Chiếc ao ấy rộng chừng ba sào. Nó có cái tên rất lính: “Ao cựu chiến binh”. Chả là thôn Lơ Hạ giao cái ao này cho Hội Cựu chiến binh thôn làm kinh tế. Hội thả cá nhưng cha chung không người khóc, cá chui vào bao tải bọn kích điện. Trông thì ngon ăn đấy nhưng cái kiểu “hợp tác xã” ngày xửa ngày xưa đã qua rồi.

Ao bỏ không đã mấy năm. Giờ nó là nơi lão Đạm nuôi mấy đôi vịt giời cho vui. Quanh ao là những bụi duối, bụi tre ken dầy làm tổ cho một đàn cuốc đen. Cái lũ kích cá hay bắn chim trong làng đều là con cháu lão Đạm. Chúng yêu lão lắm. Lão hay cho chúng quà mỗi khi đi công tác về. Lão đi đâu thì đã có bọn chúng trông hộ sáu đôi vịt giời, cho ăn thóc ăn ngô tử tế. Lão Đạm chả có chức quyền gì nhưng lại là tay nhà văn nhà báo đanh đá ngoa ngoắt nhất vùng. Ai có gì oan ức cứ đến lão mà nhờ, lão ra tay luôn và không bao giờ thèm đòi xôi thịt. Bao vụ động trời, bao thằng mất chức mất quyền vì ngòi bút tai ác của lão. Lão như cái gai trong mắt bọn đục khoét dân.

Sở dĩ có sáu đôi vịt giời tung tăng lội dưới ao là do một lần lão đến chơi trang trại nuôi chim trời của một người bạn cùng quê. Thấy lão liên tục giơ máy ảnh lên chụp đàn vịt, người bạn hào hiệp bảo: “Tặng ông mươi đôi nuôi cho vui”… Lão Đạm cười: “Ông xui dại tôi! Đã là vịt giời thì là của giời, nó bay vù đi mất là công toi. Ông có bùa có ngải gì mới giam chân chúng trong cái vực này được”.

Anh bạn chủ trang trại chỉ đàn vịt bảo: “Chả có bùa bả gì sất. Chỉ cần cắt lệch một bên cánh là mất thăng bằng, nó hết bay luôn. Còn cho ăn quá đơn giản: Ngô, lúa nó chén tất. Mỗi khi ăn lấy cái thau gõ là nó biết hiệu lệnh bơi vào bờ. Vịt giời không nhiễm bệnh tật nên chả lo tiêm phòng… Nó đẻ nhiều và ấp trứng rất tốt”.

Bùi tai lão Đạm nhận sáu đôi về thả dưới ao và quả như lời ông bạn phán, chúng lớn rất nhanh.

Từ ngày có đàn vịt giời đôi nào vào đôi ấy trong ao, mấy vợ chồng nhà cuốc đen tỏ ra khó chịu. Cứ thấy vịt kiếm ăn chỗ nào là vợ chồng cuốc đen lủi như tên bắn rồi trèo lên bụi cây tông tốc chửi rủa. Vịt không thèm chấp. Chắc nó cậy có giống người bảo lãnh chứ vợ chồng nhà kia là loại thiên nhiên hoang dã vô chính phủ thì quyền hành gì mà cạnh tranh.

Làng Vực vắng ngơ vắng ngắt không một bóng người trẻ. Lũ trẻ bỏ lên thành phố làm ăn để lại làng xóm toàn người già cả ngất nga ngất ngư. Mấy ông tướng ông tá về hưu kín cổng cao tường chả chơi với ai. Suốt ngày đọc báo trên máy vi tính rồi ngà ngà chiều thả bộ đi đánh mấy con đề. Duy nhất có một tay làm hàng mã bên kia ao là đồng cảnh ngộ với ông Đạm. Hai người cùng nghiện thuốc lào và chè móc câu nên hay qua lại chơi với nhau. Tay hàng vàng mã tên là Tài. Hắn kém ông Đạm đến hơn chục tuổi, đẹp mã và tài hoa. Dưới tay hắn, những hình nhân thế mạng, những voi ngựa, những mũ mão sặc sỡ hoa văn cứ bày ngồn ngộn. Nó sinh động đến mức như hẩy nhẹ là voi ngựa sẽ lồng tế lên.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Nhà Tài thật yên ấm. Hai vợ chồng với ba đứa con. Đứa lớn học phổ thông trung học, đứa bé mới qua tuổi mẫu giáo. Tài thì cặm cụi suốt ngày đan đan, dán dán… còn cô vợ thì chuyên mang hàng đi giao cho khách đặt. Trước khi ra khỏi nhà, Kha, vợ Tài phấn son và ăn mặc nền nã. Kha đẹp kín đáo mặn mà. Mắt nàng đeo mi giả xanh thẳm. Gái ba con mà còn bắt mắt bao gã đàn ông.

