Đó là tên tập ký chân dung 41 văn nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc đến hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, văn chương… được tái hiện qua những trang viết của nhà thơ Vương Tâm vừa được NXB Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu.

Ký chân dung khó viết, ký chân dung văn nghệ sĩ lại càng khó viết hơn bởi mỗi một gương mặt là một cá tính nghệ thuật, đòi hỏi người viết phải khắc họa được nét độc đáo, riêng biệt ấy. “Nước mắt thời gian” cho thấy đời sống văn nghệ phong phú, gần gũi bằng cách tiếp nhận, phản ánh với tâm thế của người trong cuộc, người bạn của hàng chục văn nghệ sĩ ở rất nhiều lĩnh vực. Sự gần gũi mang lại cho trang viết nhiều chi tiết đời thường, sống động của mỗi nghệ sĩ giúp độc giả hiểu, trân trọng từng gương mặt – cuộc đời, dù trải qua nhiều trắc trở nhưng vẫn say mê, nặng lòng với nghệ thuật.

Đó là Mai Văn Phấn – nhà thơ được ví như “Khối rubic huyền ảo” với triết lý “vong thân” để luôn luôn tự đổi mới mình trên cơ sở khai thác, gìn giữ những giá trị truyền thống. Đó là nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ, tài năng hiển hiện nhưng đã từng phải đi vẽ truyền thần, khắc bia đá để kiếm sống. Đó còn là nhà thơ Mường Mán vừa sáng tác vừa mở quán ăn với cách tiếp thị bằng thơ độc đáo. Bạn đọc cũng gặp ở đây những gương mặt nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ khác, như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với câu chuyện “Ngược dòng số phận”, nhà điêu khắc Chăm Đàng Năng Thọ với “Trầm tư mắt buồn”, nhà văn Vũ Bão với “Vó ngựa còn mê mải đường xa”, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn với “Giang hồ vặt quanh nhà”… Có lẽ, như một sự đồng cảm, nhiều tít bài trong tập ký chân dung “Nước mắt thời gian” giống như nét phác đủ để gợi lên tính cách, số phận riêng có của nhân vật.

Không chỉ chọn lựa những tên tuổi đã “đóng đinh” trong làng văn nghệ, “Nước mắt thời gian” chia sẻ sự cảm nhận về nhiều gương mặt có đóng góp cho văn chương, nghệ thuật nước nhà mà có thể bạn đọc chưa biết rõ về họ, thậm chí chỉ nhớ tên tác phẩm mà chưa nhớ tên tác giả, như nhà văn Khôi Vũ với nhiều trang viết cho thiếu nhi được NXB Kim Đồng ấn hành, trong đó có “Tóc sâu của mẹ” (2008) được in với số lượng lớn. Rồi là nhạc sĩ Trần Quang Lộc, người chắp cánh cho bài thơ “Có phải em là mùa thu Hà Nội”, hay gia đình vợ chồng, con trai cùng viết văn của nhà văn Nguyễn Thanh Mừng ở Quy Nhơn…

Quá nhiều chi tiết chuyện nghề, chuyện đời hiện ra qua lối kể gần gũi, “Nước mắt thời gian” của nhà thơ Vương Tâm góp phần hé mở không gian “bếp núc” vừa thi vị vừa nhọc nhằn của văn nghệ sĩ. Những trang viết tỉ mỉ, thể hiện sự chia sẻ và đồng cảm với nhân vật cũng cho độc giả, giới làm nghề không ít tư liệu sinh động về đời sống thực phía sau tác phẩm của người viết văn, người làm nghệ thuật. Trong đó, có không ít nghệ sĩ gắn bó với Hà Nội như họa sĩ Lương Xuân Nhị, NSND Hoàng Dũng, họa sĩ Nguyễn Trường Linh, họa sĩ Nguyễn Mai Hương…

Với vốn sống phong phú và trải nghiệm thực tế trong làng văn nghệ, nhà thơ Vương Tâm sẽ còn mang đến cho bạn đọc nhiều trang viết thú vị trong thời gian tới.


Theo Hà Dương – HÀ NỘI MỚI