Như chúng ta biết, Dostoievski không chỉ là một tiểu thuyết gia cự phách, mà còn là một nhà báo và một cây bút nghị luận xuất sắc. Cùng với thư từ hợp thành một nửa không thứ yếu tí nào của di sản của ông, mảng văn chương báo chí – nghị luận này cũng mang rất rõ nét dấu ấn bản ngã của tài năng, trí tuệ, khí chất, khiếu thẩm mĩ Dostoievski.

Đáng chú ý đặc biệt là những bài viết và những phát biểu của ông về mĩ học và văn học – nghệ thuật. Dostoievski suốt đời mơ ước viết một công trình khảo luận dài hơi và có tính hệ thống về những vấn đề này. Cái chết quá sớm đã không cho ông thực hiện ý đồ ấy, nhưng chỉ từ những gì mà ông đã để lại, hậu thế vẫn tiếp thụ được cả một thế giới những tư tưởng và xác tín, những cảm xúc và cảm hứng, hi vọng và lo âu, tiên báo và cảnh báo của một thiên tài về nhiều mặt đã đi trước khá xa thời đại mình .

Bài tiểu luận Ông G-bov với vấn đề nghệ thuật , xuất hiện vào đầu năm 1861 trên tạp chí Vremia (Thời đại) mới ra mắt độc giả, đưa thẳng chúng ta vào một trong những trang đáng ghi nhớ của lịch sử văn học Nga – đó là cuộc đấu tranh tư tưởng rất sôi nổi và dai dẳng về quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, kéo dài từ những năm 50 đến những năm 80 thế kỉ XIX. Cũng giống như ở Việt Nam ta sau này, công luận Nga thời ấy bị xâu xé bởi hai phe đối địch: phe nghệ thuật vị nghệ thuật” và phe nghệ thuật vị nhân sinh. Phe thứ hai có những thủ lĩnh trứ danh, ngay ở ta ai ai cũng biết những Tsernysevski, Dobroliubov, Pisarev, Antonovich, Zaitsev… Về những đại diện ưu tú của phe thứ nhất, chúng ta còn biết ít, vì những lí do lịch sử. Nhưng hơi khác ở ta, trong cuộc bút chiến nảy lửa, với nhiều tiếng nói ồn ào, gắt gỏng và nhiều khi ác khẩu vì hiếu thắng ấy, công chúng mẫn cảm thỉnh thoảng vẫn nghe thấy những khuyên cáo ôn tồn nhưng rắn rỏi và đầy tự tin của một lực lượng thứ ba”.Cái lực lượng không có tổ chức và tuyên ngôn chung này mới thật sự hùng hậu, bởi nó bao gồm một số bậc hiền tài siêu hạng sẽ làm vinh dự không chỉ cho nước Nga, mà còn cho cả loài người. Lev Tolstoi, Dostoievski, cũng như muộn hơn một chút, Vladimir Soloviev và Tsekhov thuộc về cái lực lượng thứ ba ấy. Họ ngay từ đầu đã nhận thấy tính thiếu căn cứ đích đáng của cuộc tranh luận, sự hẹp hòi cục bộ trong lập trường quan điểm của cả hai phe ác chiến, và bằng hoạt động lí luận và đặc biệt bằng thực tiễn sáng tác của mình họ kiên trì khẳng định một lập trường xây dựng triệt để – lập trường vừa vị nghệ thuật vừa vị nhân sinh” trong quan hệ tương hỗ không thể thiếu nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau và làm bệ đỡ cho nhau của chúng. Và lịch sử thế giới nói chung, lịch sử nghệ thuật nói riêng trong một thế kỉ rưỡi qua đã cho thấy: đây mới thực sự là lập trường thông minh sáng suốt, hữu hiệu và hữu lợi lâu bền.

Bằng bài tiểu luận vừa rất sinh động, hóm hỉnh, vừa đầy ắp những dẫn chứng giàu sức thuyết phục của mình, Dostoievski nhắc nhở về mấy chân lí hiển nhiên và muôn đời, nhưng lại hay bị che lấp và lãng quên trong những cơn lốc của nhiều xã hội và quốc gia:

Không có nghệ thuật vị nghệ thuật, mọi nghệ thuật chân chính đều vị nhân sinh”, bởi vì nó gắn bó không thể tách rời với cuộc sống, thể hiện những nhu cầu, khát vọng bản thể của con người. Mọi tác phẩm nghệ thuật thực thụ đều hữu ích, nếu không hôm nay thì mai sau.

Nghệ thuật phục vụ mục tiêu cao cả lại càng phải có tính nghệ thuật cao. Cái xoàng xĩnh, cái bất tài, cái khiên cưỡng, giả tạo chỉ tác hại, chứ không thể làm lợi cho sự nghiệp chính nghĩa.

Không có tự do cảm hứng, tự do sáng tạo thì không có nghệ thuật đích thực, mà chỉ có thể có ngụy nghệ thuật.

Đọc áng văn đã khá xa xưa này, độc giả ngày nay một lần nữa thưởng thức cái tài tiên tri của Dostoievski: chủ nghĩa duy lợi, xem văn học nghệ thuật chỉ như một công cụ đấu tranh xã hội, thời ấy mới manh nha trong đầu óc Tsernysevski, Dobroliubov – những nhà cách mạng không thiếu chất nghệ sĩ đã khiến ông phải lo ngại đến thế, bởi vì ông nhìn thấy trước nó sẽ tác hại ghê gớm thế nào đến cả nghệ thuật lẫn nhân sinh, một khi nó trở thành đường lối chủ trương áp đặt cho cả xã hội và từng văn nghệ sĩ. Nhưng bài viết của Dostoievski không chỉ chứa đựng những cảnh báo và ngăn ngừa. Phần rất quan trọng của nó dành cho sự trình bày, cũng hấp dẫn và sáng rõ, lí tưởng thẩm mĩ, những quan niệm chính diện của nhà đại văn hào Nga về sứ mệnh, tác dụng của văn học nghệ thuật, nghĩa vụ của người cầm bút. Những tư tưởng hết sức lành mạnh, minh triết và quảng đại ấy xứng đáng được mọi người và mọi dân tộc biết đến, nâng niu và phát triển trong cuộc tìm kiếm và dựng xây một nền văn minh mới, thực sự nhân bản, trên hành tinh đã trở thành ngôi nhà chung của cả loài người này.

Đối với những ai quan tâm đến di sản mĩ học của Dostoievski, bài tiểu luận Ông G-bov với vấn đề nghệ thuật có giá trị không gì thay thế được.

Phạm Vĩnh Cư giới thiệu và dịch

*

*           *

Trong số tháng Giêng của tạp chí chúng tôi(1), kết thúc phần mở đầu Loạt bài về văn học Nga(2), chúng tôi hứa sẽ nói về một số hiện tượng và vấn đề của văn học hiện thời. Một trong những vấn đề văn học quan trọng nhất bây giờ, theo chúng tôi, là vấn đề về nghệ thuật. Vấn đề này đang chia rẽ nhiều nhà văn đương thời của chúng ta thành hai phe đối địch. Như vậy là lực lượng của chúng ta bị phân tán. Khỏi phải nói dài dòng về cái hại nằm trong bất kì một sự bất đồng đối địch nào. Song tình hình đã đi đến gần như một sự thù địch.

Phân tích mối thù ấy và những nguyên nhân của nó, cắt nghĩa toàn bộ cuộc tranh cãi và phát biểu ý kiến của mình nhân cuộc tranh cãi ấy sẽ là việc phù hợp với mục đích của tạp chí chúng tôi và cả với những bổn phận mà chúng tôi đã tự nguyện lĩnh nhận trước công chúng độc giả. Nhưng ngay từ đầu chúng tôi xin nói trước: nếu chúng tôi can thiệp vào cuộc tranh luận này thì tuyệt không phải vì có tham vọng làm một trọng tài cuối cùng. Vả lại, chúng tôi cũng không nhớ một trường hợp nào trong những cuộc tranh luận văn chương của chúng ta, khi mà một phe phái nào đó lại tự nguyện, theo xác tín quy phục và đồng tình với phe khác. Mọi cuộc tranh luận văn chương ở ta thường kết thúc bằng việc hoặc nó trở nên lỗi thời, làm cho mọi người và mỗi người chán ngán và tự đình chỉ, hoặc phe này chiến thắng phe kia, buộc phe kia phải im tiếng, nhưng chỉ vì bất lực và kiệt sức, im đi, nhưng không tán thành. Hình như chúng tôi không nhớ đã có những cuộc thỏa hiệp nào chưa. Nếu chúng vẫn đã có, thì hiếm hoi đến nỗi chẳng đáng nhớ.

… Chúng tôi coi vấn đề hiện nay về nghệ thuật là tối quan trọng và vì thế mà, với tư cách một tạp chí mới ra đời, chúng tôi muốn phát biểu cả chủ kiến của mình: chúng tôi hiểu vấn đề ấy thế nào và chú trọng đến sắc thái nào trong việc giải quyết nó. Như vậy chúng tôi sẽ trực tiếp nói lên khuynh hướng của chúng tôi, nhất là vì có người đã yêu cầu chúng tôi làm việc ấy. Nhưng bởi vì chúng tôi không thể trình bày những quan niệm của mình, khi chưa xác định được, vấn đề này trong văn học chúng ta hiện đang dừng lại ở đâu; cho nên, để nhận chân tính thời sự của cuộc tranh luận, chúng tôi sẽ phân tích trước học thuyết của cả hai phe, và bài này được dành để làm việc ấy. Một trong những người phát ngôn chính của một trong những học thuyết ấy chắc chắn là ông G-bov với những bài đăng trên tạp chí Người cùng thời đại (Sovremennik); vì thế mà chúng tôi đặt cho bài viết của chúng tôi đầu đề: Ông G-bov với vấn đề nghệ thuật.

Thêm một nhận xét nữa:

Người ta bảo chúng tôi, và chính chúng tôi gần đây cũng được đọc trong một trong những tạp chí phổ cập nhất của chúng ta, rằng trong văng chương Nga không có phe phái. Chúng tôi cho rằng tạp chí ấy dùng từ “phe phái” theo nghĩa những chia rẽ cá nhân, mà văn chương đích thực thì không thể có quan hệ gì với những chia rẽ ấy. Dĩ nhiên, chúng tôi hết sức muốn tin lời của tạp chí ấy: không có chia rẽ thì càng tốt. Thế nhưng phe phái theo nghĩa những chủ kiến khác nhau thì trong văn học chúng ta có. Chúng ta có những Askotchinski, Tchernokojnikov, G-bov. Ngay cả Kuzma Prutkov (**)   tuyệt diệu cũng có thể được xem là đại diện của một phái hoàn chỉnh và độc đáo. Nói chung mỗi một tạp chí của chúng ta đi theo một khuynh hướng nào đó. Còn những tạp chí hoàn toàn không có màu sắc ở ta thường sống không lâu và chết một cái chết lặng lẽ và yên bình. Tất nhiên, các đảng phái văn chương của ta nói chung có hình thù không rõ ràng, mờ nhạt thế nào ấy. Thật khó lòng chờ đợi ở một số đảng một sự trình bày rạch ròi những tín niệm của họ; một số đảng khác chỉ toàn nói bóng nói gió; những đảng thứ ba phát ngôn cứ như là theo đơn đặt hàng, nói mà không tin điều mình nói; những đảng thứ tư thì đi sâu vào lĩnh vực huyền bí của những câu cú tối mò, những ngôn từ hũ nút – muốn hiểu thế nào thì hiểu. Dĩ nhiên, chẳng thể kết tội một ai về tất cả những cái đó. Nhưng xung quanh vấn đề về nghệ thuật thì một số tạp chí của ta tự bộc lộ khá rõ nét, nhất là trong thời gian gần đây. Giữa họ, Người cùng thời đại chiếm vị trí số một, với loạt bài năm ngoái của ông G-bov.

Sau mấy lời phi lộ như thế, xin được bắt tay vào việc.

Thứ nhất, xin được nói rằng chúng tôi không tuân phục một ý kiến nào trong những ý kiến hiện tồn và xin nói thẳng rằng, theo chủ kiến của chúng tôi, toàn bộ vấn đề hiện đang được đặt ra một cách không đúng do tranh cãi quá nóng nảy; do tình hình đã đi đến hầu như một sự thù địch. Chúng tôi hi vọng sẽ chứng minh được điều đó.

Nhưng ta hãy hình dung thực chất vấn đề: nó là vấn đề gì và cốt lõi của nó ở đâu?

Một số người nói và dạy rằng nghệ thuật phụng sự chính nó như một mục đích tự thân và nó phải tìm ra ở ngay bản chất của mình sự biện chính cho mình. Vì thế mà ngay vấn đề về cái ích lợi của nghệ thuật, theo nghĩa thực thụ của từ ấy, thậm chí không thể tồn tại. Hoạt động sáng tạo – yếu tố cơ bản của mọi nền nghệ thuật – là một thuộc tính vẹn toàn, hữu cơ của bản chất con người và nó có quyền tồn tại và phát triển đơn thuần bởi lẽ vì nó là thuộc tính thiết yếu của tinh thần con người. Nó cũng chính đáng ở con người như là trí khôn, như là những phẩm chất đạo đức của con người và, thậm chí, như là hai tay, hai chân, dạ dày. Nó không thể tách rời khỏi con người và hình thành một chỉnh thể với con người. Tất nhiên, trí khôn là cái rất hữu ích – có thể nói thế này: thật khốn khổ không có trí khôn! Cũng như thế chân tay hữu ích cho con người lắm chứ! Cũng theo nghĩa ấy, nghệ thuật cũng hữu ích cho con người.

Song, như một cái gì đó thuần toàn, hữu cơ, hoạt động sáng tạo phát triển từ bản thân, không tuân phục cái gì cả và đòi hỏi một sự phát triển toàn bộ; cái chính là nó đòi hỏi tự do hoàn toàn cho sự phát triển của nó. Vì thế mà mọi sự o ép, câu thúc, mọi nhiệm vụ từ bên ngoài, mọi mục đích chuyên biệt được đặt ra cho nó đều là không chính đáng và không thông minh. Giả sử hạn chế hoạt động sáng tạo hoặc một số nhu cầu sáng tạo và thẩm mĩ của con người, cấm nó thể hiện – thí dụ, cái gì nhỉ? – thí dụ một số cảm xúc; cấm chỉ tất cả những hoạt động sáng tạo của con người được kích thích bởi một số hiện tượng tự nhiên như mặt trời mọc, bão biển, v.v… thì đấy sẽ là một sự lấn ép lố bịch, nực cười và bất chính tinh thần con người trong hoạt động và phát triển của nó.

Đấy, một phái nói thế – phái bảo vệ tự do của nghệ thuật và quyền bất tuân phục tuyệt đối của nó.

“Dĩ nhiên, tất cả những cái đó sẽ là sự lấn ép lố bịch” – các nhà duy lợi sẽ trả lời (đây là một phái khác, họ dạy rằng nghệ thuật phải phục vụ con người bằng cách đem lại cho nó ích lợi thực tiễn thật sự, trực tiếp, thậm chí thích nghi với hoàn cảnh), “dĩ nhiên, bất kì một sự lấn ép nào tương tự, không có mục đích chính đáng, mà chỉ do tùy thích, sẽ là sự ngu xuẩn man rợ và độc ác. Nhưng chắc các vị cũng đồng ý (họ có thể nói thêm) – thí dụ, đương có cuộc chiến đấu – vị là một trong những chiếc sĩ; nhưng thay vì giúp đỡ các đồng đội chiến đấu vị, một tâm hồn nghệ sĩ, bỗng nhiên thấy thích cái cảnh đánh nhau, thế là vị vứt bỏ vũ khí, rút bút chì và giấy ra và bắt đầu vẽ trận đánh. Hành động của vị có tốt hay không? Dĩ nhiên, vị hoàn toàn có quyền hiến mình cho những cảm hứng của mình; nhưng cái hoạt động nghệ thuật của vị có hợp tình hợp lí hay không trong giờ phút ấy?”