Một hôm Tài sang nhà Đạm buồn bã bảo: “Em có chuyện này muốn tâm sự với bác. Chẳng biết bác có để tâm không. Em thấy khó nghĩ quá bác ạ”.

Ông Đạm động viên: “Có gì mà quan trọng thế. Cứ nói xem nào, rào rỡ mãi. Chỗ anh em, giúp gì được tôi sẵn lòng”.

Tài ngần ngừ: “Nhà em nó đòi đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Kha nó bảo đi ba năm rồi về. Tiền kiếm được cộng với tiền tiết kiệm sẽ xây cái nhà to như nhà ông Hinh đại tá. Em thì chả muốn, vợ chồng sum vầy tối sớm làm ăn nuôi con học hành. Nhà bao giờ xây cũng được”.

Ông Đạm đăm chiêu rất lâu rồi thủng thỉnh bảo Tài: “Chú về đi tối tôi sang chơi. Việc này tế nhị đấy, phải nghe hai tai mới thủng chuyện”.

Tối ấy đúng hẹn ông Đạm sang chơi. Ông gói theo cân thịt lợn Mường vừa mang từ miền núi về sau chuyến đi thực tế dài ngày với đồng nghiệp. Căn nhà ngói ba gian của vợ chồng Tài ngổn ngang là những cây nứa đang pha nan dở. Những hình nộm chưa phất giấy đứng chềnh ềnh như xác dưới mồ vừa lôi lên. Đã hết chương trình thời sự ti vi mà nhà vẫn chưa dọn cơm. Con bé út đi học về tựa cột ngủ gà ngủ gật. Ông Đạm sà vào dọn dẹp cùng anh chồng. Cô vợ nhanh tay xuống bếp xào nấu mấy lạng thịt lợn và nói vọng lên: “Bác Đạm lần nào về cũng có quà! Bác mua nhiều không mà còn cho em”. Ông Đạm cười: “Mua mấy cân bỏ tủ lạnh ăn dần. Nhà tôi có lẽ đi ba bốn tháng nữa mới về. Một mình ăn cơm buồn chết. Miệng nhai, tai nghe, chả biết nói chuyện với ai. Tối nay thổi dư ra cho xin một bát nhé. Tôi ở lại chơi lâu đấy”.

*

Mấy đôi vịt giời bắt đầu sinh sản. Cái chuồng tự tạo bằng những đoạn luồng khô rất rộng rãi cho những đôi vợ chồng vịt vào ra tấp nập. Những quả trứng con so be bé xinh xinh được vợ chồng nhà vịt thay nhau ấp ủ. Trông chúng đáng yêu làm sao. Hễ vịt bố ra là vịt mẹ vào thay nên những quả trứng bao giờ cũng đủ độ ấm. Lão Đạm để ý thấy anh chàng vịt đực có vẻ tất tả hơn nàng vịt cái. Lúc vịt cái ấp trứng thì vịt đực đi kiếm mồi. Kiếm được mồi ngon là tức tốc bơi về chuồng mớm cho vịt cái. Trái lại, khi vịt đực ấp, vịt cái nhởn nhơ bơi lội và tệ hơn nữa kiếm được mồi ngon nó không bao giờ mang về tổ. Ăn no, đứng rỉa lông rỉa cánh chán chê… Chắc nó nghĩ, gã chồng kia không đẻ ra trứng thì bù vào đấy là phải ấp lâu hơn cho công bằng.

Vịt đực vẫn không rời tổ, thỉnh thoảng lấy chân đảo những quả trứng cho ấm đều và vun vén tổ cho tròn trịa. Nhìn anh chàng vịt đực ấp trứng, lão Đạm chợt thấy mủi lòng. Đã là giống đực là phải kiêu kiêu một tí cho oai chứ ai lại nhếch nhác tranh phần đàn bà mà cần mẫn quá thể.

