Trong dịp kỷ niệm 250 năm sinh (1865-2015), đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO tôn vinh Danh nhân văn hóa nhân loại – bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nước ta kết hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng Hội Kiều học và Sở Văn hóa Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể đại lễ kỷ niệm. Thêm nữa đã có hàng chục cuộc Hội thảo khoa học từ Trung ương đến địa phương trao đổi về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ. Hàng loạt bài nghiên cứu và bài báo xuất hiện song song với nhiều bài hát và nhiều hoạt cảnh về Truyện Kiều đã được trình bày, tạo nên ấn tượng sâu sắc trong đông đảo nhân dân nhằm tỏ niềm tưởng nhớ và biết ơn công lao của đại thi hào họ Nguyễn, Tiên Điền.

Mặt khác, như bao người đã biết, theo năm tháng nhiều bản dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài lần lượt xuất hiện và được giới thiệu rộng rãi cùng bạn đọc bốn phương, mà mới mẻ nhất là hai bản dịch ra tiếng Nga vào năm 2015. Theo dòng lịch đại, trước hết phải kể đến hàng chục bản dịch ra tiếng Pháp từ dịch giả Pháp Crayssac đến Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Nhuận, Nguyễn Khắc Viện, v.v… Tiếp đến hàng loạt bản dịch khác ra đời qua tiếng Hoa, Đức, Sec, Anh, Nhật, Thái, Hàn, v.v…


Cuối tháng 11-2015, tại trụ sở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Viêt Nam, Hội Việt-Nga  cùng  Hội Kiều học đã tổ chức giới thiệu bản dịch Truyện Kiều qua tiếng Nga lần đầu tiên do nhà thơ Vaxili Popov chuyển dịch thành thơ dựa theo bản dịch văn xuôi của nhà Nga học Vũ Thế Khôi. Tiếp đến ngày 25-2-2016, Trung tâm văn hóa Việt Nga tại Hà Nội đã mở hội thảo giới thiệu bản dịch Truyện Kiềura Thơ văn xuôi Nga của Nhà giáo Ưu tú – dịch giả Vũ Thế Khôi.

Thật đáng trân trọng niềm say mê lao động miệt mài bền bỉ hàng mấy năm trời của hai dịch giả, góp phần mở rộng việc giao lưu văn hóa giữa hai nước Nga và Việt Nam ngày càng thêm chặt chẽ. Chiếc cầu nối văn hóa Nga-Việt từ bao năm vốn đã đậm đà, ngày nay càng có điều kiện sâu sắc đằm thắm hơn.

Xung quanh việc dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài, trên văn đàn nước ta suốt thế kỷ XX đã có nhiều lời ngợi ca và cũng không ít lời bàn luận ngỏ ý mong muốn giảm bớt những thiếu sót không đáng có của các văn bản dịch.

Giáo sư Hoãng Xuân Nhị, thời sống ở Pháp từng dịch và xuất bản trường ca Chinh phụ ngâm ra tiếng Pháp tại Paris (1938) và chuyển dịch Truyện Kiều thành kịch bản năm hồi được Nhà xuất bản Mercure de France cho ra mắt (1942) với nhan đề: “Thúy Kiều, voix nouvelle sur un thème de souffrance” (Thúy Kiều, một tiếng nói mới về nỗi đau khổ). Vào thời kỳ trước chiến tranh (1964) tại buổi sinh hoạt khoa học của Khoa Văn học- đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHQGHN), trong khi giới thiệu hai bản dịch Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều, giáo sư Hoàng có nói việc dịch văn thơ ra tiếng Pháp là rất khó, không chỉ cần nắm vững ngoại ngữ, mà ngay cả nội dung ngôn từTruyện Kiều cũng hết sức phong phú, phức tạp, vì quá nhiều điển tích, điển cố Trung Hoa cùng gắn với phương ngữ, thổ ngữ của một thời dĩ vãng, lại có nhiều dị bản khác nhau về chữ nghĩa. Quả vậy, cách viết chữ Nôm thời xưa gắn liền với chữ Hán còn sơ sài chưa được chuẩn mực, với hàng ngàn từ Hán đồng âm khác nghĩa? Ngày nay có không ít người giỏi chữ Hán và chữ Nôm hoặc ngoại ngữ khác, nhưng lại không rành về tiếng Việt, nhất là tiếng địa phương? Đó cũng là điều dễ hiểu. Chẳng hạn, chỉ một từ “nghỉ” trong câu “Có nhà viên ngoại họ Vương/ Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung”, thì một câu hỏi nảy sinh đã hàng trăm năm là “nghỉ” dấu hỏi hay dấu ngã (nghỉ = nó – tiếng Nghệ hay là suy nghĩ?) vẫn chưa được giải quyết thống nhất! Ngay bản dịch Thơ chữ Hán Nguyễn Du, chỉ một bài thơ thất ngôn bát cú, mà có đến ba vị túc Nho đề tên cùng dịch. Như vậy có thể thấy rõ mức độ khó khăn về chữ nghĩa Hán-Nôm -Việt. Thật không dễ dàng gì để ai đó có thể khẳng định bản dịch của mình là Tín-Đạt-Nhã bậc nhất! Đành lòng vậy! Bằng lòng vậy!

