Ở tuổi ngũ thập, nữ văn sĩ Mỹ Donna Tartt trông rất thanh mảnh và cân đối. Mặc dù từng được coi là một thần đồng văn học, nhưng cho tới nay bà mới chỉ hoàn thành ba tiểu thuyết. Tất nhiên, đó là ba tác phẩm rất tuyệt vời, có thể giúp bà trở thành một tác giả vĩ đại trong lịch sử văn học Mỹ.

Donna Tartt sinh ngày 23/12/1963 tại thành phố Greenwood nằm trong châu thổ sông Missisipi. Chẳng bao lâu sau đó, cha mẹ nữ văn sĩ tương lai đã chuyển tới sống tại một thành phố khác của bang Missisipi: Grenada. Ngay từ bé, tài năng sáng tác của Donna đã sớm trỗi dậy: mới lên năm tuổi, cô bé đã viết bài thơ đầu tay. Khi Donna 13 tuổi, những sáng tác thơ của cô bé đã được in trong tập “Mississippi literary review” (Tổng quát văn học Missisipi). Chính niềm say mê sáng tác đã quyết định sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai – năm 1981, Donna vào Đại học Missisipi để nghiên cứu vê văn học cổ điển.

Trong thời gian này, cô đã là một thành  viên rất tích cực của nhiều hội đoàn dành cho sinh viên, trong đó có tổ chức nổi tiếng của các nữ sinh viên “Kappa Kappa Gamma”, và viết cũng rất nhiều. Năm 1982, Donna Tartt đã chuyển sang học tại trường đại học Bennington (bang Vermont), nơi chú trọng đào  tạo  chuyên ngành cho “những nghệ sĩ tự do” . Bạn đồng môn của cô trong giai đoạn này là những tên tuổi nổi tiếng trong tương lai như Bret Easton Ellis. Jill Eisenstadt, Jonathan – tình bạn của họ với nhau cho đến nay vẫn còn rất nồng đượm…

Năm 1984, đang còn là sinh viên năm thứ hai, Donna Tartt đã  bắt tay vào viết tiểu thuyết. Không gian diễn ra các sự kiện trong tác phẩm này trùng hợp với môi trường xung quanh nữ văn sĩ trẻ – đó là trường đại học, các sinh viên chuyên ngành văn hóa cổ đại, quần tụ chặt chẽ những bằng hữu sinh viên phóng túng, trí tuệ và giàu có. Thoạt tiên, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Donna được gọi là “Chúa của những ảo tưởng” nhưng rồi về sau đã được đổi sang cái tên thoạt nghe thì có vẻ không mấy hấp dẫn: “Câu chuyện bí mật”. Cũng cần phải nói rằng, cái tên sách này khá đa nghĩa –  cũng cái tên như thế (nguyên bản là “Historia Arcana”) là của một tác phẩm xuất sắc viết về chủ đề lịch sử, mô tả những sự kiện đẫm máu  xảy ra tại đế quốc Byzantine và bằng một cách rất kỳ lạ đã được khúc xạ vào đời sống của nhóm sinh viên hiện đại. Dưới vỏ bọc bên ngoài như sao chép y hệt và sự đơn giản của nhan đề đó đã bộc lộ dần những tầng lớp truyện và diễn biến tâm lý. Cuốn sách này có thể được đọc như một tiểu thuyết trinh thám, hay một tiểu thuyết tâm lý hoặc như một luận văn lịch sử mặc dù nội dung chủ yếu của nó có lẽ vẫn là những diễn giải về tâm hồn con người và sự phân tích quá trình tan rã của nó bởi sự vô trách nhiệm, thói ích kỷ và lòng kiêu ngạo. Donna Tartt đã hoàn thành tác phẩm này trong thời gian rất lâu – mãi tới năm 1992, sách mới được ấn hành và tạo nên hiệu ứng bom nổ. Số lượng sách bán ra lên tới 75 nghìn bản, giúp cho “Câu chuyện bí mật” lọt được vào danh sách best-celler. Sách đã được dịch ra ít nhất là 24 tiếng.