“Tóm lại, – họ kết luận – chúng tôi không bác bỏ lí thuyết của các vị về tự do sáng tạo; nhưng cái tự do ấy chí ít cũng phải hợp tình hợp lí”.

Ông Panaev, mở đầu những hồi kí văn học rất kì thú của mình (Người cùng thời đại, 1861, số 1), nhớ lại rằng vào thời trai trẻ của ông, trong một giới văn sĩ Peterburg thịnh hành một quan niệm cho rằng các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ không được bận tâm với bất cứ cái gì hiện hữu, hiện thời – cả chính trị, cả đời sống nội bộ của xã hội, mà họ là những thành viên của nó, ngay cả những vấn đề tối quan trọng của toàn dân, mà chỉ nên bận tâm với một nghệ thuật cao cả. Quan tâm đến một cái gì khác, ngoại trừ nghệ thuật, tức là làm nhục nó, kéo nó từ cao xuống thấp, thóa mạ nó. Cứ theo học thuyết ấy thì sẽ phải đào bỏ đi ở dưới chân chúng ta toàn bộ đất, mà trên đó tất cả đều đứng và đều sống bởi nó, rồi bay cao, ngày một cao hơn, lên các thiên quyển ở bên trên các vì sao và rồi ở đó, tất nhiên phải bằng cách nào đó hóa thành hơi, thành khí, bởi vì sẽ không còn việc gì để làm nữa. Cái lí thuyết ấy có thể trực tiếp dẫn đến việc là, thí dụ, trong năm 1812, khi mà cả nước Nga chỉ bận bịu với việc bảo vệ tổ quốc, thì chỉ có các nhà văn và nhà thơ lại cho rằng, lẽ ra họ phải tập trung học tập, thí dụ, văn chương cổ điển Hi Lạp. Trong cái nhóm văn nghệ sĩ mà ông Panaev miêu tả, người ta quả là đã làm thế đấy: họ đã không để ý gì đến những vấn đề xã hội. Một trong những thành viên quan trọng nhất của nhóm ấy thời ấy chỉ làm mỗi một việc là viết kịch về cuộc đời của các họa sĩ ý.

Ta lấy thêm một thí dụ nữa.

Cứ cho rằng chúng ta đã chuyển di vào thế kỉ mười tám, vào đúng cái ngày có trận động đất ở Lisbonne. Một nửa dân số Lisbonne tử vong; nhà cửa đổ sập và bị chôn vùi; tài sản tiêu biến; bất cứ ai trong những người sống sót cũng mất một cái gì đó – hoặc của cải hoặc gia đình. Những người dân xô đẩy nhau trên đường phố, tuyệt vọng, kinh hoàng, phát điên vì sợ hãi. Thời ấy có một nhà thơ nổi tiếng sống ở Lisbonne. Sáng hôm sau báo Thủy tinh (Mercure) của Lisbonne vẫn ra số thường kì (thời ấy có rất nhiều báo mang tên “Thủy tinh”). Số báo xuất hiện vào cái giờ phút ấy thậm chí kích thích một sự tò mò nào đó ở những người dân Lisbonne bất hạnh, mặc dù lúc ấy họ chẳng còn bụng dạ nào để nghĩ đến báo chí; song người ta hi vọng số báo mới ra có dụng ý, nhằm cung cấp một số tư liệu, đưa tin về những người đã chết, người mất tích, v.v… Nhưng bất ngờ – ở chỗ trang trọng nhất của tờ báo – đập vào mắt mọi người một cái gì đó na ná như sau đây:

Tiếng thì thào, hơi thở e lẹ

Họa mi lảnh lót

Dải bạc lững lờ

Dòng suối ngái ngủ

ánh đêm, bóng đêm

Những bóng đêm bất tận

Những đổi thay kì diệu

Trên gương mặt thân thương

Màu hồng tía trong mây đục

Hổ phách óng ánh

Và những nụ hôn, những giọt nước mắt

Và bình minh, bình minh!…( 3 )

Nhưng như thế còn chưa đủ: ngay sau đấy, như một lời bạt cho bài thơ, người ta dẫn một quy tắc thơ ca rất nổi tiếng, nó nói rằng ai không có gan đâm đầu từ tầng bốn xuống đất thì người ấy không phải là thi sĩ (vì lẽ gì? – tôi đến nay chưa hiểu; nhưng cái đó nhất thiết cần để trở thành nhà thơ). Tôi không biết những người Lisbonne sẽ tiếp nhận số báo Thủy tinh của họ thế nào, nhưng tôi thiết tưởng rằng họ sẽ lập tức chém đầu trước mặt toàn dân nhà thơ trứ danh của họ, và hoàn toàn không phải vì anh ta đã viết một bài thơ không có một động từ nào, mà bởi vì, thay cho tiếng họa mi lảnh lót, hôm trước từ dưới đất người ta nghe thấy những tiếng gầm rú ghê rợn, và thay vì dòng suối lững lờ, cả thành phố đã chao đảo đến nỗi những người Lisbonne tội nghiệp chẳng còn hứng thú gì ngắm nghía

Màu hồng tía trong mây đục

hay là

hổ phách óng ánh

thậm chí họ còn thấy cái hành động của nhà thơ ngợi ca những chuyện buồn cười như thế vào cái phút bi đát như thế của cuộc đời họ là một việc làm quá xúc phạm và quá thiếu tình bác ái. Đương nhiên, xử tử xong nhà thơ của mình (cũng không bác ái tí nào), tất cả họ dứt khoát sẽ bổ đi tìm một bác sĩ Panglosse ( 4)   nào đó để được nghe một lời khuyên thông minh, và bác sĩ Panglosse sẽ lập tức và không mấy khó khăn thuyết phục được họ rằng việc họ bị đất nuốt chửng là rất tốt, rằng nếu đất đã nuốt chửng họ thì chắc chắn vì một mục đích rất tốt đẹp. Và sẽ không ai xé xác bác sĩ Panglosse ra từng mảnh vì những lời úy lạo như thế; ngược lại, người ta sẽ ban cho ông ấy lương hưu trí và sẽ tôn vinh ông là người bạn của nhân loại. Những chuyện như thế vẫn thường xảy ra trên thế gian.

Xin nhận xét thêm một điều sau đây: ta cứ giả định là những người Lisbonne đã hành quyết nhà thơ mến yêu của họ, nhưng bài thơ đã làm cho họ nổi giận (mặc dù nó chỉ nói về màu hồng tía và màu hổ phách) có thể lại là một tuyệt tác về sự hoàn chỉnh nghệ thuật. Nhưng chưa xong, mặc dù người ta đã xử tử nhà thơ, nhưng độ ba mươi, hoặc năm mươi năm sau, người ta sẽ dựng lên ở quảng trường một tượng đài kỉ niệm ông ta vì những dòng thơ kì diệu của ông nói chung và vì “màu hồng tía trong mây” nói riêng. Té ra, không phải nghệ thuật đã có tội trong cái ngày động đất ở Lisbonne. Cái bài thơ mà vì nó người ta đã chém đầu nhà thơ, như một kì đài hoàn hảo của thơ ca và ngôn từ, sẽ mãi mãi đem lại không ít lợi ích cho những người Lisbonne, kích thích trong họ niềm ngưỡng mộ và cảm quan về cái đẹp và, tựa hồ một giọt sương thơm mát bất tận, sẽ rơi xuống tâm hồn các thế hệ mai sau. Như vậy thì không phải nghệ thuật đã có tội, mà là nhà thơ đã lạm dụng nghệ thuật vào cái giờ phút mà chẳng ai nghĩ đến nghệ thuật. Anh ta đã hát múa bên linh cữu người quá cố… Cái đó, tất nhiên, rất không tốt và quá ngu ngốc về phía anh ta; nhưng có tội lại chỉ là anh ta, chứ không phải nghệ thuật.

Tóm lại, các nhà duy lợi đòi hỏi ở nghệ thuật một ích lợi trực tiếp, tức thì, thiết thực, ứng với hoàn cảnh, tuân phục hoàn cảnh, thậm chí đến mức nếu xã hội trong lúc này đương bận giải quyết vấn đề này chẳng hạn thì nghệ thuật (theo học thuyết của một số nhà duy lợi) cũng không thể đặt ra cho mình một mục đích nào khác, ngoài sự giải quyết cũng vấn đề ấy. Nếu xem quan niệm ấy về ích lợi không phải như một đòi hỏi mà chỉ như một mong muốn thì tất nhiên, theo chúng tôi, nó thậm chí đáng được khen ngợi, mặc dù chúng tôi vẫn biết rằng quan niệm ấy không đúng đắn hoàn toàn. Nếu, chẳng hạn, toàn thể xã hội đương lo lắng giải quyết một vấn đề nội bộ nào đó tối quan trọng, thì dĩ nhiên, sẽ là thú vị mong ước mọi lực lượng xã hội hòa hợp hướng tới mục đích ấy, và cả nghệ thuật cũng thấm nhuần lí tưởng ấy và phục vụ cho lợi ích chung ấy. Ta cứ giả định rằng một xã hội nào đó đương đứng trên bờ của sự diệt vong. Tất cả những ai có ít nhiều trí tuệ, tâm hồn, trái tim, ý chí, tất cả những ai ý thức mình là con người và công dân đều bận tâm với một vấn đề, một sự nghiệp chung. Lẽ nào lúc ấy chỉ các nhà thơ và nhà văn không được phép có trí tuệ, tâm hồn, trái tim, tình yêu đất nước và sự đồng cảm với lợi ích chung? Người ta nói:

Sự phụng sự Thi thần không dung thứ huyên náo ( ***)

Cứ cho là như thế. Song sẽ là tốt hơn, nếu các nhà thơ không thoát li lên không gian vũ trụ và từ đấy cao ngạo nhìn xuống loài người hữu tử; bởi vì mặc dù văn thơ cổ điển Hi Lạp rõ ràng là cái tuyệt hảo, nhưng đôi khi nó vẫn đơn thuần không hợp chỗ, và thay cho nó, sẽ thỏa thích hơn nếu được thấy một cái gì đó phù hợp hơn với nhiệm vụ hiện thời và giúp đỡ cho nhiệm vụ ấy. Mà nghệ thuật có thể trợ giúp nhiều cho một số nhiệm vụ, bởi vì nó mang trong mình những phương tiện rất to lớn và những sức mạnh vĩ đại. Xin nhắc lại: cái đó, tất nhiên, chỉ có thể mong muốn chứ không đòi hỏi, bởi lẽ phần lớn người ta hay đòi hỏi, người ta thích bắt buộc một cách cưỡng bức, mà quy luật đầu tiên trong nghệ thuật là tự do cảm hứng và sáng tạo. Còn tất cả những cái làm theo yêu sách, tất cả những cái gượng ép từ cổ đến kim không bao giờ thành công và thay vì ích lợi chỉ phương hại. Những người bênh vực “nghệ thuật vị nghệ thuật” thực ra bất bình với các nhà duy lợi vì, áp đặt cho nghệ thuật những mục đích xác định, họ bằng cách ấy phá hoại nghệ thuật, xâm phạm tự do của nó, mà phá hoại nghệ thuật một cách vô tâm như thế, họ chứng tỏ không quý trọng nó, thậm chí không hiểu cái ích của nó ở đâu, trong khi điều mà họ trước hết mong mỏi là lợi ích. Cho nên, những người bênh vực nghệ thuật nói, giá mà các nhà duy lợi biết được nghệ thuật hữu ích cho toàn thể loài người đến nhường nào thì họ đã tỏ ra tôn quý nó hơn một chút và đã không cư xử với nó một cách thiếu tôn trọng như thế. Và quả là như thế (họ nói tiếp), nếu chỉ xem xét nghệ thuật từ một giác độ của các vị, tức là từ giác độ của một sự hữu ích, thì dẫu sao vẫn chưa ai biết được một cách tường tận, cái ích ấy của nghệ thuật sẽ biểu hiện như thế nào trong tiến trình lịch sử thông thường của nhân loại. Khó mà đo đếm được toàn bộ khối lượng ích lợi mà cả nhân loại đã và đang nhận được, thí dụ, từIliade hay từ tượng thần Apollon ở Vọng lâu ( 4)   – những thứ thời nay xem ra hoàn toàn vô ích. Giả dụ, một ai đó một lúc nào đó, ở tuổi thanh xuân, khi mà “mọi ấn tượng cuộc đời còn tươi mới” và mạnh mẽ, chỉ một lần được nhìn thấy tượng thần Apollon ở Vọng lâu, thế nhưng thần linh bằng hình ảnh uy nghi và tuyệt diễm vô song đã in dấu không phai mờ vào tâm hồn người thanh niên ấy. Tưởng chừng một chuyện nhỏ nhặt: một ai đó ngắm nghía vài phút pho tượng đẹp rồi đi khỏi. Có điều sự ngắm nghía ấy không giống ngắm nghía trang sức đẹp của phụ nữ. “Bởi lẽ khối cẩm thạch ấy là thánh thần”(5) và dù các vị có phỉ nhổ nó thế nào đi nữa, các vị vẫn không tước bỏ được tính thánh thần của nó. Người ta đã từng thử tước bỏ, nhưng không thành. Cho nên, cái ấn tượng ở chàng trai trẻ thời ấy có thể mãnh liệt như lửa đốt, hay như một cơn bàng hoàng làm lạnh toát da; thậm chí – ai mà biết được – có thể, khi thụ cảm cái đẹp siêu việt đến thế, khi tâm thần bị chấn động đến thế, bên trong con người có thể diễn ra một biến đổi nội tạng nào đó, một sự di chuyển những phân tử nào đó, một dòng điện ganvanic nào đó phát ra, trong phút giây làm cho cái trước đây đã không còn như trước đây, biến cục sắt bình thường thành nam châm. Những ấn tượng trên đời, dĩ nhiên, rất nhiều, song không phải ngẫu nhiên ấn tượng ấy là đặc biệt, ấn tượng về thánh thần. Không phải ngẫu nhiên những ấn tượng như thế còn lại suốt đời. Và ai mà biết được? Giả sử người thanh niên ấy, độ hai mươi, ba mươi năm sau, trong một sự kiện xã hội vĩ đại nào đó, mà ở đấy anh ta là một nhà hoạt động vĩ đại và tiến bộ, đã hành động một cách này, chứ không phải một cách khác, thì có thể trong một loạt nguyên nhân đã khiến anh ta hành xử thế này chứ không thế kia, vô thức đối với anh ta, có cả ấn tượng về thần Apollon ở Vọng lâu mà anh đã được thấy hai mươi năm trước. Các vị cười? Quả thật, tất cả cái đó giống như mê sảng, nhưng, thứ nhất, về những việc như thế các vị vẫn còn hoàn toàn chưa biết gì cả, bất chấp tất cả óc duy thực của các vị. Có thể sau này các vị sẽ được biết (chúng tôi tin vào khoa học) nhưng hiện giờ các vị chưa biết. Và thứ hai, có những dấu hiệu lịch sử, có một số sự việc lịch sử mà căn cứ vào chúng có thể nghĩ rằng những thiết tưởng của chúng tôi không phải là nhảm nhí tuyệt đối. Thí dụ, ai có thể nghĩ rằng Corneille và Racine sẽ phát huy ảnh hưởng đến thế trong những giờ phút kì lạ và quyết định của cuộc sống lịch sử của cả một dân tộc, cứ tưởng (và điều này ban đầu cũng không thể tưởng tượng) những chiếc mũ chụp cũ kĩ như Corneille và Racine còn có thể làm được gì trong những thời đại như thế. Nhưng hóa ra, những linh hồn không chết. Cho nên, nếu đặt trước cho nghệ thuật mục tiêu này mục tiêu kia và quy định trước, nó phải hữu ích thế nào, thì có thể sẽ lâm vào sai lầm khủng khiếp, đến nỗi thay vì ích lợi chỉ có thể chuốc lấy thiệt hại, tức là phản lại chính mình, bởi lẽ các nhà duy lợi theo đuổi cái có lợi, chứ đâu phải cái có hại. Vì nghệ thuật đòi hỏi trước hết một tự do hoàn toàn, mà tự do không tồn tại nếu không có sự yên tĩnh (mọi sự bất an đã không còn là tự do), cho nên nghệ thuật phải hoạt động một cách lặng lẽ, minh mẫn, không nóng vội, không để cho những cái bên ngoài cuốn hút mình, nó phải xem mình là mục đích tự thân và tin tưởng rằng mọi hoạt động của nó sau này sẽ đem lại lợi ích không thể nghi ngờ cho nhân loại.

