Truyện ngắn của nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
“Người đi khuất trong sương mờ…”
1.
Tại một góc con hẻm nhỏ khu Jeagi-Dong phía Bắc sông Hàn có một quán ăn nhỏ, chìm lút trong những quán ăn khác. Quán không có biển hiệu hấp dẫn, không có đèn màu nhấp nháy.
Tối hôm đó trời khá lạnh. Mùa đông Seoul được báo hiệu bằng những cơn mưa lạnh đột ngột, xen giữa những đợt nắng đổ tràn suốt từ những dải núi cao xuống tận mạch ngầm con nước Hàn Giang.
Mưa mù khiến cô thấy thèm ăn một tô súp gì đó. Đã một tuần ăn mì tôm, vừa sót ruột, vừa bồn chồn trong dạ như đang mắc nợ ai một việc gì. Một tuần được thả sống tự thân giữa Seoul, không có người phiên dịch cho, phải tự giao dịch, đi lại, sinh hoạt… Đành ăn mì tôm là chính, rồi “lấy sức” để tìm hiểu xứ Hàn. Hầu hết người ở đây không biết tiếng Anh. Còn cô thì một chữ tiếng Hàn chưa biết. Có muốn ra quán ăn cũng phải biết món gì để mà gọi. Nhiều lúc cô cứ gọi bừa. Gọi bất cứ món ăn nào cũng sẽ có kim chi. Đây có lẽ là món dễ ăn nhất trong các món rau dưa của Hàn Quốc. Dù mới chỉ có một tuần sống ở Seoul. Dù kim chi cay đến tê dại. Đến phải thừa nhận người Hàn không chỉ có mùi tỏi, mà còn có mùi cay của ớt và cái mùi đặc trưng của kim chi.
Cô bước vào cái quán ăn nhỏ nhoi đó.
Chủ quán là hai ông bà già nom rất phúc hậu. Cả hai cùng đon đả chào khách:
– An Nyoung Hi Ga Se Yo!
Ông già vội vã ra dãy bàn ăn để xếp lại những bộ lót ngồi và ra hiệu mời khách. Ly nước mát được mang tới. Bất cứ bữa ăn nào của người Hàn cũng đều được khai vị bằng ly nước mát, dù trời có lạnh đến cỡ nào. Khách của quán cũng không có bao nhiêu. Lác đác một vài người bước vào. Mà đa phần là những người đàn ông trung tuổi. Mỗi người chọn cho mình một góc và lặng lẽ suy tư cùng ly nước. Bà chủ quán nhanh tay xào nấu, trong khi ông chủ bê ra lần lượt những đĩa nhỏ đựng các loại rau củ kim chi mắm tương xì dầu…
Ông già có ý hỏi cô dùng gì? Cô nhìn lên tường, nơi treo bảng giá được viết bằng thứ chữ Hàn nắn nót. Cô nhìn tranh vẽ bên cạnh mỗi món ăn thì đúng hơn. Nhìn thấy một món có vẽ tô canh bốc khói, lại thấy có cái gì đó trong tô giống miếng thịt bò. Cô chỉ tay vào món đó. Ông già gật gật đầu rồi vội vã chạy vào trong bếp. Từ trong bếp mùi thức ăn bốc ra ngai ngái. Rồi lại thấy ông quay ngay ra ngồi sà xuống cạnh khách. Ông hỏi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ:
– Piệt chừ nam?
– OK!
Cô gật đầu vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Giữa thủ đô Seoul, vào cái thời tiết giá lạnh này mà lại có một người nhận ra mình là người Việt Nam thì thật là vui. Ông già chỉ tay vào mình:
-Tôi… Sài Gòn Vũng Tàu…!
Ông chỉ tay lên bức tường đối diện, khoe cái gì đó. Cô nhìn thấy một bức ảnh to treo trang trọng. Một chàng trai khá đẹp trai và hào hoa trong bộ đồ lính. Trái tim chàng trai dù có thể chưa vương bụi trần, nhưng ánh mắt đã u uẩn.
Rồi ông lại hăng hái đứng lên chạy vào bếp.
Suất ăn vừa gọi được ông già bê tới. Nhìn vào tô súp, cô thấy thất vọng. Hóa ra định gọi món súp thịt bò, cô đã gọi nhầm sang món canh súp kim chi. Nhìn ớt đỏ lựng cả tô canh, chưa ăn đã thấy muốn chảy hết nước mắt vì nhớ món ăn ở nhà.
