”Một phụ nữ có quyền bước lên đoạn đầu đài thì họ cũng phải có quyền bước lên Diễn đàn”

Câu nói đó thoạt đọc bạn sẽ thấy không ý nghĩa gì vào thời nay, nhưng xin thưa, câu nói đó đã được phát biểu tại Pháp vào đầu thế kỷ 18!

Là một nữ văn sỹ chuyên viết tiểu thuyết và kịch bản sân khấu, một nữ chính trị gia, một chiến binh của chủ nghĩa Nam Nữ bình quyền và chủ nghĩa nhân đạo, một phụ nữ tỉnh lẻ đã khuấy động thủ đô Paris và toàn bộ giới quý tộc và đàn ông tại Pháp ở thế kỷ 18, bà là ai?


Marie-Olympe de Gouges tên khai sinh là Marie Gouze, sinh ngày 07 tháng 5 năm 1748 ở Montauban. Bà được coi là nhà tiên phong của phong trào nữ quyền. Tác giả của Tuyên ngôn về các quyền của phụ nữ và nữ công dân, đã để lại nhiều bài viết ủng hộ các quyền dân sự và chính trị của phụ nữ và bãi bỏ Chế độ nô lệ da đen. Bà đã trở thành biểu tượng của phong trào giải phóng phụ nữ, và Chủ nghĩa nhân văn nói chung. Những ý tưởng và vai trò của bà trong lịch sử đấu tranh vì Nữ quyền đã được được giới học thuật đánh giá rất cao.


Xuất thân

Cứ chiểu theo thân phận và cuộc đời góa phụ trẻ ấy thì thoạt đầu, không ai nghĩ rằng một người phụ nữ tỉnh lẻ lại có một số phận truân chuyên trên chính trường đến vậy. Xuất thân có cha mẹ  thuộc tầng lớp tiểu tư sản, lấy chồng là đồ tể năm 17 tuổi, để rồi trở thành góa bụa khi đứa con trai duy nhất vừa lọt lòng, tức một năm sau đó, năm 1766. Chán cảnh, thất vọng trước trải nghiệm cuộc đời phu thê quá ngắn ngủi mà không hề đem lại chút hạnh phúc nào, bà sẽ không bao giờ tái hôn và cho rằng «Hôn nhân tôn giáo là nấm mồ chôn cả sự tin tưởng lẫn tình yêu» Trong một lần gặp gỡ với Jacques Biétrix de Rozière, một quan viên cấp cao, ông ngỏ lời cầu hôn nhưng bà từ chối và chỉ trở thành người tình của ông. Năm 1773, bà đem con theo người tình giàu có và địa vị cao sang lên Paris, ông lúc này đã trở thành cán bộ quân nhu cấp cao của bộ Hàng Hải Pháp. Bà dành nhiều thời gian nuôi dậy con trai và tạo điều kiện để con có những thầy dạy tốt nhất. Cũng phải nói, mẹ của bà xuất xứ từ một gia đình có học nên Olympe de Gouges đã được hưởng một nền giáo dục cho phép hòa đồng rất nhanh với những tinh hoa ở Paris. Tại Triều đình thời ấy, bà mới bắt đầu đổi tên, không còn là Marie Gouze mà là Olympe de Gouges.

Ở Paris, bà tận dụng cảnh vàng son nhung lụa mà người tình giàu có đem lại, bắt đầu làm quen với giới quý tộc, đi xem ca kịch, đánh bài… và vẫn còn chưa quan tâm đến chính trị. Cuộc gặp gỡ với nhà văn Louis-Sébastien Mercier và Hiệp sỹ thi sỹ De Cubière đưa bà làm quen với giới văn sỹ Paris, tham dự những phòng trà văn chương mà tại đó bà chia sẻ, kết giao với các Viện sỹ viện Hàn lâm, các họa sỹ và nghệ sỹ nổi tiếng. Với sự khích lệ của nhà văn Mercier, tác giả của kiệt tác văn chương Bức tranh Paris (Tableau de Paris), Olympe de Gouges bắt đầu thấm gu nhà văn và tài năng văn chương của bà bắt đầu hé nở. Bà khẳng định tài năng soạn kịch của mình, nhưng lại không đồng ý với những ý tưởng của Voltaire, khi ấy đã là một triết gia tiếng tăm. Thời đó, ca kịch mới xuất hiện, dù được biệt đãi, nhưng vẫn nằm dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Hoàng gia, Olympe de Gouges tự mình sáng lập đoàn kịch riêng, với cảnh trí và trang phục do bà tự chế để đi biểu diễn ở Paris và các vùng phụ cận.

Sự nghiệp văn chương, dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ

Vào năm 1784, ở tuổi 36, bà cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên và một vở kịch có tựa đề Zamore và Mirza hay sự Đắm chìm Hạnh phúc. Đây là một tác phẩm tố cáo chế độ nô lệ da đen. Giới truyền thông đã tốn rất nhiều giấy mực để nói về bà và vở kịch này. Olympe de Gouges bắt đầu trở thành một nữ văn sỹ có chính kiến.