Đấy, những người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật nói với những đối thủ của họ, các nhà duy lợi, như thế.

Trong tất cả những cái đó, dĩ nhiên, chẳng có gì mới; cuộc tranh luận cũ kĩ lắm, song có cái này là mới: các thủ lĩnh của cả hai đảng nói một đằng, nhưng làm một nẻo, hoàn toàn trái ngược điều mình nói. Tranh luận quá đà, mất minh mẫn. Không nói dài, xin dẫn một thí dụ.

Cái văn chương tố cáo xã hội khiến những người theo nghệ thuật thuần túy phẫn nộ. Một mặt, họ có một số căn cứ: đa số sản phẩm của cái nền văn học này còi cọc đến nỗi có hại nhiều hơn là có ích cho sự nghiệp chung, và nếu từ phía chúng tôi, chúng tôi cũng thừa nhận rằng những lời chỉ trích những sáng tác ấy có phần chính đáng, thì chỉ theo một nghĩa ấy. Nhưng tai vạ ở chỗ những chỉ trích tung ra không chỉ từ một phía ấy và không theo một nghĩa ấy. Sự phẫn nộ đã đi xa hơn: người ta buộc tội cả ông Tchedrine, cha đẻ của văn học tố cáo, mặc dù quan tham vấn cung đình Tchedrine trong nhiều tác phẩm tố cáo của mình tỏ ra là một nghệ sĩ thực thụ. Song cái đó vẫn chưa đủ: toàn bộ các loại hình nghệ thuật tố cáo bị truy kích, cứ như là giữa những văn sĩ tố cáo thậm chí không thể xuất hiện một nghệ sĩ thực thụ nào, một nhà văn, nhà thơ thiên tài nào, mà chuyên môn của anh ta chính sẽ là ở sự tố cáo. Tức là, do thù ghét những đối thủ của mình, những người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật đương hành động chống lại bản thân họ, chống lại những nguyên tắc của chính họ, tự họ tiêu diệt tự do trong lựa chọn cảm hứng. Mà lẽ ra họ phải bênh vực cái tự do ấy.

Về phía mình, các nhà duy lợi, không xâm phạm lộ liễu tính nghệ thuật, đồng thời tuyệt không thừa nhận sự thiết yếu của nó. “Chỉ cần thấy được tư tưởng, chỉ cần thấy được mục đích, mà vì nó tác phẩm được viết ra – thế là đủ rồi; còn tính nghệ thuật là chuyện nhỏ nhặt hạng ba, gần như không cần thiết.” Các nhà duy lợi nghĩ thế. Song, vì những tác phẩm phi nghệ thuật không bao giờ và không bằng cách nào có thể đạt đích, thậm chí chỉ làm hại hơn là làm lợi cho sự nghiệp chung, cho nên không thừa nhận tính nghệ thuật, các nhà duy lợi tự mình tác hại nhiều hơn cả cho sự nghiệp của mình, tức là họ chống lại bản thân họ, bởi lẽ họ tìm kiếm không phải cái có hại, mà cái có lợi.

Người ta sẽ bảo chúng tôi bịa ra tất cả cái đó, những người duy lợi không bao giờ chống lại tính nghệ thuật. Nhưng sự thật thì ngược lại: họ không chỉ chống, mà chúng tôi còn nhận thấy, họ còn đặc biệt thích thú moi móc tác phẩm văn chương này hay tác phẩm kia, nếu ưu điểm chính ở đấy là tính nghệ thuật. Chẳng hạn, họ căm thù Puskin, gọi tất cả các cảm hứng của ông là rởm, là uốn éo, là những trò ảo thuật và những hình điểm trang, còn những thi phẩm của ông là những tiểu phẩm vụn vặt thường thấy ở các anbom. Ngay cả sự xuất hiện của Puskin trong văn học chúng ta họ cũng xem là một cái gì đó không hợp quy luật. Chúng tôi tuyệt không cường điệu. Tất cả những ý ấy được ông G-bov diễn đạt gần như rành mạch trong một số bài phê bình năm ngoái của ông. Điều đã được nhận ra nữa, là ông G-bov bắt đầu phát biểu một cách đặc biệt không thiện cảm về ông Turguénev, cây bút có tài nghệ nhất trong số các nhà văn Nga hiện thời. Còn trong bài viết “Mấy nét về tính cách giới bình dân Nga” (Người cùng thời đại, 1860, số 9), khi phân tích những văn phẩm của Marco Vovtsoc ( ****) , ông G-bov nói gần như thẳng tuột rằng ông xem tính nghệ thuật chẳng là cái gì cả, là con số không, ông bộc lộ quan điểm này bằng cách tỏ ra không hiểu được cần có tính nghệ thuật để làm gì. Khi phân tích một truyện của Marco Vovtsoc ông G-bov thẳng thắn thừa nhận rằng tác giả đã viết truyện ấy không có nghệ thuật, song lập tức sau những lời ấy, ông lại khẳng định rằng tác giả bằng truyện ấy đã hoàn toàn đạt đích, cụ thể là đã hoàn toàn chứng minh rằng một thực tế như thế tồn tại trong giai cấp bình dân Nga. Trong khi ấy thì cái thực tế ấy (nó rất quan trọng) không những không được truyện ấy chứng minh, mà thậm chí có thể hồ nghi toàn bộ nó vì, do người viết thiếu nghệ thuật, cho nên những nhân vật hành động trong truyện được tác giả vẽ ra để minh chứng cho tư tưởng chính của ông, dưới ngòi bút ông đã mất đi mọi ý vị Nga và người đọc sẽ dễ đồng ý gọi họ là những người Scotlen, người ý, người Bắc Mỹ nhiều hơn là những người bình dân Nga. Thế thì làm sao chúng có thể bằng chính mình chứng minh rằng một thực tế như thế có trong giới bình dân Nga, khi mà chính chúng, những nhân vật ấy, không giống người bình dân Nga tí nào? Nhưng ông G-bov không quan tâm gì đến cái đó: miễn là thấy được tư tưởng, mục đích, còn dù những sợi chỉ, những lò so có lộ ra ngoài một cách thô thiển, vẫn không sao. Thế thì cần gì đến nghệ thuật nữa, sau tất cả những cái đó? Và cuối cùng cần gì phải viết nên truyện ấy? Lẽ ra chỉ cần đơn thuần viết rằng một thực tế như thế đấy tồn tại trong giới bình dân Nga – vì nguyên nhân này và nguyên nhân này – có phải sẽ vừa ngắn gọn hơn, vừa rõ ràng hơn, vừa nghiêm chỉnh hơn! “Có thế mà phải nặn ra truyện! Thật là có người vô công rồi nghề!”

Nhân tiện, xin thêm một chú thích nữa. Qua cái gì có thể nhận ra được tính nghệ thuật trong tác phẩm nghệ thuật? Qua việc nếu ta thấy có sự hòa hợp càng đầy đủ càng tốt giữa tư tưởng nghệ thuật với hình thức thể hiện nó. Xin nói rõ hơn: tính nghệ thuật, thí dụ ở người viết tiểu thuyết là năng lực thể hiện tư tưởng của mình qua các nhân vật và các hình tượng của tiểu thuyết rõ ràng đến mức người đọc, đọc xong tiểu thuyết cũng hiểu thấu tư tưởng nhà văn, như chính nhà văn hiểu nó, khi viết tác phẩm của mình. Tức là, nói đơn giản: tính nghệ thuật ở nhà văn là năng lực viết tốt. Do đó, những ai không coi trọng tí nào tính nghệ thuật, những người ấy cho rằng được phép viết không tốt. Và nếu đã đồng ý là được phép, thì từ đấy không xa đến chỗ người ta sẽ nói đơn thuần: cần phải viết không tốt. Và dường như người ta đang nói thế đấy.

Trong bài viết này chúng tôi có ý định theo dõi sự phân tích phê phán những sáng tác của Marco Vovtsoc như ông G-bov đã làm trong số 9 Người cùng thời đại năm ngoái. Chúng tôi làm việc này bởi vì sự phân tích ấy thể hiện đặc biệt rõ nét tính chất của những tín niệm văn chương của ông G-bov, và đồng thời cả quan điểm của ông về nghệ thuật. Mà ông G-bov, như chúng tôi đã nói, là một trong những thủ lĩnh của chủ nghĩa duy lợi. Vì vậy, khảo cứu dù chỉ một phần ông G-bov, chúng ta sẽ hiểu được thêm vấn đề về nghệ thuật đương được đặt ra trong văn học chúng ta như thế nào.

Công chúng độc giả Nga biết rằng Marco Vovtsoc đã viết hai cuốn truyện ngắn về đời sống của dân chúng Tiểu Nga và Đại Nga ( *****). Ông
G-bov chỉ phân tích những truyện về người Đại Nga, đã được dịch ra tiếng Nga. Tất cả các truyện đều được ông phân giải hết sức tỉ mỉ, trên hơn năm tay sách chữ nhỏ. Bài phân tích này đặc biệt kì thú, vì ở đây từ một phía đã sáng rõ ra, ông G-bov hiểu thế nào sứ mệnh và mục đích của văn chương, ông đòi hỏi cái gì ở nó, thừa nhận những thuộc tính, phương tiện, sức mạnh nào của nó, về mặt ảnh hưởng xã hội. Tuy vậy chúng tôi sẽ tự hạn chế ở sự phân giải truyện ngắn thứ nhất; một cái đó đã đủ, để hiểu được những xác tín của ông G-bov. Về bản thân Marco Vovtsoc, chúng tôi trong bài này không có ý định nói tận tường. Chỉ xin phát biểu rằng chúng tôi thừa nhận ở tác giả một trí thông minh lớn và những động cơ tuyệt vời, còn về tài năng văn chương cao cường của ông thì chúng tôi xin được hồ nghi. Chúng tôi đặc biệt lấy làm tiếc rằng phải phát biểu ý kiến ấy không chứng minh. Chúng tôi càng thêm tiếc vì, cứ như là cố ý, buộc phải dừng lại ở ngay truyện ngắn thứ nhất Masa – phải thừa nhận, đây có thể là truyện ngắn yếu nhất của tác giả. Nhưng ông G-bov khi phân tích truyện này đã tự thể hiện rõ nhất chính từ phía mà chúng tôi muốn lưu ý các bạn đọc của chúng tôi.

Đương nhiên, chúng tôi không có ý định phân tích tất cả các tín niệm của ông G-bov, mặc dù G-bov, theo chúng tôi, đáng được phân tích tỉ mỉ. ở nhiều điểm chúng tôi hoàn toàn không tán đồng với ông và là những đối thủ trực diện của ông. Nhưng riêng một điều là ông đã bắt công chúng đọc mình, và từ khi ông cộng tác với Người cùng thời đại thì phần phê bình ở tạp chí ấy thường được rọc trước tiên, trong khi hầu như không ai đọc những bài phê bình – chỉ một cái đó đã minh chứng cho tài viết văn của ông G-bov. Trong tài năng của ông có sức mạnh bắt nguồn từ niềm tin sắt đá. Ông G-bov là nhà chính luận nhiều hơn là nhà phê bình. Cái nguyên lí cơ bản của những tín niệm của ông là đúng đắn và khiến công chúng có cảm tình với ông; nhưng những tư tưởng thể hiện nguyên lí ấy lại hay mang tính nghịch lí và có một nhược điểm quan trọng – tính “phòng giấy”. Ông G-bov là nhà lí luận, thậm chí đôi khi là người mơ mộng và trong nhiều trường hợp ông ít hiểu biết thực tại, với thực tại, ông nhiều khi xử lí khá bất nhã: ông uốn nó về bên này hay bên kia, tùy ý, miễn là để nó chứng minh cho tư tưởng của ông. G-bov viết bằng một ngôn ngữ giản dị, mạch lạc, mặc dù người ta nói về ông rằng ông thường nhai quá lâu từng câu một trước khi bỏ nó vào miệng người đọc. Hình như ông cứ có cảm tưởng rằng người khác không hiểu ông. Song đó còn là một nhược điểm nhỏ. Lối viết sáng rõ, giản dị của ông đáng được chú ý và khen ngợi đặc biệt trong thời buổi này, khi mà ở một số tạp chí người ta coi là một vinh dự đặc biệt viết bằng một văn phong tù mù, nặng nề, cầu kì, có lẽ họ cho rằng tất cả những thứ ấy giúp cho tư duy có chiều sâu…

Ông G-bov thừa nhận rằng những truyện ngắn của Marco Vovtsoc giản dị và chân thực, rằng ở những truyện ấy Marco Vovtsoc xuất hiện như một chiến sĩ khá thiện nghệ trong sự nghiệp của mình và từ những bài kí ấy – mà ở đấy bất cứ ai có quan hệ ít nhiều với nhân dân Nga đều nhận ra những nét quen thuộc – từ những bài kí ấy hiện lên trước chúng ta tính cách của con người bình dân Nga. Xin để ý đến những nhận định ấy của ông G-bov. Từ đó ta thấy rằng ông thừa nhận ở Marco Vovtsoc, ngoài trí thông minh và sự hiểu biết vấn đề, còn cả năng lực trình bày những hiểu biết và quan sát của mình, tóm lại, thừa nhận ở ngòi bút này cả tài viết văn.

Tiếp theo, ông G-bov viết mấy trang tuyệt hảo trình bày những lí thuyết và quan điểm khác nhau tồn tại hiện nay giữa một số quý ông quý bà về giới bình dân Nga. Đoạn văn hay tuyệt này (song chưa phải hay nhất trong bài của G-bov) có thể cung cấp cho những độc giả nào ở ta chưa quen biết tài năng của ông một khái niệm, bằng cái gì, làm thế nào và vì sao nhà văn này bắt công chúng đọc ông ta. Chúng tôi không trích dẫn đoạn văn này (mặc dù rất muốn dẫn nó toàn bộ), bởi vì chúng tôi không bàn về toàn bộ ông G-bov, mà chỉ về quan điểm của ông về nghệ thuật. Những trích dẫn ngoài đề sẽ phá vỡ thể thống nhất của bài viết chúng tôi. Nhưng xin lưu ý đặc biệt tới một đoạn trích sau đây. ở đây, ông G-bov một phần nào đó xem xét Marco Vovtsoc cả như một nghệ sĩ, ông không thừa nhận ở tác giả một tài nghệ rõ rệt, nhưng ngay sau đó lại nói rằng ông nhận thấy ở tác giả một sự hiểu biết rộng lớn về cuộc sống mà tác giả mô tả, chính vì thế mà ông ưa thích những truyện ngắn ấy. Hơn thế nữa, G-bov còn sa đà: vốn là người thông minh, ông đã nhận ra ngay những động cơ, những ám chỉ và ý chỉ của tác giả; thậm chí chỉ dựa vào một vài nét phác thảo rối rắm và rời rạc, ông đã có thể kết luận rằng tác giả nói hoặc muốn nói về cái này và cái này, và cứ thế, hoan hỉ vì tác giả đã nói nên được điều này điều kia, ông tri ân đến nỗi sẵn sàng nhìn thấy ở những truyện ngắn ấy cả sự hiện diện của tinh thần Nga, cả những hình tượng quen thuộc (của những con người bình dân) v.v…, mà cái đó đã là những dấu hiệu của tính nghệ thuật, cái mà chính ông không thừa nhận ở tác giả. Cái chính là dù thiếu tính nghệ thuật, ông G-bov vẫn hài lòng, miễn là người ta nói ra sự thật. Cái nguyện vọng ấy tất nhiên đáng khen, nhưng sẽ là thích thú hơn nếu cả về sự thật người ta cũng nói một cách hấp dẫn, chứ không chối tai.