Trong bữa ăn, cô hầu như không được yên ổn. Bởi vì ông già ngồi luôn bên cạnh để nói chuyện bằng thứ tiếng Hàn nặng trịch. Cô không hiểu gì, chỉ cảm nhận những lời nói bằng cử chỉ và ánh mắt. Bà vợ thì cứ đứng trong quầy nhìn ra cười nụ cười thân thiện. Thi thoảng cô lắc đầu với ông già bằng một khẩu ngữ mới học được:
– Moo-le-o (Không hiểu).
Ông già đành bất lực vì không tìm ra cách diễn giải nào khác. Ông gật đầu chắp tay:
– Jwe Song Ham Ni Da (Xin lỗi – rất tiếc).
Xong bữa, cô được ông già ưu tiên mời dùng ly cà phê nóng hổi. Loại cà phê bán bằng tiền xu. Máy bán nước giải khát cà phê này có khắp nơi trên các tụ điểm công cộng, nhà hàng ở Seoul. Cứ thả đồng 200 – 500 won vào tùy từng máy, sẽ lấy ra được một tách cà phê nóng thơm lừng.
Cô đứng lên nhìn ra phố.
Hai ông bà già kính cẩn chào cô như chào nữ thần một ngày đẹp trời đã đặt chân đến vương quốc đạm bạc của họ.
2.
Tiếng súng vang lên khô khốc.
Trong vườn tiêu, một bé gái cởi truồng vừa chạy vừa vấp. Tấm áo xơ rách chỉ còn lõng thõng như những mảng vá của bầu trời xám xịt.
Những tay súng trong đội quân Pak Chung Hee lấp ló con mắt nhìn tứ phía. Một họng súng rê theo bóng bé gái. Rê thật chậm. Nó vẫn đang chạy. Và khóc. Tiếng khóc nghe như tiếng con mèo con lạc mẹ. Mẹ nó đang nằm trên đất vườn. Miệng há ra.
Dòng máu đỏ chảy ngược vào đất, khô dần…
Rồi tay súng lưỡng lự đứng nhìn theo con bé. Ngay lập tức gã bị đồng đội quật vào cánh tay.
– Bắn đi!
Gã lại đứng thẳng, rê họng súng theo lưng con bé con.
Nhưng rồi khẩu súng chúc xuống.
Gã ngồi thụp xuống một mô đất, hơi thở như tắc nghẽn vì khói đạn mù mịt, vì mùi tanh của máu, và vì cái xứ này sao nhiều khói, cay xè đắng ngắt…
3.
Sau cái bữa ăn đó hai ngày, cô lại vào quán của hai ông bà già.
Lần này cô đi cùng một đồng nghiệp nữ. Hai người sang Seoul để học một chương trình làm phim ngắn.
Trong bộ phim ngắn này, họ tạo dựng lại cảnh một ngôi làng bị quân Pak Chung Hee tàn sát.
Lúc đó đã muộn. Đồng hồ Seoul chỉ 9 giờ đêm. Bữa ăn cũng diễn ra tương tự như bữa trước, nghĩa là cô cũng phải vừa ăn vừa tiếp chuyện một cách chật vật với ông già. Nhưng lần này có hai người nên cuộc nói chuyện cũng sinh động hơn. Vì thế mà bữa ăn kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ. Cứ hai ba thứ ngôn ngữ Hàn – Anh – Việt trộn lẫn, đánh lộn nhau giữa những động tác diễn giải. Sau bữa ăn lại có hai tách cà phê thơm lừng được bưng đến.
Hôm đó, ông già còn kéo cô ra chiếc xe hơi ông đỗ trước quán, vỗ vỗ tay vào ngực mình ý nói đây là xe của tôi. Rồi ông mở cửa xe và kéo hai cô gái lên xe. Cô nhăn mặt, có ý hỏi cô bạn: Ông ta đưa mình đi đâu đây? Cô bạn cười: Đi thì đi, sợ gì.
Hình như ông già muốn đưa họ đi chơi quanh thành phố Seoul. Ừ, thì đi. Sợ gì? Từ hôm sang đây đến giờ, chưa có ai thiết kế cho cô một chuyến vòng quanh phố xá bằng xe hơi như thế. Có mấy buổi họp mặt giao lưu thì cũng phải tự đi subway theo lời chỉ dẫn bằng thứ tiếng Anh rất khó nghe của người phụ trách chương trình. Bây giờ tự nhiên có người đưa đi dạo phố bằng xe hơi còn gì bằng. Nhưng liệu ông ta có giở cái trò gì không? Hai cô gái Việt không biết tiếng Hàn, giữa vùng đất xa lạ đêm hôm mù trời mù đất thế này. Dù bên ngoài kia, phố xá đèn đóm rợp trời như thành phố đêm New York. Nhưng xe đã nổ máy rồi, có muốn bảo dừng lại cũng không biết cách từ chối cho lịch sự, ít nhất là phải biết mấy câu tiếng Hàn của người có học. Thôi thì…
Xe cứ đi, đi mãi, ra khỏi Seoul.
