(Toquoc)- Làm nhà thơ kể nhiều lúc cũng vui đấy chứ! Hẳn thế rồi, nhưng cuộc sống là vậy, đằng sau mỗi thú vui cũng phải thú thật là: Mệt! Nhà thơ như nhà leo núi lặng lẽ bám từng mép đá nguyên sơ mà bản thân tạo hoá cũng chả dám hứa trước lộ trình ấy sẽ hanh thông đến lúc nào. Leo lên cao mãi, cao mãi, đôi mắt luôn phải nhìn lên cao mà không một lần dám liếc xuống cái thành tích thăm thẳm của mình… Ấy là ta đang nói về những cây bút có lòng tự trọng, còn trong số những người liều lĩnh leo lên với thơ đã không ít kẻ chót liếc nhìn xuống để rồi không biết do quá tự hào hay hoa mắt mà tuột tay, rớt thật.

Bởi thế, luôn cần một sự nhìn nhận từ phía người đọc để ngắm hộ những nấc thang giá trị mà tác giả đã vượt qua. Ở góc độ này, ngược lại với cái vực sâu tự mãn là cao vời nghệ thuật. Phải chăng đó vừa là sự đánh giá khách quan, vừa rất công bằng với những ai đang miệt mài lao động nghệ thuật.

Một ngày cuối năm 2009 tôi gặp lại nhà thơ Dương Thuấn, nhận từ tay anh cuốn sách Dương Thuấn hành trình từ bản Hon[1] còn mới nguyên. Dẫu chưa phải một tuyển tập nhưng đây lại là một tập hợp những sáng tạo mà khởi nguồn từ những bài thơ kiệm lời, những bài phê bình khá thận trọng và sau cùng là thành quả của một người tuyển chọn khá kĩ càng.

Ngoài bài viết khá dài của người tuyển và một số bài phỏng vấn nhà thơ Dương Thuấn (được đặt ở cuối sách), điều làm tôi chú ý nhất là hai phần khá đăng đối: Khi Dương Thuấn hát với sông NăngHành trình đi tìm bóng núi và ước mơ một chân trời. Điều đó gợi nên nhiều suy cảm khá thú vị từ cặp đối xứng này: Sông núi vừa là khí thiêng để tạo nên “địa linh”, thổi hồn cho “nhân kiệt”. Từ một góc nhìn khác sông núi cũng gọi tình cho thơ (sơn thuỷ hữu tình). “Sông Năng” và “bóng núi” đã đi vào thơ Dương Thuấn như vậy chăng? Chỉ biết rằng nó đã đọng lại trong tâm hồn rất nhiều người đọc như thế này: Tôi và em yêu nhau rồi xa quê/ Bây giờ mỗi đêm nằm lại nghe tiếng sóng/ Tiếng thác reo chui vào trong chăn thành giấc mơ; Người sinh ra trên núi/ Cầm dao tự phát lối cho mình. Sông núi trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người đọc bởi nó không đơn thuần là những biểu tượng đẹp mà là một cấu tứ khá thú vị trong lối thơ của các giả này. Núi sông không những gắn bó với tuổi thơ của một người, với tuổi tác của một cộng đồng mà đã nhanh chóng chuyển hoá thành hai nhân vật trữ tình luôn được nhắc đến.

Đi tìm bóng núi…

Bốn chữ này đã khá nổi tiếng, gắn liền với tập thơ đầu tay của anh. Nhưng sao lại là đi tìm “bóng núi” chứ không phải bóng hồng, bóng mĩ nhân? đọc thơ Dương Thuấn thấy núi từ rất sớm:

Núi sinh ra từ huyền thoại:

Ngày ấy… núi đi tìm nơi ở

Núi về đến quê mình

Có tiếng lượn nàng ơi

Núi đứng nghe mê mải

Mà chân không biết bước

Rồi người sinh ra bên (trên) núi:

Người sinh ra trên núi

Cầm dao tự phát lối cho mình

Hay:

Ba bước chân gặp núi

Ra khỏi cửa là leo, là lội.

Ở với núi người không trách núi cả những khi thất bát, lòng tin đã đồng nhất hai sinh thể cùng no đói có nhau:

Gieo mùa màng

Khi không

Khi được

Trách núi làm chi

Thế nhưng, theo tôi tất cả “núi” ấy mới chỉ là những nguyên mẫu và chất liệu cho một ngọn núi được tạo tác qua lăng kính chủ quan để tạo nên một biểu tượng núi tình. Đọc kĩ những bài thơ tình ý nhị nhất đều thấy anh kết bằng một chữ “hoa”:

Thời thiếu nữ, tuổi yêu cũng là tuổi hoa:

Chị Thìn ngày xưa thường hay nói:

– Người ta càng lớn thì càng xa

Có bao nhiêu ngày yêu mến

Chỉ khi ta còn nhỏ như hoa…

Vườn hoa hẹn hò bí mật:

Đàn ông có ba quả tim

Một quả cất để ở nhà

Một quả mang trong lồng ngực

Một quả đem giấu ở vườn hoa.