Kể ra loài cầm thú cũng nhiều loài đáng yêu thật. Chúng chung tình với nhau đến tuyệt đối, đến không còn phải nghi ngờ bàn cãi. Lão Đạm ngồi hàng giờ ở bờ ao, bên cái chuồng vịt nổi phập phờ mà luận đời. Trong cái đầu gàn quải và hay suy diễn, lão cứ suy bì giống người với giống cầm thú… Ừ nhỉ! Giống người lắm mẹo mực luồn lách nên mới phải đẻ ra lắm thứ luật. Có giấy trắng mực đen hẳn hoi mà vẫn lách luật, vẫn gian giảo lừa lọc nhau chứ giống vật chúng tự khu xử với nhau để tồn tại: Con cò kiếm ăn ban đêm đến gần sáng mới về tổ; con vạc thì phải đợi đến khi cò về tổ mới bay đi kiếm ăn. Chỗ nào là “đất cò” thì vạc chẳng bao giờ bén mảng. Thế mới có câu: “Cò vạc có thung”… Trâu không bao giờ bắt nạt bò. Kẻ mạnh không thèm chấp kẻ yếu. Trái lại, bò nhẫn nhịn gặm cỏ sau trâu, không bao giờ vượt mặt đàn anh. Ngay cả chó… dù dữ thế nào, hiếm khi nó cắn những con chó non… Chán cho cái đời người thật!

Loài người luôn nghĩ kế đạp lên nhau mà tồn tại. Cả cái luật hôn nhân gia đình nữa: Người ta quy định con cái phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ… Thế ra không có luật thì cha mẹ ra đứng đường ăn xin hết à? Chẳng qua thời buổi đảo lộn nhân luân này, lắm cha mẹ bị đẩy ra đầu đường góc chợ ăn xin nên mới phải ra luật hẳn hoi cho đỡ rối ren xã hội. Cái đương nhiên ngàn đời thì nay chả còn đương nhiên nữa… Buồn thật, đau thật! Loài người đẻ ra lắm luật chẳng qua là sự mặc nhiên thú nhận sự láo nháo, thiếu tự giác của mình mà thôi.

Chả biết có đúng vậy không nhưng lão cứ nghĩ thế. Cái đám văn chương là chúa gàn, chí ít thì cũng tấp tểnh gàn. Cái gàn của người hay hồi cố và mông lung chuyện đời.

Đàn vịt đầu tiên đã nở mẹ tròn con vuông. Những chú vịt giời con vừa chui ra khỏi vỏ đã nhanh thoăn thoắt bơi theo bố mẹ đi kiếm mồi. Chúng rúc mỏ vào đám rong bèo rỉa nhinh nhích. Bố mẹ chúng xăng xái bơi quanh để canh chừng. Thỉnh thoảng cái bản năng hoang dã đánh thức, vịt bố mẹ vẫy cánh bay lên nhưng mất thăng bằng lại ngã quay đơ trên mặt nước. Giá có cánh chúng chả chịu ở lại cái ao “Cựu chiến binh” để nghe kẻng ăn thóc của người. Rồi lũ vịt con kia nữa, nếu không cắt lệch cánh, chúng cũng sẽ bay đi khi đến tuổi trưởng thành, không nhờ sự chở che của bố mẹ.

*

Đôi vịt thứ ba đang đẻ quả trứng cuối cùng để bắt đầu ấp nở. Một tai họa không may xảy ra.

Chiều đó lão Đạm bơi đò chăng lưới then đôi để ngâm hóng mấy chú rô đồng, mè ranh kiếm mồi uống rượu. Lão chăng lưới và bỏ đấy sang nhà tay vàng mã kề cà chè thuốc, định bụng xế chiều vớt lưới.