Nhưng đây, cái đoạn ấy trong bài của ông:

Trước hết, phải nhận xét rằng những tính cách ấy không được tái tạo với đầy đủ tài nghệ mà mới chỉ được phác thảo trong những mẩu truyện rất ngắn của Marco Vovtsoc. Chúng ta không thể tìm thấy nơi ông những bức tranh hoành tráng về cuộc sống của nhân dân ta – cái đó sẽ là quá nhiều. Những bức tranh hoành tráng như thế chỉ có thể chờ đợi trong tương lai, còn giờ đây thì chưa thể nghĩ đến chúng. ý thức nhân dân ở ta còn xa mới đạt tới thời kì, khi mà nó phải thể hiện toàn bộ mình trong thơ văn; còn các văn sĩ thuộc tầng lớp có học thì đến tận giờ hầu hết vẫn chỉ quan hệ với nhân dân như với một thứ đồ chơi kì thú, chứ hoàn toàn không nghĩ phải nhìn nhận nhân dân một cách nghiêm túc. ý thức về giá trị của nhân dân mới chỉ manh nha ở ta, song bên cạnh cái ý thức còn mơ hồ ấy giờ đây đã xuất hiện những quan sát nghiêm túc, chân thật và đầy cảm tình về đời sống và tính cách nhân dân. Trong số những quan sát ấy, vị trí danh dự có thể nói bậc nhất thuộc về những bài kí của Marco Vovtsoc. ở đấy, nhiều chỗ còn rời rạc, nói chưa hết ý, đôi khi sự việc được chọn ngẫu nhiên, cục bộ, kể mà không giải thích những nguyên nhân bên ngoài và bên trong, không liên hệ một cách tất yếu với thể chế phổ biến của cuộc sống. Nhưng, xin nhắc lại, hiện nay chưa thể đòi hỏi tính hoàn chỉnh nghiêm ngặt và tính toàn diện ở những truyện ngắn của chúng ta về đời sống nông dân, nó còn chưa bộc lộ cho ta nhìn thấy nó một cách thật đầy đủ, mà ngay cả cái đã bộc lộ, chúng ta cũng không phải luôn luôn biết hoặc luôn luôn có thể diễn đạt tốt. Với chúng ta, đã là đủ một khi trong những truyện ngắn của Marco Vovtsoc ta nhận thấy lòng mong muốn và năng lực lắng nghe đời sống nhân dân: ta cảm thấy ở đó sự hiện diện của tinh thần Nga, bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, nhận ra cái lôgic, những cảm xúc mà chúng ta xưa kia, một lúc nào đó đã tự nhận thấy, nhưng bỏ qua không để ý. Đấy, bởi cái đó mà chúng tôi quý giá những truyện ngắn ấy, vì thế mà chúng tôi đánh giá cao đến thế tác giả của chúng. ở ông, chúng tôi trông thấy một sự quan tâm sâu sắc và sự cảm thông sống động, ở ông chúng tôi tìm thấy một sự hiểu biết rộng lớn về cái cuộc sống, mà nhiều quý vị trong số những nhà kinh tế học, Slavơ-học, luật học, tiểu thuyết gia… có học vấn nhất của chúng ta còn nhìn nhận một cách hời hợt đến thế và hiểu một cách hẹp hòi và nghèo nàn đến thế.

Và bây giờ, sau trích dẫn này, chúng ta chuyển sang chính cái phần ông G-bov phân tích truyện ngắn thứ nhất của Marco Vovtsoc Masa. Chúng tôi xin phép bạn đọc dẫn gần như toàn bộ đoạn phân tích ấy. Chúng tôi muốn bạn đọc tự làm quen với truyện ngắn này, mặc dù nó được kể lại và được trích dẫn bởi chính ông G-bov – một người cùng hội cùng thuyền, người yêu mến và bênh vực tài năng của Marco Vovtsoc.

… Một bà già nông dân nuôi hai đứa cháu mồ côi: cháu trai tên là Phêđia và cháu gái tên là Masa. Phêđia chẳng khác gì những cậu bé khác: vui tươi, hiền hòa, ngoan ngoãn; nhưng Masa thì từ nhỏ đã bộc lộ một cá tính khá đặc biệt. Cô bé không bao giờ chịu nghe những mệnh lệnh, sai khiến của người lớn, mà không đòi giải thích cho cô vì sao và để làm gì; cô lắng nghe và quan sát tất cả và rất sớm để lộ thiên hướng có ý kiến riêng của mình về tất cả. Giả sử cô bé sống với người bố hay người mẹ nghiêm khắc, thì tất nhiên tính gàn dở ấy của cô đã bị nghiêm trị tức thì, như ở ta vẫn thường đối xử với hàng trăm hàng ngàn cô cậu bé từ nhỏ đã bộc lộ một sự ham hiểu biết quá mức và một đòi hỏi hoạt động trước quá sớm. Nhưng may hay không may cho Masa, bà bác của cô lại là một người đàn bà chất phác, đôn hậu, rất chiều cháu gái và nhiều lần tỏ ra thẹn thùng, khi không trả lời được những câu hỏi của cô cháu hay không thắng lí được cô ta. Và cứ thế, Masa dần dần tin rằng cô ta có quyền suy nghĩ, chất vấn và phản đối.

… Rồi chẳng bao lâu đến ngày Masa đem ra áp dụng vào thực tiễn lối suy nghĩ của cô. Bà địa chủ nhớ đến Masa và lệnh cho thôn trưởng sai cô ta vào vườn chủ làm việc. Masa khăng khăng: Cháu không đi”. Bà bác thấy thương cô bé và nói với thôn trưởng rằng Masa ốm. Thế là cô bé nghĩ ra cớ thoái thác: hễ phải đi làm việc cho chủ là cô cáo ốm. Bà chủ đòi cô ta đến gặp, tra hỏi: Đau cái gì?” – “Đau tất cả” – Masa trả lời. Bà chủ mắng mỏ, dọa nạt một lúc rồi đuổi cô về. Lần sau diễn lại y như thế.

Dù người anh có khuyên dỗ, bà bác có van xin Masa thế nào đi nữa – chẳng có tác dụng gì. Masa không những không chịu làm việc, mà còn luôn luôn làm ra vẻ y như cô hoàn toàn có quyền xử sự như thế và phải xử sự như thế… Lòng thù ghét lao động ở Masa ngày càng trở nên gay gắt, phát triển thành một thứ chủ nghĩa anh hùng vô thức, mất trí. Một hôm người anh trách móc cô lấy cớ ốm đau để khỏi làm việc, thế nhưng hễ có cuộc nhảy múa hay thi đấu nào, thì cô lại trổ tài trước cả làng. Lẽ nào, – người anh nói – em tưởng rằng cái đó không đến tai bà chủ? Thật không tốt, em làm cả nhà ta bị bà ấy ghét lây”. Từ đấy, Masa không ra ngoài đường nữa. Từ cửa sổ, cô rầu rĩ nhìn các bạn gái vui chơi, nước mắt chảy dòng dòng, nhưng cô không chịu ra khỏi nhà.

Dần dà Masa lớn lên, đến tuổi dậy thì trở thành một cô gái xinh đẹp. Bà bác bắt đầu mon men nói với cô về cuộc sống có gia đình và hạnh phúc có chồng. Nhưng cả những chuyện ấy Masa cũng không thích nghe. Lấy chồng làm gì, – cô nói – làm gì có hạnh phúc! Bà bác dỗ dành rằng ở đời không chỉ có đau khổ, mà có cả hạnh phúc nữa. Có đấy, nhưng không phải cho chúng ta” – Masa trả lời. Nghe những lời như thế, cả Phêđia cũng bắt đầu nghĩ ngợi. Nhưng Phêđia làm gì có thì giờ để suy tư: chàng còn phải lao dịch cho chủ. Còn Masa thì cứ ngoan cố chối từ mọi công việc. Mọi người trong làng bắt đầu ngạc nhiên và bất bình bởi sự nhàn tản của Masa, còn bà điền chủ thì nổi giận ra lệnh dẫn cho bằng được Masa đến gặp bà ta. Người ta dẫn Masa đến. Bà chủ xông đến cô, mắng mỏ, giúi liềm vào tay cô: Cắt hết cỏ trong vườn hoa cho tao!” Và bà đứng như chôn chân bên cạnh cô. Cắt đi!”. Masa vung tay – vừa cứa lưỡi liềm vào chính cánh tay mình. Máu tóe ra, bà chủ phát khiếp.Dẫn nó về nhà ngay, khăn đây – băng tay lại!” Sự cố đến đấy là kết thúc; Masa thậm chí không đánh giá được lòng tốt của bà chủ: vừa về đến nhà, cô giật phăng chiếc khăn của bà khỏi tay và vứt ra xa…

Việc Masa ngang ngược chống lại mọi lao dịch, nỗi buồn sầu và những câu hỏi kì lạ của cô ảnh hưởng không tốt đến anh cô. Cậu ta cũng phát buồn, không chịu đi làm. Bà bác thấy phải lấy vợ cho cậu và nói chuyện với cậu về các cô gái đến thì. Nếu cháu không ưa các cô trong làng ta, bà nói, thì sang bên Dernovka, bên ấy có nhiều cô gái tốt” – “Bên Dernovka toàn những người tự do” – Masa nói xen vào. Tự do thì đã sao? – bà bác cố khuyên bảo Gái tự do chẳng vẫn lấy trai nông nô đó sao? Miễn là người ta ưa thích mình”. Cháu mà là người tự do, Masa nói, toàn thân run rẩy thì cháu thà lên đoạn đầu đài. Phêđia rất phiền lòng về ý kiến ấy của em gái. Em xúc phạm những người nông nô quá đấy, Masa ạ cậu nói, mặt biến sắc họ cũng là người của Chúa chứ, chỉ tội xấu số”. Nói xong buồn bã bỏ đi.

Cứ thế cái gia đình tội nghiệp ấy sống, đau khổ bởi những câu hỏi không đúng chỗ và những yêu sách ngày càng quá quắt của cô bé. Với một địa chủ độc ác, với một anh quản trị bẳn tính thì sự ngang bướng như thế dĩ nhiên sẽ kết thúc rất tồi tệ. Nhưng truyện ngắn vẽ tả cho ta một nữ điền chủ đôn hậu, nhân từ, thậm chí có thiên hướng tự do chủ nghĩa. Bà ta quyết định cho phép những người nông nô của bà chuộc hồi tự do. Có thể hình dung được tin ấy tác động đến Masa và Phêđia thế nào. Nhưng chúng tôi không kìm lòng được và phải dẫn ra dưới đây hai chương ngắn tạo nên cái kết của truyện ngắn của Marco Vovtsoc.

Phêđia ngày càng ủ dột, rầu rĩ, còn Masa thì gầy rộc đi, ốm liệt giường. Một hôm tôi ngồi bên cạnh nó (bà bác kể) nó chìm đắm trong suy nghĩ. Bỗng nhiên Phêđia bước vào, hoạt bát, phấn chấn.

Masa, Phêđia nói em định chết đấy à, em còn trẻ lắm, chết sao được!

Vừa nói vừa cười. Masa chỉ im lặng.

Tỉnh dậy đi cô em, nghe đây: anh mang về cho em một tin.

Cầu Chúa che chở cho anh và cái tin của anh con bé trả lời Anh cứ đi chơi vui đi, để em được yên tĩnh.

Tin gì, Phêđia? Nói đi tôi hỏi.

Bác gái yêu quý, hãy nghe đây! Phêđia ôm chặt lấy tôi và hôn tôi Tỉnh dậy đi Masa! Nó nắm lấy tay Masa và nâng con bé lên Bà chủ đã báo cho chúng ta: ai muốn được tự do hãy nộp tiền chuộc…

Masa lập tức thét lên, gieo mình xuống chân anh! Nó hôn chân anh nó, nước mắt đầm đìa, toàn thân run rẩy, giọng hổn hển: Chuộc em ra, anh thân yêu, chuộc em ra! Chúa sẽ ban phước lành cho anh! Anh yêu quý, chuộc em ra! Lạy Chúa, hãy giúp đỡ chúng con, hãy giúp đỡ!…” Phêđia cũng khóc sướt mướt, còn tôi thì tim đập thình thình tôi cứ đứng im nhìn chúng nó.

Khoan đã, Masa Phêđia nói cho anh hoàn hồn đã nào! Phải bàn bạc, phải cân nhắc thật kĩ.

Không cần, Phêđia! Hãy chuộc ra thật nhanh đi, thật nhanh, anh yêu của em!

Có khó khăn đấy, Masa ạ tôi nói xen vào cháu thử tính xem, sẽ phải bán hết mọi thứ. Ta sẽ lấy gì mà ăn?

Cháu sẽ làm việc… Anh ơi, em sẽ làm việc không biết mệt mỏi. Em sẽ cầu xin mọi người, sẽ vay được tiền… Em thà chịu nợ nặng lãi, cái gì cũng được, miễn là anh chuộc em ra! Anh thân yêu, chuộc em ra! Bởi vì em đã nẫu hết ruột gan rồi! Em chưa có được một ngày nào vui tươi, một giấc ngủ nào yên tĩnh! Anh hãy thương lấy tuổi xuân của em! Em đâu có sống em chết mòn… Chuộc em ra, chuộc em ra! Đi đi anh, đi đến bà ấy…

Nó mặc áo cho anh nó, giục giã, van xin nức nở… Tôi không nhớ nó đẩy anh nó ra khỏi nhà thế nào… Nó cứ đi đi lại lại trong nhà, vật vã khóc than… Cả tim tôi cũng xốn xang, y như thời trẻ, một cuộc đổi đời đương đến! Tôi thấy thật khó hiểu, càng thật khó trấn tĩnh…

Chúng tôi chờ Phêđia, nóng lòng nóng ruột. Vừa thấy anh, Masa đã khóc òa lên, nhưng Phêđia kêu cho chúng tôi từ xa: Đội ơn Chúa!” Masa ngã sấp xuống chiếc ghế dài và cứ thế mà nức nở… Chúng tôi dỗ dành nó. Cứ để cháu khóc Masa nói đừng cản ngăn cháu: cháu sung sướng, cháu thích thú, cứ như cháu sinh ra lần thứ hai để được thấy thế giới của Chúa. Còn bây giờ cho cháu việc làm đi. Cháu khỏe rồi… Cháu khỏe lắm; giá bác biết cháu khỏe thế nào!…

Thế là chúng tôi đã chuộc hồi. Ngôi nhà và tất cả đều phải bán đi… Tôi thấy xót xa phải rời bỏ tất cả, và Phêđia cũng buồn: bao năm trồng cấy, vun xới bây giờ vĩnh biệt tất cả! Chỉ có Masa là tươi vui, phấn khởi không rơi đến một giọt nước mắt! Ngược lại, nó cứ như vừa được tắm nước thần mắt sáng lung linh, má đỏ hồng; từng gân tưởng chừng rung lên vì vui sướng… Nó làm việc hăng say, hối hả… Nghỉ đi, Masa!” Nghỉ à? Nhưng cháu muốn làm việc!”  và cười giòn. Bấy giờ tôi mới biết nó có tiếng cười giòn giã thế nào! Xưa kia Masa mang tiếng biếng nhác, bây giờ người ta gọi nó là tay nữ công số một, người lao động số một! Và các chàng trai đua nhau đến chúng tôi cầu hôn… Bà điền chủ thì bực tức trời ơi! Hàng xóm láng giềng chê cười:Một con hầu ngu dốt đã bịt mắt bà! Nó cố tình giả vờ ốm… Không biết chừng, bà đã thả nó ra không lấy tiền!” Bà chủ quả không quý Masa tí nào.