Và tất cả dồn tụ trong một hình ảnh có tầm tóc cổ tích:

Cô gái Núi Hoa

Mái tóc trời xanh về ở

Bắp chân thon mây trắng quây quần

Ngôi sao đậu vào con mắt

Ta lại có thêm một tham chiếu nữa, “hoa” liệu có liên can gì đến “quả” không nhỉ? Hình ảnh “hoa” biểu tượng cho sức sống rực rỡ, cho tiềm năng của hạnh phúc; hình ảnh “quả” biểu tượng cho sự hoàn kết, viên thành của tiềm năng ấy đó là hôn nhân. Trong quan niệm dân gian – sinh ra trong đời sống nông nghiệp (mà hẳn ở các dân tộc thiểu số nay vẫn còn đậm nét) thì một tình yêu đẹp luôn phải gắn với hôn nhân: Phải đến trước hôn nhân, tất yếu dẫn đến hôn nhân. Trong hệ thống chặt chẽ của quan niệm cộng đồng khó lòng chấp nhận sự bứt phá của một mắt xích, một cái tôi bé nhỏ, một hạt tấm nào đó văng ra không an phận tròn vo theo đàn như hạt gạo. Bởi thế mà có chút tình nào còn âm ỉ, leo lét qua hôn nhân, sau hôn nhân cũng chỉ có thể là tiếng thở dài, chứ đâu được cất lên thành một tiếng nói như thơ Nguyễn Bính sau này. Nhà thơ yêu mến của chúng ta cũng có những câu nói về sự phồn thực như là một cách ca ngợi vẻ đẹp của tổ ấm. Bắt đầu là sự ấm áp trong bàn tay của mẹ thiên nhiên: Đứng ở sườn non đưa tay ra bắt cá/ Trên thuyền hái được củi đem về; Mùa lại mùa lúa tốt/ Gánh đem về cho vú vợ tròn căng; Ta là chàng trai của núi/ Chỉ biết nói lời cho quả sai. Thế nhưng điều độc đáo nhất không phải ở việc ca ngợi những điều hiển nhiên này mà phải là chạm đến thứ tình yêu ngoài hôn nhân, một điều rất nhạy cảm. Có thể nói, khi đọc những câu ấy, không phải ai cũng thốt lên nhưng đều thấy sống lại cái con người yêu đương đã từng “ngã ngựa”mà vẫn thiêng liêng trong mình. Ai cũng có một cõi thầm như thế. Đó là lí do mà bài thơ Đi tìm bóng núi có một sức hút rất mạnh với người đọc. Dương Thuấn để tâm vào thứ tình cảm ấy như để tiếp thêm mạch sống cho những thở than vẫn phảng phất trong mái lá hôn nhân ngàn đời. Anh không trực diện như Đồng Đức Bốn (Em bỏ trồng về ở với tôi không) mà lẳng lặng gieo vào đó những suy cảm. Nào là đêm nay em sẽ thành vợ người ta: Em về nhà chồng/ Đêm nay đồng bạc rơi ra; nào là mong: Ngồi xem cá đớp bóng hoa/ Tôi lại thầm mong sau núi kia trùng điệp/ Chồng chị là người phụ bạc/ Giận nhau chị sẽ trở về… Khi đọc đến đây ta có thể hiểu được “núi” và “hoa” đã có sự cộng hưởng ( Dương Thuấn đã có cả một bài thơ tên là Bài ca Núi Hoa, hình ảnh cô gái Núi Hoa…) để tạo thành một biểu tượng của tình yêu với hạt nhân của nó, hồn vía của nó là em. Bóng núi cũng là bóng hình, là bóng em vậy. Thế nên khi em trở về chạm vào núi (thực) thì cái bóng ấy đã biến mất, núi ấy đã tự gỡ bóng mình ra khỏi quá khứ, “em” đã tự xoá đi những dấu ấn cuối cùng của kỉ niệm. Hình ảnh “em” bước vào cuộc sống thực (phát nương, tra lúa) đã vô tình giải thiêng thần tượng thi ca. Khi đó chàng trai thực sự bơ vơ:

Bây giờ em đã theo chồng

Lên núi phát nương tra lúa,

Bây giờ buông hờ nỗi nhớ

Anh lang thang giữa loài người.

… hát với sông Năng!

