Chuyên mục Truyện hay tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Hoàng Chính.

Gồm các truyện sau:

1. Nét vẽ vô hình của thằng bé mồ côi

2. Mùa Giáng sinh xưa tôi đã hứa

3. Gói quà không bao giờ mở ra

4. Ở một góc phố tôi đã quên tên

5. Vực sương mù

Nhà văn Hoàng Chính

Quê quán Hải Phòng. Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn năm 1978.

Định cư tại Canada từ năm 1983.

Đã xuất bản một tập thơ và mười một tập văn xuôi trong số đó có truyện dài “Thư Tình Viết Muộn” in tại Việt Nam – Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2012, do nhà văn Tạ Duy Anh chịu trách nhiệm biên tập, nhà văn Võ Thị Xuân Hà trực tiếp biên tập.

Nhà văn Hoàng Chính là một trong hai dịch giả bộ truyện “Ngôi nhà nhỏ trong thảo nguyên”, NXB Kim Đồng

Cộng tác thường xuyên với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại.

Có kênh YouTube “Truyện Hoàng Chính”:

https://www.youtube.com/channel/UC4Pc1_2rl5zGA6SfJzMg6DQ/featured

gồm những truyện ngắn do chính tác giả diễn đọc.

Nhà văn hiện là thông dịch viên tòa án liên bang Canada

facebook: https://www.facebook.com/hoang.chinh.39

Ở Một Góc Phố Tôi Đã Quên Tên

Truyện ngắn Hoàng Chính

1

Trời nắng. Hơi nóng đặc keo như lớp bùn quyện lấy những bước chân. Chúng tôi vào tiệm phở. Vạt nắng gắt sựng lại ngoài hiên. Tôi thở phào trong bóng mát của khoảng mái nhà được chủ nhân nối dài ra sát mặt đường. Tôi kéo ghế cho cô ấy ngồi, rồi vòng qua chiếc ghế đối diện. Cô ấy gọi cho tôi tô phở tái và ly cà phê đá. Bọn trẻ ăn mày đông quá. Chúng lượn quanh khu nhà hàng ăn uống, chờn vờn như lũ ruồi lì lợm. Chủ quán đuổi không xuể đành mặc kệ chúng nó.

Tô phở được bưng ra, cô ấy ngoắc ngón tay, “Cho thêm cái hột gà.” Người chạy bàn sựng lại một giây, vẻ không vui hằn trên nét mặt, “Sao bây giờ mới nói.” Rồi quay lưng, luồn lách giữa những bàn ghế xộc xệch kê sát nhau.  

Tôi lén hít đầy lồng ngực mùi thơm của tô phở. Đợi bóng người chạy bàn mất hút sau nhà bếp, tôi thắc mắc, “Hột gà làm chi nữa?”

Cô ấy nháy mắt, mỉm cười. Đầy ắp ngụ ý trong cái cười nửa miệng ấy. Tôi hiểu.

Tôi hỏi, “Em không ăn gì à?” Cô ấy lắc đầu. Những sợi tóc dài vật vờ trước trán. Tôi thèm đưa tay vén những sợi tóc để có chỗ hôn lên vầng trán ấy biết chừng nào. Từ vầng trán, xuống cánh mi, và bờ môi rất mọng.

“Em uống nước được rồi,” cô nói và gọi ly chanh muối. Tôi ngơ ngác nhìn phố xá. Những chiếc xe gắn máy cuốn vào nhau, gầm rú như bầy thú đói và phun khói mịt mù. Cái lam lũ của đời sống lao xao chung quanh. Những đứa bé lọ lem, rách rưới tay cầm chắc lon ghi-gô hay cái sô nhựa nhỏ, mắt láo liên, chân rảo bước.  

Quán ăn nằm cạnh một đường rãnh nhỏ. Không hẳn là một rãnh nước mà chỉ là một đường lõm của cái sân xi măng, dùng làm đường mương để dẫn nước từ trong nhà bếp ra ống cống bên lề đường. Nhờ nước rỉ rả chảy suốt ngày nên đường mương ấy tương đối sạch. Chúng tôi đến muộn, quán đông nghẹt, đành chọn cái bàn kê sát bên đường mương.