Vào năm 1784, để tranh đấu cho vở kịch Chống chế độ nô lệ mà bà đã viết, bà chuyển hẳn nhà đến gần Nhà hát Pháp, mà hiện nay là Nhà hát Odéon, nằm trên quận 6, Paris. Sau năm năm tranh đấu, vở kịch của bà đã được rạp kịch La Comédie Française tuyên bố đưa vào chương trình vào tháng 12 năm 1789, để rồi lại phải gỡ bỏ sau năm buổi trình diễn, do có quá nhiều áp lực chính trị. Vở kịch của bà, mà mục đích là thu hút sự chú ý của dư luận quần chúng trước thân phận những người Da đen đang là nộ lệ trong các nước thuộc địa Pháp, được  pha trộn có điều độ sự sụp đổ nào đó trong ngữ cảnh nền quân chủ lập hiến. Bộ luật Da đen đã ra đời dưới thời Louis XIV khi đó còn rất có hiệu lực và phần đông các gia đình có mặt tại triều đình đều hưởng một nguồn thu nhập cực lớn từ các nước thuộc địa này, chiếm phân nửa nền ngoại thương của Pháp, do vậy giới quý tộc rất căm phẫn. Nam tước de Breteuil và Nguyễn soái De Duras, vốn sẵn hiềm khích, đã nắm ngay lấy cơ hội để ra sắc lệnh tống giam Olympe de Gouges vào ngục Bastille và cho rút ngay vở Chống chủ nghĩa nô lệ ra khỏi danh mục của nền ca kịch Pháp. Nhờ có nhiều hậu thuẩn và bảo trợ, nên sắc lệnh tống giam đó mới được hủy bỏ.

Không hề nao núng, chính kiến của bà ngày càng được tỏ rõ và lớn dần theo năm tháng. Kể từ đó, bà đã trở thành thành viên của hội Bạn của những người Da đen. Ngòi bút của bà không ngừng viết và bà trở thành một cây bút chiến trên chính trường. Thông qua những vở kịch, những bài trào phúng châm biếm đả kích và các dự án luật, bà luôn bênh vực những người cùng khổ.

Mặc dù chính trị có sự thay đổi, nhưng những kẻ «vận động hành lang» còn hoạt động rất mạnh, Olympe de Gouges, được các thành viên thuộc câu lạc bộ Bạn của người Da đen ủng hộ, vẫn tiếp tục đối mặt với những sách nhiễu, những áp lực và thậm chí cả những đe dọa. Năm 1790, bà cho ra tiếp một vở kịch có tên Chợ Da đen, nhưng từ năm 1788, bà đã xuất bản một bài viết dài Những suy ngẫm về đàn ông Da đen.

Cũng năm 1788, Nhật báo chung của Pháp xuất bản hai tập sách chính trị của bà trong đó có dự án luật thuế yêu nước mà sau này được phát triển thêm trong tác phẩm Thư gửi đồng bào tôi nổi tiếng của bà. Trong tập thứ hai, bà phát triển một chương trình rộng lớn về những cải tổ xã hội và trách nhiệm của những tập đoàn, những cá nhân trước những hậu quả kinh tế, chính trị, sức khỏe và môi trường do họ gây ra…

Khi Louis XVI bị kết tội lên đoạn đầu đài, cũng như nhiều người theo chế độ cộng hòa thời đó, bà phản đối việc hành quyết vua. Ngày 16 tháng mười hai năm 1792, bà tự đề nghị được trợ lý Malesherbes trong việc bào chữa bảo hộ cho vua trước Hội nghị Quốc ước, những yêu cầu của bà đã bị từ chối.

Xuyên suốt những ý tưởng đòi Nam Nữ bình quyền của mình, bà luôn biện luận rằng phụ nữ hoàn toàn có khả năng đảm nhận các nghĩa vụ truyền thống vốn chỉ được trao độc quyền cho đàn ông và, trong các bài viết và các tác phẩm của mình, bà đề nghị các chị em nên liên kết giữa những cuộc tranh luận chính trị và tranh luận về xã hội. Bằng cách nhắn gửi đến Hoàng hậu Marie-Antoinette để bảo vệ «giới mình» mà hoàng hậu nói là bất hạnh, Olympe de Gouges đã soạn thảo một Tuyên bố về các quyền của phụ nữ và nữ công dân, dựa trên bản Tuyên ngôn về quyền Con người và quyền Công dân đã được nhà nước thông qua, trong đó bà khẳng định sự bình đẳng về các quyền dân sự và chính trị của hai giới, nhấn mạnh để người ta trả lại cho phụ nữ những quyền tự nhiên mà sức mạnh định kiến đã lấy đi của họ. Bà viết : «Người phụ nữ có quyền leo lên đoạn đầu đài, thì họ cũng phải có quyền leo lên Diễn đàn». Lần đầu tiên, bà đã thành công để những người phụ nữ được tham dự trong một buổi lễ trọng thể có tính quốc gia, « Ngày lễ Luật », mùng ba tháng sáu năm 1792, sau đó là ngày lễ tưởng niệm chiếm ngục Bastille, 14 tháng bảy năm 1792.