Thật ra ngay từ khi Dương Thuấn nói về núi đã hé mở rất nhiều tín hiệu về sông. Có những dòng sông có tên có tuổi: Sông Năng, sông Nậm Na, sông Hồng, sông Thương… có những con suối, thác, hồ và sau này cả biển lớn nữa. Tôi cho rằng người miền núi nghĩ về sông có nét khác với với nếp nghĩ của người đường xuôi. Sông với họ là mạch nguồn trong trẻo và quyết liệt chứ không mênh mang trầm buồn như dưới hạ lưu. Cuộc sống dựa trên canh tác nông nghiệp khô không có phù sa vỗ về[2], mùa màng được/mất chỉ thấy trách núi chứ đâu có nhắc đến sông: Gieo mùa màng/ Khi không/ Khi được/ Trách núi làm chi. Từ đó mà mỗi lần gặp sông, cách ứng xử với sông cũng khác. Tất cả những thác, suối, sông, hồ, biển đều nằm trong một trường “lưu thuỷ” mà trong tư duy hồn nhiên của người miền ngược luôn gắn với những dấu mốc của cuộc đời:

Sinh ra tắm nước thơm

Mới là con của mẹ

Lớn lên tắm nước sông

Mới thành người của làng

Đóng con tàu đi ra bể

Tắm giữa đại dương

Mới thành người của muôn nơi.

“Mệnh” thuỷ chảy trong tâm thức mỗi con người theo cái nguyên lí: suối-sông-biển. Tình quê hương, tình đất nước, tình nhân loại cũng lớn lên theo bước tiến đó. Người mẹ nuôi dạy con khôn lớn, cứng cỏi như cách người ta hạ thuỷ những chiến thuyền: Mẹ đẩy con xuống thác/ Con đi…Để rồi có người đàn ông trở về từ biển lớn cuộc đời lại đắm mình với dòng mạch nhỏ: Cái rãnh nhà bé nhỏ/ Bước ngàn lần không qua. Có lẽ vì anh biết “đắm” mình ở cái rãnh nhỏ cội nguồn ấy mà không “bị” đắm chìm giữa biển cả cuộc đời…

Nhưng cách ứng xử với sông trong thơ Dương Thuấn còn có một bình diện khác nữa. Dòng sông ấy như một cái tứ ngầm trong những bài thơ của anh. Chúng không lộ diện trong mọi lúc mà có khi lặn thật sâu, lại có khi bất ngờ hiện ra ở một miền đất lạ. Nhìn vào những lần có hình ảnh sông trong thơ anh ta có thể thấy nó giống một dòng sông trong tiềm thức của tác giả với dáng dấp của nàng thơ nhưng lại gợi rất nhiều cảm hứng triết luận. Nhà thơ đã từng đối thoại với sông bằng nhiều cách thức: hỏi sông, hát với sông, nhớ sông… Mà mỗi lần như thế lại là một dịp giãi bày, tự vấn. Nhưng có lẽ lôi cuốn nhất vẫn là hai “khúc” sông này:

Tôi và em yêu nhau rồi xa quê

Bây giờ mỗi đêm nằm lại nghe tiếng sóng

Tiếng thác reo chui vào trong chăn thành giấc mơ…

(Hát với sông Năng)

Đêm nay nằm bên sông yên lặng

Không tiếng thác gầm như sông quê hương

Tôi ngẩng đầu nhìn sao, đếm: một, hai, ba…

Oan hồn trên kia, đầy trời không thể đếm…

(Đêm bên sông yên lặng)

Hát với sông Năng nhưng sông là em, kỉ niệm là thác lặn vào tôi rồi lại cồn cào than thở. Rồi có lúc nằm bên sông lại thấy sông yên lặng quá, trầm tĩnh và đáng sợ quá. Không phải hồn vía đã làm cho sông thiêng mà chính trái tim mình đập thay những nhịp sóng, tiếng thác tạo nên dòng sông của đời người ! Không vẽ sông bằng hình ảnh, bằng âm thanh, bằng hồn vía (Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò – Sông lấp, Trần Tế Xương) mà tạo sông bằng nhịp đập trái tim. Có thể đó là một sự đổi mới của Dương Thuấn chăng?

Đã có một khoảng thời gian dài đọc và ngẫm nghĩ về thơ Dương Thuấn, tôi cứ thấy ám ảnh rằng dù ở bài thơ nào cũng có bóng núi, hình sông. Quả đúng là:

Quê hương không đủ chỗ đánh rơi đồng xu

Ba bước chân gặp núi

Ra khỏi cửa là leo là lội

Người thơ ra đi từ bản Hon là vậy, đi còn mắc “núi”, ở còn mắc “sông” bởi chừng nào còn sông núi ấy thì còn bóng quê hương trong hồn, nghĩa là mạch thơ ấy còn chảy trong mình.

Bùi Việt Phương



[1] Dương Thuấn hành trình từ bản Hon, Đỗ Thị Thu Huyền tuyển chọn và giới thiệu, NXB Hội nhà văn, 2009.

[2] Riêng nền văn minh lúa nước của tỉnh miền núi Hoà Bình là một ngoại lệ do đặc điểm địa hình.

Exit mobile version