Vậy là lại một cuộc thi truyện ngắn nữa chính thức được phát động, được chào đón, được tổ chức, để rồi, thấm thoát, cuộc thi ấy đã đi được nửa chặng đường!

Có lẽ ít có cuộc thi nào của Tạp chí Văn nghệ Quân đội “gõ một tiếng chuông mời gọi” một cách chân thành và rộng mở như cuộc thi truyện ngắn lần này. Cuộc thi diễn ra trong 2 năm 2013-2014 nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014). Ngay sau khi Ban tổ chức công bố Thể lệ cuộc thi thì Ban biên tập đã tổ chức lễ phát động tại phía Nam, sau đó không lâu lại tiếp tục tổ chức lễ phát động tại phía Bắc. Hàng trăm nhà văn và các cây bút văn xuôi sung sức của cả nước đã tham dự các buổi phát động cuộc thi này, và Ban tổ chức đã nhìn thấy trong ánh mắt họ sự hào hứng cho một cuộc thử sức mới. Từ các nhà văn đã thành danh như Dạ Ngân, Hoàng Đình Quang, Triệu Xuân, Võ Thị Hảo, Inrasara, Hữu Phương, Kao Sơn, Trần Thanh Hà, Bùi Anh Tấn… đến những cây bút 8x, 9x lần đầu tiên đến với một cuộc thi lớn như Hoàng Thanh Hương, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên… đều bày tỏ thái độ chào đón và sẵn sàng gửi tác phẩm đến dự thi. Tại lễ phát động, nhà thơ Inrasara đã phát biểu: “Nhiều bạn đọc đã biết đến Inrasara với tư cách là một nhà thơ, một nhà phê bình, một nhà tiểu thuyết, biết đâu sau cuộc thi này sẽ có thêm một Inrasara của truyện ngắn”. Nhà văn Dạ Ngân, người đã từng giữ “chân” thường trực nhiều cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) cũng rất hào hứng với cuộc thi này của Văn nghệ Quân đội và chị chia sẻ: “Tôi rất vui khi đọc Thể lệ cuộc thi lần này của các anh, mảng truyện ngắn về đề tài chiến tranh của Văn nghệ Quân đội xưa nay vẫn được độc giả yêu quý, nhân cuộc thi này, mong Ban tổ chức mở rộng thêm biên độ mảng đề tài này, đặc biệt nên chú ý đến những tác phẩm viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi từng công tác tại mặt trận đó nhiều năm và còn nhiều điều chưa viết, hy vọng là sẽ viết được điều gì đó cho cuộc thi của các anh”. Nhà văn Trần Thanh Hà, giải nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 1996 cũng phát biểu rất chân thành, rằng nhờ cuộc thi truyện ngắn năm ấy mà cuộc đời chị đã thay đổi từ một cô giáo dạy văn ở Quảng Trị trở thành một nhà văn chuyên nghiệp như hôm nay. Cũng  như Ban tổ chức, chị mong cuộc thi này sẽ tìm ra nhiều truyện ngắn hay và nhiều tác giả mới “cung cấp cho văn đàn những tác phẩm có giá trị và bổ sung vào đội ngũ văn chương nước nhà những tên tuổi mới”.

Sự mời gọi của Ban tổ chức không chỉ thể hiện ở các buổi lễ phát động mà bộ phận thường trực còn gửi “Thư mời” tới những tác giả đang dồi dào năng lượng truyện ngắn. Bên cạnh đó, các trại viết cũng được mở ra để những cây bút văn xuôi có thể tập trung về một chỗ, hết mình cho những tác phẩm tâm đắc ra đời. “Trại viết trên mây” Sa Pa đã quy tụ 25 tác giả khắp các vùng miền về “cùng ăn, cùng ở, cùng trăn trở với truyện ngắn”, để rồi từ trại viết này đã “đẻ” ra những truyện ngắn ấn tượng đầu tiên cho cuộc thi.

Khi số tạp chí đặc biệt tháng 12 năm 2013 đến tay bạn đọc cũng là lúc nửa chặng đường của cuộc thi truyện ngắn trên Văn nghệ Quân đội đã lùi lại phía sau. Trong số hàng ngàn truyện ngắn gửi về tòa soạn, bộ phận thường trực chúng tôi đã sàng lọc và lựa chọn những tác phẩm khá nhất giới thiệu tới bạn đọc cả nước. Chưa thể nói được điều gì về kết quả cuộc thi khi chặng đường phía trước còn rất dài và mọi thứ có thể diễn ra ở… phút 89! Tuy nhiên, với tư cách là những người thường trực cuộc thi, qua bài viết này chúng tôi có những đánh giá bước đầu mang tính chất tổng hợp thông tin để bạn đọc, bạn viết có thêm sự hào hứng khi “nhập cuộc” sân chơi lớn đã làm nên nhiều thương hiệu của làng văn nước nhà.