Sau đó, bà đề nghị thiết lập quyền li dị, quyền đầu tiên và duy nhất được cuộc Cách mạng dành cho phụ nữ, và mấy tháng sau đó đã được quốc hội thông qua. Bà cũng đề nghị hủy bỏ hôn nhân tôn giáo, và thay vào đó bằng một kiểu như hợp động dân sự được đôi bên ký và hợp đồng đó sẽ ghi nhận những đứa trẻ được ra đời từ một «sự luyến ái đặc biệt». Vào thời đó, trong một nước Pháp vốn bảo thủ thì đây thực sự là một cuộc đại cách mạng ! Cũng theo tinh thần đó, bà đấu tranh cho sự tự do tìm chồng và sự công nhận trẻ em sinh ngoài gia thú. Như vậy, trong các ý tưởng lớn nhất của mình, bà là người nhận định lý thuyết về hệ thống bảo vệ các bà mẹ trẻ em mà ngày nay chúng ta áp dụng. Phẫn nộ khi thấy các bà bầu sinh con trong những bệnh viện thông thường, bà đề nghị lập ra chế độ thai sản và thành lập các nhà hộ sinh. Nhạy cảm trước sự nghèo đói của dân lành, cuối cùng bà đề nghị thành lập các Nhà xưởng công cộng cho những người thất nghiệp và các Trung tâm dành cho người ăn xin. Tất cả những biện pháp đề xuất này áp dụng trước mùa đông lạnh năm 1788 – 1789 được Olympe de Gouges coi là hết sức cần thiết và chính vì thế bà đã phát triển tiếp trong tác phẩm Một đồng bào bị truy hại. Đây sẽ là tác phẩm cuối cùng của bà trước khi bị đưa lên đoạn đầu đài.

Án tử hình

Ngày 26 tháng tám năm 1789, văn bản trọng thể của bản Tuyên ngôn về quyền con người và Công dân được thông qua, thì Olympe đã nghĩ đến sự nghiệp của người phụ nữ, những con người đã bị Hội đồng công ước gồm toàn đàn ông lãng quên một cách thảm hại. Ngày 17 tháng chín năm 1791, bà cho xuất bản Tuyên bố các quyền của phụ nữ và nữ công dân, trong đó bà khẳng định rằng «Người phụ nữ sinh ra và sống hoàn toàn bình đẳng với đàn ông về các quyền và nghĩa vụ.»

Thân cận với hội những người Gigonde (Hội biện hộ cho nhà vua Louis XVI thoát khỏi án tử), bà thách thức tất cả những Kẻ đồng rừng, dũng cảm đối nghịch với Robespierre (Chủ tịch Công ước quốc gia) và với những bạo động của những Kẻ khủng bố. Với bài Ba cái hòm phiếu, xuất bản ngày 19 tháng bảy năm 1793, Olympe de Gouges đã ký vào bản án tử của chính mình, bởi sau đó bà bị bắt giam vào nhà tù của tòa Thị chính thành phố. Ba tháng sau bị kết tội tử hình và chuyển đến phòng biệt giam dành cho tử tội, nơi hoàng hậu Marie-Antoinette đã từng bị giam trước đó trước khi bị đưa lên đoạn đầu đài.

Olympe de Gouges đã bị chém đầu vào ngày mùng 3 tháng mười một năm 1793 tại quảng trường Cách mạng và hiện giờ là quảng trường Concorde, vào tuổi 45.

Một số tác phẩm tiêu biểu :

Người đàn ông hào phóng (L’Homme généreux),  1786.

Triết gia phạm lỗi hay kẻ có lẽ bị cắm sừng (Le Philosophe corrigé ou le cocu supposé), 1787.

Zamore và Mirza, hay sự đắm chìm hạnh phúc (Zamore et Mirza, ou l’heureux naufrage), 1788.

Molière ở nhà Ninon, hay thế kỷ của những vĩ nhân (Molière chez Ninon, ou le siècle des grands hommes), 1788.

Sự cần thiết của li dị (La Nécessité du divorce), 1790

Nước Pháp được cứu, hay kẻ độc tài bị truất ngôi (La France sauvée, ou le tyran détrôné), 1792

Ngoài ra còn rất nhiều các tác phẩm và các bài báo chính trị khác.

Sau khi bà chết, phụ nữ Pháp sẽ còn phải đợi hơn một trăm năm mươi năm sau, vào ngày 21 tháng tư năm 1944, thì họ mới chính thức được đi bầu cử.

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia, các hội đoàn phụ nữ đã nghiên cứu và áp dụng những ý tưởng của bà.

Hiện nay, trên đất Pháp, rất nhiều thành phố và tỉnh lỵ mang tên Olympe de Gouges, vinh danh người phụ nữ đầu tiên dùng ngòi bút để đấu tranh cho Nữ quyền và sự bình đẳng của các màu da trên thế giới!

Paris 05/03/2013