Mặt nước mênh mông nổi một hòn/ Núi già nhưng tiếng vẫn còn non…, những vần thơ trong bài Vịnh núi An Lão của thi nhân Nguyễn Khuyến đã gợi nguồn cảm hứng đưa chúng tôi về thăm huyện Bình Lục (Hà Nam). Nơi đó có núi An Lão, sông Ninh là thắng cảnh nổi tiếng của vùng Sơn Nam Hạ.

Đền Cao tại quần thể di tích, danh thắng Núi Quế, sông Ninh.

Núi An Lão còn được biết đến trong các tư liệu cổ và theo cách gọi của dân gian là núi Quế (Quế Sơn), hoặc Nguyệt Hằng Sơn, Tượng Sơn (giống hình con voi đang phục) và Lão Sơn (tên làng). Núi cao khoảng trăm mét và theo tư liệu cổ cùng những phát hiện khảo cổ học thì núi có vị thế quan trọng trong lịch sử, văn hóa Hà Nam. Trên núi và quanh chân núi đã tìm thấy nhiều trống đồng Đông Sơn, những bôn đá, khuôn đúc, đồ đất nung…

Có thể khẳng định, đây là địa bàn tụ cư sớm của người Việt cổ. Núi được người xưa coi là thắng cảnh và sách xưa ghi lại: “Núi An Lão ở huyện Bình Lục, đá núi cao chót vót tựa cái tán, lên đỉnh núi nhìn bốn hướng mênh mông…”. Cùng với những di chỉ khảo cổ đã được chứng minh mang đậm giá trị văn hóa Việt, thì cặp non nước núi Quế, sông Ninh còn được ghi nhận trong những thư tịch cổ về dư địa chí như một di chỉ tâm linh với nét đặc trưng về phong thủy. Hiện nay, tại núi Quế vẫn còn ghi nhận những di tích quan trọng về tâm linh như khu đền thờ các vị vua đời nhà Trần dưới chân núi và nhất là dấu tích của đền Cao, một ngôi đền được tạo dựng dựa trên một vòm hang trên vách núi ở cao độ khoảng 80 m từ chân núi lên. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, dưới sự tác động của thiên nhiên, mới đây, dân cư quanh vùng đã bước đầu phục dựng di tích đền Cao, tuy nhiên chưa thể xứng tầm với vai trò và giá trị văn hóa tâm linh vốn có.

Đứng từ đền Cao, tầm nhìn trải rộng bao quát một vùng sông Ninh, một nhánh của sông Châu Giang và cũng là địa giới phân định về phía tây nam giữa Hà Nam và Nam Định. Đền và khu di tích có thế tựa lưng vào núi, phía trước là con sông bao bọc, khu di chỉ nằm trong vùng núi Quế, sông Ninh không chỉ mang đậm dấu ấn phong thủy, tâm linh mà còn là nơi thắng cảnh thiên nhiên hữu tình, nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư khôi phục xứng tầm văn hóa, lịch sử.

Gặp sư thầy Thích Mãn Định, trụ trì Khánh Long Tự tại thôn An Ninh, La Sơn, người dành nhiều công sức nghiên cứu qua các thư tịch cổ về di chỉ núi Quế, sông Ninh, sư thầy đã chỉ dẫn và cho biết thêm nhiều kiến thức về địa danh này. Theo sư thầy Thích Mãn Định, Giáo hội Phật giáo Hà Nam và các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương đều mong muốn có được sự đầu tư, tôn tạo, phục dựng danh thắng và di tích núi Quế, sông Ninh trở thành một quần thể văn hóa tâm linh quan trọng của Hà Nam. Theo những phác thảo ban đầu, trung tâm của quần thể là khu di tích trên núi Quế và khu vực đền Cao với một bảo tháp cao 22 m. Sư thầy Thích Mãn Định cho biết, một phật tử, người trồng khu rừng thông gần 20 năm tuổi trên núi Quế đã bày tỏ thiện nguyện muốn góp công quả cho việc hình thành nên quần thể. Dự kiến, quần thể này khi hoàn thiện sẽ trải rộng cả một vùng sông nước 40 ha với hàng loạt các công trình kiến trúc văn hóa tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ý nguyện về một quần thể văn hóa tâm linh và danh thắng núi Quế, sông Ninh sẽ trở thành hiện thực với sự chung tay, góp sức của nhân dân, các tăng ni, phật tử và các cấp chính quyền, đúng như sư thầy Thích Mãn Định tâm niệm: “Có thể cần đến 20 năm để hoàn thiện tổng thể quần thể văn hóa tâm linh này, tuy là một quãng thời gian dài, nhưng đây là việc làm có ý nghĩa cả về đạo lẫn đời, và tỉnh Hà Nam có thêm một điểm đến tâm linh, một quần thể di tích, danh thắng thu hút đông đảo khách tham quan, hành hương …”.


Theo Vương Long – Nhandan

Exit mobile version