Suốt hai thế kỷ qua kể từ khi Nguyễn Du từ trần, bản Kiều gốc đã không còn tìm thấy, mà chỉ xuất hiện các dị bản có nhiều điểm khác nhau do điều kiện ấn loát quá thô sơ kéo dài, chủ yếu là các bản chép tay cùng các bản in thạch kiểu thủ công đậm nhạt khác nhau! Mặt khác nước ta chưa có khoa Văn bản học, nên không ít người tùy tiện chỉnh lý thêm bớt một cách chủ quan! Hơn nữa đất nước ta từng lâm vào tình trạng chiến tranh liên miên, việc bảo quản gặp quá nhiều trắc trở, khí hậu thường ẩm ướt ở miền Bắc, miền Trung càng dễ hủy hoại các loại giấy bản mỏng manh kèm thêm chuột bọ cắn phá. Cũng từ đấy, bản Kiều gốc bị tam sao thất bản, thật khó lòng tìm được. Đã từ lâu, các nhà thơ, nhà văn, các nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc say mê Truyện Kiều từng mong muốn cháy bỏng đạt được một bản Kiều chính gốc của tác giả. Quả là công việc đáy biển mò kim!

Thời gian trôi đi như nước chảy qua cầu, ngày càng hiếm các nhà Hán-Nôm đủ trình độ uyên thâm có thể làm chủ các văn bản. Thật không dễ dàng nắm bắt thấu hiểu chính xác trước 3254 câu thơ cùng nhiều chi tiết tu từ. Đó là sự thật khó lòng khắc phục, nếu không có một tập thể chuyên gia giỏi đầy tâm huyết và không tách rời nhuận bút xứng đáng với công sức bỏ ra. Bước vào thế kỷ XXI, ngày nay hệ thống tác phẩm của Nguyễn Du đã được quốc tế hóa, tất nhiên sẽ có nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài quan tâm tìm hiểu, phiên dịch để phổ biến rộng rãi. Từ đó việc giao lưu văn hóa với bè bạn năm châu càng được phát triển và cần được nâng cao sao cho xứng với tầm vóc đáng có của vị danh nhân văn hóa nhân loại. Gần đây nhất, nhân việc hai bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Nga vừa mới được xuất bản, tôi viết bài này không ngoài mục đích gợi ý xây dựng một bản Truyện Kiều tiếng Việt chuẩn nhất để có thể giúp cho việc giới thiệu-dịch thuật ra tiếng nước ngoài hoàn chỉnh đẹp đẽ hơn.

Giới hạn bài viết chỉ tìm hiểu một từ “Trời” trong truyện thơ. Theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh (Nxb Khoa học xã hội-Hà Nội-1989) truyện thơ này có ngót 100 từ “Trời”. Từ này ở đây được dùng theo ba nghĩa chính:

– Trời chỉ Đấng tối cao mang nghĩa chủ quan. Còn Trời chỉ không gian và Trời chỉ thời gian mang nghĩa khách quan. Điểm khó khăn là từ Trời được dùng biến nghĩa linh hoạt không dễ hiểu đối với trình độ học sinh THCS và THPT, kể cả sinh viên ngành Ngữ Văn và thầy cô giáo cấp phổ thông. Do đó nhiều lời giải thích không được chính xác, nếu không thấu hiểu văn cảnh.

