“Nỗi đau đau đứng, nỗi buồn buồn nghiêng” Đây là câu thơ, nhà thơ Phạm Xuân Trường viết về Trần Văn Thước, nhà văn viết đứng và Đỗ Trọng Khơi, nhà thơ viết nằm đều quê Thái Bình. Phạm Xuân Trường đã chạm đến nỗi đau, nỗi buồn không phải chỉ đau, buồn của bệnh tật, của số phận. Mà là cái chất đau buồn bắt con người ta phải làm thi sĩ, như con trai nhả ngọc chữa lành vết thương, chữa lành bệnh cho mình và còn muốn giúp cho đời nữa.
Trong bài viết này, tôi xin được mạo muội đôi lời về nhà thơ mang nỗi “buồn nghiêng” qua tập thơ lục bát Ở Thế Gian.
Trước hết, nếu không biết thân bệnh của Đỗ Trọng Khơi, chỉ đọc thơ anh thì tôi cả quyết rằng tuyệt không có một sự thương thân trách phận nào chảy qua một chữ, một dòng. Cũng không có sự lên gân cốt, hô khẩu hiệu để vượt lên số phận mình.
Trong lục bát Ở Thế Gian có vẻ thanh khiết, an nhiên của một con người đã đạt đến một cảnh giới cao, như cá bơi trong nước, như mây bay trên trời.

Kết mùa ngậm bóng hoa – rơi
mà theo hoa rụng về thời thơ sinh
Mà về thăm thẳm tâm linh
lặng nghe tĩnh vắng xóa hình dáng ta
(Cầm Thu)

Có lúc, người hòa, người lẫn vào trong tự nhiên và là tự nhiên: bây giờ tôi sống như vờ/ như làn khói trắng, như bờ rêu xanh. Hay là: Ta – phiến đá sống bên đường/trái tim lặng lẽ thấm hương sắc mùa…Nhưng ở thời điểm khác lại : Muốn trèo lên nắng mà đi/muốn đu lên gió mà về với nhau, thì cái bản thể lại tách bạch ra với tự nhiên, dùng tự nhiên làm phương tiện cho mình, cứu rỗi mình, bởi lẽ người đa tình lắm!
Vâng có lẽ, cái đa tình là cái hệ lụy nhất của loài thi sĩ và nơi đây ta cũng thấy một cái riêng biệt, một cái quyết liệt của thi sĩ họ Đỗ:
đã nên nên ngọc nên vàng
bằng không mà cháy thành than cũng đành…
(Nên ngọc nên vàng)

Hay là:
Tình yêu đượm chất nhựa vàng
nhớ thương châm lửa đốt tàn tâm tư…
(Nhớ Thương)

Thế mà, lúc đầu người cũng chỉ dám thầm yêu vụng nhớ, trong mơ trong mộng một hình ai:
Tôi xin giữ lại cơn mơ
để còn yêu, dẫu yêu hờ thế thôi.
(Là về trăm năm)

Và:
Ta quê ở xứ chiêm bao
nghe rằng có một ước ao nơi người
tìm về tính chuyện lứa đôi
chỉ e tỉnh mộng ra rồi người đi
(Ta quê ở xứ chiêm bao)

Vượt qua cái e ấp, cái đơn phương ấy, người cũng nặng lời thề nguyền, níu kết, khuyên lơn:
Kiếp người ta đã nhận mang
xin em giữ trọn cho cam lòng trời
(Dâng)

Để rồi, đỉnh điểm yêu đương thế này, ai dám ngờ một người đàn ông không đích thực!
Chân thành tha thiết yêu tin
mình dâng nhau phút khát tìm về nhau
(Dâng)

Lục bát, một thể thơ vốn dĩ thường được ngâm nga, hay chuyển thể trong các làn điệu dân ca truyền thống như hát chèo, hát xẩm, chắc hẳn bởi nó mềm mại, nhịp điệu đều đặn, ổn định và trên hết nó là một thể thơ hay dùng để bộc bạch, tri ân, những tình cảm gần gũi và thiêng liêng trong gia đình. Ở khía cạnh này thơ Đỗ Trọng Khơi cũng có những nỗi niềm thật sâu nặng và riêng biệt.
Đây là tình cảm với người ông, tuổi nương tiếng đất, tiếng trời dần quên:
đêm nghe gió thoảng bên mành
nghe sương bỏ tiếng mong manh ngoài vườn

Giá như có thể nguyện cầu
sớm mau mau sáng, chiều lâu lâu tà
(Giá như có thể nguyện cầu)

Cũng như các thi sĩ bao đời, Đỗ Trọng Khơi dành biết bao trìu mến, trân trọng, biết ơn đối với người mẹ hiền, đặc biệt cha anh là liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bởi vậy sau này khi đã trưởng thành, viết về cha, anh lại nhớ sang mẹ – người quả phụ ngay khi tuổi còn xuân xanh:

Cậy dòng hương khói mong manh
mẹ chăm chút quãng xuân xanh tình mình
(Ngày giỗ cha)

Viết về mùa xuân, anh cũng lại quay về mẹ:
Màu xuân là phải vậy không
gậy tre mẹ chống bồng bềnh ngõ quê…
(Ngõ xuân)

Và cao hơn nữa, khi viết về trời đất, thì với cảm quan vũ trụ anh cũng đồng nhất đất trời với người mẹ hiền vất vả một nắng hai sương của mình:
Bây giờ trái đất ngủ vùi
tao nôi bé bỏng khoảng trời mẹ đưa
(Rằm tháng Chạp)

Đọc Ở Thế Gian của Đỗ Trọng Khơi, như trên đây tạm chia tách và điểm xuyết như vậy, cho dễ viết, dễ cảm nhận. Chứ 153 bài lục bát mang tựa đề Ở Thế Gian này là một thứ thời trân quý giá, là liền một mạch, một dòng. Là cái dòng cảm quan vũ trụ và triết lý nhân sinh đan quyện vào nhau, thống nhất thành một cõi Thiên – Địa – Nhân. Có lẽ, đó chính là cái riêng của Đỗ Trọng Khơi tri ân và làm mới cho thể thơ 6 – 8 truyền thống. Là cái làm anh không lẫn giữa biển người viết lục bát, làm anh được kể như người cầm một chút hạt giống trên tay (chữ của C.L.V) mà mong ước mùa màng.
Hãy cùng thưởng thức một đôi câu để thấy rõ điều này, thưa rằng đây là lúc sinh ra:
Có người họ Đỗ tên Khơi
thân như mây nổi từ thời mới ra
mặt trần gian chửa thấy già
nghe sương gió vẫn oa oa khóc cười…
(Tựa)

thế rồi:
bây giờ dắt gió lông nhông
gió ơi, đáy của mênh mông chỗ nào?

Tôi nghĩ ở đây chắc chắn không phải chỉ là cách tu từ, mặc dù nếu chỉ vậy thôi cũng đã là độc đáo. Ở đây, rõ ràng như trên đã nói một dòng cảm quan đã nhận thức vũ trụ, thống lĩnh và quán xuyến cả thi từ và nhịp điệu, ta hãy nghe thêm: trăm ngàn chất lại một lời/rằng thưa, tôi tự xóa rồi chữ Tôi.
Đó là bởi người đã ngộ:
Thân một bến, tâm một dòng
một bầu nửa thực nửa không, thu bày

cầm thu chói rực bàn tay cội cành…
(Cầm thu)


Mai kia bóng rụng, hình rơi
sống vào cõi chết, nhẹ dời bước đi
(Chúc thư)

Đúng là đầy mà không tràn, sáng mà không chói, Ở Thế Gian của Đỗ Trọng Khơi cũng giống như anh vậy. Nó làm người ta ngưỡng mộ, nhưng không làm người ta phải e sợ, ngại ngùng, phải cách xa, lạ lẫm. Gặp Ở Thế Gian như gặp một người thân quen mà không cũ kỹ, muốn cùng đồng hành mà mở mang ra, muốn cùng trao đổi mà tri âm tri kỷ với nhau và với đời.
Thật là:
Cúi xin mảnh đất quê nhà
xin cho được nghĩa đường xa lại gần.
(Tựa)

Vĩ thanh:
Viết xong bài, lòng vẫn thấy bồi hồi, vẫn muốn ngân nga mãi theo cái nhịp đồng vọng kia, mà nói thêm, nói nữa vì vẫn thấy còn thiếu, còn sót chưa nói hết những cái hay, nhất là những cái tân kỳ của thơ anh.
Nhưng rồi năm ba lần định viết tiếp lại thôi, bởi lẽ những cái ấy cũng nhiều người nói rồi, mình có nói, cũng là nói lại mà thôi.
Chợt nhớ, trước đây mình có viết một câu thơ:
Lá bạch đàn không vươn lên
Lá nghiêng vào lòng đất
Cái thế nghiêng của lá bạch đàn ấy, là một điểm thích nghi sinh học nó giúp cây bạch đàn tăng hiệu suất sống trong những môi trường khắc nghiệt.
Vô tình nó trùng hợp vói cái dáng nằm của Đỗ thi sĩ, nó trùng hợp với cái nỗi buồn nghiêng, cái tâm thế thu nhận, hứng về để chắt lọc thành những giọt sương, giọt móc mà góp mặt trong đời!
Thế mới biết, Tạo hóa thật là huyền diệu, người đã bố trí sắp đặt cả đường xa nẻo gần, đem một “chân quê” lên phố, tạo cảnh ly hương, mở rộng tầm nhìn và sự tri ngộ, để Ở Thế Gian phát lộ như một sự bù trì, ân thưởng xứng đáng.

Cao Mỗ, Tiết Hạ Chí, năm Quý Tỵ

 

 

 

Theo Phạm Hoài Ngọc

Exit mobile version