Nghe bà Nga, vợ ông giáo Thành la làng, dân làng chạy tới mới biết ông giáo Thành chết. Ông chết trong đêm qua. Lúc nào thì không ai biết đích xác. Chỉ đến 5 giờ sáng, bà Nga ra quét sân mà không thấy ông ngồi ở bàn trà góc hiên như mọi khi. Bà Nga chạy vào buồng, thấy ông vẫn nằm. Bà Nga lay chồng thì thấy ông giáo Thành cứng đơ, lạnh ngắt. Rồi bà la làng kêu cứu.

Minh họa: A. DŨNG


Chiều hôm qua, ngày cuối tuần, mấy đứa con của ông giáo Thành về nhà chơi. Thi thoảng, cuối tuần, mấy đứa con ông giáo Thành đưa con cái về thăm nhà. Nhưng lần này, thằng Đức – con trai ông giáo Thành không về. Chỉ có Tuyết, vợ Đức đưa con về chơi. Bà Nga thấy vắng Đức, liền hỏi:

– Chồng con sao không về mà chỉ có mấy mẹ con về đó?

– Dạ, anh ấy đang… chuẩn bị mấy thứ để ngày mai… bọn con chuyển về nhà mới ở khu biệt thự bên sông.

Tuyết ấp úng trả lời mẹ chồng. Ở bàn trà góc hiên, ông giáo Thành đang nằm trên chiếc ghế gỗ bỗng bật dậy.

Bà Nga hỏi tiếp:

– Là sao? Vợ chồng con làm gì có tiền mà mua nhà ở khu biệt thự bên sông? Thằng Đức lên làm chủ tịch huyện mới hơn một năm…?

Bà Nga buông dở câu hỏi. Đôi bàn tay vân vê tà áo, Tuyết ấp úng:

– Dạ, con cũng không biết nữa. Con nghe anh Đức bảo, có ai đó tặng anh ấy ngôi biệt thự bên sông. Con cũng chỉ nghe vậy…

Choảng. Ông giáo Thành làm rớt cái bình tích vỡ toang dưới nền nhà. Nước tung tóe khắp nơi. Ông giáo Thành lên tiếng:

– Con gọi thằng Đức về gấp. Gặp ba. Có việc!

Nói xong, ông giáo Thành đứng dậy bỏ vào buồng nằm. Ba mươi phút sau, Đức về tới nhà. Bầu không khí nặng nề. Chưa bao giờ Đức về nhà mà thấy không khí nặng nề như thế. Linh tính mách bảo, Đức thấy sự bất an. Ông giáo Thành từ trong buồng bước ra, Đức thưa:

– Thưa ba, ba gọi con?

Ông giáo Thành lại bàn thờ, thắp nén hương rồi lấy cây roi mây xuống phủi bụi. Đôi mắt buồn cương quyết.

– Con nằm xuống phản cho ba.

Đức không nói năng, cởi bỏ đôi giày đen bóng lộn lại nằm úp lên tấm phản đặt giữa nhà, phía trước bàn thờ. Đây là lần thứ hai ông giáo Thành bắt Đức nằm trên chiếc phản để đánh đòn. Lần đầu, cách đây 20 năm, khi Đức học lớp 10 trốn nhà theo bạn châm cá bị điện giật rơi xuống sông đuối nước. Học trò báo hung tin, ông giáo Thành chạy tới nơi thì Đức vừa được người dân cứu lên bờ hô hấp nhân tạo. Ông giáo Thành xốc con trai lên vai chạy quanh biền sông cho nước trào ra ngoài rồi ông đặt nằm xuống chân ngôi mộ tổ vừa hô hấp vừa cầu khấn. Phải mấy phút sau, Đức mới thở trở lại. Ông tưởng đã mất con. Đưa Đức về nhà, ông giáo Thành bắt Đức nằm úp trên phản, dùng cây roi mây đánh đến lằn dọc lằn ngang.

Tối lại, khi nằm trên giường, ông giáo Thành nói với bà Nga:

– Đánh con, nó đau một, tui đau mười. Nhưng thà tui đánh đau con chứ không thể để mất con!

Lần này, sau 20 năm, ông giáo Thành lại dùng chiếc roi mây để dạy con mình. Ông đánh hết bảy roi. Mỗi một roi đánh xuống, ông giáo Thành gằn giọng dạy con. Đức bậm môi, không phản ứng. Hơn ai hết, Đức biết tính ba mình.

Sau bảy roi, ông giáo Thành gác lại chiếc roi mây lên bàn thờ tổ rồi chắp tay khấn vái. Rồi ông vào buồng. Không nói không rằng.

Bữa cơm gia đình tối nay nặng nề đến lạ. Ông giáo Thành chỉ ngồi. Không ăn và không nói. Đức vòng tay xin lỗi ông giáo Thành, nhưng ông vẫn lặng yên. Bầu không khí nặng trĩu.

