Nguyễn Bích Lan

Trước sau gì mẹ nó vẫn yêu anh nó nhất trên đời. Mẹ luôn nói với mọi người rằng bà đẻ thêm nó để anh nó có bạn chơi.

 

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuy vậy, đến tận năm anh mười bảy tuổi, bà mới cố làm được điều đó. Khi ấy, anh nó nào có được chơi vì bố không còn nữa, anh trở thành lao động chính của gia đình. Suốt bốn mùa nó chỉ thấy anh đi làm, đi làm miết cho bất cứ ai muốn thuê mướn.

Những lúc nó nhìn thấy anh là khi anh nằm ngủ như chết trên tấm phản ghép bằng gỗ tạp. Nó muốn đến cù chân anh, gọi anh dậy chơi với mình, nhưng mẹ nó canh giấc ngủ cho anh như một cận vệ trung thành: “Đi chỗ khác chơi cho anh ngủ, anh còn đi làm!”.

Thế rồi khoản nợ vay chữa bệnh cho bố nó hồi trước đẩy anh ra khỏi làng, ra khỏi những ngọn đồi, vắt kiệt mồ hôi của anh suốt bốn mùa.

Anh đi làm thuê cho một xưởng xẻ đá cách nhà nó hơn bốn chục cây số, mỗi tháng đỡ mẹ trả nợ được hơn triệu bạc. Hễ cứ lĩnh tiền công thì anh xin về nhà nửa buổi, dốc túi đưa tiền cho mẹ, ngủ một giấc như chết, choàng dậy hốt hoảng hỏi giờ, vơ vội áo rồi đi.

Muốn chơi với anh, nó thường chỉ dám rón rén nằm xuống mép tấm phản, ngó lên những sợi ria mép khẽ rung trong giấc ngủ mê mệt của anh và tự cười một mình.

Anh không chơi với nó, không nói chuyện với nó mấy khi. Nhưng áo nó mặc là tiền anh mang về dặn mẹ mua. Chiếc cặp mới, sách vở và lọ mực tím để nó đi học cũng từ tiền của anh mà ra. Mẹ nó chịu, không kiếm nổi một đồng từ cái sườn đồi cạnh nhà nó, đất thì ít mà sỏi gan gà thì nhiều.

“Mày cố mà học xem liệu cái chữ có làm sáng đời mày không, chứ đời anh mày đen quá!” – mẹ nói, đượm giọng thở than hơn động viên.

Tháng trước anh không về. Tính từ lần anh đi gần nhất đã hai tháng sáu ngày nó không gặp anh. Anh có dặn mẹ rằng hễ cứ có tiền thì anh về liền, anh không về nghĩa là chủ người ta nợ tiền công anh chưa trả.

Có tiền là anh về. Yên tâm.

Quá hai tháng, mẹ nó nóng ruột lắm. Biết người hàng xóm ở bên kia đồi sắp xuống mạn anh nó làm để mua lợn giống, mẹ nài nỉ người ta tạt qua chỗ anh đưa giúp cái thư. Viết thư thế nào mẹ chịu. Mẹ bảo nó lấy giấy bút ra. Hai mẹ con ngồi nghĩ.

Nó dốt quá, học lớp ba không biết viết cái thư như thế nào, dù nó nghĩ lúc bấy giờ nếu anh nó đứng trước mặt thì nó có thể nói chuyện với anh suốt cả buổi được. “Mày cứ viết là mẹ bảo anh về. Có tiền hay không cũng cứ về!” – mẹ nó nhắc chữ.

Nó viết y như thế, nhưng rồi thấy trang giấy còn trống nhiều, tiếc quá và cũng ngượng vì mình không biết viết thư, nhân lúc mẹ đã đứng dậy đi chỗ khác, nó nắn nót viết thêm mấy chữ hoa: “VỀ CHƠI VỚI EM MỘT BUỔI DÀI”.

Viết xong, nó vội gấp tờ giấy làm tư, bỏ vào phong bì cho mẹ đem gửi người hàng xóm.

Mấy ngày sau, trời bắt đầu một đợt mưa lớn chưa từng thấy. Nước từ trên đồi đổ xuống như thác. Những viên sỏi gan gà bị cuốn trôi tạo ra âm thanh sắc lạnh và ồn ào cho những cơn nước đổ. Chiếc đài nhỏ hết pin.

Nó còn bé, chưa biết lo, chỉ thấy chồn chân khi phải loanh quanh chơi một mình trong ba gian nhà hẹp. Đêm mưa xối xả, mẹ nó không ngủ, để cửa mở toang ngồi nhìn ra trời, đợi sáng.

Trời sáng, trong màn mưa. Mẹ nó thở dài: “Mưa mãi thế này anh mày làm ăn gì, sao không mò về nhà mà ngủ!”.

Một tuần sau, khi mưa đã tạnh, trời rót những tia nắng vàng như mật ong xuống lưng đồi, nó đang chơi trong sân thì mấy người cán bộ tìm tới nhà. Mẹ nó đang lúi húi san lại đất trên sườn đồi để chuẩn bị trồng mấy thứ cây thì họ gọi xuống.

Một chiếc áo cánh đầy bùn đất được lôi ra từ một chiếc túi nilông. Chiếc áo lấm đến nỗi mẹ nó không nhận ra ngay đó là áo của anh nó. Người huyện đội phó lấy từ trong chiếc túi bóng kính một tờ giấy đưa cho mẹ nó.

“Chúng tôi không biết nói gì hơn, xin chia buồn cùng chị và gia đình! Đây là thứ duy nhất chúng tôi tìm thấy trong túi áo của con trai chị tại hiện trường của vụ sạt lở. Chị biết đấy, cả một phần quả núi…”.

Hai mẹ con nó không biết tại núi đá nơi anh nó làm thuê đã xảy ra một vụ sạt lở kinh hoàng. Cũng không biết các đơn vị bộ đội được huy động đến đào đất đá để tìm một nhóm thanh niên đi xẻ đá thuê mất tích trong vụ sạt lở ấy.

Bức thư của nó gửi anh trai nằm đó trên mặt bàn cũ kỹ, bên cạnh chiếc mũ của người huyện đội phó. Bức thư đầu tiên trong đời nó.

Bức thư có dòng chữ nó viết thêm với tất cả những gì nó nghĩ, nó mong mỏi, ước ao, thèm muốn vào thời điểm ấy, khi nó cầm bút viết bức thư và cả bây giờ. Và mãi mãi về sau.

Trước sau gì mẹ nó vẫn yêu anh nó nhất trên đời. Trước sau gì nó chỉ ước ao được chơi với anh nó một buổi dài, thật dài, đúng như trong thư nó đã viết gửi anh.

TTO

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài