Catherine cô bé đeo mắt kính là tác phẩm mang đầy đủ “chất” Patrick Modiano như hồi tưởng quá khứ, những điểm mờ không rõ ràng, nhân vật xuất hiện bất chợt rồi biến mất không dấu vết, những lát cắt của cảm xúc… nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên, trong trẻo, đáng yêu phù hợp với độc giả nhỏ tuổi.
Theo Họa sĩ Phan Ngọc Anh, Modiano là nhà văn có biệt tài nói về sự cô độc, cô đơn. Ở Catherine cô bé đeo mắt kính, chi tiết kho hàng liên vận, với những container được xếp cao và mỗi kiện hàng đều rất lớn, gợi cho độc giả cảm giác về sự nhỏ bé, cô độc của con người. Cô bé Catherine và cả người cha của cô đều bị cận thị, và họ thường xuyên bỏ mắt kính ra để nhìn mọi thứ xung quanh một cách mờ ảo, giống như thế giới riêng của hai người, ở đó mọi thứ hiện lên mềm mại, gần gũi và thân thiện hơn. Hay ở chi tiết hai cha con bước lên cái cân để tìm kiếm thế giới riêng, họa sĩ Sempé đã vẽ thêm ánh đèn vàng khiến cho chiếc cân trở thành sân khấu của nội tâm hai cha con. |
Từng đoạt giải thưởng Nobel Văn học vào năm 2014, nhà văn người Pháp Patrick Modiano được nhiều độc giả Việt Nam biết đến thông qua các tác phẩm đậm chất suy tư và hồi tưởng như Từ thăm thẳm lãng quên, Phố những cửa hiệu u tối, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối… Tuy nhiên, ông cũng có những tác phẩm viết cho thiếu nhi, nổi bật là Catherine cô bé đeo mắt kính với những nét vẽ minh họa của họa sĩ nổi tiếng Jean-Jacques Sempé vừa ra mắt độc giả Việt Nam.
Nghệ thuật của ký ức
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhận xét: Đọc tác phẩm của Modiano sẽ rất khó quên vì lối viết đặc biệt. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã viết khoảng 30 cuốn sách nhưng thực ra chỉ viết một cuốn chung về Paris, những ngõ phố và những phận người. Ủy ban Giải thưởng Nobel Văn học 2014 trong lời tuyên dương dành cho Patrick Modiano đã khẳng định, “nhờ nghệ thuật của ký ức, ông đã tái hiện những số phận khó nắm bắt nhất và khám phá thế giới – cuộc sống trong sự chiếm đóng”. Catherine cô bé đeo mắt kính là tác phẩm mang đầy đủ yếu tố, văn phong đậm chất Modiano như hồi tưởng quá khứ, những điểm mờ không rõ ràng, nhân vật xuất hiện bất chợt rồi biến mất không dấu vết, những lát cắt của cảm xúc… nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên, trong trẻo, đáng yêu phù hợp với độc giả nhỏ tuổi. Đọc tác phẩm này, độc giả có thể cảm nhận được những hoài niệm về thời thơ ấu của chính tác giả. Theo biên tập viên Lưu Hoài Trang, Patrick Modiano có một tuổi thơ không may mắn, cha ông là người Do Thái làm công việc bí mật với Đức quốc xã, còn mẹ là diễn viên kịch nói, không có nhiều thời gian ở bên cạnh con cái, cậu em trai Rudy vốn rất thân thiết với ông thì qua đời năm 10 tuổi. Mất mát quá lớn đó khiến cho chất hồi tưởng, nuối tiếc và ám ảnh gần như xuyên suốt trong các tác phẩm của Modiano. Với Catherine cô bé đeo mắt kính, có lẽ Modiano muốn hồi tưởng những kỷ niệm của bản thân, bởi người cha người mẹ trong cuốn sách này có những công việc khá tương đồng với cha mẹ của ông.
Bồi đắp thế giới nội tâm
Sáng tác của Modiano đều tập trung vào sự cô đơn của những thân phận người nhỏ bé trong xã hội. Tuy nhiên, sự cô đơn không mang ý nghĩa tiêu cực, khiến cho con người trở nên đáng thương hay tội nghiệp, mà đó là cái cô đơn đầy tính nhân văn, khiến con người có nội tâm sâu sắc và tốt đẹp hơn. Có thể thấy, ở Catherine cô bé đeo mắt kính, Modiano đã không nề hà mang đến những hình ảnh ẩn dụ đầy tính hình tượng vào trong một tác phẩm viết cho thiếu nhi, để giúp độc giả thấy rằng người cha đã cùng với cô bé đào sâu và tìm kiếm thế giới nội tâm như thế nào. Chính vì vậy, cô bé Catherine Certitude thật may mắn khi có thể cùng lúc sống trong hai thế giới khác nhau: Thế giới thực tế gồ ghề, sắc cạnh khi đeo kính và thế giới êm ả, dịu dàng khi không đeo kính, nơi cô bé thả sức khiêu vũ hệt như trong một giấc mơ. Những năm tháng vắng mẹ, cô bé cùng người cha “chẳng rõ làm nghề gì” đã trải qua một cuộc sống lặng lẽ nhưng tràn đầy yêu thương giữa một Paris luôn cổ kính, trầm lắng và thơ mộng.
Người cha của Catherine luôn mong muốn cô bé sẽ có cuộc sống giản dị, luôn cố gắng bồi đắp tâm hồn để có thể sống nội tâm hơn, nhân văn hơn. Hai con người nhỏ bé, cô đơn ấy nương tựa vào nhau, cùng nhau chơi đùa, và tạo nên những khoảnh khắc, hồi ức đầy hạnh phúc cho cô bé. Modiano đã đặt trọng tâm vào đối tượng thiếu nhi, viết bằng ngôn từ và “vai” của một đứa trẻ. Vì vậy, dù viết bằng văn phong đậm chất suy tư, hoài niệm như những tác phẩm dành cho người lớn, nhưng Catherine cô bé đeo mắt kính hoàn toàn là cuốn sách dành cho thiếu nhi, với những câu chuyện thường ngày vụn vặt mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể chạm vào và khám phá. Sự cô độc trống rỗng trong một tác phẩm dành cho thiếu nhi dường như gắn với hình ảnh niên thiếu của chính tác giả, ông đã sử dụng hình ảnh đứa trẻ để hồi tưởng về quá khứ và qua đó cũng giúp độc giả tìm lại chính bản thân. “Đây là một tác phẩm cần đọc chậm, các bậc cha mẹ có thể cùng đọc với con, khơi gợi sự đọc chậm cho trẻ. Đặc biệt, cuốn sách này sẽ giúp bồi đắp thế giới tâm hồn cho các em. Bất kỳ một đứa trẻ nào cũng cần phát triển nội tâm, các bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình phải chăm chỉ học hành, phải bản lĩnh, phải đạt thành tích tốt nhưng thực ra bản lĩnh của đứa trẻ phải xuất phát từ một nội tâm sâu sắc và mạnh mẽ” – họa sĩ Phan Ngọc Anh chia sẻ.
Theo Thanh Yến – Đại biểu nhân dân