Chúng tôi rời làng lên tỉnh, tạm ở một cái nhà cũ nát và bắt đầu lao động. Chúa đã phù trợ chúng tôi, và chúng tôi đã làm được nhà mới. Phêđia đã lấy vợ. Masa cũng lấy chồng… Mẹ chồng quý nó như vàng như ngọc: Nó an ủi tôi như con đẻ, mà vui tính làm sao! siêng năng làm sao! Từ ngày ấy, chưa hề ốm đau.

Ông G-bov viết mấy lời phi lộ cho truyện ngắn thứ nhất ấy. Ông tuyên cáo rằng truyện ngắn này xuất hiện sẽ làm kinh hoàng những ai còn tin vào tính bất khả xâm phạm của chế độ nông nô, rằng “truyện ngắn kể về sự phát triển tự nhiên và không gì cưỡng nổi ở một cô gái nhà quê một niềm yêu thích tự chủ và ghê tởm ách nô lệ”. Chúng tôi thấy hơi kì phải nghe thấy về nỗi kinh hoàng của những ai đó còn tin vào tính bất khả xâm phạm của chế độ nông nô, v.v… Chúng tôi không hiểu, ông G-bov nói cụ thể về những ai và ông đã thấy nhiều người như thế chưa? Mặc dù nhận xét này của chúng tôi không liên quan trực tiếp tới vấn đề văn học, mà bài viết của chúng tôi bàn đến, nhưng chúng tôi cũng không kìm lòng được và đã đặt câu hỏi ấy ra. Bất cứ ai ít nhiều hiểu biết thực tại Nga chắc đều nhất trí rằng ở ta tất cả mọi người, có thể khẳng định tất cả, từ văn minh chưa văn minh, từ có học lẫn thất học, có thể chỉ trừ một số trường hợp hãn hữu, đã biết từ lâu và biết rất tốt về cái trình độ phát triển tinh thần mà tác giả nói tới. Thậm chí chúng tôi dám nói về cái hài ẩn náu bên trong giả thiết rằng một truyện ngắn cỏn con có thể làm chấn động một số người đông đảo đến thế, hơn nữa, còn khiến họ phải kinh hoàng. “Họ được nghe kể về một trường hợp,  ông G-bov nói – chứng minh rằng, ngay trong tầng lớp dân cày lòng yêu thích lao động tự do và cuộc sống độc lập cũng là một điều tự nhiên và sự phát triển tình cảm này thậm chí không cần văn học giúp đỡ. Đấy, có người kể cho họ một câu chuyện giản dị đến thế đấy”.

Kể về những trường hợp như thế, và kể một cách tài tình, tinh khôn, hiểu biết sự việc  bao giờ cũng là bổ ích, mặc dù về những trường hợp như thế tất cả chúng ta đã biết từ lâu. Cái tài của người viết là làm sao gây được ấn tượng. Có thể hiểu biết hiện tượng, chính mắt mình trông thấy nó hàng trăm lần mà vẫn không thu nhận được một ấn tượng như là giả sử có người nào khác, đặc biệt, đứng bên cạnh ta và chỉ cho ta cũng hiện tượng ấy, nhưng bằng cách của anh ta, giải thích cho ta bằng những lời của anh ta và khiến ta nhìn hiện tượng bằng con mắt của anh ta. Một tài năng thực thụ có thể được kiểm chứng bằng ảnh hưởng tương tự. Nhưng nếu kể chuyện về lòng yêu thích lao động tự do và kể chỉ để chứng minh rằng cái đó có, thì sẽ chẳng khác nào một ai đó sẽ bắt đầu chứng minh rằng con người cần được ăn được uống. Bây giờ xin đề nghị bạn đọc để ý tới chính truyện ngắn ấy, đến cái câu chuyện giản dị ấy, như ông G-bov diễn đạt. Xin các bạn cho biết: đã bao giờ các bạn đọc một cái gì đó hư tạo hơn, dị thường hơn, vô nghĩa hơn truyện ngắn này? Những con người ấy là ai vậy? Và cuối cùng, đây có phải người hay không? Chuyện này xảy ra ở đâu: ở Thụy Điển, ở ấn Độ, ở quần đảo Sandwich, ở Scôtlen, hay trên mặt Trăng? Ban đầu người ta nói năng và hành động hình như ở Nga: nhân vật nữ là một cô gái nhà quê, có bà bác, có bà địa chủ, có anh trai tên là Phêđia. Nhưng sao lại thế này? Nhân vật nữ ấy, cô Masa ấy  cứ như một Christophe Colomb, mà người ta không để cho phát hiện ra châu Mỹ. Toàn bộ cuộc sống, toàn bộ thực tại bị đào đi từ dưới chân các bạn. Sự không ưa thích thân phận nông nô, tất nhiên, có thể phát triển cao ngay ở một cô thôn nữ, nhưng lẽ nào nó lại biểu hiện như thế? Bởi thế đây là một nhân vật kịch hài hay là một đoạn văn sặc mùi sách vở, chứ đâu phải một người phụ nữ! Tất cả cái đó giả tạo, hư ảo, kiểu cách đến nỗi ở một vài chỗ (đặc biệt khi Masa gieo mình ôm chân anh và thốt: “Hãy chuộc em ra!”) chúng tôi đã không thể nhịn được và đã phá lên cười một cách hết sức vui vẻ. Nhưng cái đoạn ấy trong truyện lẽ nào phải gây một ấn tượng như thế cho chúng ta? Các vị có thể nói rằng cần phải nể trọng một số tình huống và vì tư tưởng mà châm chước cho sự diễn đạt không tài tình lắm. Chúng tôi nhất trí và xin bảo đảm với các vị rằng chúng tôi không nhạo cười những chuyện thiêng liêng, song chính các vị chắc cũng đồng ý với chúng tôi rằng không có một tư tưởng nào, một thực tại nào mà lại không thể dung tục hóa và biến thành trò cười. Có thể kìm nén lâu, nhưng cuối cùng ta sẽ phá lên cười, không giữ nổi. Bây giờ cứ giả định rằng tất cả những người bênh vực hoàn cảnh hiện thời của nông dân đều quả thật, như ông G-bov khẳng định, không tin rằng người nông dân mong muốn được tự do. Thế thì một truyện ngắn như thế này có thuyết phục được một ai trong số họ rằng họ sai lầm hay không? “Không, cái đó không thật!”  họ sẽ thốt lên… Nhưng ta hãy nghe chính ông G-bov.

Hoang đường! Không tưởng! Ước mơ về thế kỉ hoàng kim! đọc xong câu chuyện này, các quý vị có đầu óc thực tiễn, có quan điểm nhân đạo, nhưng cảm tình ngấm ngầm với những quan hệ nông nô, sẽ thét lên, ở đâu có thể thấy được trong một tâm hồn mugích chất phác một sự phát triển đến thế ý thức cá nhân? Giả sử một lúc nào đó có đi nữa một cái gì đó tương tự, thì đó là trường hợp ngoại biệt, nảy sinh từ những hoàn cảnh đặc biệt… Câu chuyện về Masa tuyệt không phải là một bức tranh về đời sống Nga; đó chỉ là một hư cấu viển vông. Tác giả đã chọn không phải một phụ nữ thông thường, điển hình, mà một hiện tượng ngoại biệt, vì thế mà truyện ngắn của anh ta giả dối và không có phẩm chất nghệ thuật. Yêu cầu của tính nghệ thuật là ở chỗ phải thể hiện… ” v.v… và v.v…

Đến đây, các diễn giả khả kính sẽ đua nhau lập luận về tính nghệ thuật và ai cũng sẽ thấy tuyệt đối hài lòng với mình.

Nhưng những người không có lợi ích riêng trong việc này sẽ không hề phản bác tính tự nhiên của sự việc, như nó được kể trong Masa. Ngược lại, câu chuyện ấy sẽ hoàn toàn hợp lí đối với bất cứ ai quen biết cuộc sống của nông dân. Quả thật, lẽ nào có thể bác bỏ ở người nông dân cái mà chúng ta coi là thuộc tính tất yếu của trí tuệ con người, ở từng con người? Cái đó rõ ràng sẽ là quá đáng…

Cứ để cho tác giả khả kính của chúng ta lập luận để chứng minh rằng người nông dân có thể có nhu cầu tự lập và ý thức được rằng tự do tốt hơn nô lệ (điều này tuyệt không ai hồ nghi), cứ để ông trổ hết tài hùng biện phi thường của mình cốt sao chứng minh điều đó, y như cần phải chứng minh cho ai đó rằng người nông dân cũng biết suy nghĩ; và cứ để ông, trong trạng thái say sưa, giải thích cho ta rằng hiện tượng Masa là hoàn toàn hợp chuẩn trên căn cứ là một con người như cô cũng biết nhận xét, suy nghĩ, mơ ước, cảm nhận và cuối cùng ý thức được tình cảnh của mình. Tất cả cái đó đúng cả, ông G-bov ạ, không cần tài hùng biện của ông chúng tôi cũng tin lời ông rằng tất cả cái đó là đúng, bởi vì bản thân chúng tôi đã biết từ lâu rằng tất cả cái đó là đúng. Đúng thế, một cô gái nhà quê cũng biết suy luận, ức đoán, thậm chí tự ý thức, thậm chí cảm thấy ghê tởm, v.v… và v.v… Nhưng lẽ nào tất cả cái đó phải biểu hiện, như đã biểu hiện trong truyện? Chẳng phải mọi thứ trong truyện đã được mô tả một cách làm cho cái có thể có trở nên cái không thể có, mọi việc đã diễn ra như là ở quần đảo Sandwich nào đó, chứ không phải ở Nga? Ông nói:

Đúng, chúng tôi thấy rằng truyện Masa không nói về một trường hợp ngoại biệt nào hết, như các nhà điền chủ và các nhà phê bình văn nghệ nghĩ. Ngược lại, trong nhân cách Masa đã được thâu tóm và thể hiện một chí hướng chung cho toàn bộ quần chúng nhân dân Nga. Và nếu nhu cầu khôi phục tính độc lập của nhân cách con người vẫn tồn tại thì trong mọi trường hợp nó sẽ biểu hiện bằng những thực tế của đời sống nhân dân”.

Xin phép ông G-bov. Nếu chúng tôi dám trích dẫn dài đến thế bài phê bình của ông thì tuyệt không phải để nói về Marco Vovtsoc và những vấn đề mà ông ta đề cập đến trong những truyện ngắn của mình. Chúng tôi đã nhận xét ngay từ đầu bài viết của chúng tôi rằng không ở đâu ông G-bov, thủ lĩnh của chủ nghĩa duy lợi trong nghệ thuật, thể hiện rõ ràng hơn những tư tưởng của ông về nghệ thuật, như là trong bài phân tích này. Thiết nghĩ chúng tôi đã đạt đích, mà vì nó chúng tôi đã phải trích dẫn dài dòng đến thế. Chúng tôi muốn cho thấy rằng các nhà duy lợi, xem thường nghệ thuật và tính nghệ thuật và không dành cho chúng vị trí hàng đầu trong sự nghiệp văn chương, trong thực tế trực tiếp chống lại lợi ích của chính họ. Hơn thế nữa: các vị phương hại sự nghiệp mà các vị phụng sự, và chúng tôi sẽ chứng minh cho các vị điều ấy.

Các vị hãy trông: các vị khẳng định rằng thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật làm cho con người không hiểu nổi sự tất yếu của khuynh hướng thiết thực trong văn chương, các vị nói thẳng điều đó với các nhà phê bình văn nghệ. Hơn thế nữa: chế nhạo các nghệ sĩ mà các vị đặt ngang hàng hết thảy (xin lưu ý: hết thảy) với những chủ đồn điền, các vị đặt mình vào vị trí họ, thốt lên sau khi đọc truyện ngắn Masa: “Hoang đường! Không tưởng! Ước mơ về thế kỉ hoàng kim!  ở đâu có thể thấy được trong một tâm hồn mugích chất phác có thể có một sự phát triển đến thế ý thức cá nhân?” Xin trả lời: trong tâm hồn mugích chất phác đã phát triển không chỉ những cái đó, và không phải một cách ngoại lệ, mà hầu như phổ biến, tất cả cái đó chúng tôi biết và chúng tôi tin là có. Nhưng chúng tôi còn thấy một điều nữa: chính các vị cũng cảm thấy hết tính lố bịch của cách mô tả sự việc như trong truyện ngắn của Marco Vovtsoc, nếu không thì các vị đã không khăng khăng bênh vực truyện ấy, chế nhạo các nghệ sĩ mà các vị mắng mỏ gọi là các điền chủ. Bây giờ mong các vị hãy nghe chúng tôi  không phải những khuyến dụ hay những phán quyết của chúng tôi, mà chỉ chỉ đơn thuần những suy nghĩ trong trường hợp này. Chúng tôi không có vinh dự tham gia cuộc tranh luận lâu đời về nghệ thuật, chưa bao giờ thuộc về một đảng phái văn chương nào, chúng tôi từ ngoài trời vào và là những con người mới mẻ, ít nhất không thiên vị. Vậy các vị hãy vui lòng nghe:

Thứ nhất, trước hết xin bảo đảm với các vị rằng mặc dù chúng tôi yêu tính nghệ thuật và yêu nghệ thuật thuần túy, chính chúng tôi cũng khao khát, mong đợi một khuynh hướng tốt lành và đánh giá nó cao. Vì thế mà hãy hiểu cái tinh thần chủ yếu ở chúng tôi: chúng tôi chỉ trích Marco Vovtsoc tuyệt không phải vì ông ta viết có khuynh hướng; ngược lại, chúng tôi quá ngợi khen ông ta về cái đó và sẵn sàng vui sướng vì hoạt động của ông. Nhưng chúng tôi chỉ trích tác giả những truyện ngắn về nhân dân vì ông đã không biết làm tốt công việc của mình, đã làm tồi và bằng cách ấy đã phương hại, chứ không phải đem lại ích lợi cho sự nghiệp. Các vị hãy hiểu đúng chúng tôi  chúng tôi không muốn bị hiểu sai và bị vu khống. Bản thân các vị mừng vui vì cái gì ở những truyện ngắn ấy? Vì thấy ở đấy có những ý nghĩ thiết thực, có trí tuệ, cách nhìn chân thật sự việc? Có phải thế không? Nhưng chỉ cần giả định rằng ý nghĩ của các vị là đúng, tức là những kẻ muốn duy trì cuộc sống dân cày hiện thời, như các vị nói, không tin rằng người mugích muốn được tự do, thì xin nhắc lại: chẳng lẽ các vị sẽ thuyết phục được họ bằng truyện ngắn này? Các vị tuyên bố rằng truyện ngắn này “bay vào tận hang ổ cuối cùng của họ”, tức là các vị tin vào tính hữu ích của nó. Trong khi ấy thì các đối thủ của các vị sẽ trả lời các vị thẳng thừng: “Các vị khẳng định đây là chuyện xảy ra khắp nơi và nổi xung lên để chứng minh điều đó; nhưng thực ra, chuyện được kể lại một cách khiến chúng tôi thấy rõ mồn một tính ngoại biệt hầu như không thể có, mấp mé với lố bịch của nó. Nếu chính các vị, để minh chứng tư tưởng của mình, đã không tìm ra được phương cách diễn đạt nào theo tinh thần Nga và bằng những con người Nga, thì hãy đồng ý, có thể được phép kết luận rằng ngay những sự việc như thế cũng không có trong tinh thần Nga và không thể có trong hiện thực Nga”. Đấy, người ta sẽ trả lời các vị như thế, tức là, thay vì một ấn tượng nghiêm túc, có lợi, truyện ngắn này sẽ chỉ làm cho mọi người cười và nhớ lại truyện ngụ ngôn Con gấu và ẩn sĩ trong sa mạc. “Các vị thậm chí đã không thể tưởng tượng ra được một con người Nga mang tư tưởng của các vị!  những đối thủ của các vị sẽ nói thêm,  khi cần chỉ ra, tư tưởng của các vị được thực thi như thế nào trong thực tế, trong đời sống, thì con người Nga đã trượt khỏi tay các vị. Các vị đã buộc phải mặc những kaftan và sarafan Nga cho những người Thụy Sĩ trong một vũ kịch nào đó; đấy là những nông phu và nông phụ chứ không phải những người nông dân nam và nữ. Đất đã trượt khỏi chân các vị, chỉ cần các vị đặt bước đầu tiên biện minh cho nghịch lí lố bịch của các vị. Đã thế, các vị còn muốn chúng tôi phải tin các vị, trong khi chính các vị, những người bảo vệ sự nghiệp ấy, không tưởng tượng nổi một sự việc như thế giữa những người Nga. Không, hỡi những người mơ mộng trong phòng giấy, hãy lừa dối bản thân và để chúng tôi được yên!”. Đấy, họ sẽ nói với các vị như thế đấy, và họ sẽ đúng theo cách của họ. Trong khi ấy thì ý tưởng của tác giả truyện ngắn là đúng đắn lắm chứ. Hãy tưởng tượng, thay vì nhân vật nữ hề của rạp hát ấy, thay vì nàng Masa sặc mùi sách vở ấy, tác giả vẽ nên một nhân vật sống động, chân thật, khiến mọi người nhìn thấy tức khắc trong thực tại cái mà về nó họ đương tranh luận nóng bỏng đến thế – lẽ nào các vị lại bài bác truyện ngắn ấy chỉ vì nó giàu tính nghệ thuật? Rõ ràng một truyện ngắn như thế sẽ hữu ích hơn gấp nghìn lần. Thực chất, các vị khinh rẻ thơ ca và nghệ thuật, các vị trước hết lo cho cái thiết thực, các vị là những con người thiết thực. Song chân lí là ở chỗ chính nghệ thuật là phương cách tốt nhất, có sức thuyết phục nhất, khó hồ nghi nhất và dễ hiểu nhất đối với quần chúng để mô tả bằng những hình tượng chính cái sự nghiệp mà các vị đương cổ xúy, đấy là phương cách thiết thực nhất, nếu các vị tôn thờ sự thiết thực. Vì vậy, tính nghệ thuật hữu ích ở mức cao nhất và hữu ích chính theo quan điểm của các vị. Thế việc gì các vị lại khinh rẻ và truy kích nó, trong khi lẽ ra cần đưa nó lên hàng đầu, đi trước mọi yêu cầu? “Không thể đi trước mọi yêu cầu được, các vị nói, bởi vì cái cần trước hết là những việc thiết thực”. Nhưng ngay cả về việc thiết thực cũng phải biết nói một cách tinh khôn, hiểu biết. Ngay người thạo việc cũng có thể kém hữu dụng, nếu anh ta không biết nói năng. Cái đó chẳng khác nào thí dụ vị chỉ huy một tốp lính, toàn những người tốt, đáng tin cậy. Bỗng có báo động: tất cả nhảy chồm lên, vớ lấy ba lô, quân trang quân dụng, súng ống. “Nhanh lên, nhanh lên – vị ra lệnh –  bỏ ba lô, đạn dược đấy, không cần: ta sẽ đến muộn, nếu cứ lề mề; cả súng cũng không cần – ai vớ được cái gì, cầm cái đó mà chạy nhanh!” Các vị quả là đến và chiếm vị trí đúng lúc, nhưng lính tráng của các vị không có vũ khí, không có quân trang, vậy họ sẽ làm gì? Một nhiệm vụ đã được thi hành, nhưng thi hành không tốt. Hoặc chẳng hạn, trước các vị có một pháo đài, các vị phải tấn công nó, thế mà vị lại đưa ra một điều kiện tiên quyết là tất cả những người lính của vị đều phải què chân. Nhà văn bất tài – khác nào anh lính què chân ấy. Lẽ nào các vị sẽ chọn một người nói lắp để diễn đạt tư tưởng của các vị?

Các vị cười khẩy, các vị thấy nực cười phải nghe người khác dạy mình cái mà chính mình không chỉ biết rất rõ mà còn từ lâu đã tự nói ra, vào những lúc thích hợp. Trong một bài viết khác của các vị, các vị nói: “cũng được, hãy cứ để cho tác phẩm có tính nghệ thuật, nhưng nó cũng phải hợp thời nữa”. Và trong một bài viết khác nữa: “Nếu các ngài muốn tác động một cách sống động tới tôi, muốn khiến tôi yêu cái đẹp – thì hãy nắm bắt được ở nó cái ý nghĩ chung ấy, cái hơi thở ấy của sự sống, hãy biết chỉ ra và giải thích nó cho tôi, chỉ khi ấy các ngài mới đạt được đích của các ngài”. Thật ngắn gọn và rõ ràng, các vị không bác bỏ tính nghệ thuật, song các vị yêu cầu người nghệ sĩ nói về người thật, việc thật, phục vụ lợi ích chung, trung thành với thực tại hiện thời, với những nhu cầu và lí tưởng của nó. Một nguyện vọng tuyệt hảo. Nhưng một nguyện vọng như thế, chuyển thành yêu sách, theo chúng tôi đã là sự không hiểu biết những quy luật cơ bản của nghệ thuật và bản chất chính yếu của nó – tự do cảm hứng. Cái đó đơn thuần là sự không thừa nhận nghệ thuật như một chỉnh thể hữu cơ. Toàn bộ cái sai lầm trong vấn đề rắc rối này chính là ở đây, và nó đã dẫn đến nhiều sự ngộ nhận, nhiều bất đồng, và điều tồi tệ hơn cả, nhiều sự cực đoan thái quá. Hình như các vị cho rằng nghệ thuật tự nó không mang trong nó một chuẩn mực nào cả, một quy luật nào cả, rằng có thể sai khiến nó một cách tùy ý, rằng cảm hứng nằm sẵn trong túi bất cứ ai, chỉ cần yêu cầu là nó có thể phục vụ cho cái này hay cái kia và đi theo con đường mà các vị ưa thích. Còn chúng tôi thì tin rằng nghệ thuật có cuộc sống riêng, vẹn toàn và hữu cơ của nó và do đó có cả những quy luật cơ bản và bất biến cho cuộc sống ấy. Nghệ thuật cũng là một nhu cầu của con người, như ăn như uống. Nhu cầu về cái đẹp và về hoạt động sáng tạo thể hiện cái đẹp là không thể tách rời khỏi con người và không có nó thì con người có thể không muốn sống trên đời này nữa. Con người khao khát cái đẹp và ngưỡng mộ nghiêng mình trước nó, không hỏi nó hữu ích thế nào và có thể dùng nó để làm gì? Và có thể, cái bí mật vĩ đại nhất của sáng tạo nghệ thuật chính là ở chỗ, hình ảnh cái đẹp mà nó tạo nên tức khắc trở thành thần tượng một cách hoàn toàn vô điều kiện. Nhưng vì sao nó trở thành thần tượng? Bởi vì nhu cầu về cái đẹp phát triển hơn cả, khi con người ở trong trạng thái bất hòa, bất đồng, đấu tranh với thực tại, tức là khi con người sống đích thực nhất, mà con người sống đích thực nhất chính khi nó tìm kiếm, ước mong đạt tới một cái gì đó; khi ấy ở nó biểu hiện một cách tự nhiên nhất niềm khao khát tất cả mọi thứ hài hòa và yên tĩnh, mà trong cái đẹp có cả sự hài hòa và sự yên tĩnh. Khi con người tìm được cái mà nó muốn đạt tới, thì hình như đối với nó cuộc sống tạm thời chảy chậm lại, và thậm chí chúng ta đã thấy những trường hợp, khi mà con người, đạt được lí tưởng của những ước vọng của mình rồi không biết hướng về cái gì nữa và, mãn nguyện tới cổ, sa vào u sầu, thậm chí tự kích thích nỗi sầu ấy, đi tìm một lí tưởng khác cho cuộc sống của mình và do chán chường cao độ, không những không còn quý trọng cái đã đem lại cho mình thú vui, mà còn chủ ý đi chệch con đường thẳng ngay, khuấy lên trong mình những thị hiếu xa lạ, không lành mạnh, hiểm hóc, phản hài hòa nhiều khi đến quái đản, đánh mất đi sự nhạy cảm tinh tế đối với cái đẹp lành mạnh và săn tìm những cái khác thay cho nó. Vì cái đẹp thuộc về tất cả những gì lành mạnh, tất cả những gì sống động đích thực, cho nên nó là một nhu cầu không thể thiếu của cơ thể con người. Nó là sự hài hòa, ở nó có bảo đảm cho sự yên tĩnh; nó thể hiện cho con người và loài người những lí tưởng của họ. “Nhưng xin lỗi – người ta sẽ ngắt lời chúng tôi, – quý ông nói về những lí tưởng nào vậy? Chúng tôi muốn cái hiện thực, đời sống, hơi thở của cuộc sống. Toàn bộ xã hội chúng ta, thí dụ, đương giải quyết một vấn đề thời sự nóng bỏng nào đó,  cố tìm ra con đường dẫn tới lí tưởng mà nó tự đặt ra cho nó. Các nhà thơ cũng phải hướng tới lí tưởng ấy chứ. Nhưng thay vì thể hiện và làm sáng tỏ cho xã hội lí tưởng ấy, các ông bỗng nhiên lại ca ngợi nữ thần Diana săn thú hay là “nàng Laura bên đàn piano” chẳng hạn”. Tất cả cái đó đều rất đúng và chính đáng. Song, trước khi chúng tôi đáp lại lời phản biện ấy, cho phép chúng tôi có thêm một nhận xét ngoại đề, ngoài lề để mà sau khi đã kết thúc với mọi cái thứ yếu ấy được chuyển sang cái chủ yếu: trả lời ý kiến tuyệt hay và vô chùng chính đáng của các vị.

Chúng tôi đã nói ở đầu bài viết của chúng tôi rằng những con đường bình thường, tự nhiên của cái hữu lợi chưa được chúng ta hiểu biết triệt để, ít nhất chưa được tính toán đến độ chính xác cuối cùng. Quả thật, làm sao xác định được rõ ràng, đến mức không còn có thể nghi ngờ, phải làm những gì cụ thể để đạt được lí tưởng của tất cả những mong ước của chúng ta và đạt được tất cả những gì mà cả loài người mong ước và hướng tới đó? Có thể ức đoán, chế tác, giả định, khảo sát, mơ ước và tính toán, nhưng không thể nào tính trước được từng bước đi  của nhân loại, như tính lịch chẳng hạn. Vì vậy làm thế nào mà quy định được chính xác tuyệt đối, cái gì có hại và cái gì có lợi. Song không chỉ về tương lai, chúng ta thậm chí không thể có những kiến thức chính xác và thực chứng về tất cả những con đường và những sự đi lệch đường, tóm lại, về toàn bộ tiến trình bình thường của cái hữu lợi ngay cả trong quá khứ của chúng ta. Chúng ta nghiên cứu con đường ấy, ức đoán, xây dựng những hệ thống, rút ra những hệ quả, nhưng dẫu sao cả ở đây ta cũng không soạn ra được lịch và khoa học lịch sử cho đến nay vẫn chưa được coi là một khoa học chính xác, mặc dù hầu hết mọi thứ chúng ta đều nắm trong tay. Vì thế mà làm thế nào các vị có thể xác định được, đo đếm và cân đong được, thí dụ, trường ca Iliade đã đem lại ích lợi nào cho toàn thể nhân loại? ở đâu, bao giờ, trong những trường hợp nào đó đã có ích và bằng cái gì; cuối cùng nó đã ảnh hưởng thế nào tới dân tộc này hay dân tộc nọ trong những thời điểm nào của sự phát triển của họ và chính xác có bao nhiêu ảnh hưởng ấy? Mà nếu cả cái đó chúng ta cũng không xác định được, thì chúng ta rất có thể sai lầm, khi bắt đầu nghiêm nghị và quyết đoán quy định trước cho loài người những việc làm của họ và chỉ cho nghệ thuật những đường hướng hữu ích hợp lí và sứ mệnh chân chính của nó… Và chỉ cần các vị đồng ý là chúng ta có thể sai lầm, thì tức khắc sẽ trở thành khó biết được: có thể, “Nàng Laura bên đàn piano” hóa ra lại rất hữu ích cho một mục đích nào đó? Thực ra, cái đẹp bao giờ cũng hữu ích nhưng chúng tôi tạm thời không nói đến cái đẹp, mà xin nói điều này (cũng xin báo trước – có thể chúng tôi sẽ nói một điều xấc xược, bất kính chưa từng thấy, nhưng xin đừng ai phật lòng vì những lời của chúng tôi, bởi vì chúng tôi chỉ giả thiết), xin nói điều này: có thể Iliade lại hữu ích hơn tất cả những văn phẩm của Marco Vovtsoc thì sao, và không chỉ trước đây, mà ngay hiện nay, trước những vấn đề của thời nay; hữu ích hơn như một phương cách đạt tới cũng những mục đích ấy, giải quyết cũng những vấn đề ấy, cũng những nhiệm vụ cấp bách ấy? Bởi vì ngay hiện nay Iliade vẫn làm rung động tâm hồn con người. Thiên sử thi ấy về một cuộc sống mãnh liệt, đầy ắp đến thế, về một thời điểm cao cả đến thế trong đời sống của một dân tộc và, xin nói thêm, của một dân tộc vĩ đại đến thế, khiến cho ngay thời nay – thời đại của những chí hướng, những tranh đấu, những dao động và niềm tin (bởi vì thời đại chúng ta là thời đại của niềm tin), tóm lại thời đại của sự sống đích thực nhất – sự hài hòa vĩnh cửu ấy, được thể hiện trong Iliade, có thể tác động rất quyết định đến tâm hồn con người. Tinh thần của chúng ta hiện nay đương nhạy cảm hơn bao giờ hết, và ảnh hưởng của cái đẹp, của sự hài hòa và sức mạnh có thể tác động đến nó một cách lẫm liệt và tốt lành, tác động một cách hữu ích, rót thêm năng lượng, nâng đỡ sức lực của chúng ta. Cái khỏe mạnh yêu thích sức mạnh, ai tin tưởng, người ấy có sức mạnh, mà chúng ta tin tưởng và cái chính chúng ta muốn có niềm tin. Thế nhưng theo quan niệm của những người phản đối nghệ thuật thuần túy, sự say sưa với Iliade va bắt chước Iliade trong nghệ thuật ngày nay đáng chê bởi cái gì? Bởi cái chúng ta, y như những kẻ đã chết, y như những người sống sót cuối cùng hay như những kẻ hèn nhát, sợ hãi cuộc sống tương lai, cuối cùng y như những kẻ phản bội đồng loại còn sức sống và còn cố gắng đi lên, những kẻ bạc nhược tinh thần đến trì độn, đến nỗi không còn hiểu rằng sự sống vẫn còn cả ở trong ta, trong một nỗi tuyệt vọng nào đó chúng ta lẩn tránh vào thời đại Iliade và bằng cách đó tạo ra cho mình một hiện thực giả tạo, một cuộc sống mà chúng ta không gây dựng nên và không sống qua, một huyễn tưởng trống rỗng và quyến rũ, – và vay mượn, đánh cắp thời quá khứ xa xăm, chúng ta sống lay lắt trong thưởng thức nghệ thuật như những kẻ bắt chước vô dụng!

