Ký là một trong những thể loại văn xuôi nhạy bén, linh hoạt nhất khi phản ánh hiện thực. Nó thể hiện một cách trung thực những vấn đề mang tính thời sự, nóng bỏng đang diễn ra hằng ngày.

Phạm Thị Toán vốn là kỹ sư chuyên ngành Thuỷ sản, quê ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, vào Nam công tác sau khi tốt nghiệp Đại học đầu năm 1981.

“Điều gì sẽ xảy ra, nếu như không có cuộc gặp gỡ giữa cô kỹ sư thủy sản quê Thái Bình và chàng nhạc sĩ quê Đồng Tháp, trong buổi sáng định mệnh năm ấy, tại vườn ươm văn học nghệ thuật của một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long? Chắc hẳn sẽ không có mối lương duyên tạo nên một gia đình hạnh phúc, với những đứa con máu thịt và tinh thần họ đang có được” (theo nhà văn Trầm Hương)

Và hiện nay chị đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp. Thế mạnh của Phạm Thị Toán là ký văn học.

Viết ký văn học rất khó. Người viết dễ sa vào ký báo chí tân văn.

Chính cuộc sống đời thường giúp cho tác giả chọn ra được những sự việc, biến cố, những nhân vật điển hình và đưa vào sáng tác của mình. Tác phẩm ký của Phạm Thị Toán lay động lòng người và tạo ra niềm tin, hy vọng vào cuộc sống bởi những người thật, việc thật.

“Văn của Phạm Thị Toán mộc, không sử dụng nhiều biện pháp tu từ và thủ pháp nghệ thuật nhưng khá mượt mà và có hình ảnh. Điều quan trọng là trong mỗi tác phẩm, dù có khi chỉ mấy trang sách, tác giả đã biết cách khơi bật được nét điển hình của cuộc sống, của con người, của vấn đề đặt ra cho sự tồn tại và phát triển” (theo nhà văn Thai Sắc)

Mời quý vị lắng nghe Ông Ba Bé ở xứ Sen kýcủa nhà văn Phạm Thị Toán

Ông Ba Bé ở xứ Sen

Phạm Thị Toán

Ngày xửa, ngày xưa ở ngôi làng nọ….

Tôi hiểu ông Ba Bé, Chủ cơ sở muối sấy Ngọc Yến huyện Thanh Bình qua câu chuyện Con lừa, đại ý: Một ngày nọ có con lừa của người nông dân ngã xuống đáy giếng. Con lừa khóc thảm thương mấy tiếng đồng hồ trong khi người chủ tìm cách giải thoát cho nó nhưng không được. Cuối cùng người nông dân quyết định con lừa đã quá già và ông tìm cách lấp giếng, không cần cứu nó nữa. Người nông dân kêu hàng xóm đến và giúp một tay xúc đất đổ xuống giếng. Đầu tiên lừa khóc tuyệt vọng, nhưng sau, nó im lặng, cứ mỗi leng đất đổ xuống, con lừa lại giũ đất và đứng trên đống đất cao dần, rồi ai cũng ngạc nhiên con lừa được lên khỏi miệng giếng.

Như vậy, cuộc sống có thể hất bùn đất lên bạn, bằng mọi cách. Cách duy nhất để bước ra khỏi cái giếng của tuyệt vọng đó là hãy rũ bỏ khó khăn và tiếp tục bước lên. Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi tuyệt vọng bằng cách đừng bao giờ từ bỏ. Hãy vượt qua nó chứ đừng đầu hàng.

Khi trở về huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi thường nghe bà con cô bác hay nói về “Ông Phật giữa đời thường”, rồi nhắc cái tên “ông Ba Bé” – “Cơ sở muối sấy Ngọc Yến”, rồi “Muối ngọt”… với tình cảm nồng ấm, thân thương và đầy tin cậy. Ông được coi là một trong những mẫu hình nổi bật đặc biệt cho mọi người noi theo, vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng, từ cái điểm xuất phát “sổ hộ nghèo” ở địa phương vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Đồng Tháp.

