Khi nghe một cô bạn đồng nghiệp nói là chiều 14 tháng Giêng âm lịch sẽ đi lễ hội Đền Trần, tôi đã thốt lên “dũng cảm thế!”. Đi lễ hội mà phải dùng đến từ “dũng cảm” thì quả thật là lạ. Nhưng đúng là phải có một sự vô cùng dũng cảm thì người ta mới có thể chấp nhận lao vào một đám đông khó kiểm soát như đám đông ở lễ hội đền Trần.

Hỗn loạn tại lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2016. Ảnh: Tuổi trẻ


Năm nào cũng vậy, dù ban tổ chức lễ hội có cải tiến hoặc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh – trật tự nhiều hơn năm trước thì kịch bản cũng vẫn không thay đổi. Vẫn là cảnh chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn kinh hoàng diễn ra sau giờ khai ấn. Người ta không cần biết đây là nơi chốn tâm linh. Người ta vẫn hồn nhiên cư xử như ở các nơi công cộng khác, thậm chí là còn tệ hơn.

Không thể chấp nhận cảnh người dân đứng dọc đường đi của kiệu rước ấn thi nhau ném tiền lẻ vào kiệu rước với niềm tin gặp nhiều tài lộc, may mắn trong năm mới. Trong tâm lý đám đông, thấy người khác ném thì mình cũng ném, những người đó quên mất một điều là người ta đang ở một chốn linh thiêng. Ngay cả khi ta cho người ăn xin tiền thì ta cũng không nên ném tiền cho họ, chứ đừng nói đến việc dâng tiền ở chốn đền chùa. Họ quên một điều rất cơ bản đó là sự tôn kính.

Rồi để vào được trong đền, người ta không chỉ xô đẩy nhau mà còn đua nhau trèo qua hàng rào. Cảnh công an phải to tiếng, kéo những người đó xuống mới thật “đắng lòng”. Công an và người của ban tổ chức phải vô cùng vất vả để bảo vệ những lọ hoa, những phẩm vật dâng ở trên ban thờ để tránh bị “cướp”.

Nhìn những người trong đó có cả người đeo trên cổ tấm phù hiệu của “đại biểu” nét mặt hả hê khi chen lấn thành công để chạm tay vào thanh kiếm được cho là linh thiêng trên ban thờ hay nét mặt hồ hởi của một người vừa giật được một cành hoa trên ban thờ mới thấy văn hóa lễ hội xuống cấp tới mức nào! Người ta đi lễ để cầu may mắn, nhưng Phật Thánh nào có thể che chở cho họ khi mà chính bản thân họ cũng không thể tự bảo vệ họ, không lường trước được sức khỏe của bản thân có chịu được không khí của đám đông không? Để đến mức, có nhiều người bị ngất xỉu, phải nhờ đến lực lượng bảo vệ khiêng ra ngoài. Đi lễ cầu may mà để chuyện không hay xảy ra như thế thì có nên không?

Ở đây tôi không dám bàn đến yếu tố tâm linh vì mỗi người đều có quyền tự do tôn giáo. Mọi việc ở đây là từ ý thức của mỗi người. Trong một đám đông thì sự mất kiểm soát rất dễ xảy ra, nhất là khi người ta không có ý thức. Nhưng nếu mỗi người chúng ta đều có ý thức về hành vi, cư xử của chúng ta thì dù đông đến mấy chúng ta vẫn tự do trong khuôn khổ.

Mong sao mỗi người chúng ta khi tham gia các hoạt động lễ hội, hãy góp phần bảo vệ cho các hoạt động lễ hội được diễn ra đúng theo truyền thống văn hoá tốt đẹp của nó.

 

Theo Tường Lan – TBKTSG