Sau khi con cháu về hết, một mình ông ngồi nơi chiếc bàn trà góc hiên quen thuộc. Đêm 14, ánh trăng yếu ớt cố chèn qua những đụn mây đen phủ kính bầu trời. Ông giáo Thành thấy mình sai lầm khi đồng ý để Đức bỏ nghề giáo sang làm chính quyền. Mấy chục năm đứng trên bục giảng, ông giáo Thành dạy biết bao cái hay, cái đẹp thông qua những tác phẩm văn chương Đông – Tây, kim – cổ cho học trò. Vậy mà bây giờ, ông thấy mình thất bại trong dạy con mình. Ông đã mất Đức, đứa con trai duy nhất, từ khi ông gật đầu đồng ý cho Đức bỏ dạy văn sang làm chính quyền. Ông nhớ, ngày trước, nhà ông nghèo lắm. Lấy vợ, sinh con rồi dựng căn nhà tranh bên sông để ở. Những ngày mưa, nước dột khắp nơi, gió thốc tứ phía. Những lúc như vậy, ông ôm Đức vào lòng. Yên lặng. Đức bảo:

– Sau này, con cố gắng học giỏi, đi làm kiếm tiền để làm cho ba má cái nhà ngói.

Ông ôm chặt Đức vào lòng:

– Ba muốn con ngoan, học giỏi. Nhưng điều ba muốn hơn là con phải trở thành người, NGƯỜI viết hoa.

– Người viết hoa là sao ba?

– Là con phải biết kính trên nhường dưới, phải biết yêu thương ba má, anh chị em trong gia đình. Phải biết yêu cái đẹp và thương yêu con người. Cuộc đời con người giàu nghèo không quan trọng. Quan trọng hơn hết là con phải biết tự trọng để được người ta tôn trọng. Con không được phép làm giàu bằng mọi giá và làm giàu trên mồ hôi xương máu của người khác. Con có thể nghèo để người ta tôn trọng chứ không được phép giàu mà để người ta khinh khi.

– Con biết rồi!

Học hết lớp 12, Đức đăng ký thi sư phạm văn, cô giáo chủ nhiệm ngăn không cho. Thuyết phục Đức không được, cô giáo chủ nhiệm của Đức cũng là học trò của ông giáo Thành đến nhà thuyết phục ông giáo khuyên Đức thi bách khoa.

Ông giáo Thành lắc đầu:

– Học cái gì, Đức mới là người quyết định. Tương lai của nó thì mình để nó chọn.

Thế rồi Đức đậu đại học sư phạm văn. Ngày Đức xa nhà đi trọ học, bà Nga chuẩn bị đủ thứ cho con. Từ cái bốt đánh răng cho tới cái áo, cái quần. Riêng mình, ông giáo Thành chỉ soạn cho con một thùng sách, được lựa từ tủ sách của ông. Bốn năm học, mỗi khi về thăm nhà, Đức lại xin ông sách để mang ra trường. Thấy thế, ông mừng lắm.

Tốt nghiệp loại giỏi, Đức được phân công về dạy trường huyện, nơi ông giáo Thành gắn bó mấy chục năm. Ngày Đức nhận quyết định về dạy ở trường cũng là ngày ông giáo Thành nhận quyết định về hưu. Ông nghĩ, ông đã mãn nguyện khi thấy Đức nối nghiệp mình.

Nhưng dạy chỉ được vài năm, bên huyện có công văn điều động Đức về ủy ban huyện làm văn phòng. Nhận công văn, Đức về hỏi ý kiến ông giáo Thành. Mấy đêm trắng suy nghĩ, ông giáo Thành đành gật đầu để Đức bỏ dạy lên làm ở ủy ban. Sau một thời gian, Đức được đề bạt lên chánh văn phòng ủy ban huyện, rồi phó chủ tịch và bây giờ là chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Đức lên chức nhưng ông giáo Thành lại buồn. Ông biết, trong cái thời buổi kinh tế thị trường đầy cám dỗ, làm cha, ông lo lắm. Ông lo cũng phải. Trong cái xã hội đồng tiền đầy quyền lực, chức chủ tịch huyện như Đức làm sao thoát nổi?

Thế rồi cách đây hơn một năm, ông nghe phong thanh chuyện Đức đồng ý để doanh nghiệp làm dự án dọc theo bờ sông quê ông. Huyện đã đứng ra thu hồi ruộng vườn của bà con để giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền. Ngay cả mồ mả ông bà chôn giữa những cánh đồng dọc biền sông mấy chục năm rồi cũng phải hốt đi để giao đất làm dự án. Ông giận lắm. Ở cái xứ này, bao đời nay người dân gắn liền với mảnh ruộng, sân vườn. Vậy mà, chỉ một cái gật đầu của Đức, ruộng vườn mất hết. Người nông dân biết sống ra sao khi đã mất đất?