 

Các bạn đọc chắc cũng nhất trí rằng khuynh hướng của những nhà duy lợi, căn cứ vào những lời trách cứ như trên, là hết sức cao thượng và cao cả. Chính vì thế mà chúng tôi rất cảm thông với họ, chính vì thế mà chúng tôi muốn kính trọng họ. Chỉ hiềm một nỗi khuynh hướng ấy và những lời trách cứ ấy không chỉnh chu. Thiết nghĩ không cần nhắc lại cái mà chúng tôi đã nói về nhu cầu về cái đẹp và cũng không cần tuyên cáo rằng trong nhân loại một phần nào đã định hình những lí tưởng vĩnh hằng, vì thế mà tất cả cái đó đã trở thành lịch sử toàn thế giới và bằng tính nhân loại phổ biến gắn bó với hiện tại và tương lai một cách vĩnh viễn không thể chia cắt – không cần nói về tất cả cái đó, chỉ xin lưu ý các nhà duy lợi rằng đối với cuộc sống đã qua và những lí tưởng đã qua, có thể có một thái độ không ngây khờ, mà thấm nhuần cảm quan lịch sử. Tìm kiếm cái đẹp, con người đã sống và khổ đau. Nếu chúng ta thấu hiểu lí tưởng đã qua và cái giá mà con người đã trả cho nó thì, thứ nhất, chúng ta sẽ thể hiện lòng tôn trọng cao nhất đối với toàn thể loài người, chúng ta sẽ nâng cao mình lên bằng sự cảm thông ấy, sẽ hiểu rằng sự cảm thông ấy và sự thấu hiểu quá khứ bảo đảm cho chính chúng ta, trong chính chúng ta, sự hiện diện của tinh thần nhân văn, sức sống và khả năng tiến bộ và phát triển. Ngoài ra, có thể có thái độ theo lối Byron (nếu được nói thế) đối với quá khứ. Trong những nỗi đau của cuộc sống và của sáng tạo có những phút giây không hẳn tuyệt vọng, nhưng buồn sầu vô hạn, một nỗi khắc khoải vô thức, một sự dao động, ngờ vực, đồng thời cảm kích trước những số phận đã qua, đã hoàn tất một cách hùng dũng và uy nghi, của loài người trong dĩ vãng. Trong niềm hứng khởi ấy (kiểu Byron, như chúng tôi gọi) trước lý tưởng cái đẹp mà quá khứ đã tạo ra và để lại cho chúng ta làm di sản vĩnh hằng, chúng ta trút xả toàn bộ nỗi sầu về hiện tại, không do sự bất lực của chúng ta trước cuộc sống của chính ta, mà ngược lại, do nỗi khao khát nóng bỏng sự sống và khao khát lý tưởng mà chúng ta đương đau khổ tìm kiếm. Chúng tôi biết một bài thơ có thể được coi là hiện thân của niềm hứng khởi ấy, là một lời kêu gọi thiết tha, một lời nguyện cầu trước cái đẹp hoàn hảo đã qua và một khát vọng nội tại, ẩn khuất về cái đẹp mới, cũng hoàn hảo như thế, tâm hồn ta đương tìm kiếm nó, nhưng còn phải tìm kiếm dài lâu và đau khổ dài lâu trong nỗi đau sinh nở, để cuối cùng tìm ra nó. Bài thơ ấy tên làDiana. Nó như sau:

Diana ( ***** *)

Những đường nét tròn trĩnh của vị thần trinh nữ

Trong tất cả vẻ oai nghiêm của sự loã lồ sáng ngời

Một lần tôi thấy giữa hàng cây, trên mặt nước trong vắt.

Với cặp mắt thuôn thuôn không màu sắc

Vừng trán không che phủ của nàng ngẩng cao

Bất động bởi một mối ưu tư thường trực.

Hình như nàng trinh nữ toàn thân bằng đá đương nhạy cảm

lắng nghe

Những lời nguyện cầu của những thiếu phụ đau đẻ.

Nhưng một làn gió lúc bình minh luồn qua lá cây,

Gương mặt nữ thần sáng tươi rung rinh nơi đáy nước.

Tôi cứ chờ với ông đựng tên sau vai,

Nàng sẽ bước đi, trắng như sữa giữa hàng cây

Đưa mắt nhìn thành La Mã quang vinh đương ngủ say,

Với dòng sông Tibre nước vàng, với những hàng cột,

Những dãy phố dài Nhưng khối cẩm thạch bất động

Vẫn phơi trước tôi vẻ đẹp thanh trắng bất khả tri.

Hai dòng cuối cùng của bài thơ chứa chan một sức sống mê say, một nỗi khát khao, một ý nghĩa sâu sắc đến nỗi chúng tôi không biết một cái gì mãnh liệt hơn, đầy ắp sức sống hơn trong toàn bộ thơ ca Nga của chúng ta. Cái đã chết ấy, cái xa xưa ấy sau hai ngàn năm đương sống lại trong lòng nhà thơ chúng ta, sống lại với một sức mạnh mãnh liệt đến nỗi nhà thơ, trong niềm hứng khởi ngưỡng mộ, cứ chờ nữ thần sẽ bước xuống từ bệ đài và sẽ đi qua trước mắt chàng

… trắng như sữa giữa hàng cây

Nhưng nữ thần không sống lại, và nàng cũng không cần sống lại, nàng không cần sống nữa; nàng đã đạt tới khoảnh khắc cao nhất của cuộc sống; nàng đã ở trong cõi vĩnh hằng, đối với nàng thời gian đã ngừng trôi; đó là thời điểm cao nhất của cuộc sống, sau đó nó kết thúc  bắt đầu sự yên ngự trên đỉnh Olympe. Vô tận chỉ có tương lai luôn luôn kêu gọi, luôn luôn mới mẻ, và ở đấy cũng có đỉnh điểm cao nhất, mà phải tìm, tìm mãi mãi, sự tìm kiếm bất tận ấy chính là sự sống và biết bao nỗi buồn, nỗi đau ẩn náu dưới niềm hứng khởi của nhà thơ! Trong niềm hứng khởi ấy trước dĩ vãng, ta nghe thấy một tiếng gọi không ngớt, một nỗi buồn bất tận về hiện tại!

Dĩ nhiên, chúng tôi nhất trí rằng có thể có một con mọt cổ điển chủ nghĩa đáng ghét, một con mọt đã đánh mất hết mọi mẫn cảm với thực tại, đã di cư hẳn vào quá khứ và sống trong đó, trong thời cổ điển nào đó, không nghĩ rằng còn có sự tồn tại của chính nó trong hiện tại, còn có những câu hỏi, những nỗi khổ đau của nhân sinh, của cuộc sống nơi đây. Nhưng, thứ nhất, ngay con mọt cũng cần được sống chứ, và thứ hai, tốt hơn gì hắn cái đám đông không thể đếm hết của những anh tiến bộ chủ nghĩa rẻ tiền, với những xác tín vay mượn, lương tâm vay mượn, với thái độ nhạo báng cái mà, dù chỉ còn là tro tàn, họ vẫn không xứng đáng với nó, – cái đám đông với trí tuệ thảm hại, nghễu nghện cưỡi mỹ từ đi diễu hành ấy?…

Bây giờ chúng tôi đi thẳng vào câu trả lời chính yếu và cuối cùng, đáp lại câu hỏi chính đáng của các vị, vì sao nghệ thuật, với những lý tưởng của nó, có lúc không hoà điệu   với lý tưởng phổ biến của thời đại; nói rõ hơn: vì sao nghệ thuật không phải lúc nào cũng trung thành với thực tại?

Đáp từ cho câu hỏi này nơi chúng tôi đã sẵn sàng.

Chúng tôi đã nói rằng vấn đề về nghệ thuật, theo chúng tôi, hiện nay được đặt ra không đúng cách, nó đã đi đến cực đoan và trở nên rắc rối bởi sự đối đầu kịch liệt của hai phe. Cũng điều ấy giờ đây chúng tôi xin nhắc lại. Đúng, vấn đề được đặt ra không đúng cách và thực ra không có gì để tranh luận, bởi vì:

Nghệ thuật bao giờ cũng hợp thời và hữu thực, nó chưa bao giờ tồn tại một cách khác và, cái chính, không thể tồn tại một cách khác.

Bây giờ chúng tôi sẽ cố gắng trả lời tất cả những ý kiến phản bác.

Thứ nhất, nếu chúng ta đôi khi có cảm tưởng rằng nghệ thuật đang rời xa thực tại và không phục vụ cho những mục đích hữu ích thì chỉ bởi vì chúng ta không nắm vững được những phương cách biểu hiện sự hữu ích của nghệ thuật (về cái này chúng tôi đã nói rồi), và, ngoài ra, vì chúng ta quá nhiệt tình trong những mong ước ích lợi tức thì, trực tiếp và thiết thực; tức là thực chất do sôi sục nhiệt tình với lợi ích chung. Những mong ước như thế, dĩ nhiên, đáng khen, nhưng đôi khi thiếu khôn ngoan, tựa hồ một đứa trẻ, trông thấy mặt trời liền đòi tháo từ trên trời xuống cho nó chơi.

Thứ hai, sở dĩ chúng ta đôi đi có cảm tưởng rằng nghệ thuật đang rời xa thực tại là bởi vì quả thực có những nhà thơ và nhà văn điên, họ cắt đứt mọi quan hệ với thực tại, chết thật đối với hiện tại, biến mình thành những người cổ Hi Lạp hay những hiệp sĩ trung cổ nào đó và cứ thế thiu mốc trong văn học cổ điển hay những truyền thuyết trung cổ.

Những biến hoá như thế có thể có; nhưng một nhà thơ hay một nghệ sĩ hành động như thế là kẻ điên hoàn toàn. Những người như thế không nhiều.

Thứ ba, các nhà thơ và các nghệ sĩ của chúng ta quả có thể đi lạc đường hoặc vì không hiểu những nghĩa vụ công dân của mình, hoặc vì thiếu mẫn cảm với xã hội, hoặc vì tính phân tán của những lợi ích xã hội , hoặc do sự chưa chín chắn, chưa hiểu biết thực tế, hoặc vì một số nguyên nhân lịch sử, vì tình trạng chưa định hình hẳn hoi của xã hội khiến cho mỗi người đi một nẻo khác nhau, và do đó, từ góc độ ấy, những trách cứ và những giáo huấn của ông G -bov là rất rất đáng kính trọng. Nhưng ông G – bov đã đi quá xa. Cái mà ông gọi là những đồ chơi leng keng và những tiểu phẩm vụn vặt trong các anbom, chúng tôi, từ điểm nhìn khác, lại coi là vừa hợp chuẩn vừa hữu ích, và như vậy, không phải tất cả các nhà thơ cổ điển chủ nghĩa đều điên rồ (như ông G – bov xem xét), mà chỉ những người hoàn toàn thoát ly thực tại đương thời, giống như một số quý bà của chúng ta, sống suốt đời ở Paris và mất thói quen nói tiếng Nga (song cái đó là sở thích tự nguyện của họ). Còn “những tiểu phẩm vụn vặt” thì chúng cũng hữu ích bởi lẽ, theo thiển kiến của chúng tôi, chúng thể hiện sự gắn bó cuộc sống lịch sử và cuộc sống tinh thần nội tại của chúng ta với toàn bộ quá khứ lịch sử và với tính nhân loại phổ biến. Làm sao khác được? Bởi lẽ cái đó là quy luật tự nhiên. Chúng tôi thậm chí nghĩ rằng, con người càng có năng lực cộng cảm với cái lịch sử và cái nhận loại phổ biến, thì tính người của nó càng trở nên quảng đại hơn, cuộc sống của nó càng phong phú hơn và một con người như thế càng có khả năng tiến bộ và phát triển hơn. Làm sao có thể đẽo gọt con người, xếp đặt: đây, nhu cầu của anh là phải thế này, không được sống thế này, phải sống thế kia cơ! Các vị có đưa ra những lý lẽ gì đi nữa cũng sẽ không ai nghe theo các vị. Và các vị có biết hay không một điều nữa: chúng tôi đinh ninh rằng cái khát vọng tính nhân loại phổ biến ấy trong xã hội Nga, và từ đấy, cả những năng lực hưởng ứng sáng tạo của nó đối với mọi cái thuộc về lịch sử và thuộc về tính nhân loại và nói chung đối với mọi đề tài thiên hình vạn trạng  chính cái đó lại là trạng thái hợp chuẩn nhất của xã hộichúng ta, ít nhất cho đến hôm nay và, có thể, sẽ mãi mãi trong tương lai. Nhưng như thế còn ít: chúng tôi thiết tưởng rằng sự cộng cảm với toàn nhân loại ấy ở dân tộc Nga còn mạnh mẽ hơn ở tất cả các dân tộc khác và là nét đặc trưng cao nhất và ưu tú nhất của nó. Sau cuộc cải cách của Piôt’r, do chúng ta bỗng nhiên phải ráo riết tiếp thụ nhiều kiểu sống khác nhau, do bản năng hoà hợp với tất cả của chúng ta, cả hoạt động sáng tạo của chúng ta cũng phải biểu hiện một cách đặc thù, đặc biệt, không giống ở một dân tộc nào. Thế nhưng các vị hình như chống lại trạng thái bình thường ấy của chúng ta. Hãy trông, các nền văn học của các dân tộc châu Âu đã trở nên hầu như thân thuộc với chúng ta, đã trở thành hầu như của chúng ta, chúng đã ảnh hưởng đến cuộc sống Nga một cách đầy đủ, y như ở nhà mình vậy. Xin ông G – bov nhớ lại: cả ông cũng được giáo dưỡng như thế. Không biết ông nghĩ thế nào chứ hiện tượng Giucôvxki là không thể có được, thí dụ, ở người Pháp, còn Puskin thì lại càng là thế. Có ai trong số những nhà thơ Âu châu vĩ đại nhất đã hưởng ứng với tất cả cái của toàn nhân loại một cách thân thuộc, một cách đầy đủ, như Puskin, người đại diện cho nền thơ ca chúng ta, đã hưởng ứng? Một phần vì thế mà chúng ta gọi Puskin là nhà thơ dân tộc vĩ đại nhất (và trong tương lai sẽ là nhà thơ nhân dân nữa, theo nghĩa chữ của từ ấy), chúng ta gọi ông là thế, bởi vì ông là một biểu hiện đầy đủ nhất của những khuynh hướng, bản năng và nhu cầu của tinh thần Nga trong thời điểm lịch sử này. Có cơ sở để xem ông là một mẫu mực hiện đại của toàn bộ con người Nga, ít nhất cũng trong chí hướng lịch sử và toàn nhân loại của nó. Rõ ràng không thể nói (bởi vì một nhiệm vụ như thế đã được đặt ra trong phòng giấy) rằng tất cả những chí hướng ấy của tinh thần Nga đều vô  bổ, ngu tối và không chính đáng. Lẽ nào các vị lại cho rằng những tử tước Posa, Faust v.v… đã không có ích gì cho xã hội Nga và sẽ không bao giờ có ích? Bởi vì sống với chúng, chúng ta đã không bay lên mây, mà đã đi đến với những vấn đề của hiện tại và, ai mà biết được, có thể chính chúng đã trợ lực nhiều cho cái đó. Chính bởi vậy mà tất cả những sự yêu chuộng cái cổ ấy, những Iliade ấy, những Diana săn thú, Vệ Nữ và Jupiter, đức bà và Đante, Shakespeare, Venise, Paris và London  có thể tất cả cái đó đã tồn tại rất chính đáng với ta và phải tồn tại với ta  thứ nhất, theo quy luật của cuộc sống toàn nhân loại, mà với nó chúng ta không thể cách ly, và thứ hai, theo quy luật đặc biệt của cuộc sống Nga.

