“Để vui sống, hằng ngày tôi phải dùng một liều văn chương” – Orhan Pamuk, giải Nobel văn chương 2006, đã thú nhận một cách vui nhộn như vậy trong chương đầu tiên của cuốn sách Những màu khác (Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành, quý IV/2013) do dịch giả Lâm Vũ Thao chuyển ngữ.

1. Những màu khác của Orhan Pamuk là sự nối dài ngoạn mục, những “ngoại truyện” bổ sung cho các tiểu thuyết lừng danh của Orhan Pamuk: Tên tôi là Đỏ, Pháo đài trắng, Cuốn sách đen, Bảo tàng của sự ngây thơ… Đây là cuốn sách được làm từ các ý tưởng, hình ảnh và phân mảnh của cuộc đời chưa tìm thấy lối vào trong các tiểu thuyết của Orhan Pamuk. Ông đã đặt chúng ở đó trong một mạch tự sự, những khoảnh khắc kỳ cục của cuộc sống, những cảnh đời thường nho nhỏ mà Orhan Pamuk muốn chia sẻ với người khác.

Từ thời điểm bắt đầu dùng từ ngữ như dùng màu trong hội họa, nhà văn có thể bắt đầu thấy thế giới thật diệu kỳ và lắm vẻ ngạc nhiên đến thế nào. Và nhà văn, với thiên chức sáng tạo đã đào sâu vào ngôn ngữ để tìm ra giọng điệu riêng của mình. Để làm ra điều này nhà văn cần giấy bút, bàn phím và sự lạc quan của một đứa trẻ nhìn thế giới lần đầu tiên.

Trong một bài phỏng vấn Orhan Pamuk đã kể rằng: “Có bài tôi viết nhanh, có bài bị gạt qua một bên khi tôi dành sự chú ý cho việc khác. Tôi quay trở lại chúng, rất giống như khi quay lại những tấm ảnh cũ, và mặc dù hiếm khi đọc lại tiểu thuyết của mình, tôi vẫn thích thú khi đọc những bài viết này. Nó vượt lên được khỏi tính chất của thời cuộc, bởi những khoảnh khắc vụt hiện”.


2. Ấn bản Những màu khác được dựng lên từ bộ khung của cuốn sách xuất bản lần đầu ở Istanbul năm 1999, nhưng được làm kỹ hơn, bởi những ý nghĩ mang tính tự truyện. Lấy yếu tố tự truyện làm trung tâm, Orhan Pamuk đập vỡ chúng ra và sắp xếp lại theo một trật tự mới.

Điều khá thú vị là khi làm cuốn sách này Orhan Pamuk mới bàng hoàng nhận ra là ông có mối quan tâm đặc biệt và khuynh hướng thiên về các thảm họa tự nhiên, chính vì vậy ông đã gạt ra ngoài hầu hết các thảm họa u ám xã hội. Một cuốn sách được hình thành từ các phân mảnh, gợi ra một trung tâm qua lăng kính của Orhan Pamuk khi ông nhìn thế giới bằng từ ngữ.

Thế nhưng, chính tác giả đã từng nhận giải Nobel văn chương cùng vô số giải thưởng danh giá tại nhiều quốc gia trên khắc thế giới lại tự trào: “Ông nhà văn này có gì mà quá vĩ đại. Ông ấy chỉ hoàn thành có vài cuốn sách, và nếu ông nổi tiếng, ấy không phải nhờ những tác phẩm ông đã hoàn thành mà là nhờ những tác phẩm ông chưa bao giờ hoàn thành nổi”. Đừng lo ngại bởi điều đó, chắc chắn rằng độc giả sẽ thích thú với việc tưởng tượng hoặc chạm vào Những màu khác với đầy vẻ rực rỡ lẫn u tối hay nhẹ nhõm hoặc điên cuồng trước sáng tạo của Orhan Pamuk từ những khoảnh khắc vụt hiện của cuộc sống bất tận.

Đoàn Diệp Anh
Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version