Minh họa: Lê Trí Dũng. |
Ông già bật đĩa bài hát tiếng Hàn. Giọng một nam ca sĩ trầm hùng. Ông già hát theo. Mỗi khi đi qua một địa danh nào đó, ông dừng hát, giới thiệu. Mà cô và cô bạn có nghe có biết ông nói gì đâu. Nhưng những địa danh đều có ghi rõ trên những tấm bảng treo cao trên mỗi chặng đường. Thế là hai cô cũng hiểu được mình đã đi qua những địa danh nào.
Xe đi cũng phải được đến gần tiếng đồng hồ, cô và bạn mới hiểu ông già đang đưa họ đến biên giới Nam – Bắc Hàn. Họ bắt đầu nhìn thấy những vòng thép gai xoáy đan cài suốt dọc hai bên đường. Phía mặt bên kia hàng rào dây thép gai, phía có dòng sông Hàn chảy êm xuôi là những ngọn đèn pha soi rõ từng ngọn cỏ. Đó là những ngọn đèn bảo vệ. Nếu người từ phía Bắc Triều Tiên có bơi theo dòng sông mà trốn sang Hàn Quốc thì những ngọn đèn lờ đờ kia sẽ là những tên lính canh đầu tiên chặn đứng họ lại. Mà sang để làm gì nhỉ? Người Triều Tiên, cả Bắc và Nam đều có ý chí quật cường như nhau. Đều không dễ dàng đón chào nhau như cách “Nam Bắc một nhà”.
Ông già vẫn hát theo cái đĩa. Giọng nam ca sĩ ở giai tầng buồn đến não lòng. Sau này cô mới hỏi ra được lời của bài hát. Một bài hát nổi tiếng của một ca sĩ Hàn nổi tiếng và đã chết trẻ:
“Người đi khuất trong sương mờ…”
Cuộc chia ly Nam – Bắc hiện ra trong đêm bằng giai điệu buồn của một người đã khuất, và bằng hình ảnh một tốp lính mặc rằn ri đứng chặn ngang chiếc cầu bắc qua sông. Hình như họ hỏi gì đó, và hình như ông già trả lời rằng xe của họ chỉ đến đúng đầu cầu này thôi để cho mấy cô gái Việt Nam biết cái biên giới quái quỷ này. Và rồi chiếc xe quay lại để đi đến chỗ người Hàn dựng góc biên giới và đài tưởng niệm, chỗ gần ngay cầu và có thể đứng từ đó để nhìn qua biên giới.
Sau này, cô còn được một giáo sư người Hàn Quốc đưa đi lại địa danh này, đi hẳn sang cầu (dĩ nhiên khách nước ngoài mới được qua cầu để tham quan và phải có visa), đi đến chỗ mà người Hàn Quốc bán vé, phát mũ bảo hiểm, rồi cho khách tham quan chui vào đường hầm ngầm. Có cả thảy bảy đường hầm đã được phía Hàn Quốc phát hiện vào thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, đánh dấu sự da diết mong thống nhất Nam Bắc của người Bắc Triều Tiên. Cô cùng đoàn tham quan chui vào hầm và đi mãi đi mãi. Thấy hết những sự đời trên thế gian chỉ với những đoạn đường hầm ngầm được đào bí mật trong những lòng núi đá.
Nhưng cô mãi không thể quên cái đêm mà ông già bán quán đã đưa cô và người bạn đi đến biên giới này. Đứng trong đêm, ngay cạnh bức phù điêu tưởng niệm những người lính Hàn đã ngã xuống trong cuộc chiến Nam – Bắc, để nhìn xuyên qua màn đêm sang phía bên kia, để suy ngẫm về cái thế gian mỏng mảnh, đầy bất trắc và cũng muôn phần vĩ đại.
*
Thi thoảng, những ngày còn ở Seoul sau này, khi cô có việc đi ngang qua cái quán nhỏ, nhìn thấy ông già đang ngồi uống cà phê với bạn, hay ngược lại nếu ông già có nhìn thấy cô, thì ông rất phấn khởi vẫy tay gọi bằng tiếng Việt pha Hàn lơ lớ:
– Piệt trờ Nam… Cô bạn tôi!