Nhiều tháng rồi, ông giáo Thành thấy bất an. Ông chứng kiến cảnh ruộng đồng bị san lấp để phân lô bán nền. Ông thấy người ta phải hốt mộ ông bà, tổ tiên đi chôn nơi khác. Ông thấy cảnh con cái của bạn bè, hàng xóm tranh giành nhau tiền đền bù mà đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Cả một làng quê xáo trộn vì giải tỏa, đền bù.

Rồi ông nghĩ đến cảnh, mai này, người nông dân vất vơ ngồi chống cằm đuổi ruồi trước nhà vì không có việc gì để làm. Phố đó. Nhà cao đó. Lộng lẫy đó. Nhưng tất chỉ là cái vẻ bề ngoài. Trước đây, người nông dân ở nhà thấp nhưng con cái sum vầy, lúa gạo đầy bồ. Nay người nông dân ở nhà cao tầng nhưng phải chạy cơm từng bữa. Có những người bạn ông giáo Thành nhận được tiền tỷ từ đền bù nhà cửa, đất đai. Có tiền, họ chia cho con cái mỗi đứa vài trăm triệu đồng, rồi xây cái nhà hai tầng xong, sạch túi. Con cái có tiền mua xe tay ga, tiêu tiền xả láng. Có tiền, có xe rồi bỏ học chơi bời.

Càng thấy cái lộn xộn của xóm làng, ông giáo Thành đâm giận con trai mình. Ông giáo Thành bảo, tất cả do con trai ông mà ra.

Nhiều lần, ông giáo Thành gọi Đức về nhà ông bảo. Nhưng Đức nói bận họp không về được. Ông mất ngủ mấy tháng trời. Già khọp đi. Tóc bạc trắng. Mắt sâu hóm.

Thấy chồng cứ ngồi mãi ở bàn trà góc hiên, bà Nga lo lắm. Nhiều lần, bà Nga hỏi ông nhưng ông giáo Thành đều bảo “không có gì”. “Không có gì” mà ông già khọp đi nhanh thế?

Cho đến hôm nay, ông giáo Thành mới vỡ lẽ. Khi con cháu về hết, ông giáo Thành gọi bà Nga lên ngồi nói chuyện với ông ở bàn trà góc hiên. Ông đưa cho bà chiếc hộp gỗ cũ mèn phủ bụi rồi bảo:

– Tui đưa bà cái hộp này, khi nào tui chết, bà đưa cho thằng Đức.

– Ông này nói tầm bậy tầm bạ. Tự nhiên khỏe mạnh ù ù ri mà nói tới chết?

Bà Nga nói như xua đuổi điềm xấu. Bà Nga cảm thấy bất an lắm. Ăn ở với nhau mấy chục năm, có với nhau mấy mặt con, có bao giờ ông giáo Thành như vậy đâu?

Đức quỳ trước bàn thờ, mắt trân trân nhìn di ảnh ông giáo Thành. Những giọt nước mắt chảy dài trên má rồi rớt xuống chiếc áo xô, tay run run cầm chiếc hộp gỗ từ tay bà Nga. Đức lật mở nắp hộp, bên trong có một tờ giấy trắng gấp cẩn thận được đè dưới mấy thẻ vàng. Đó là lá thư và tài sản mà ông giáo Thành gửi cho Đức. Mở bức thư, thấy những dòng chữ nghiêng nghiêng đều đều, Đức biết đó là chữ của ba mình.

“Cả đời ba làm nghề giáo, đi dạy những điều hay lẽ phải cho học trò nhưng ba đã không dạy được con mình. Đây là số tài sản ba tích cóp bằng mồ hôi mấy chục năm đứng lớp. Số tài sản này, ba giao cho con để lo cho má những ngày còn lại, khi không còn ba bên cạnh.

Cuộc đời con người có thể phạm phải những sai lầm. Con hãy sửa khi còn có cơ hội. Như ba, ba đã phạm phải sai lầm từ cái ngày gật đầu đồng ý để con rời bục giảng đi làm cán bộ huyện. Con đã hư hỏng khi rời bỏ những cái đẹp văn chương để chạy theo quyền lực và đồng tiền.

Ba luôn tôn trọng sự lựa chọn của con, nhưng lần này, ba muốn con trở lại con đường đúng đắn mà con đã chọn”.

Đọc thư ông giáo Thành xong, Đức gục đầu, buông thõng hai tay chạm đất đè lên lá thư đã đẫm ướt.

Đức đi bộ dọc biền sông. Đức đi tìm lại tuổi thơ mình. Bờ sông chẳng còn những lũy tre kéo dài che mát, nơi Đức cùng đám bạn đá bóng. Đức bước lại bến sông, nơi Đức gặp nạn hồi còn nhỏ. Đức quay đầu tìm ngôi mộ tổ, nơi ba Đức đã giành mạng sống con trai mình từ tay tử thần nhưng chẳng thấy đâu. Gió từ dòng sông thốc vào, cuốn đám bụi đất đỏ mới đổ, chẳng thể nhìn thấy màu xanh làng quê đâu nữa. Một luồng điện chạy dọc sống lưng. Lạnh!

 

Nguồn SGGP