Là một nhà văn nổi tiếng với “Thời xa vắng”, “Mở rừng”, “Người cầm súng”, Lê Lựu còn là một cây bút thành công về đề tài người chiến sĩ Công an qua các tiểu thuyết “Ranh giới”, “Ở phía sau anh” và đặc biệt là “Sóng ở đáy sông” – cuốn sách đã được dựng thành phim (do chính ông viết kịch bản) và tạo thêm một tiếng vang cho Lê Lựu. Giờ đây, dẫu không còn khỏe mạnh như xưa, nhưng Lê Lựu vẫn rất minh mẫn khi nói về chuyện văn chương. Trong tâm trí ông, mảng đề tài về người chiến sĩ Công an vẫn là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo.

PV: Thưa nhà văn Lê Lựu! Là một cây bút thành danh, nhưng ông đã lựa chọn đề tài người chiến sĩ Công an, vốn được coi như một mảnh đất không dễ gieo trồng, không chỉ một lần và vẫn thành công?

Nhà văn Lê Lựu: Tôi viết về chiến sĩ Công an, nhưng là viết về nhân cách, tâm hồn của họ, chứ không phải viết về nghề nghiệp Công an. Trong xã hội, vai trò của người Công an rất quan trọng, là đấu tranh diệt trừ cái ác, giữ bình yên cho nhân dân. Vì thế, người Công an là nơi biểu hiện rõ nhất nhân cách con người, sự phân biệt giữa ta và địch.

Bên cạnh nhiệm vụ phải làm hàng ngày, người chiến sĩ Công an vẫn bộc lộ tình cảm, tình người của họ. Luôn phải đối mặt với cái ác, nhưng anh Công an vẫn luôn nhân văn, độ lượng với chính kẻ phạm tội.

Trong cuộc sống, họ cũng giàu tình cảm, yêu thương với con người. “Sóng ở đáy sông” đã thể hiện rất rõ: dù xã hội vô cùng phức tạp, nhưng người chiến sĩ Công an vẫn vững vàng, không chỉ giữ vững ANTTXH, mà còn cưu mang, cứu giúp những con người lầm lỡ.

“Sóng ở đáy sông” mang thông điệp rất rõ: nguồn gốc của tội lỗi là do cách dạy dỗ không chu đáo ở gia đình, nhưng anh Công an lại là người phải giải quyết hậu quả và vì thế, làm việc cứu người, nhưng anh Công an lại mang tiếng là trị người.

PV: Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về hoàn cảnh ra đời của “Sóng ở đáy sông” được không ạ?

Nhà văn Lê Lựu: Hồi đó, NXB Hải Phòng đặt tôi viết một tác phẩm về thành phố cảng. Sau 10 năm, tôi vẫn chưa viết được gì. Thế rồi, Giám đốc NXB lên đón tôi về Hải Phòng thực tế để tìm cảm hứng viết. Thú thực, lúc đó đầu óc tôi hoàn toàn rỗng không. Tôi nghĩ rằng, để viết được, phải có tài liệu, mà tài liệu chỉ có thể có ở trại giam, nơi tập trung nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt. Thế là tôi vào trại giam Trần Phú và sau đó, đến trại Xuân Nguyên nửa tháng.

Ở đây, tôi gặp một trường hợp thật đặc biệt: Các chiến sĩ Công an đã nuôi dạy một cháu nhỏ là con của người tù. Họ thay nhau tắm rửa, cho ăn uống, chăm sóc như con ruột. Chứng kiến những hình ảnh đầy tính nhân đạo đó của các chiến sĩ Công an, tôi thực sự xúc động. Vì nhiệm vụ, người chiến sĩ Công an phải trừng trị kẻ xấu, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân bằng việc truy lùng và bắt giam tên tội phạm là bố đứa bé, nhưng về tình người, vẫn cứu giúp con của anh ta.


Nhà văn Lê Lựu.