Cô thường chào ông một cách rất xã giao bằng thứ tiếng Hàn đã học được ở trường Korean University, một nơi dạy tiếng Hàn khá tốt ở Seoul cho người nước ngoài, nghĩa là vòng hai tay, gập người xuống chừng ba mươi sáu độ để chào:
– An Nyoung Hi Ga Se Yo!
Và rồi cô đi ngang qua.
Cô cứ đi ngang qua mãi hết chặng đường này đến chặng đường khác, hết sự việc này đến sự việc khác. Rồi quên bẵng cái quán nhỏ.
4.
Thực ra ông già không quên.
Có những hình ảnh mà trí não con người cứ lưu giữ, không chịu xa rời, bám riết, níu kéo, thách thức và nhấn chìm…
Rất nhiều họng súng đã giơ lên sau lưng người thiếu phụ. Trong đó có cả họng súng của người lính trẻ. Những họng súng cùng nhả đạn, đậu trên lưng người thiếu phụ. Đứa con gái chỉ thấp ngang thắt lưng người mẹ, ngơ ngác khi thấy dòng máu đỏ phun ra từ tấm lưng gầy của mẹ.
Thiếu phụ ngã xuống bên bờ nước. Đứa bé lay gọi mẹ.
Gã đại úy đập báng súng vào vai người lính.
– Xơi nốt đi. Mày ngây ra như tượng thế hả?
Đúng lúc đó, một loạt súng từ trong rừng vẳng tới.
Phía tốp lính Hàn đang đứng xúm quanh mấy cô gái bị chúng quây lại, chuẩn bị giở trò, bỗng có mấy tên ngã xuống.
Gã luống cuống. Nòng súng chúc xuống cướp cò xả một loạt đạn vào đám vịt đang dạt bên bờ kênh. Vịt chạy tán loạn, kêu inh ỏi, muốn át luôn cả tiếng súng cứ khô khốc vang lên khắp làng.
Con bé sợ chết giấc, ngồi im bên xác mẹ, mắt mở to trừng trừng nhìn những kẻ mang vẻ mặt lạnh ngắt của tử thi.
Gã lính trẻ không nhớ mình đi khỏi cái nơi chết chóc ấy một cách bình yên như thế nào.
Nhưng gã cứ nhìn thấy ánh mắt con bé con nhìn như cầu cứu gã. Lúc ấy, khi họng súng của gã rê lên đến mặt con bé, gã bỗng nom thấy con bé mỉm cười với cái họng súng. Nó giơ cánh tay vẫy vẫy gã. Và nói những câu gì đó líu lo như chim.
5.
Nhóm truyền hình thực hiện nốt những cảnh quay cuối cùng của bộ phim truyện, nội dung phản đối chiến tranh cùng nỗi ân hận của một đạo quân từng gây bao nỗi khổ cho dân tộc Việt.
Việc giao lưu văn hóa hai nước được xác lập qua nhiều kênh văn hóa. Nhưng phim ảnh có sức mạnh ghê gớm.
Đạo diễn người Hàn, Kim Shin Hao, nhấc cái tròng kính ra khỏi mắt, ngẩng lên nhìn cô và xổ ra một tràng tiếng Việt khá sõi:
– Cô có đôi mắt thật đẹp, quyến rũ chết người. Nhưng cô chưa biết dùng nó.
Cô ngạc nhiên nhìn anh ta.
– Tôi ư?
– Phải, cô. Còn ai nữa đây? Cô đang vào vai nhân vật chính một cách gượng gạo. Đôi mắt cô chỉ toàn chứa sự trống rỗng. Cô không biết yêu…
– Tôi… không… biết… yêu… sao…?
– Cô nhìn tôi nhé.
Anh ta vẫy tay cho một nhạc công guitaz.
Chiếc guitar mộc được mang đến.
Bằng một nghi thức khá thuần thục, một cách bất ngờ và khá nhanh, cây guitar được xoay và vuốt khá điệu nghệ. Sau đó đạo diễn ngồi khoanh chân, cây guitar đặt trên đùi.
Âm thanh bắt đầu réo rắt và dịu dàng luồn sâu, vô cùng nhẹ nhàng quyến rũ… Ánh mắt người đạo diễn buông trên vai cô, rồi ngược lên cánh cổ như ngó sen, lại bất chợt vuột xuống nơi đôi bàn chân của cô đang chụm xếp một bên đúng phong tục của con gái nhà lành. Ánh mắt anh ta như van vỉ cầu xin. Nỗi bất hạnh trào lên như thác lũ. Nỗi buồn xâm chiếm. Niềm vui gần như những viên kim cương lấp lánh…
Tiếng đàn buông reo lanh canh như một chàng hoàng tử đang thả ngựa chạy thong dong trong một rừng hoa.