          Tìm hiểu tôi được biết, những người quá khó khăn, ông trợ cấp cho tận 500 hộ nghèo trong huyện, bình quân một tháng, liên tục mỗi hộ được nhận 15kg gạo và số tiền 200 ngàn đồng để bà con, cô bác duy trì cuộc sống bình thường, không bị đói khổ như gia đình của ông cuối những năm tám mươi, đầu những năm chín mươi. Ngoài ra, nhiều học sinh, sinh viên nghèo ở địa phương hàng tháng cũng nhận được tiền trợ cấp của ông để lo ăn uống hàng ngày, đóng học phí trong suốt những năm học đại học cho tới tận khi ra trường, có công ăn việc làm ổn định, nuôi sống được bản thân, giúp đỡ một phần cho gia đình. Thật đáng trân trọng, tính ra mỗi năm ông làm công việc từ thiện này số tiền gom lại cũng lên tới cả tỷ đồng, là con số không hề nhỏ chút nào với một cơ sở sản xuất thật khiêm tốn ở một thị trấn của huyện vùng sâu Thanh Bình.

Chưa hết, trong năm qua ông còn là nhà tài trợ chính để xây cầu Tân Mỹ bắc ngang sông gần nhà để bà con cô bác đi lại sinh hoạt, ra chợ mua bán, các em cháu đến trường không phải “lụy đò”. Phải nhà ở bên sông không có cầu qua lại, mỗi khi muốn qua phải lụy con đò. Mà đâu phải lúc nào cũng có đò chờ sẵn như đêm hôm, như khi trời dông bão, mưa gió ào ào. Thế mới thấy, nếu xây được cây cầu đi ngang con sông, nó có ý nghĩa vô cùng lớn với bà con cô bác bên sông. Ông nghĩ rồi bỏ tiền làm. Không nói nhưng nhìn nụ cười rạng rỡ của bà con cô bác, sự háo hức, niềm vui vỡ òa của những đứa trẻ bên kia sông, cứ chạy qua chạy lại khi thông cầu đã nói lên tất cả.

Ông còn hùn mấy trăm triệu đồng, phân nửa giá trị, mua chiếc xe 12 chỗ để chuyển viện cho bà con cô bác trong xã, nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi gắn bó bao kỉ niệm vui buồn của gia đình ông, có thể chở người bệnh từ xã lên huyện, lên tỉnh và lên các bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông bỏ cả tiền xăng, xe, bồi dưỡng tài xế để duy trì nó. Cứ có điện thoại là người và xe chuẩn bị lên đường.

          “Khi mà cuộc sống gần như tới tận cùng, vợ con đói khổ phải kiếm gạo ăn từng bữa, tôi mang ơn, mang “nợ” chính quyền ngày ấy đã cấp cho tôi cái sổ hộ nghèo. Có cái sổ ấy, mỗi tháng gia đình nhận từ các mạnh thường quân ít tiền, ít gạo để vợ chồng con cái không phải ăn cháo, khi con tôi bệnh hoạn, đi bệnh viện không phải mất tiền. Mà cơ khổ, còn nhỏ nên tụi nó lại rất hay ốm đau, bệnh hoạn. Tới Tết, tôi cũng được cấp tiền mua cân thịt heo và hơn chục hột vịt kho nước dừa chấm dưa cải…theo phong tục Tết miền Nam, cho vợ chồng con cái bớt tủi, cho cái tết ấm cúng hơn. Vì vậy khi làm ăn bắt đầu có chút lãi, tôi nghĩ ngay đến việc “trả nợ” cuộc đời, giúp những mảnh đời cơ nhỡ như gia đình tôi ngày ấy bớt khó khăn phần nào. Cơ sở càng có lời, làm ăn càng lớn, tôi trích ra số tiền đi từ thiện ngày càng tăng”, ông Ba Bé trầm ngâm tâm sự. Tôi đã hiểu nguồn cơn từ đâu mà ông lại “say sưa” đi làm từ thiện không kể ngày giờ khi biết có “địa chỉ” cần ông tới.

