết cỡ, vĩ đại như cái cột cờ. Đức Ngài tha hồ dùng nó để “chiến đấu” với các giai nhân. Chỉ phải cái tội không thể có con. Vua mà không có con để truyền giữ ngôi báu thì thật không có nỗi đau nào lớn hơn. Có lẽ đó là nguyên nhân làm cho Đức Ngài từ đó suốt ngày đêm vùi mình vào những cuộc truy hoan tửu sắc, như để bù lại quãng đời thiệt thòi trước kia, như để trả thù cho cái sự tuyệt giống sau này… Việc nước đổ nát đã đành mà Đức Ngài cũng nhanh chóng tiến tới thân tàn ma dại. Trước lúc phải từ biệt cõi dương, chẳng hiểu do sự xắp xếp của mệnh Trời hay do Đức Ngài nửa khùng nửa điên, mà trong số anh em hoàng tử khối bậc anh tài, Đức Ngài không chọn ai. Người mà Đức Ngài chọn lên kế vị lại là gã con hờ của người anh cả, tức thị Hoàng tôn Dương.
Đến đây thì sứ mệnh của cô Thắm đã hoàn thành. Làng Kênh đã trở thành quê ngoại của đương kim hoàng thượng. Lịch sử thật là trớ trêu khi những gã con hoang nhiều khi lại rất có duyên với ngôi… hoàng đế. Vua và Thái hậu (cô Thắm bây giờ phải gọi là Thái hậu) xa giá về thăm làng Kênh. Khỏi phải nói sự tiền hô hậu ủng, xe ngựa rình rang. Dân chúng suốt dọc đường và dân làng Kênh được một phen choáng ngợp. Chỉ lạ cho các thi sĩ làng Kênh, giờ đã trở thành những ông lão, những cây đa, cây đề của nền thơ tình trứ danh ấy, lại chẳng hề tỏ ra vui mừng chút nào trước sự kiện giai nhân thuở trước trở về. Thì ra đối với họ, cô Thắm ngày xưa và Thái hậu bây giờ là hai con người hoàn toàn khác nhau…
Hoàng tôn Dương tuy làm vua nhưng cái chất nghệ sỹ say mê xướng ca không vì thế mà thuyên giảm. Bây giờ thì không ai có thể cản trở Hoàng thựợng thực hiện những ý thích của mình. Thế là đêm đêm, vị hoàng thượng ấy bí mật tới nhà hát của Thái hậu, cải trang đóng vai hoàng đế trong những tích tuồng, chèo cổ. Thiên hạ không biết, triều đình không hay. Chỉ biết rằng từ đó, nhà hát lộng lẫy của Thái hậu xuất hiện một kịch sỹ đại tài, chuyên đóng vai hoàng đế. Ban ngày Ngài làm vua ngoài đời, ban đêm làm vua trên sân khấu. Cái sự hi hữu vừa buồn cười, vừa thú vị ấy xem ra cũng chẳng sao nếu như không xảy ra sự cố gì đặc biệt. Nhưng có chuyện xảy ra. Tất cả do sự lẫn lộn của vị hoàng thượng – kịch sỹ trứ danh này. Lúc trên sân khấu, hoàng thượng tưởng mình đang ở giữa triều đình, lúc ở giữa triều đình lại cứ tưởng đang trên sàn diễn. Thế là lệnh chém đầu ban ra trên sân khấu, nhưng máu chảy, đầu rơi lại ở giữa cuộc đời. Chiếu chỉ, luật pháp… ban ra giữa triều đình, thì lại tưởng là đang… diễn kịch. Ban đầu trăm quan ngơ ngác, thần dân hoang mang. Không biết lúc nào hoàng thượng làm vua thật, lúc nào hoàng thượng diễn kịch đây… Có một vị vua như thế, dần dần ranh giới giữa cuộc đời và sân khấu trở nên lẫn lộn lung tung cả. Triều đình đang là đời thực, thoắt cái biến thành sân khấu. Sân khấu thoắt cái biến thành cuộc đời… Thiên hạ tít mù, vua diễn kịch, trăm quan học theo cũng a dua diễn kịch, đến lượt thần dân cũng thi nhau diễn nốt. Sân khấu tràn ra cuộc đời, cuộc đời là một đại sâu khấu. Những quan gian được dịp tung hoành, mặc sức “diễn” vai quan tuỳ theo cảm hứng. Trong triều đình, kẻ bất lương diễn kịch, ngoài đồng nội, dân chúng lầm than. Cái gọi là “công đường” tôn nghiêm cũng thực ra đã biến thành những sân khấu. Quan lớn xử quan bé, quan nọ xử quan kia… Chẳng có gì khó khăn mà không nhận ra rằng, lưu manh đã nhanh chóng trở thành một đặc quyền của đám quan lại (đến nỗi về sau, có nhà viết sử còn đặt hẳn một cái tên riêng cho thời đại này, gọi là thời đại “độc quyền lưu manh”). Thế là bầy ăn cướp xử bầy ăn cắp, kẻ lưu manh giành giật với lưu manh… Quan án, tội nhân, cả thày cãi cứ thi nhau diễn kịch. Có “vở” đạt đến trình độ cao của nghệ thuật bi, hài. Kẻ cướp được xử thành lương thiện, người vô tội bị tống vào tù…