1- Từ Trời với nội hàm “là vị chúa tể cai quản muôn vật” (Đào Duy Anh) nhằm sáng tỏ ý tưởng sâu xa của nhà thơ: “Cho hay muôn sự tại trời ”, câu thơ tiêu biểu rõ nét một phương diện thế giới quan của tác giả xuyên suốt tác phẩm.

Cho hay muôn sự tại Trời (câu 2391- bản tiếng Nga: -Hebo- tr.330)

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (6 – Hebo-nt 21)

Rủi may âu cũng tại trời (817 – Hebo-133)

Người dù muốn quyết trời nào đã cho! (998- Hebo-155)

Túc nhân âu cũng có trời ở trong (1018- Hebo- 157)

Sư rằng phúc họa đạo trời (2655- Hebo- 361)

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời! (2684- Hebo- 363)

Khi nên trời cũng nhiều người (2689- Hebo- 365)

Tâm thành đã thấu đến trời (2717- Hebo- 367)

Trời còn để có hôm nay (3121- Hebo- 415)

Ngẫm hay muôn sự tại trời (3241- Hebo- 427)

Trời kia đã bắt làm người có thân (3242-Hebo-427)

Còn nhiều câu có từ Trời đồng nghĩa với nội hàm trên, nhưng chỉ chọn một số câu tiêu biểu nhất. Phải chăng với nội hàm này trong tiếng Anh cần chuyển dịch là God, tiếng Pháp là Dieu và tiếng Nga là Bog (Bog znaet = Dieu sait-  theo Từ điển Nga-Pháp của L.B.Serba- M.1977- tr.44). (Vì không có mẫu tự Nga trong máy tính của tôi, nên đành phải viết chữ B- tiếng Việt+Pháp. Cũng vậy chữ H= Nh Việt).

2- Còn với nội hàm phổ biến mà dân ta ai ai cũng biết: Trời là bầu trời, là vòm trời cao xanh trong thi pháp học được mệnh danh là không gian nghệ thuật, mà bản tiếng Nga chuyển dịch Hebo là đúng với yêu cầu chữ tín của thuật dịch từng được giới khoa học khẳng định.

Xin dẫn chứng 10 câu để sáng tỏ, tuy truyện thơ còn khá nhiều:

Vừng trăng vằng vặc giữa trời (449)

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời (566)

Trời Liêu non nước bao xa (703)

Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa (899)

Góc trời thăm thẳm đêm ngày đăm đăm (910)

Bên trời góc bể bơ vơ (1041)

Trời tây lãng đãng bóng vàng (1085)

Long lanh đáy nước in trời (1603)

Song sa vò võ phương trời (1267)

Trông vời trời bể mênh mang (2215)

3- Thêm nữa trong Truyện Kiều, nhà thơ còn sử dụng từ Trời với nội hàm chỉ thời gian, mà thi pháp học gọi là thời gian nghệ thuật:

Cách tường phải buổi êm trời (289)

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa (484-Hebo-85)

Một trời thu để riêng ai một người (914) -Hebo-143)

Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời (1638-Hebo-233)

Tàng tàng trời mới bình minh (1917- 269)

Trời đông vừa rạng ngàn dâu (2033- 285)

Gà đã gáy sáng trời vừa rạng đông (3216 – 425)

Qua các dẫn chứng trên, người đọc truyện Kiều có thể hiểu nội hàm từ Trời không chỉ có một nghĩa đồng nhất, mà biến nghĩa tùy thuộc vào văn cảnh của tác phẩm. Từ đấy, vẻ đẹp nội dung cũng như nghệ thuật truyện thơ càng thêm uyển chuyển, phong phú hấp dẫn hơn…

Nhân đây xin trân trọng đề nghị Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Hội Kiều học cần đầu tư về tài chính và nên tập trung các chuyên gia đủ trình độ khoa học để xây dựng bộ Toàn tập Nguyễn Du, gồm các tác phẩm của đại thi hào và các bài nghiên cứu bình luận xung quanh Nguyễn Du từ xưa đến nay để sao cho xứng tầm vị trí danh nhân văn hóa nhân loại mà UNESCO đã vinh danh.


Nguồn Văn nghệ số 12/2016