Ý tưởng của “Sóng ở đáy sông” bật ra ngay lúc đó. Chính tình cảm yêu mến, khâm phục đã khiến tôi hoàn thành tác phẩm rất nhanh, chỉ trong 2 tháng. Khi tác phẩm xây dựng thành phim, thông điệp trên vẫn được giữ nguyên với câu nói đầy tình người của anh Công an: “Tao thương mày, nhưng nhiệm vụ của tao là giữ gìn sự yên ổn của đất nước, nên tao phải bắt mày để không cho mày phá hoại sự yên ổn đó”.

PV: Với những trải nghiệm thực tế khi viết về đề tài người chiến sĩ Công an, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, đây là mảng đề tài khó viết?

Nhà văn Lê Lựu: Khó viết vì người ta chỉ nhìn bề ngoài của anh Công an, mà không hiểu thực chất đó cũng là con người với những tình cảm yêu, ghét sâu sắc. Chính lúc họ làm việc quyết liệt nhất, là lúc họ bảo vệ an ninh cho nhân dân. Trong cuộc sống, người Công an rất giàu tình cảm, vẫn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn kiên quyết trừng trị những hành vi vi phạm pháp luật. Sẽ khó viết nếu không dành thời gian đi sâu tìm hiểu và nhất là, sống thực với đời sống của người chiến sĩ Công an, để được truyền cảm hứng từ hiện thực cuộc sống đó.

Không thể chỉ nhìn công việc bề ngoài của người Công an để đánh giá. Chính một số người chỉ viết cái bề ngoài đó, mà càng khiến người ta không hiểu và e ngại lực lượng Công an. Cần phải viết về họ với tất cả hy sinh, đau đớn, mất mát mà vì công việc, họ phải gánh chịu. Không ít người vì nhiệm vụ, luôn phải xa gia đình mà người vợ yêu quý đã đi theo kẻ khác, hay con cái phải chịu cảnh sống khó khăn…

Chỉ có lăn lộn thực tế cùng với các anh Công an, mới hiểu và yêu quý họ, những người đứng mũi chịu sào trong gìn giữ an ninh. Bởi thế, trong các tác phẩm của tôi, hình tượng người chiến sĩ Công an bao giờ cũng đẹp, đẹp ở tâm hồn, tình cảm chứ không phải chỉ ở lời nói và cử chỉ bên ngoài.

PV: Ông cho rằng, để có tác phẩm hay về đề tài này, tình cảm hay bút pháp là điều quan trọng?

Nhà văn Lê Lựu: Theo tôi, tình cảm là điều quan trọng, vì khi có sự thấu hiểu và yêu thương, bút pháp sẽ bật ra!

PV: Các tác phẩm của ông đều được đánh giá là thật như cuộc sống. “Bí quyết” của ông là gì vậy?

Nhà văn Lê Lựu: Muốn có ý tưởng phải đi thực tế. Khi viết xong, lại phải đi kiểm nghiệm xem mình viết có đúng thực tế không. Nếu nhà văn chỉ ngắm nghía rồi viết bằng ấn tượng, hoặc viết bịa mà không viết bằng cuộc sống thật, thì không thể biết được những hy sinh thầm lặng và vô cùng to lớn mà người chiến sĩ Công an phải chịu, để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

PV: Ý kiến của ông về tính hấp dẫn của đề tài người chiến sĩ Công an trong bối cảnh hiện nay?

Nhà văn Lê Lựu: Đó vẫn là đề tài rất hấp dẫn, không phải bằng các vụ việc, mà bằng tính cách nhân vật. Hiện thực sôi động hôm nay khiến nhiều người bộc lộ hết tính cách nhiều mặt của con người trong những mối quan hệ gia đình, xã hội. Người chiến sĩ Công an cũng thế. Do vậy, nếu có điều kiện, tôi vẫn tiếp tục viết về đề tài này với tất cả tình cảm yêu thương, quý trọng.

PV: Cảm ơn nhà văn Lê Lựu!

Nguồn: CAND

Exit mobile version