          Để duy trì cơ sở sản xuất muối sấy của mình, lúc nào trong cơ sở cũng có từ 50 – 60 công nhân với mức lương 5 – 7 triệu đồng, chưa kể ông may đồng phục, đóng đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo quy định cho người lao động. Mỗi năm ông cho công nhân đi nghỉ mát ở các nơi trong nước ít nhất một lần sau những tháng ngày lao động. Công nhân có sáng kiến cải tiến kĩ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất thì ông có chính sách thưởng thêm để khuyến khích, động viên những người đã làm lợi cho cơ sở sản xuất.

          Bắt đầu từ năm 2002, Muối sấy Ngọc Yến ngày càng được nhiều người tiêu dùng nhắc đến nhất là các bà nội trợ, các “nam thanh, nữ tú” mê món trái cây. Mỗi năm ông sản xuất được đến vài chục tấn, năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ năm 2017 về sau này cán mức 1500 tấn một năm. Hồi ấy mà nói một ông nông dân Hai Lúa quê mùa ở Đồng Tháp có thể “ăn nên làm ra”, làm giàu từ muối ớt thì có ai mà tin nổi! Ở một tỉnh rặt là trồng lúa, ai mà dám mang cây ớt về trồng. Trồng ra rồi bán cho ai. Lỡ trồng lúa không ai mua thì còn để lại ăn hay bán cho bà con có cái ăn hàng ngày, không chết đói được. Còn ớt… một loại gia vị, không có cũng… “chẳng chết”. Không bán được có mà đổ đi, cho ai mà thèm lấy…

Để làm được sản lượng muối sấy đưa ra thị trường như trên, có hai nguyên liệu chính trong thành phần là muối và ớt. Hàng năm cơ sở của ông đã góp phần tiêu thụ một lượng ớt không nhỏ được sản xuất ngay tại địa phương – huyện Thanh Bình và một số huyện lân cận trong tỉnh. Bà con trồng ớt bớt cảnh giá ớt “trúng mùa mất giá” hay giá cả trái ớt giống như lúa, trồi sụt, không ổn định, nếu không có cơ sở muối sấy Ngọc Yến, mỗi ngày cũng “ngốn” cả vài trăm kí ớt tươi. Thậm chí có bà con ở Châu Thành ngán làm lúa, nuôi cá đang thời kì khó khăn đã lên tận Thanh Bình mua ruộng chỉ để  … trồng ớt, bán cho ông Ba Bé, chắc ăn hơn, ông Hai Phương, một lão nông mới về tạm trú ở ngay thị trấn Thanh Bình nói với tôi như vậy.

           Chưa hết, trong hoàn cảnh hiện nay bà con ở miệt Bạc Liêu lượng muối bị tồn đọng ngày càng lớn, giá cả thì rẻ mạt với tình trạng “bán như cho”. Cơ sở muối sấy Ngọc Yến mỗi năm tiêu thụ trên cả ngàn tấn muối, với giá cả hợp lý cho diêm  dân, trong thâm tâm bà con rất mang ơn ông, họ bớt cảnh chầu chực chờ thương lái, diêm dân có lời chi phí để chuẩn bị cho mùa sau, sau khi trừ mọi chi phí bỏ ra. Tôi chưa nói đến tiêu, tỏi, bột ngọt…để làm ra sản phẩm. Còn nữa, ngay tại cơ sở của ông, hàng ngày đã giải quyết việc làm cho trên năm mươi lao động thường xuyên xung quanh thị trấn Thanh Bình nhỏ bé này.