Khi kéo lưới lên thì chú vịt đực bị mắc lưới đã chết rất lâu rồi. Lão vớt lên thuyền ngắm nghía tiếc rẻ rồi đem về vặt lông. Lão tự an ủi: Thôi, con đực chết thì con cái thay nó ấp trứng. Giống cái bao giờ chẳng chu đáo hơn giống đực khi sinh sản nòi giống. Lão nhầm. Ba bốn ngày liền lão để ý canh chừng mà chả thấy vịt cái ngó ngàng gì đến những quả trứng do chính nó đẻ ra đang cần hơi ấm. Vịt cái nhởn nhơ bơi lội và đi gạ gẫm một con vịt đực khác. Ả nhướn dài cái cổ, võng cái lưng xuống làm duyên, rồi thỉnh thoảng lại nhô đầu lên gật gù mời mọc.

Đợi đến ngày thứ sáu, biết có để tiếp thì kết quả cũng thế thôi. Lão chép miệng: Bố khỉ! Tưởng vậy hóa ra không phải vậy. Lão hốt tất số trứng mang về luộc.

*

Kha, vợ Tài thấm thoắt đã đi xuất khẩu lao động được gần hai năm. Nhớ buổi tối ấy, cái đêm lão Đạm mang thịt lợn sang ăn cơm cùng vợ chồng Tài, lão đã phân tích thiệt hơn về việc Kha có nên đi hay ở lại cùng chồng lo gia sự con cái. Bao khó khăn khi ngôi nhà thiếu đi bàn tay phụ nữ. Kể cả những nhạy cảm đời sống vô tình táp vào. Lẽ đời, lo việc lớn là cậy nhờ đàn ông. Nên để Tài đi khi có đợt tuyển lao động nam. Kha bỏ ngoài tai tất cả và nhất mực “cơ hội ngàn năm thoát nghèo”. Tài thì nhẫn nhịn và vốn chiều vợ nên thỏa hiệp. Tài hồn nhiên làm con gà trống hiền lành coi sóc đàn con.

Được hai năm thì Kha về phép. Mới có hai năm mà Kha như nàng tiên vừa rớt từ trên giời xuống. Kha rực rỡ và thơm tho. Nước da hồng mọng trông non mởn. Cái mắt, cái mũi, cái miệng, hàng lông mi như mượn của ai đó chứ không phải của Kha hai năm trước. Cô mang quà sang biếu Đạm một chai “Chivats 21” bọc trong cái túi nhung xanh rất sang trọng và mời lão sang liên hoan.

Lão Đạm sang nhà đã thấy ba cô cùng đi đợt ấy với Kha có mặt. Các cô nói tiếng ngoại quốc như xóc ốc với nhau làm cả nhà cứ ngớ ra không biết họ nói gì. Nói chán, một cô dịch lại và cười ré lên như ai cù nách. Tự nhiên lão Đạm thấy mình lạc lõng. Lão cười buồn ra về. Tài tiễn Đạm ra cổng, cúi mặt không nói gì. Tự dưng Tài túm lấy tay Đạm. Một cử chỉ lần đầu như thế. Rất tâm trạng. Buông tay lão Đạm, Tài thở hắt ra một cái rõ dài rồi lầm lũi quay vào nhà…

Trong ngôi nhà bình dị ấy vẫn eo éo tiếng ngoại quốc. Thỉnh thoảng quen miệng, Kha nói cả tiếng ngoại quốc với chồng làm cô bạn phải đập vai nhắc rồi dịch lại cho Tài nghe. Khốn nạn thật. Khi người ta nhạt lòng với cố quốc, với chồng con thì nhạt tình ngay cả tiếng mẹ đẻ. Tài hiểu thêm căn nguyên của sự ra đi tìm kiếm miền đất hứa của Kha. Thì ra ở cõi đời này, khi tà ý trong đầu nảy ra thì họ cố thực hiện bằng được. Mọi lời khuyên dù hay ho mấy cũng chỉ là điều vớ vẩn.

*

Đôi vịt giời cuối cùng đã vào thời kỳ ấp trứng. Tai họa lần này lại khác lần trước. Con vịt cái bị rái cá trong ao phục kích và tha đi. Chàng vịt đực kêu lên những tiếng thảm thiết. Nó vỗ cánh bay lên rồi lại ngã quay đơ. Nó lặn ngụp dưới nước liên hồi. Hình như nó không tin cái sự chia lìa kia là có thật. Nó lũi cũi bơi trên mặt ao như kẻ phát cuồng. Bơi chán nó lại quay về chuồng nghiêng cổ nhìn ổ trứng phơn phớt xanh đã xếp gọn ghẽ. Theo thói quen, nó nhìn ra mặt ao… Tự dưng kêu lên một hồi khắc khoải rồi nhẹ nhàng xòe cánh ấp iu đống trứng vợ nó để lại.