Các nhà phê bình văn học, các bậc trí giả và những độc giả bình thường đều sôi nổi tham gia bình phẩm về tác phẩm này và đều nhấn mạnh một điều: họ chưa từng được đọc một cuốn sách nào tương tự trước đó. Theo lời của chính nữ văn sĩ, quá trình hoàn thành tác phẩm của bà giống như một cuộc du hành trên biển  hoặc một chuyến thám hiểm lên Bắc Cực – nó chiếm lĩnh toàn bộ tác giả và kéo dài rất nhiều thời gian. Tác phẩm tiếp theo của Donna Tartt “Anh bạn nhỏ” ra mắt độc giả năm 2002.

Mặc dù cuốn sách này không thể lặp lại thành công lớn của tiểu thuyết “Câu chuyện bí mật” nhưng cũng vẫn lọt  được vào danh sách best-celler và mang lại cho nữ văsĩ giải thưởng WH Smith. Diễn biến cốt truyện xảy ra trong không gian miền nam nước Mỹ cuối thế kỷ trước, vốn rất quen thuộc với Donna Tartt và cốt lõi của câu chuyện, cũng giống như trong “Câu chuyện bí mật”, lại là cái chết. Trong lần này, đó là việc cậu bé 12 tuổi đã bị phát hiện ra trong trạng thái bị treo cổ trên cây sau ngày lễ và những nỗ lực của em gái cậu ta, cố gắng sau nhiều năm truy tìm bí mật của cái chết đó. Không khí thành phố nhỏ của nước Mỹ được mô tả đầy lão luyện, những tính cách nhân vật đầy màu sắc, những điều bí mật và các bước ngoặt khó lường trong cốt truyện cũng như sự độc đáo của nhân vật nữ – tất cả những điều đó đã buộc độc giả tiếp nhận tiểu thuyết này vừa như một tác phẩm hành động vừa như những suy tư về giai đoạn dậy thì và nỗi cô độc, lại vừa như một luận văn triết học về sự đối đầu giữa cái thiện và cái ác…

Tác phẩm được xuất bản gần đây nhất của Donna Tartt  là vào năm 2013, có nhan đề “Chim kim oanh” (“The Goldfinch”). Cốt truyện cuốn sách này cũng như hai tiểu thuyết đây, được dựa trên cái chết bi thảm xảy ra từ nhiều năm trước, trong trường hợp này là của mẹ nhân vật chính. Trong một lần hai mẹ con đi thăm viện bảo tàng, tại đó đã xảy ra một vụ đánh bom và cậu bé trở thành trẻ mồ côi, được sở hữu một bức tranh vô giá. Nội dung tiểu thuyết này vừa như một tác phẩm thám hiểm về nhân vật đang trong giai đoạn tuổi trưởng thành vừa như những mô phỏng văn học châm biếm về văn học thế giới và những sự kiện chính trị trên thế giới, vừa là những suy ngẫm về mối quan hệ giữa quá khứ với hiện tại, giữa số phận và vận may. Năm 2014, tiểu thuyết “Chim kim oanh” được trao giải thưởng Pulitzer về văn học. Tháng 4-2014, Donna Startt đã được tạp chí Times đưa vào danh sách một trăm nhân vật có ảnh hưởng lớn hàng đầu thế giới…

Donna Tartt không thích trả lời phỏng vấn.  Ở tuổi ngũ thập, bà hay mặc những bộ đồ nghiêm túc màu đen với áo sơ mi trắng và đội những cái mũ sặc sỡ của người da đỏ. Bà chưa một lần lên xe hoa và cho rằng,  để sáng tác thì bà cần phải cô đơn…

 

Những phát ngôn tiêu biểu của Donna Tartt

* Những người cô độc mới viết nên những cuốn sách.

* Nghệ thuật kể chuyện, đó là tài bẩm sinh: hoặc là ta có nó, hoặc là không.

* Những cuốn sách mà tôi yêu thích thời thơ ấu, những suốn sách đầu tiên mà tôi đã đọc, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần đến nỗi chúng trở thành những sự nằm lòng trong tôi. Bây giờ chúng có lẽ đang sống ở trong chính tôi chứ không phải ở bên ngoài.

* Cuốn sách yêu thích nhất của tôi? “Lolita”. Nhưng nếu quý vị hỏi tôi ngày mai về điều này thì có lẽ tôi sẽ nêu tên một tác phẩm khác.

* Tôi thà viết độc một quyển sách hay hơn là 10 tác phẩm tầm tầm.

