Năm 1925, kiến trúc sư người Pháp là Hebrard de Villeneuve được chỉ định lập bản đồ thiết kế Trường Collège de Cochinchine tại Chợ Quán, Sài Gòn.
Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký năm 1930, ba năm sau khi thành lập – Ảnh: NADAL |
Ngôi trường ban đầu là một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat (hiện nay là Lê Quý Đôn) dành cho học sinh người Việt Nam, do ban giám đốc Trường Chasseloup Laubat quản lý.
Khi trường mới xây dựng xong, ngày 11-8-1928, Trường cao đẳng tiểu học Pháp mang tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký được thành lập cho năm học đầu tiên 1928-1929, với hơn 200 học sinh.
Trường cao đẳng tiểu học Pháp mang tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký lúc đang xây dựng – Ảnh tư liệu |
|
Trường Petrus Ký thuở sơ khai khá trống trải và cây chưa kịp trồng – Ảnh tư liệu |
Tháng 12-1929, sau khi khánh thành tượng đồng của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký ở công viên trước dinh Norodom (nay là dinh Thống Nhất, TP.HCM), trường chính thức mang tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn gọi tắt là Pétrus Ký và tên này được sử dụng trong gần 50 năm.
Bí ẩn vết thủng trên má trái tượng Petrus Ký
Ngày 6-12-1937, nhân lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà văn hóa, nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký, trường đã đặt tượng bán thân bằng đồng của ông Pétrus Trương Vĩnh Ký tại giữa sân trường.
Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Sylve Raffegeard (Pháp) thực hiện từ năm 1889, khi nhà bác học Trương Vĩnh Ký còn tại thế.
Hiện tượng này được trưng bày tại phòng truyền thống của Trường THPT Lê Hồng Phong.
|
Tượng nhà bác học Trương Vĩnh Ký trong phòng truyền thống Trường THPT Lê Hồng Phong – Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Tên nhà điêu khắc và năm thực hiện vẫn còn ghi rõ ở vai trái của tượng.
Bên má trái của tượng có một vết tròn lõm vào. Cô hiệu phó Trương Thị Lệ Hà của Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết đó là vết đạn có thể đã có từ trước 1975. Có ý kiến cho đó là vết đạn trong cuộc chiến giữa lực lượng Bình Xuyên và chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1955 khi lực lương Bình xuyên đóng ở Trường Pétrus Ký…
Ngôi trường hầu như nguyên vẹn với thời gian
Những năm trước 1945, Chợ Lớn và Sài Gòn còn là hai thành phố riêng biệt, khoảng giữa là vùng ngoại ô ít người. Khu Nancy, góc Nguyễn Văn Cừ – Trần Hưng Đạo ngày nay, khi ấy còn là đầm lau sậy.
Khu Nguyễn Trãi bán hoa còn là đồn lính Cây Mai. Một trong những bức ảnh xưa nhất chụp ngôi trường này là không ảnh chụp năm 1929, cho thấy ngôi trường khang trang nằm nổi bật trên một vùng đồng trống mênh mông rộng lớn, nằm ở giữa hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn.
Trường Trương Vĩnh Ký thưở ban đầu – Ảnh tư liệu |
Bốn con đường bao quanh khi ấy, nay là đường Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương, Trần Bình Trọng, Trần Phú. Phía sau trường và bên hông là sân vận động Lam Sơn, khu nội trú cho học sinh và khu nhà tập thể cho các giáo viên, có nhiều dãy nhà.
Hai góc của công trình là hai tháp nước.
Thập niên 1950, một số cơ sở và đất đai của Trường Pétrus Ký bị cắt xén, trưng dụng để dùng cho những cơ quan giáo dục khác như Trường Quốc gia Sư phạm, Trường trung tiểu học Trung Thu, Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục…
Ba dãy lầu lớn của Trường Pétrus Ký được dùng cho ĐH Khoa học và ĐH Sư phạm. Nhà tổng giám thị Pétrus Ký được dùng làm Trung tâm Thính thị Anh ngữ, một số các nhà chức vụ khác của trường cũng được dùng cho một số viên chức Bộ Giáo dục SG.
