Cha đẻ tiểu thuyết ‘Nhà giả kim’ sẵn sàng đăng sáng tác của mình lên mạng Internet và khuyến khích mọi người tải về đọc. Tiểu thuyết gia cho rằng, cách này rất hữu hiệu để khuyến khích mọi người đến với sách in, cũng như kích thích văn hóa đọc.

Là một nhà văn lướt web sành điệu, Paulo Coelho bỏ thời gian tìm tòi một phần mềm mới trên trang The Pirate Bay (trang mạng chia sẻ tư liệu được biết đến nhiều nhất thế giới) và khám phá các chức năng của nó. Sau khi kết luận rằng chương trình này rất thú vị, ông đăng các tác phẩm của mình trên trang này cho mọi người cùng đọc. Nhà văn khẳng định, càng nhiều người đọc miễn phí sách ông trên mạng thì sách in của ông sẽ bán chạy hơn.


Kể từ khi phát hành, cuốn “Nhà giả kim” của ông đã bán được 300 triệu bản trên toàn thế giới. Đó là chưa kể đến 20% sách bị vi phạm bản quyền như in lậu, tải miễn phí trên mạng.

Theo Guardian, Coelho từ lâu đã khuyến khích độc giả tải sách của ông trên mạng về đọc. Tháng rồi, Coelho cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự luật Stop Online Piracy Act, một dự luật kêu gọi chống vi phạm bản quyền trực tuyến đang gây nhiều tranh cãi tại Mỹ. Nhà văn nổi tiếng cho rằng, nếu dự luật này được thông qua, nó sẽ “cực kỳ nguy hiểm, không chỉ cho người Mỹ và còn cho tất cả mọi người. Nó gây tác hại khôn lường đến toàn thế giới”.

Để chứng minh cho việc đọc sách “chùa” vẫn kích thích thị trường sách phát triển, Coelho nêu trường hợp cuốn Nhà giả kim của ông. Năm 1999, ấn bản tiếng Nga cuốn sách được đăng lên mạng internet, nhưng không gây ảnh hưởng gì đến việc các đầu sách in của tác phẩm này bán ra được một triệu bản tại Nga vào năm 2002. Tính đến nay, Nhà giả kim tiêu thụ được 12 triệu bản tại xứ sở bạch dương.

“Tôi rất chào đón các bạn tải miễn phí sách của tôi từ trên mạng. Nếu các bạn thấy thích nội dung, hãy mua một bản in!”, Paulo Coelho kêu gọi. Ông cho rằng, các nhà văn có ki bon cũng chẳng khiến việc bán sách của họ khá khẩm hơn.


Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường sách trực tuyến, các hành vi xâm phạm bản quyền sách trên mạng cũng gây đau đầu cho các NXB. Nhưng Paulo Coelho không tỏ ra lo ngại về điều này. Ông luôn giữ niềm tin vào sự hứng thú của việc đọc sách giấy. Lời kêu gọi của Coelho cho thấy, ông xem việc đọc sách trực tuyến chỉ là món “gia vị” của “bữa tiệc” văn hóa đọc.

Nhiều fan rất thích thú với lời kêu gọi của Paulo Coelho. Có fan chia sẻ, nếu đã đọc qua tác phẩm của Coelho trên mạng, có thể họ không mua sách của ông ngay tức thì, nhưng họ sẽ giúp giới thiệu cuốn sách đến mọi người. Có người cho biết, sau khi lên internet đọc thử sách của ông, họ quyết định đi mua sách in vì thấy thích.

Nhà văn kỳ cựu này giải thích cho hành động cởi mở của mình: “Thời của những ngày xưa tươi đẹp, khi mà mỗi ý tưởng đều có một chủ sở hữu riêng đã vĩnh viễn qua rồi. Đầu tiên, bởi vì bất kỳ ai trên đời này cũng đều lòng vòng quanh 4 chủ đề: Một câu chuyện tình yêu giữa hai người, một câu chuyện tình tay ba, cuộc đấu tranh để tranh giành quyền lực, và câu chuyện về một hành trình. Thứ hai, bởi vì tất cả các nhà văn đều muốn những gì họ viết ra sẽ có người đọc, dù là trên báo giấy, blog, tập tài liệu, hoặc trên một bức tường”.

“Chúng ta càng thích nghe một bài hát trên radio, chúng ta càng muốn mua một CD có bài nhạc đó. Với sách cũng vậy, nếu từ đầu, độc giả thích tác phẩm của bạn, bước kế tiếp họ sẽ đi tìm mua sách của bạn. Bởi không có gì chán bằng việc đọc một màn hình dài đầy chữ trên màn hình máy vi tính cả”, nhà văn phân tích.

Chi Mai

Nguồn: eVan.

Exit mobile version