* Trong suốt cuộc đời mình tôi chỉ viết độc ba tiểu thuyết  và mỗi cuốn trong đó lấy của tôi mất 10 năm cuộc đời. Thế nhưng đại đa số mọi người bây giờ lại cho rằng những tiểu thuyết mới cũng như  bất cứ một món hàng nào cần phải ra khỏi dây chuyền mỗi năm một lần.

* Mọi sự trên đời đều đòi hỏi nhiều thời gian hơn là ta thoạt nhìn. Đó mới là sự thật buồn của cuộc sống này.

* Mùi tôi thích nhất – đó là mùi nhựa đường nóng rãy.

* Công việc của nhà văn – đó là cấu tạo: phối màu, thêu thùa, lắp ghép và nói chung làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp hơn.

* Khi tôi viết, tôi tập trung toàn bộ vào những chi tiết: màu tường trong phòng hay hành trình rơi của giọt nước từ chiếc lá sau cơn mưa.

* Tôi thích phương pháp của Dickens. Trong sách của ông ấy ngay cả nhân vật nhỏ nhất cũng  trở nên nổi trội, đích thực và sống động.

* Nhiệm vụ chính của nhà văn, đó là mua vui. Những người đọc sách của ta, đó là những người đang đau ốm, họ buồn rầu, họ đang trên đường đi đâu đó rất xa hay đang ngồi ở phòng ngoài chờ trong lúc người thân của họ đang hấp hối.

* Nghề tồi tệ nhất mà tôi đã làm là bưng bê trong tiệm ăn. Khi tôi 17 tuổi, tôi đã thử làm chân bưng bê trong vài tuần và đó là quãng thời gian kinh khủng nhất: tôi liên tục đánh rơi cốc và làm đổ thức ăn lên khách hàng.

* Địa ngục đối với cá nhân tôi – đó là cuộc sống của một bà nội trợ đầy rẫy những người vô dụng và những sự kiện vô dụng.

* Hãy tránh xa những người yêu bạn quá mạnh mẽ. Tình yêu đó có lẽ sẽ làm bạn đột tử.

* Tôi tin chắc rằng, tính hồn nhiên chỉ là thứ mà người lớn bịa ra gán cho con trẻ  và có lẽ là hoàn toàn không có trong trẻ con. Tôi nói chung là không thể hiểu được khái niệm hồn nhiên của tuổi thơ. Trẻ con, nếu quý vị còn nhớ rõ về tuổi thơ của mình, gần như lúc nào cũng nói dối. Chúng thích những điều bí ẩn ngay cả ở những nơi hoàn toàn không cần gì tới sự bí ẩn.

* Đó là việc rất nguy hiểm – phủ nhận sự tồn tại của cái phi lý.

* Món đồ đắt nhất mà tôi đã mua, đó là cái xe Land Rover mà tôi hoàn toàn không biết lái.

* Đôi khi ta làm hoàn toàn đúng hết mọi sự nhưng vẫn không đạt được thành công. Đó chính là một trong những bài học nặng nề nhất của số phận.

* Mọi sự trên đời đều có thể gọi là vĩ đại. Nếu ta chọn được mức đánh giá hợp lý.

* Viết một cuốn tiểu thuyết hay – đó như thể vẽ một bức tranh to ngang bức tường bằng cái chổi vẽ mi mắt.

* Không, sự thực là tôi rất thích thú khi viết những tiểu thuyết dài hơi.

* Chủ nghĩa lãng mạn rất khủng khiếp: nó đưa người ta ra khỏi sự thật khắc nghiệt và tồi tệ của cuộc sống mà ta cần phải biết.

* Vụ giết người, như tôi cảm thấy, đó là công cụ rất tốt của một người kể truyện.

* Một tiểu thuyết trinh thám hay, đó không phải “ai giết” mà là “giết như thế nào”.

* Tôi rất ghét lúc điện thoại réo chuông.

* Tôi chỉ có thể làm việc khi ở hoàn toàn một mình.

* Có lần tôi thử viết nhanh hơn và tôi cảm thấy không thích thú. Kỹ năng kể chuyện và kỹ năng kể chuyện một cách trang nhã không phải bao giờ cũng song hành sát bên nhau.

* Tia sáng ban mai đôi khi làm cho những vật kinh khủng nhất trên đời cũng trở nên thực sự tuyệt vời.

Hoàng Oanh

Tinh hoa Việt