Tuy bị cắt xén nhiều nhưng Trường Pétrus Ký vẫn còn là một trường trung học lớn nhất dành riêng cho nam sinh ở miền Nam.
Năm 2015, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. |
Trường Pétrus Ký là một tổng hòa công kiến trúc đẹp, gói gọn trong khuôn viên xanh, rộng rãi lên tới 8ha. Với những hàng cây cổ thụ, tháp đồng hồ hay những dãy hành lang lát gạch ca rô ẩn nấp phía dưới những mái vòm cong độc đáo được xem là những điểm nhấn đặc biệt của ngôi trường.
Có thể nói đây là tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Tây tổng hòa với nền giao thoa văn hóa bản địa Á Đông, tạo ra lối kiến trúc Đông Dương, đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử Việt Nam.
Cụ thể, phía dưới là tường dày 1-1,2m, các vòm, các trụ, trang trí trên trụ, trên vòm… là theo kiến trúc Pháp. Hành lang được bao quanh bằng lan can có các “con tiện” theo kiểu Pháp. Thế nhưng kiến trúc phía trên là mái ngói lợp dốc theo kiểu Á Đông để thoát nước mưa tốt.
Sắt, gạch, ximăng… để xây dựng ngôi trường được đưa từ Pháp qua.
Tên trường xưa ghi rõ Pétrus Trương Vĩnh Ký – Ảnh tư liệu |
Mặt bằng Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký gồm ba dãy nhà dài. Khu A của trường gồm: cổng ngoài (giáp đường Nguyễn Văn Cừ ngày nay), cổng chính vào sân trường, trên có tháp chuông đồng hồ, ba dãy phòng học hình chữ U một trệt, một lầu với hành lang rộng, cửa vòm, cột vuông, tường gạch, mái ngói đỏ, đầu hồi trang trí hoa văn… nay vẫn còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn.
Bốn dãy này bao quanh thành kiểu hình vuông, bao sân lớn ở chính giữa có nhiều cây xanh tạo bóng mát cho sân trường.
Cổng Trường THPT Lê Hồng Phong hiện nay – Ảnh: Hồ Tường |
Dãy nhà mặt tiền của Trường THPT Lê Hồng Phong, tức Trường Pétrus Ký xưa – Ảnh: Hồ Tường |
Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu học tập, trường đã xây dựng thêm khu B, khu C và khu luyện tập thể thao. Các công trình mới xây dựng vẫn đảm bảo sự hài hòa với các công trình đã có.
Ngôi trường lớn của nhiều thế hệ thầy trò Sài Gòn
Muốn vào học Trường Pétrus Ký, học sinh ưu tú, xuất sắc của Sài Gòn và các tỉnh phía Nam phải qua kỳ thi tuyển rất gay go, từ khi mới thành lập cũng vậy mà sau này cũng vậy. Vì thuộc thành phần chọn lọc như vậy nên học sinh Pétrus Ký đậu rất nhiều và rất cao trong các kỳ thi.
Trở thành học sinh của Pétrus Ký đã là ước mơ của biết bao thế hệ học sinh ở Sài Gòn và miền Nam Việt Nam.
Về phương diện kỷ luật và trật tự thì có lẽ hiếm trường nào có kỷ luật và trật tự chặt chẽ, tốt đẹp bằng Trường Pétrus Ký. Sau khi vào cổng, học sinh đứng xếp hàng dưới những tàng cây sao cao ngất bên hông những dãy lớp học đồ sộ uy nghi, khi các lớp học sinh chỉnh tề theo hàng ngũ lần lượt đi vào sân trong và dừng lại ở trước cửa mỗi lớp một cách rất có trật tự và kỷ luật trong không khí trang trọng.
Phần đông giáo viên Pétrus Ký là thầy cô được chọn lọc, rất có căn bản chuyên môn và cũng rất đạo đức. Một số giáo viên Pétrus Ký đã đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục Sài Gòn sau khi dạy ở trường.