Các ngài dạy dỗ chúng tôi làm gì!  các nhà duy lợi sẽ nói lại chúng tôi,  Không có các vị chúng tôi cũng biết tất cả những cái đó hữu ích cho chúng ta như thế nào, cần thiết thế nào cho sự hội nhập của chúng ta với châu Âu, với toàn nhân loại; cái đó chúng tôi biết quá tốt, bởi vì chính chúng tôi đã từ đấy mà hình thành. Nhưng bây giờ tạm thời chúng ta không cần một tính nhân loại phổ biến nào cả và những quy luật lịch sử nào cả. ở ta bây giờ là việc giặt giũ trong nhà, phải xả giũ những đồ đen bẩn, làm cho trắng ra; bây giờ ở ta đâu đâu cũng những chậu giặt, tiếng nước oàm oạp, mùi xà phòng và sàn nhà ướt sũng. Bây giờ phải viết không phải về tử tước Posa(*******), mà về những công việc của ta, về một số vấn đề xác định, về tự do ngôn luận, về cái hữu ích, về Krutogorsk, về vương quốc của bóng tối…

Xin trả lời ý kiến ấy như thế này: thứ nhất, xác định bằng đo đếm và đong cân, cái gì cụ thể cần và cái gì không cần là việc khá khó; có thể ước đoán, có thể dự tính, được phép và có quyền thử nghiệm xem trong thực tế kết quả có như dự toán hay không? Mong ước, thuyết phục, khuyên bảo những người khác tham gia hoạt động chung  tất cả cái đó đều là chính đáng và hết sức bổ ích. Nhưng viết trong Người cùng thời đại những sắc lệnh bó buộc, chỉ thị  hãy nhất thiết viết về cái này, chứ không phải về cái này  vừa là sai lầm vừa vô bổ (chỉ bởi một lẽ là người ta sẽ không nghe theo đâu! Tất nhiên, những người nhút nhát ở ta khá nhiều; và không ít người sợ phê bình đến khiếp đảm! Lại còn lòng tự ái nữa: không thể tụt hậu so với những người đi tiên phong  vì thế mà người ta viết theo khuynh hướng, nhưng vì người ta không viết theo cảm hứng của mình, cho nên cuối cùng hầu như chỉ ra toàn đồ rởm; song ách độc tài của nền phê bình của chúng ta sẽ qua đi, người ta sẽ bắt đầu viết theo hứng thú, sẽ trở nên tự chủ hơn, và có thể sẽ viết nên một cái gì đó tuyệt hay cả trong thể loại tố cáo. Mong trời phù hộ!). Vả lại, ai ai cũng có thể sai lầm. Có thể cái mà các bộ óc tân tiến của chúng ta hôm nay cho là không hợp thời và vô bổ, chính cái đó lại là hợp thời nhất và bổ ích nhất. Người có bệnh không thể cùng một lúc vừa là bệnh nhân vừa là thầy thuốc. Có thể ý thức được mình có bệnh, ý thức mình cần thuốc men, thậm chí có thể biết được mình cần thuốc gì, nhưng không thể kê đơn thuốc cho mình một cách chính xác đến cùng. Và nếu thơ ca, ngôn từ, văn chương cũng là thuốc chữa bệnh, thì phần nào có tiêu chí để đánh giá chứ: cái gì cụ thể ở trong thơ ca là tốt, còn cái gì không thích hợp? Tất nhiên, ở đây có thể có những nhầm lẫn lớn, những sai lệnh cơ bản; thí dụ có nhiều: quần chúng nhiều khi không biết được trong lúc này họ cần cái gì, nên yêu cái gì, cảm tình với cái gì. Nhưng những sai lệnh ấy qua đi mau chóng, và xã hội   luôn luôn tự tìm lại con đường đã thất lạc. Và cái chính là nghệ thuật luôn luôn trung thành cao độ với thực tại  những sự lầm đường lạc lối của nó là thoáng qua, là nhất thời; nghệ thuật không chỉ luôn luông trung thành với thực tại, nhưng còn không thể không trung thành với thực tại đương thời. Nếu không nó không phải là nghệ thuật chân chính. Dấu hiệu của nghệ thuật chân chính chính là ở chỗ nó luôn luôn đi cùng với thời đại, luôn luôn hữu ích một cách thiết yếu. Nếu nó vẫn bận bịu với cổ học, thì tức là cổ học vẫn còn cần thiết; những sai lệnh, những lầm lạc, xin nhắc lại, có thể có, nhưng chúng là nhất thời. Còn nghệ thuật không hợp thời, không đáp đứng những nhu cầu của thời đại thì tuyệt không thể có. Nếu có, thì nó không phải là nghệ thuật; nó nông cạn đi, thoái hoá đi, mất đi sức mạnh và mọi phẩm chất nghệ thuật. Theo nghĩa ấy, chúng tôi còn đi xa hơn ông G – bov: trong chính ý tưởng của ông, ông còn thừa nhận có một nghệ thuật vô ích, nghệ thuật thuần tuý, không hợp thời và không thiết thực và ông chống lại nó. Còn chúng tôi thì tuyệt không thừa nhận có một nghệ thuật như thế, và chúng tôi yên tâm: chẳng việc gì phải chống đối; và nếu sẽ có những lệch lạc thì cũng chẳng cần lo lắng: chúng sẽ tự qua đi, và qua đi nhanh chóng.

Nhưng xin lỗi,  người ta sẽ hỏi chúng tôi  căn cứ vào đâu, từ đâu mà các vị kết luận rằng nghệ thuật chân chính tuyệt đối không thể không hợp thời và không trung thành với thực tại hiện thời?

Xin trả lời:

Thứ nhất , căn cứ vào tất cả các dữ kiện lịch sử, bắt đầu từ khởi thuỷ thế giới cho đến ngày nay, nghệ thuật chưa bao giờ bỏ rơi con người, luôn luôn đáp ứng những nhu cầu và lý tưởng của nó, giúp đỡ nó tìm kiếm lý tưởng ấy nghệ thuật ra đời cùng với con người, phát triển cùng với đời sống lịch sử của nó và chết đi cũng cùng với đời sống lịch sử của nó.

Thứ hai (và cái chính), hoạt động sáng tạo, cơ sở của mọi nền nghệ thuật, sống trong con người như một biểu hiện của một bộ phận cơ thể của nó, nhưng nó sống không tách rời khỏi con người. Bởi thế hoạt động sáng tạo cũng không thể có những chí hướng khác, ngoài những chí hướng mà toàn thể con người hướng tới. Nếu nó đi một con đường khác, thì nó sẽ lâm vào mâu thuẫn với con người, tức là sẽ rời xa con người. Và như thế, nó sẽ phản bội những quy luật của tự nhiên. Song loài người vẫn còn khoẻ mạnh, chưa tiêu vong và chưa phản bội những quy luật tự nhiên (đấy là nói chung). Vì thế mà chẳng cần lo ngại cho nghệ thuật  cả nó cũng sẽ không phản bội sứ mệnh của mình. Nó sẽ mãi mãi sống với con người bằng đời sống thật của con người; khác đi, nó sẽ không làm được gì cả. Vì vậy, nó sẽ mãi mãi trung thành với thực tại.

Tất nhiên, trong cuộc sống của mình, con người có thể đi lệch những hoạt động bình thường, đi lệch những quy luật tự nhiên; cùng với nó, nghệ thuật cũng sẽ đi lệch. Nhưng chính cái đó chứng minh quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời của nó với con người, sự trung thành thường hằng của nó với con người và những lợi ích của con người.

Nhưng dẫu sao nghệ thuật sẽ chỉ trung thành với con người, khi sự phát triển tự do của nó sẽ không bị o ép.

Và vì thế việc hệ trọng hàng đầu: không ép buộc nghệ thuật bằng những mục tiêu này mục tiêu nọ, không quy định trước cho nó những luật phép, không đánh lạc hướng nó, bởi vì ngay không có những cái đó thì nó cũng đã phải đương đầu với nhiều chướng ngại ngầm, nhiều cám dỗ và lầm lạc không thể thiếu vắng trong đời sống lịch sử của con người. Nó càng được tự do phát triển, thì nó càng phát triển bình thường và càng nhanh chóng tìm ra con đường hữu ích của mình. Và bởi lẽ lợi ích và mục đích của nghệ thuật là thống nhất với những mục đích của con người, mà nó phụng sự và quan hệ không thể tách rời, cho nên nó càng phát triển tự do bao nhiêu thì càng đem lại cho loài người nhiều ích lợi bấy nhiêu.

Các vị hãy hiểu chúng tôi: chính chúng tôi mong muốn nghệ thuật luôn đáp ứng những mục đích của con người, không xa rời những lợi ích của nó, và nếu chúng tôi muốn một tự do tối đa cho nghệ thuật thì chính bởi vì tin rằng nó càng được tự do phát triển, thì cái đó càng có lợi cho những lợi ích của con người. Không thể quy định trước cho nghệ thuật những mục tiêu và những mối cảm tình. Quy định trước làm gì, nghi ngờ làm gì, khi mà được phát triển bình thường, nó sẽ chẳng cần gì đến những quy định của các vị, mà chỉ tuân theo quy luật tự nhiên, nó sẽ không bao giờ đi ngược lại những nhu cầu của con người? Nó sẽ không đánh mất bản thân và không lạc lối. Xưa nay nó vẫn luôn luôn trung thành với hiện thực, luôn luôn đồng hành với sự phát triển và sự tiến bộ của con người. Lý tưởng cái đẹp, cái chuẩn mực không thể diệt vong trong một xã hội lành mạnh; vì thế mà hãy để nghệ thuật đi trên đường của nó và hãy tin cậy rằng nó sẽ không lạc đường. Nếu có lạc đi nữa, thì sẽ lập tức quay trở lại, đáp ứng nhu cầu đầu tiên của con người. Cái đẹp là sự hợp chuẩn, sự lành mạnh. Cái đẹp hữu ích vì nó là cái đẹp, bởi vì trong loài người luôn  luôn có nhu cầu về cái đẹp và lý tưởng tối cao của cái đẹp. Nếu trong một dân tộc còn bảo toàn được lý tưởng thẩm mỹ và nhu cầu về cái đẹp thì tức là còn có cả nhu cầu về sự lành mạnh, về chuẩn mực, và chính cái đó bảo đảm cho sự phát triển cao nhất của dân tộc ấy. Một con người riêng lẻ không thể đoán biết đầy đủ cái lý tưởng vĩnh hằng, phổ quát  cho dù đấy là một Shakespeare  vì thế nó không thể quy định trước đường hướng hay mục tiêu cho nghệ thuật. Hãy ức đoán, hãy mong ước, hãy chứng minh, hãy kêu gọi đi theo mình  tất cả cái đó đều được phép; nhưng không được phép áp đặt, không được phép độc đoán. Song với ông Nikitin thì ông G – bov đã đối xử gần như độc đoán.  Hãy viết về những gian khổ thiếu thốn của bản thân, hãy mô tả những thiếu thốn và nhu cầu của tầng lớp của mình; đả đảo Puskin, không được hâm mộ Puskin, mà hãy hâm mộ cái này và cái này và mô tả cái này này.  Nhưng Puskin là ngọn cờ của tôi, ngọn hải đăng của tôi, sự phát triển của tôi,  ông Nikitin thốt lên (hay là chúng tôi mượn lời ông Nikitin); tôi trước đây là một tiểu thị dân, Puskin đã dang tay cho tôi từ nơi có ánh sáng, có khai hoá, từ nơi không có những định kiến hủ lậu, như ở giới của tôi; Puskin là bánh mì tinh thần của tôi.  Không cần cái đó, nhảm nhí! Hãy viết về những khó khăn thiếu thốn của mình.  Vâng, chính tôi là người thiếu thốn, ông Nikitin nói tiếp, tôi đã có bánh mì vật chất, nhưng tôi cần bánh mì tinh thần. Đừng tước đoạt của tôi… ông muốn tôi mô tả đời sống hàng ngày của mình, những khó khăn thiếu thốn của mình. Có thể tôi sẽ mô tả! Nhưng giờ đây cho tôi được sống cuộc sống cao hơn. Với ông, nó không còn là cao nữa, ông đã khinh bỉ nó rồi, nhưng với tôi, ông biết không, nó vẫn còn hấp dẫn biết bao!…  Chúng tôi ủng hộ ông Nikitin,  chúng tôi nói thêm về phía mình,  hãy để cho ông ấy sống như ông ấy muốn. Với ông ấy, Puskin giờ đây là tất cả. Nhưng tất cả chúng ta cũng thông qua Puskin mà đi đến với những vấn đề hôm nay; cả với chúng ta, Puskin là khởi thuỷ của tất cả những gì chúng ta hiện có. Còn với ông Nikitin, Puskin còn hơn là một người ruột thịt. Puskin là ngọn cờ, là điểm kết đoàn tất cả những ai khao khát học vấn và phát triển; bởi vì Puskin tài tình hơn tất cả các nhà thơ khác của chúng ta, giản dị hơn cả, quyến rũ hơn cả, dễ hiểu hơn cả. Ông Nikitin sẽ đi qua toàn bộ Puskin, và nếu quả thật ông ta có tài thì, ông G – bov hãy tin tưởng, ông ta cũng như tất cả chúng ta sẽ đi đến những vấn đề của hiện tại và sẽ viết có khuynh hướng. Nhưng nếu ngay bây giờ đòi hỏi ở ông ta cái đó, thì sẽ là… sẽ là… diễn đạt thế nào nhỉ: sẽ là một bước nhảy vọt trong phòng giấy!

Nhưng đủ rồi! Chúng tôi không có danh dự quen biết ông Nikitin và vị trí xã hội   rcủa ông ta; chúng tôi chỉ biết ông ta là một tiểu thị dân, chính ông đã cho biết điều đó khi ấn hành những sáng tác của mình. Nếu hoàn cảnh của ông Nikitin không hẳn như chúng tôi quan niệm, thì chúng tôi xin lỗi ông. Trong trường hợp ấy, thay cho ông, chúng tôi đặt một nhân vật trừu tượng, hư cấu, một ông N. nào đó.

1861

Chú thích:

(*) G-bov – bút danh củ a nhà phê bình cách mạng – dân chủ nổi tiếng N.A. Dobroliubov (1836-1862).

(1) Tạ p chí Thời đại (Vrêmia) của anh em M.M. và F.M. Dostoievski.

(2) Loạt bài về văn học Nga dưới tiêu đề chung này, Dostoievski đã đăng trong năm 1861 năm bài tiểu luận dài về những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước ông. Ông G-bov với vấn đề nghệ thuật là bài thứ hai trong năm thiên tiểu luận ấy.

(**) Kuzma Prutkov – bút danh chung củ a một nhóm nhà văn quý tộc Nga giữa thế kỉ XIX, châm biếm sắc bén thói a dua thời thượng trong đời sống văn học cùng thời.

(3) Bài thơ   này, gồm toàn những câu không có động từ, là một trong những thi phẩm nổi tiếng của thi hào Nga A.A. Fet (1822-1891).

(4) Bác sĩ   Panglosse – một triết gia nực cười trong một truyện cổ của Voltaire, luôn luôn chứng minh rằng mọi sự xảy ra trên đời đều là tốt đẹp (chú thích của tác giả).

(***) Ý thơ   của Puskin.

(4) Pho tượ ng thần Apollon bằng cẩm thạch trắng trong Vọng lâu (Belvédère) ở Vatican, nổi tiếng ngang hàng với tượng nàng Vệ Nữ từ đảo Milos.

(5) Ý thơ   của Puskin.

(****) Marco Vovtsoc – bút danh củ a nhà văn gốc Ucraina M.A. Vilinskaia – Markovich (1833-1907). Sau một số tác phẩm được giới phê bình dân chủ cấp tiến tán dương, nữ tác giả này đã tự thấy mình không có thực tài và ngừng sáng tác từ giữa những năm 70 thế kỉ XIX.

(*****) Tiểu Nga – tên gọi Ucraina trước cách mạng; Đại Nga – nước Nga trong ranh giới hiện thời.

(******) Tác phẩ m của nhà thơ A.A. Fet.

(*******) Tử tước Posa – nhân vật hào hiệp trong kịch Don Carlos của Schiller.

Theo Văn hóa Nghệ An

Exit mobile version