NUÔI DƯỠNG DÒNG TRUYỀN THỐNG VỚI CHẤT VĂN HIỆN ĐẠI

 

Về tập truyện ngắn SƯƠNG TRẮNG của Lê Nguyễn Quốc Việt

 

(Công ty Văn hóa và Dịch vụ Thiên Đức liên kết NXB Hội Nhà văn, xuất bản và phát hành quý 3/ 2017)

 

 

 

Lê Nguyễn Quốc Việt khiến người đọc tò mò mà đọc hết tập truyện ngắn Sương trắng, tập truyện ngắn đầu tay của anh, có lẽ không phải vì truyện được viết bằng một văn phong tân hình thức, hậu hiện đại, hay kỳ ảo, ma mị…

Mở trang đầu, là truyện ngắn Người nhà quê với những dòng đầu nhẩn nha thế này:

«Bà cụ hối hả chuẩn bị để sáng sớm mai ra thành phố bởi nhớ con nhớ cháu. Bà có thằng con trai độc nhất có vợ ở thành phố đẻ ra thằng cháu nội cũng đích tôn…”

Hình như chẳng có gì mới, motip này nhiều tác giả viết bằng giọng kể rồi. Nhưng người đọc không sao dừng lại được. Hình như dạo này người ta phải đọc nhiều thứ lạ và xốc quá, khiến trí não muốn cân bằng. Thì tác giả cho cân bằng bởi các tình tiết, chi tiết, hình ảnh thông qua câu chữ mộc mạc mà in sâu vào lòng nỗi xa xót nhân thế. Không có cớ gì trách người con trai bộn bề công việc, người con dâu luôn ở bên ngoài vòng xoáy hút công việc và quan hệ của người chồng, hay sự nhạt nhẽo của thằng cháu đích tôn. Chỉ là sự cô đơn đến lạnh người của một mẹ già, cho tới khi chết cũng chết lặng lẽ không con cháu bên cạnh. Duy nhất tưng bừng lại là đám tang bà cụ vì quan hệ của người con trai làm sếp. Duy nhất có một sinh linh bỏ ăn khi bà cụ mất, lại là con chó của nhà con trai nuôi ở ngôi nhà thành phố…

Điều làm người đọc ngạc nhiên, khi tác giả viết về những phận đời ở những góc cuộc sống khá cách xa nhau về địa lý hoặc về phong tục, tập quán.

Truyện ngắn Gia tài người cha cũng là một câu chuyện xa xót về tội bất hiếu. Người cha chết trên con đường mòn lần từ nhà người con này sang nhà người con khác, luân chuyển nhau để nuôi đợ người cha hàng tháng. Dường như tác giả lấy tả cảnh tả hình để đem đến cho độc giả bức thông điệp làm người:

“Đêm tối hoang vu. Con đường loằn ngoằn, quanh co, khúc khuỷu. Bốn người cộng một cái quách. Họ đi. Lọ mọ. Không ánh đèn. Không lời nói. Mọi thứ ngưng lặng, im bặt. Vài chớp sáng đom đóm lượn lờ. Đâu đấy văng vẳng chó sủa ma xen tiếng vạc cùng âm thanh rúc rúc của con cú mèo…”

 

Truyện ngắn Lòng biển, một truyện ngắn đã được chọn ra tiếp để in chung và lấy làm tên tập cho tập truyện ngắn nhiều tác giả viết về biển đảo, là một truyện ngắn tưởng như người viết là một tác giả dày dặn kinh nghiệm về lực lượng hải quân và về lĩnh vực biển đảo.

“Trận này không cân sức. Chúng quá đông và mạnh” – Một người lính nói.

“Chúng ta chiến đấu để bảo vệ ngọn cờ chủ quyền của chúng ta. Mọi người đã sẵn sàng để được chết trước ngọn cờ tổ quốc chưa?” –  Hùng hỏi dõng dạc.

Những chiếc thuyền nhôm từ từ cập đảo đá. Khoảng cách còn khá xa. Cả mấy chục tên địch lổm ngổm lội bì bõm tiến dần vào đảo. Chúng dàn một hàng ngang.

Im lặng. Mọi người đang nín thở chờ bọn chúng đến gần hơn…”

Đọc những dòng trên, có cảm giác tác giả đã từng dự phần trong cuộc chiến không cân sức đó.