Cô ngả người bên tấm nệm nhung, ngắm nhìn người đàn ông vừa mới lột hết cái vỏ cứng nhắc của một đạo diễn tên tuổi, đang nghiêng đầu bên đàn mơ màng và quyết liệt. Ánh mắt anh nhìn cô, kéo gọi, lôi cuốn, mời mọc.
Ánh mắt nhìn cô da diết, như mệnh lệnh, như chờ đợi.
Ru hồn theo sóng vỗ bờ
Anh về ngày tháng bơ vơ… lạnh lùng
Tìm em đâu… giữa mênh mông
Thế nhân hờ hững… còn không ân tình?
Cô ngạc nhiên. Sao anh ta lại có thể hát thuần thục tiếng Việt như một ca sĩ vậy nhỉ?
Bỗng nhiên tất cả lặng phắt. Tiếng đàn cũng tắt, không một dư ba vang vọng. Chỉ còn mỗi tiếng tích tắc đồng hồ vang lên.
Một khoảnh khắc ranh giới được xác lập.
Cô đang chìm đắm, chưa hết khắc khoải của tiếng nhạc trầm buồn. Chưa muốn thoát ra. Đàn không ngân nữa, khiến người thưởng thức có đôi chút hẫng hụt. Nhưng cô không biết, tiếng đàn đó sẽ là thanh âm dẫn dắt cho cô trở nên uyển chuyển hơn, thắm thiết hơn.
Đạo diễn hô:
– Chuẩn bị các góc máy.
Rồi anh ta hất hàm lệnh cho cô, với vẻ mặt lạnh lùng như trước:
– Cô đừng làm tốn của tôi những đam mê đang vơi dần trong “kho” nhé.
Đôi mắt cô thấm đẫm bóng chiều buông trong một ngày lao động cật lực.
Trường quay làm việc hết công suất.
Hầu như không phải quay lại đúp nào. Cô vào vai người thiếu phụ bị bắn năm xưa khá thành thạo.
6.
Đến ngày sắp chia tay với Seoul, cô sực nhớ đến ông già. Cô đi qua đó và nhìn vào quán. Cô nhìn thấy ông già đang đứng bên cạnh bà vợ. Ông mỏng dính như cái cây khô trên núi Bắc Hàn vào mùa rụng lá. Thật lạ kỳ. Như có một thứ định mệnh neo trên hai mái đầu bạc, nhanh như cơn lốc.
Cô đưa tay ra cầm tay ông. Ông thều thào chỉ vào cánh tay và khắp người mình, đâu đâu cũng thấy những vết thâm đỏ. Ông nói rằng ông mới bị ốm nặng. Cô không đủ tiếng để hiểu ông bị bệnh gì. Chỉ biết là một bệnh nào đó có liên quan đến một thứ chất độc hồi ở chiến trường Việt Nam. Thứ chất độc vô hình ngấm vào bất cứ người nào kể cả bên này và bên kia. Hoặc chất độc da cam, hoặc chất độc rừng rú, bom đạn…
Vẳng bên tai tiếng của những kẻ già nua bệnh tật đang nhẫn nại chống chọi, như đồng thanh chào mời ông:
“Hãy quên đi, để sống”.
Cô không biết làm thế nào để có thể an ủi họ đôi phần. Cô liền cúi người trước ông. Cũng như ông đã chào và cúi mình trước cô vào những khi được gặp cô, những người Việt hiếm hoi mà ông gặp gỡ trên xứ Hàn.
Mỗi lần ông cúi gập người, xương bả vai nhô ra, cô như đọc được nỗi ân hận xa xót từ thân thể ông già.
Cô định sẽ đến cái quán nhỏ để chụp hình lưu niệm với hai ông bà già trước khi về nước.
Nhưng rồi mọi việc cứ cuốn đi.
Cho mãi đến sau này cô vẫn không biết tên ông già, người đã rất xăng xái dọn bàn ăn cho cô..
Cô cũng không bao giờ biết, đó chính là một trong những tay súng cừ khôi, kẻ đã găm một viên đạn ngay gần đốt sống của một người phụ nữ, kẻ mà bất cứ lúc nào ở đâu cũng rất lo lắng mỗi khi như vừa nhìn thấy đôi mắt cầu cứu của một em bé…
Hà Nội, 22/9/2013
V.T.X.H.