Không lâu sau, cái hội chứng diễn kịch ngút trời ấy còn lan đến tận khoa cử. Muốn thành ông nghè, ông cử ư? Hãy diễn cho tốt vào. Người có chữ đôi khi phải diễn vai không có chữ, kẻ không có chữ lại diễn vai chữ nghĩa đầy mình. Thế là con cháu không thèm đi học nữa, cứ chờ đấy, lớn lên đóng vai gì tuỳ theo thời thế. Danh ông nghè, ông cử có thể mua bán giữa chợ đời. Các bậc túc nho hoảng hốt. Thế này thì nguy đến muôn đời chứ chẳng phải chuyện chơi. Răn bảo không ăn thua, la mắng, gào thét cũng chẳng kết quả gì. Đám hậu sinh cứ quay cuồng trong những vai diễn. Có vị uất quá lăn đùng ra, sùi bọt mép, chân tay bắt chuồn chuồn lên cơn hấp hối. Vậy mà con cháu cứ tưởng đang đóng kịch, không những đứng nhìn, lại còn chỉ trỏ cười nói tán thưởng: “ông cụ nhà ta đóng vai đột tử sao mà sinh động thế…”
Đến mức ấy thì Hoàng tôn Dương cũng chẳng cần phải bí mật tới sân khấu làm gì nữa. Vai đời và vai kịch đã đồng nhất làm một rồi, thì hoàng thượng không ngần ngại gì mà không lấy tên trên sân khấu để đổi lại tên cho mình. Hoàng thượng trở thành đích danh Dương tôn Hoàng. Bấy giờ các bậc tôn thất mới giật mình. Thế này thì nước trở thành của họ khác mất rồi. Phải làm sao cho hoàng thượng diễn vai cuối cùng thôi.
Cái vai cuối cùng do các bậc tôn thất dàn dựng ấy, sau này các nhà nghiên cứu gọi là: “tương kế tựu kế”. Đó là vai: nhường ngôi. Hoàng thượng nếm đủ các kiểu làm vua rồi, nhưng riêng cái màn nhường ngôi thì chưa bao giờ diễn cả. Thế là chẳng cần biết trong kịch bản có tiết mục này hay không, vị hoàng thượng – kịch sỹ ấy vui vẻ thực hiện. Cởi hoàng bào ra khoác lên vai kẻ khác, mặc quần áo thường dập đầu xưng là thảo dân họ Dương. Chà! Cái vai này mới quá. Ngay lập tức, kẻ vừa được khoác hoàng bào kia ra lệnh nhốt tên thảo dân mới này vào cũi. Hình như đoạn này không có trong kịch bản, họ Dương giật bắn mình, lờ mờ tỉnh ra. Song hình như đã muộn. Kẻ vừa khoác hoàng bào kia có vẻ không muốn diễn kịch tí nào.
– Khoan, ta còn vàng cất giữ trong cung.
Dương vẫy một viên cận thần. Nghe nói đến vàng, viên cận thần quỳ xuống, thò đầu vào cũi. Chỉ chờ có thế, Dương túm ngay cổ lão, xiết chặt.
– Vở kịch không có đoạn này.
Viên cận thần hoảng hốt gào lên, giọng khản đặc.
-Thì chính ta đang diễn nó đây.
Dương cũng gào lên đáp lại rồi nắm đầu lão, xoay mạnh một cái. Khục – khớp xương cổ lão quay đúng một nửa vòng, mặt lão quặt ra sau lưng, mắt trợn ngược, lưỡi thè ra, lão chết mà vẫn không hiểu Dương vừa diễn cái màn gì lạ vậy.
– Lôi nó ra ngoài, đập chết cho ta.
Vị vua mới ra lệnh. Quân lính kéo Dương ra khỏi cũi. Một nhát, hai nhát… Dương đau quá gào lên.
– Hạ màn đi thôi. Ta không muốn diễn nữa. Trả hoàng bào lại cho ta…
Tiếng “ta” chưa kịp dứt thì Bốp! Một chùy giáng trúng sọ. Dương giật cong người, bật ngửa ra, mồm há hốc, hồn lập tức về nơi chín suối mà chưa kịp chứng kiến vai diễn cuối cùng của mình đạt đến mức độ nào.
Thế là xong một kiếp hoàng thượng – kịch sỹ trứ danh. Cô Thắm – bây giờ lại trở thành bà Thắm – đau buồn bỏ xứ tha phương. Các thi sỹ làng Kênh vẫn tiếp tục những dòng thơ tình bất tuyệt, vẫn ngợi ca hình bóng giai nhân và ngày càng tìm ra những âm hưởng mới của triết lý… thất tình. Dân làng Kênh không dám ghi thành văn tự, nhưng đời này sang đời khác vẫn truyền miệng kể cho nhau nghe câu chuyện hi hữu đó, xem như một chút kiêu hãnh ngầm là nơi từng dính dáng đến cái sự đẻ ra hoàng đế một thời. Rốt cuộc sân khấu lại trở về vị trí vốn có của nó.
Hỡi các vị túc nho thuở trước, các vị hãy yên tâm mà an nghỉ nơi chín suối. Cuộc đời không phải là sân khấu nữa rồi. Tuy rằng hậu quả của cái thời đại tai hại ấy đôi khi vẫn còn rơi rớt, thậm chí có lúc còn lặp lại ở đâu đây…
Phạm Lưu Vũ