           Người ta thường nói: “Bên cạnh thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng phụ nữ”. Đúng vậy! Bên cạnh thành công rực rỡ hôm nay của ông Nguyễn Văn Bé luôn có vợ và các con của ông đồng hành. Ông nói, ông luôn biết ơn họ, nhớ công lao của họ. Nếu không có bà chị họ của ông, thấy người em túng quẫn, muốn tự tử vì nợ nần chồng chất, được xã Tân Phú phải cấp cho cuốn sổ nghèo kêu vợ chồng con cái lên Tây Ninh dạy cho cái nghề làm muối. Nếu không có đứa con gái Ngọc Yến những ngày đầu trăm ngàn gian khó đã đội trên đầu từng sề cá, sề khoai lang, bó rau vườn, từng rổ trái cây mua từ chợ Thanh Bình chạy xe đạp cả bốn năm cây số vào tận Tân Phú, quê nội của ông để bán lại, gom góp từng đồng tiền lẻ một vài ngàn để ông “đứng dậy” từ những chuồng trăn, ao cá, chuồng cút… làm “sạch bách” chút tài sản mới gây dựng của hai vợ chồng trẻ từ khi về chung một nhà. Nó bỏ học khi mới tới lớp năm, “hy sinh” cả tương lai theo vợ chồng ông đi “gõ cửa” từng nhà, từng cái chợ nhỏ ngày nắng cũng như ngày mưa, muốn mòn đường từ chợ Bàn Cờ, quận 3 tới chợ Cầu Ông Lãnh, quận 1 chào hàng từng bọc muối của hai vợ chồng làm thử, pha trộn gia vị trên từng nia nhỏ, phơi đảo dưới cái nắng chang chang… thì làm sao ông được nổi tiếng, nhiều người biết đến như ngày hôm nay.

           Gặp Ngọc Yến, tôi cảm nhận em là một cô gái vẫn mang đậm nét chân quê dù lăn lộn cùng ba mẹ lên Tây Ninh, đi Sài Gòn rồi lại vòng trở về ngay mảnh đất Thanh Bình, Đồng Tháp sau khi gia đình đã mang về quê hương được một cái nghề hoàn toàn lạ lẫm cả hơn chục năm về trước ở mảnh đất xứ sen này. Em trầm ngâm kể cho tôi nghe trăm ngàn khó khăn lúc ấy.

– Lúc ban đầu tôi lên Sài Gòn không có tiền mướn sạp, đứng giữa chợ mà bán, phải năn nỉ cô bác cho đứng gần quấy hàng của họ để bán từng bịch muối, có người thương thì cho, có người sợ hàng của họ không bán được, họ đuổi xơi xơi… Hồi ấy mua muối, ớt và gia vị về trộn rồi rải ra từng sề phơi nắng. Nhiều bữa mưa không kịp chạy. Mấy sề muối coi như đi tong, lại lỗ, ba mẹ đi vay tiền làm lại từ đầu. Tôi nhớ những mẻ đầu tiên tôi ra kí gởi muối Ngọc Yến ở mấy tiệm buôn tạp hóa. Các tiệm lúc ấy chủ yếu là muối Tây Ninh. Ít ngày sau tôi nhờ người quen đi mua muối nhưng phải là loại muối Ngọc Yến. Và sau vài lần “thủ thuật” như vậy, bà con cũng bắt đầu dùng thử muối của mình thấy có mùi vị ngon, thơm, chất lượng, đặc biệt hơn các loại muối chế biến khác thì lượng mua ngày càng nhiều hơn. Mừng khi muối mang thương hiệu Ngọc Yến được nhiều người tin dùng thì xui rủi lại ập đến.

Có một đêm, hai vợ chồng chở hai xe muối có ngọn của nhà làm từ quận 3 sang quận 1 bỏ mối để sáng cô bác bán lẻ. Chồng tôi chạy trước, xe tôi chạy sau, cách chợ Cầu Ông Lãnh khoảng vài trăm mét thì bánh trước xe tôi bị nổ, đêm khuya không thấy rõ, cả người và xe sụp xuống cái hố. Mặt và người bị chà lết trên đường đá. Cả cái xe muối văng tứ tung. Tôi lịm đi, máu me bê bết. Không biết bất tỉnh bao lâu. Đường đêm khuya vắng ngắt. May có một người đàn ông từ sau chạy tới. Gặp người nằm gục bên đường, anh lay kêu một hồi tôi mới tỉnh. Tôi cho anh số điện thoại của ông xã. Chồng tôi bỏ vội đống muối ở chợ, vội ngược trở lại và xốc tôi vô bệnh viện. Cũng cả mấy tháng tôi mới tự đi lại được… Bớt bệnh vợ chồng lại rong ruổi trên đường cùng ba má duy trì và phát triển cơ sở.