Một năm qua cuộc thi đã giới thiệu trên tạp chí 58 truyện ngắn của 46 tác giả ở khắp mọi miền đất nước, kể cả ở nước ngoài. Nhìn vào số lượng tác phẩm ấy, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nổi lên ba cụm đề tài chính như sau:

Thứ nhất là cụm đề tài về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ hôm nay. Đây vẫn là mảng đề tài được Ban tổ chức mong đợi nhất, cũng chiếm số lượng nhiều nhất trong số những sáng tác gửi về dự thi. Hầu như số tạp chí nào cũng có những sáng tác thuộc mảng đề tài này được giới thiệu. So với các cuộc thi lần trước, mảng đề tài chiến tranh cách mạng đã có sự mở rộng về biên độ, ngoài những tác phẩm khai thác trực diện hoặc chú tâm vào những câu chuyện thời kỳ hậu chiến liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, số lượng những sáng tác đề cập cuộc chiến tranh biên giới cũng nhiều hơn, mới mẻ và ấn tượng hơn. Nếu Từ Nguyên Tĩnh với Một… Hai… Ba… Bốn, Hữu Phương với Ru giấc ngàn năm, Hoàng Hải Lâm với Tiếng chim gọi trên sông, Văn Xương với Tiếng rao, Trần Văn Đẳng với Chiếc áo màu hồng ngọc, Dương Đức Khánh với Nửa ngày chiến tranh, Vũ Thanh Lịch với Người đi tìm cánh tay, Trịnh Sơn với Sóng gió Ô Cấp vẫn khai thác những góc khuất của cuộc kháng chiến chống Mĩ qua những thân phận ít nhiều đã không còn mới đối với văn học nói chung thì Lê Mạnh Thường với Hoài niệm U Đôn Xay, Phùng Kim Trọng với Vì sao tuổi thơ, Hồ Kiên Giang với Trên núi Tưk-cot, Doãn Dũng với Âm thanh của kí ức, Võ Diệu Thanh với Mùi vị trần ai, Tạ Ngọc Dũng với Tiếng đò lại hướng tác phẩm của mình tới các cuộc chiến tranh biên giới, nhân vật và câu chuyện được “đẩy” tới những mặt trận xa xôi như Lào, Campuchia. Cũng trong mảng đề tài này chúng tôi đặc biệt chú ý đến những tác phẩm viết trực diện về người lính hôm nay, những cán bộ chiến sĩ đang công tác, học tập, huấn luyện tại các đơn vị, vùng sâu vùng xa, biên giới, đảo xa. Và Nguyễn Thái Sơn với Mất tích, Vũ Minh Nguyệt với Bức tranh vẽ dở, Trần Đức Tĩnh với Lính cậu, Tống Ngọc Hân với Mây không bay về trời, An Bình Minh với Nỗi niềm Trường Sa… đã tỏ ra dụng công cho lĩnh vực này. Đây là mảng đề tài khó, từng thách thức nhiều cây bút chuyên nghiệp và luôn là một điểm cộng của Ban tổ chức cho tác giả nào chú tâm tới. Trong số các tác phẩm kể trên, nói cho thật chính xác thì Nguyễn Thái Sơn và Vũ Minh Nguyệt chọn hình thức kể chuyện về người lính hôm qua thông qua mối quan hệ với người lính hôm nay hơn là “tập trung khắc họa miêu tả tính cách, tâm hồn người chiến sĩ hôm nay”. Tuy nhiên, cũng xin ghi nhận Mây không bay về trời, Lính cậu, Nỗi niềm Trường Sa là những truyện ngắn khai thác trực diện đời sống của người lính hôm nay với tất cả những chiều kích tâm hồn qua quá trình học tập, huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ của họ. Tống Ngọc Hân tập trung miêu tả nội tâm của những chiến sĩ trẻ trong một trận cháy rừng, qua đó xuất hiện một câu chuyện cảm động về việc hai người lính đã nhận ra nhau là anh em ruột. Trần Đức Tĩnh kể về quá trình trưởng thành của một chiến sĩ từ khi nhập ngũ làm tân binh đến khi lột bỏ được cái “áo” lính cậu để trở thành một người lính thực thụ. An Bình Minh thông qua cái nhìn của một nữ phóng viên truyền hình khắc họa hình ảnh những người lính trẻ xuất thân thành phố đang mỗi ngày một tự hoàn thiện nhân cách của mình nơi sóng gió Trường Sa. Ba trên tổng số 57 tác phẩm đề cập trực diện hình tượng người chiến sĩ hôm nay trên hơn 20 số báo không phải là nhiều nhưng đã bắt đầu cho thấy sự sinh động của đề tài và những tìm tòi trong khai thác kiểu nhân vật đang là đối tượng bạn đọc chính của Văn nghệ Quân đội. Rất mong ở chặng tiếp theo, Ban tổ chức sẽ nhận được nhiều hơn nữa những tác phẩm như thế này.