Lão Đạm quan sát tỉ mỉ động thái của vịt đực và nghĩ thầm: Chắc mày ấp không quá một giờ rồi lại bỏ trứng mà đi. Lũ trứng kia sẽ ung thối ra. Chi bằng tao luộc ăn cho đỡ phí. Lão lên đò và chui vào tổ. Con vịt đực không hề sợ hãi. Nó dang cánh ôm chặt đống trứng và vươn cổ lên như thách thức. Khi tay lão chạm vào mép tổ, vịt đực mổ cuống cuồng. Ngạc nhiên và cảm động, lão đưa tay vuốt ve nó. Con vịt đực lấy mỏ nhằn nhẹ tay lão, ánh mắt như van lơn cầu khẩn. Lão Đạm thở dài khó hiểu và bỏ về.

Lại một chuyến công tác dài ngày lão phải đi. Đàn vịt nhờ  Tài trông hộ. Trong bận bịu công việc nơi xa, thỉnh thoảng lão lại nhớ về con vịt đực đang làm cái việc theo lão là phi tự nhiên kia. Nếu đúng lịch thì ổ trứng đã nở được ba bốn ngày. Lão lại tự giễu mình: Mơ hão, chắc tay Tài đã làm trứng vịt lộn uống rượu từ tám hoánh.

Hôm nay lão về, ngạc nhiên khi trước mắt lão là đàn vịt con bơi thung thăng trên mặt ao. Con vịt bố loăng quăng bơi lội để bảo vệ con mình. Vắng vịt mẹ nên nó phải gắng sức gấp đôi. Những con vịt con hình như biết thương bố nên ăn dón đàn rất kỷ luật.

*

Kha lại đi thêm mấy năm nữa, cô để lại cho mỗi con một sổ tiết kiệm và dặn Tài cố gắng nuôi con học hành nên người. Những cuộc điện thoại thưa dần, thưa dần. Nó lỏng ra, nhạt đi những câu thương nhớ. Hoặc có đi nữa, trong dự cảm người chồng, Tài thấy nó sáo mép, nhạt nhẽo và phù phiếm. Cuộc điện thoại gần đây nhất, vẫn giọng nói của Kha nhưng thay vào đó là tiếng ngoại quốc khô khan như tiếng đập mẹt. Tài không tin vào tai mình nữa. Anh ngó trân trân vào màn hình điện thoại rồi lại áp lên tai, rồi lại bỏ xuống ngó. Mấy lần như thế, Tài gào lên: “Im mồm đi! Mày nói như thế cho bố mày nghe à?! Tiên sư con đĩ”.

Tài ném tòm điện thoại xuống ao. Sẵn con dao nan trong tay, Tài băm ba nhát vào thân cây nhãn. Ba vết chém khá sâu nên chắc rất lâu nữa mới liền miệng.

Bên kia ao, lão Đạm theo dõi và hiểu tất cả. Lão đến bên Tài và đưa tay nắm rất chặt tay anh ta mà không nói câu gì. Tài cúi mặt như người mắc lỗi. Chợt nghe tiếng lão Đạm: “Chú trông kìa!”. Tài ngẩng đầu nhìn theo tay lão Đạm đang chỉ ra mặt ao: “Kia kìa… Đàn vịt lần này lớn nhanh như thổi. Có lẽ mấy hôm nữa bọn mình phải cắt cánh thôi. Nếu không cắt đúng kỳ chúng sẽ bay mất”. Rồi lão chép miệng: “Có những việc ở đời chả muốn làm nhưng muốn tồn tại vẫn bắt buộc phải làm. Vịt giời là giống hoang dã, để giữ được nó là của mình thì đừng tạo cơ hội để nó bay đi”.

Hình như con vịt bố tưởng hai ông chủ cho ăn nên bơi lại. Đàn vịt con đang tập vỗ cánh. Những cái cánh non giương lên tũn tỡn làm mặt ao lăn tăn gợn sóng.

Truyện ngắn của Lưu Quốc Hòa (Văn nghệ công an)