Từ những ngày đầu được thành lập, Pétrus Ký đã được xây dựng tiếp nối với nhiều thế hệ học sinh, thanh niên yêu nước, là cái nôi ươm mầm, đào tạo ra bao thế hệ tài năng, những nhà cách mạng đã hết mình phụng sự Tổ quốc… Trường là nơi khởi nguồn cho các phong trào yêu nước chống Pháp, chống Mỹ. Tiêu biểu như câu lạc bộ học sinh Trường Pétrus Ký, đây được xem là ngọn cờ đầu đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam.
|
Dãy phòng học và góc sân Trường THPT Lê Hồng Phong hiện nay hầu như nguyên vẹn dáng dấp ban đầu – Ảnh: HỒ TƯỜNG |
|
Hành lang trước phòng học của Trường Lê Hồng Phong, tức Trường Pétrus Ký xưa vẫn giũ nguyên hàng gạch bông bóng loáng qua thời gian – Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Sau khi tái chiếm Sài Gòn ngày 23-9-1945, người Pháp cho mở cửa lại các trường học, học sinh Pétrus Ký lúc bấy giờ dời về học tại Trường tiểu học Tân Định rồi tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, đến năm 1947 mới dời về học tại trường cũ và cũng từ năm học này hiệu trưởng của Trường Pétrus Ký là người Việt Nam.
Ngày 9-1-1950, các trường đồng loạt hẹn nhau đi biểu tình và cử phái đoàn đại điện trực tiếp yêu cầu giám đốc Nha học chánh và Thủ hiến giải quyết. Pháp đưa lính đến giải tán và đàn áp cuộc biểu tình, nổ súng vào đám đông học sinh làm bị thương nhiều người và giết chết anh Trần Văn Ơn – học sinh lớp Seconde của Trường Pétrus Ký.
Ngày 12-1-1950, gần cả triệu người ở Sài Gòn và nhiều tỉnh về dự đám tang người học trò Trần Văn Ơn.
Mãi đến mùa hè năm 1960, chương trình học bằng tiếng Pháp chấm dứt, Lycée Pétrus Ký trở thành Trường trung học đệ nhị cấp Pétrus Trương Vĩnh Ký và chương trình dạy tiếng Việt trong nhà trường mới bắt đầu, đúng như nguyện vọng của đông đảo thế hệ học sinh của nhà trường từng đấu tranh từ năm 1949.
Trường Pétrus Ký thành lập năm 1927 và tiếp nối truyền thống là Trường Lê Hồng Phong là nơi đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh và trong số đó đã có nhiều nhân vật nổi bật trong nhiều lĩnh vực: Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Trần Văn Ơn, Phạm Thiều, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Nghệ, Trần Đại Nghĩa, Tô Văn Tuấn (Bình Nguyên Lộc), Trần Bạch Đằng, Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Thái Bình, Lê Quang Vịnh, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Văn Tàu, Nguyễn Chơn Trung…
Từ năm học 1976 – 1977 trường mang tên Tổng bí thư Lê Hồng Phong và được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách là trung tâm chất lượng cao các tỉnh, thành phía Nam.
Câu đối trước cổng trường nhiều người vẫn nhớ
Vào năm 1950, thầy Ưng Thiều, giáo sư môn văn của trường, đã viết hai câu đối, được ông hiệu trưởng Phạm Văn Còn cho khắc trước cổng trường để nêu rõ quản điểm giáo dục cho học sinh của trường về đạo đức và trí dục như sau: (tạm dịch: Cương thường Khổng Mạnh nên khắc cốt – Khoa học Tây Âu cốt yếu làm sáng lòng).
|
Cổng trường Petrus Ký thập niên 1950 với câu đối nêu quan điểm giáo dục của trường lúc ấy: “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt (trái); Tây Âu khoa học yếu minh tâm (phải)” – Ảnh tư liệu
Theo Hồ Tường – Tuổi trẻ |