“Nhớ đừng bỏ đũa xuống bàn anh ạ.” Cô ấy dặn dò. Tôi lại toan hỏi tại sao nhưng ngừng lại kịp. Ít khi xuống phố nên tôi ngơ ngẩn như chú Mán rừng.

Nhưng cuối cùng tôi buột miệng, “Sao vậy?”

Cô ấy cười. Cái núm đồng tiền xoáy vào tim tôi. “Anh ngố quá à!”

Tôi cười trừ. Tôi ngố thật. Từ nhỏ tôi đã có biệt danh Ngố Rừng. Tôi mang cái tên lũ bạn đặt cho ấy đến khi khôn lớn, sắp vợ con đến nơi rồi mà vẫn không bớt ngố chút nào.

Đôi đũa tre trong tay. Tô phở bốc khói trước mặt. Không khí oi ả của buổi trưa mùa hạ hùa với hơi nóng từ tô phở làm mờ đi hình ảnh cô bạn ngồi đối diện. Tôi nhìn cô ấy. Cô ấy dịu dàng trong ánh mắt. Ly đá chanh lạnh xoay trong lòng bàn tay. Cô ấy là người phụ nữ đẹp, thông minh và tháo vát. Bọn thanh niên theo đuổi cô, đứa nào cũng công nhận như thế. Nhưng cô lại yêu tôi, một tên Mán rừng; cái đứa không biết bon chen, để vừa ra trường là bị đẩy về tận cái nơi mà thiên hạ vẫn nói là chó ăn đá gà ăn muối.

“Anh ăn đi. Làm gì mà cứ nhìn em hoài vậy?”

“Sao em không ăn?”

“Em không đói. Với lại em thích nhìn anh ăn. Anh ăn nhỏ nhẹ như em bé, thấy cưng.”

Tôi yên tâm.

“Anh muốn xin thêm nước béo không?” Cô hỏi. Tôi ngưng tay đũa, ngần ngừ. Thêm nước béo, phở sẽ ngon, nhưng mất công người ta chạy ra chạy vào.

“Thôi, mất công người ta…” Tôi nói.

“Mất công cái gì chứ. Việc của họ thì họ phải làm,” cô ngắt lời tôi và quay ra sau, “Chị ơi, cho thêm nước béo.”

Tôi tránh nhìn nét cau có trên mặt cô gái chạy bàn. Thêm chút nước béo, tô phở ngon hẳn lên. Và tôi sì sụp ăn. Về thành phố mới có mấy hôm nên tôi vẫn còn đói khát. Tôi vớt đến sợi phở cuối cùng trong lòng tô.

“Em đã xin được cho anh đổi về thành phố rồi đó,” cô ấy khoe.

Tôi mừng. Tôi chán cái chỗ khỉ ho cò gáy nơi tôi được phân công về lắm rồi. Cứ chập tối là quanh ngọn đèn dầu, lũ muỗi bay mịt mù như những đám mây. Và chung quanh tôi toàn những kiếp người cơ cực đến không còn hình dáng con người. Xin về được thành phố, như lên được thiên đàng. Và được ở gần người con gái tuyệt vời này. Về thành phố chúng tôi có thể yên tâm bàn với nhau chuyện đám cưới. Vì vậy, tôi ngưng tay đũa, nhìn cô ấy bằng con mắt biết ơn.

“Uống cà phê đi anh, làm gì mà nhìn em hoài vậy?”

Tôi vừa đặt đũa xuống bàn, và chạm tay vào ly cà phê thì một đứa bé chạy vụt đến. Nó vói tay tới cái tô chỉ còn lõng bõng những nước. Cô ấy nhanh tay chặn thằng bé lại. Tay kia cầm tô phở chỉ còn chút nước lên, xoay người đổ tung tóe xuống cái rãnh nhỏ bên cạnh. Thằng bé há hốc miệng sững sờ nhìn cô ấy. Rồi ngểnh cổ dán mắt vào những sợi phở gẫy vụn cạnh lá rau thơm xanh lập lờ trôi trong dòng nước lấp lánh những vòng tròn xô lệch của nước béo. Rồi nó quay qua nhìn tôi, miệng vẫn há, phô ra chiếc răng cửa bị sún.