Cụm đề tài thứ hai là những tác phẩm được xây dựng trên cảm hứng lịch sử. Ngoài Phạm Thuận Thành với Cô giáo Hoàng Cung vốn đã gây ấn tượng bằng một số sáng tác theo hướng này thì cuộc thi cũng xuất hiện những tác giả còn rất trẻ chủ tâm hướng tác phẩm tới “cái đinh” lịch sử để treo bức tranh ngôn từ của mình lên, như Vũ Thanh Lịch với Mây vờn trên đỉnh Mã Yên, Đinh Phương với Lau lách chiều trắng xóaChiều kí ức phủ gai, Nguyễn Thị Kim Hòa với Hương thôn dã… Khuynh hướng này đang được nhiều bạn viết trẻ theo đuổi qua những sáng tác gửi về dự thi. Tuy nhiên viết truyện lịch sử giống như con dao hai lưỡi. Có thể thành công đấy nhưng lại cũng thất bại ngay đấy. Thiếu tri thức và sự trải nghiệm, thiếu ý tưởng và tính ẩn dụ, rất nhiều tác phẩm dạng này trở nên “nhuận sử” một cách hời hợt, đôi lúc biến dạng và đẩy câu chuyện sang hướng… kiếm hiệp hóa lúc nào không biết!

Cụm tác phẩm thứ ba xoay quanh các đề tài xã hội với sự phong phú về góc nhìn và đa dạng về cách biểu đạt. Trong số các tác giả dự thi có những nhà văn hội viên tiếp tục làm mới mình qua những tác phẩm được viết kỹ lưỡng, dày dặn và giàu tâm huyết, ít nhiều gây được ấn tượng với bạn đọc như Thằng Hoang của Inrasara, Tàn tro của Phong Điệp, Súng nổ cửa rừng của Hữu Phương, Ông thủ từ làng Vẽ của Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giấc mơ của chú Năm Đời của Kao Sơn, Không nghĩ đến tiền, buồn chết! của Vân Hạ… Ngoài ra, một số cây bút trẻ đã từng là cộng tác viên của Văn nghệ Quân đội cũng hăm hở gửi đến những tác phẩm mới nhất với khí thế của người sẵn sàng tham dự cuộc chạy đua maraton văn chương ngay từ phút đầu tiên như Hoàng Thanh Hương với Bão trái mùa, Trịnh Minh Hiếu với Quê chồngVấn lộ, Cao Nguyệt Nguyên với Trăng màu hổ phách Trên đỉnh Chumpua, Nguyễn Toàn Thắng với BG Vô cùng thương tiếc, Thiên Di với Ăn cẫm địa, Lục Mạnh Cường với Nàng Hương, Phùng Phương Quý với Đội nhạc hiếu làng Hoa, Trần Nguyễn Anh với Cà phê tháng Bảy, Lý A Kiều với Váy Mông...

Nửa chặng đường cùng những ghi nhận trên đây chưa thể nói là đã làm cho Ban tổ chức yên tâm với những kỳ vọng ở cuộc thi này. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì chặng tiếp theo mới là chặng sôi động và hứa hẹn nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, chúng tôi thấy vui mừng khi một phần ba số tác giả được giới thiệu trong một năm qua là những bạn viết lần đầu tiên xuất hiện trên Văn nghệ Quân đội. Từ những tác giả ở xa Tổ quốc như Văn Tất Thắng với Cô Thủy, Thái Bảo với Hùng “sát thủ” đến những tác giả ở xứ Huế mộng mơ như Lê Minh Phong với Những người cha, hay từ Bà Rịa – Vũng Tàu Trịnh Sơn góp mặt với chùm ba tác phẩm xuất hiện trong năm là Thảo nguyên mồ côi, Đếm sao cho hết con đường chưa đi,  Sóng gió Ô Cấp, rồi phố núi Lào Cai xuất hiện một Tống Ngọc Hân với hai truyện ngắn Mây không bay về trờiHồn xưa lưu lạc, một tác giả người Chăm Kiều Maily với tác phẩm Nhớ rừng, một Nguyễn Hoàng Lược đến từ đất Cảng Hải Phòng với truyện ngắn Trôi theo dòng thời gian, và cả những tác giả mà bộ phận thường trực chưa hề biết mặt, biết người như Tạ Ngọc Dũng với Tiếng đò, Hương Thị với Đò đêm, Tống Phú Sa với Cô Khang, Bùi Thanh Ninh với Tinh ốc cụ, Đỗ Xuân Thu với Internet về làng, Vũ Văn Song Toàn với Đôi mắt nhân gian… tất cả làm nên một lực lượng mới đang xuất hiện ngày một đông đảo trong cuộc thi lần này. Từ lực lượng mới này, cuộc thi có quyền hy vọng vào một mùa truyện ngắn tràn đầy sinh khí mới, hầu giúp bạn đọc có được những trang văn hay trên mỗi số tạp chí. Cũng từ lực lượng mới này, mục đích phát hiện, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ viết truyện ngắn, tạo lập thế hệ cộng tác viên mới cho Văn nghệ Quân đội cũng đã bắt đầu hé lộ. Chúng tôi, bộ phận thường trực cuộc thi cũng biết còn nhiều bạn bè văn chương, những cây bút cũ và mới, những tác giả chuyên và không chuyên trên cả nước chưa vào cuộc nhưng luôn quan tâm đến cuộc thi này.

Và đó là lý do để Ban tổ chức cũng như bạn đọc Văn nghệ Quân đội kiên tâm chờ đợi một cái kết “có hậu” đang nằm ở phía cuối của cuộc thi!

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version