 

Lê Nguyễn Quốc Việt kể anh từng đi đào vàng. Những kí ức gian nan đó được anh khắc họa rất sinh động qua truyện ngắn Sương trắng, một truyện ngắn khá tiêu biểu cho lối viết tả chân, gồ ghề và mang hơi thở hiện thực. Chất giọng miền Trung càng cuốn hút người đọc vào cái không gian mờ đục vàng vọt và đầy cuồng vọng khao khát:

“Dần dần một đồi núi đầy dẫy hục hang, hầm hố đen ngòm lòi ra. Trơ trọi phơi mình. Những hang tối hun hút đấy nếu không quen đường tôi sẽ biến mất khỏi thế giới này không một ai hay biết, kể cả người đi trước cách không đầy ba bước chân. Cả bọn lầm lũi theo sự chỉ dẫn của ông chủ. Quèo qua, ngoặt lại con đường mòn zich zắc vừa vặn cho một người bước đi. Chúng tôi đến một khu lán chừng vài ba chục mét vuông, được giăng bởi tấm bạc. Xung quanh đóng cọc gỗ rừng. Máy xay đá nổ ầm ầm nghiến ken két, khói phụt đen. Màu vàng chóe chảy dọc trên máng sắt hoen rỉ, lợn cợn đá. Mùi khét lẹt của hóa chất tẩy. Mùi hôi thối của bãi thải. Tất cả thứ mùi quện vào nhau làm tôi lộn mửa… »

 

Chuyện đời phúc phận vui buồn được Lê Nguyễn Quốc Việt đưa vào mô tả ở khá nhiều cung bậc. Những mất mát, tang thương trong những chuyến đi làm ăn, mưu sinh; những mưu toan nhỏ bé và những cuộc săn đuổi của số phận… được anh viết như chính anh đã dự phần vào từng chi tiết sống, trong các truyện ngắn: Vàng ơi, Rừng, Đổi đời… Như chính những bài hát mà các nhân vật trong truyện ngắn Rừng đã hát lên giễu nhại chính số kiếp mình:

  Ta lạc giữa rừng

  Rừng nuôi ta sống

  Rừng ru ta ngủ

  Cây rừng cây rừng

  Biết đến ngày nào

  Lim lại như mía

  Kiềng kiềng còn đâu

  Pơ mu pơ mu

  Đốt đuốc giữa rừng

  Làm sao tìm thấy…

 

Lê Nguyễn Quốc Việt cũng mạnh dạn thử sức mình ở không gian đa chiều tâm linh. Truyện ngắn Đằng sau chiến tranh thử thách cây bút trẻ này ở những lằn ranh của “bên này”, “bên kia”. Và anh đã nhìn thấy bức tranh hòa hợp vang lên trong rừng sâu núi thẳm, trong trái tim những con người còn sống và trong tâm thức những người đã mãi mãi nằm xuống sau cuộc chiến:

«Linh gặp lại Thành không lâu sau đó. Giữa tàn quân ô hợp của tất cả các bên. Chiến tranh đã lùi xa thì phải. Giờ đây, họ là người một nhà. Có cả những người Mỹ, có cả những người lính của hai bên chiến tuyến. Tất cả với họ giờ đã lùi xa vào dĩ vãng, chôn chặt vào quá khứ. Giờ họ là bạn, là anh em, là những người hàng xóm. Họ đang chia nhau những hương hoa của người sống mang đến vào những ngày lễ. Những người lính phía bên này hoặc phía bên kia đã không còn những lằn ranh của sự chia rẽ. Những người lính khác màu da cũng đã không còn một tia hy vọng ngày đoàn tụ cùng người thân nơi phía bên kia biển. Họ đang được chính những người mà trước đây họ truy lùng trút bom đạn xuống trên đầu cưu mang giúp đỡ ở nơi xa xôi hẻo lánh rừng già. Họ là những hồn ma u uất tăm tối và chịu nhiều đói khát nhất trong xứ sở này…»

 

 

Dường như những dòng viết của Lê Nguyễn Quốc Việt không cần gọt dũa, không cần bóng bẩy. Mặc nhiên chân thành như chính cuộc đời hiếu đễ của những người con; yêu thương hy sinh tận cùng cho người mình yêu thương trong những gia đình bình dị như Ánh sáng cuối con đường, Ổ bánh mì thứ ba, Hai mẹ con…

Chữ của Việt mạnh và trong trẻo như chàng trai lần đầu rung động trước tình yêu cuộc đời, hạ xuống và khẳng định bóng dáng tư chất của mạch văn truyền thống. Nhưng câu chữ khá hiện đại, mang hơi thở mặn mòi đô thị hay làng mạc rừng rú miền Trung. Đầy thuyết phục!

 

 

                                                                        – Nhà văn Võ Thị Xuân Hà –

Exit mobile version