“Cho chừa cái thói bất lịch sự…” Cô dằn mạnh cái tô xuống bàn, quắc mắt nhìn bộ xương khô choàng bên ngoài bởi chiếc áo lính bạc màu, rộng thùng thình, với một lỗ thủng khoe mảnh xương sườn vênh vẹo. Rồi cô quay sang tôi, nhằn, “Vậy nên em mới dặn anh đừng bỏ đũa xuống.”

2

Đó là kỷ niệm buồn và lem luốc nhất của tình yêu chúng tôi. Tôi nhớ mãi hai con mắt thằng bé ăn mày ngày hôm ấy. Phải như nó chỉ nhìn cô ấy mà đừng ngó qua tôi thì hay biết chừng nào. Hai con mắt ấy lẩn quẩn trong những giấc chiêm bao khi cơn đói của những ngày không công ăn việc làm xoắn lấy giấc ngủ tôi và lẫn cả vào những giấc chiêm bao cái thời no đủ.

Tôi cố quên mà không sao quên được.

Môi mím chặt, mắt long lên, người yêu của tôi gằn từng chữ, “Cho mày chừa cái thói ăn mày ăn nhặt ấy…” Thường thì cơn giận dỗi làm tăng nét đẹp của người đàn bà, nhưng cơn giận của cô gái tôi yêu buổi sáng Chủ Nhật trong một quán phở đông khách ở Tân Định ngày hôm ấy, mang đầy nét bệ rạc, xấu xí, và tàn độc.

Chúng tôi bỏ nhau chỉ vì cái chuyện nhỏ nhen ấy.

“Anh muốn mình chia tay thật à?” Cô ấy gằn giọng hỏi. Cũng một sáng Chủ Nhật, trong kỳ nghỉ phép hiếm hoi của tôi. Nhưng không phải trong quán phở ở Tân Định mà ở một góc phố tôi đã quên mất tên đường.

Tôi lặng lẽ gật đầu.

“Tại sao?”

Tôi lặng thinh.

“Anh bỏ em chỉ vì một thằng bé ăn mày mà coi được à?”

Cũng may mà cô ấy còn vô số người theo đuổi. Cô ấy xinh đẹp, tài giỏi, tháo vát, giao thiệp rộng. Xin được cho tôi đổi về thành phố đâu phải chuyện đơn giản. Gia đình cô ấy có quyền thế trong cái trật tự mới của xã hội. Cô ấy có tất cả. Chỉ thiếu một tấm lòng.

Tôi cố quên câu chuyện ngày hôm ấy. Tôi quên tên quán ăn. Tôi không còn nhớ hôm ấy là Chủ Nhật nào. Tôi quên món phở mà cô ấy gọi cho tôi. Tôi quên mọi phút giây chúng tôi có với nhau mà người ta vẫn dùng hai chữ “mặn nồng” để ám chỉ. Tôi quên những chuyện chúng tôi đã nói với nhau ngày hôm ấy trước và sau khi cô ấy hắt tô nước phở xuống đường mương. Tôi quên cả tên cô ấy. Tôi không xin đổi về thành phố nữa. Tôi ở lại cái nơi khỉ ho cò gáy. Với những kiếp người hèn mọn, những con người mà đời vẫn mô tả là thấp cổ bé miệng.

Nhưng thằng bé ăn mày bị lấy đi tô nước phở ngày hôm ấy theo tôi hoài.

Trong những giấc mơ không đầu đuôi, tôi cứ thấy nó thấp thoáng trên phố đông, cái bóng khẳng khiu của nó lủi nhanh hết quán ăn này sang quán ăn khác, tay ôm chắc cái lon ghi-gô vào sát bụng. Mắt lơ láo tìm kiếm những tô phở, những tô hủ tíu, những bát mì thực khách ăn xong, chỉ còn toàn những nước. Lao nhanh tới, trước khi đứa trẻ nào khác dành lấy mất, và đổ ngay cái tô lõng bõng nước ấy vào lon ghi-gô, lí nhí cảm ơn, rồi hấp tấp quay lưng lủi nhanh vào đám đông trên đường phố.

Ánh nhìn trong mắt nó, Trời ơi! tôi làm sao quên được.

220704

Exit mobile version