        Được biết những năm qua Cơ sở chế biến muối sấy của vợ chồng ông Ba Bé liên tục được các cơ quan cấp trung ương tặng huy chương vàng, cúp vàng chất lượng sản phẩm, một danh hiệu cao nhất, như: Huy chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, Cúp Sen Vàng Việt Nam, Kỷ niệm chương Doanh nhân tiêu biểu, danh hiệu “Phù hợp tiêu chí tín nhiệm vàng: Nhà cung cấp đáng tin cậy tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Việt Nam, đơn vị giám sát chất lượng quốc tế  – Vương quốc Anh và Trung tâm khảo sát chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp phong tặng … Tôi thật ngưỡng mộ ông. Thế nhưng ông vẫn nói, nếu chỉ một mình tôi thì tôi không có ngày hôm nay. Tất cả các danh hiệu cao quí và vinh dự trên sẽ không bao giờ tôi với tới được. Trong thâm tâm tôi muốn giành những danh hiệu cao quí ấy cho vợ và con tôi.

 – Con mình đứt ruột đẻ ra đứa nào mà không thương, nhưng trong thâm tâm tôi thương đứa con gái thứ ba nhiều lắm, nó thiệt thòi nhất trong ba đứa con của tôi, những hạt muối của tôi hôm nay đổi bằng những giọt mồ hôi của vợ con tôi, có thể nói có cả bằng những giọt máu, tính mạng của nó nữa. Nó rong ruổi theo hai vợ chồng từ khi chúng tôi chỉ còn hai bàn tay trắng, tôi “cám ơn” nó và tôi đã lấy tên của Ngọc Yến, đặt tên cho Cơ sở sản xuất muối của mình, ông Bé xúc động nhớ lại chuyện xưa. Nếu không có đứa con gái của tôi, chưa chắc tôi được nhiều người biết đến như hôm nay, ông lại nhắc câu nói đó với chúng tôi.

          Tôi thật ngưỡng mộ và cảm phục ông. Những hạt muối sấy nghĩa tình mang tên Ngọc Yến, tên đứa con gái vô cùng yêu thương của hai ông bà đã làm nên thương hiệu và những chiếc huy chương vàng, biểu tượng vàng, kỉ niệm chương ngày càng nhiều. Cứ mỗi năm ông nhận được từ 10 đến 15 giải thưởng, đến nỗi hỏi ông không thể nhớ hết chính xác. Tôi đưa ánh mắt dò đếm trên tường, số huy chương ấy cũng cả trăm cái. Càng về sau này ông nhận càng nhiều giải thưởng. Cứ mỗi ngày cơ sở ông cho ra đời 1500 tấn muối sấy, kèm theo lượng muối sấy khổng lồ ấy là bao nhiêu tấn muối, tấn ớt, tỏi của bà con diêm dân, nông dân trồng ớt quê ông, nông dân trồng tỏi miền Đông Nam bộ và bột ngọt của nhà máy được tiêu thụ…Rất nhiều người đã mang ơn ông.

“Không có việc gì khó”! Ông thường nói vậy để hun đúc, tạo “chất men”, niềm tin cho những người nghèo tù chính cuộc đời của ông: Hãy vượt qua gian khó rồi từ không sẽ thành có và ông hay khuyến khích bà con: “Đừng bi quan hay chán nản. Cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Không có gì là không thể. Hãy làm việc, làm hết khả năng, công sức của mình, có ngày cuộc đời sẽ trả cho bạn những “quả ngọt” như tôi hôm nay, góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh, cho đất nước, có điều kiện đóng góp ngày càng nhiều cho công tác xã hội, cho từ thiện, đem tấm lòng đến với những mảnh đời cơ nhỡ, khó khăn”. Tôi nghĩ, ông đã tạo “cần câu” cho những người nghèo với thông điệp ấy!

P.T.T