Nỗ lực và ý chí của Ghimire – người phụ nữ bị bệnh bại não, từng bị cộng đồng tẩy chay, kêu gọi sát hại đã âm thầm vươn lên bằng con đường văn chương và trở thành một biểu tượng của sự can đảm trong cộng đồng người khuyết tật trên toàn thế giới.
Jhamak Kumari Ghimire sinh tháng 7-1980 tại một ngôi làng hẻo lánh ở huyện Dhankuta, miền Đông Nepal, khi đó vai trò của người phụ nữ trong xã hội không được xem trọng. Mới chào đời, cơ thể cô đã không được lành lặn: bị bại não và câm, vì thế đã bị cộng đồng tẩy chay. Krishna Prasad Ghimire – cha của Ghimire từng chua chát kể lại rằng, một người hàng xóm đã gợi ý ông nên giết đứa con tật nguyền của mình (khi cô mới bảy tuổi) bằng cách ném xuống sông. “Lúc đó tôi rất buồn và sợ” – Ghimire nhớ lại. Ngay từ năm 19 tuổi, cô đã nổi tiếng với những sáng tác văn học đặc biệt, được thể hiện qua các bài thơ, câu văn.
Vượt lên số phận bằng…văn học
Sự trớ trêu của số phận đã lấy đi của Ghimire nhiều thứ, cô không thể sử dụng tay và không thể nói, chỉ có thể giao tiếp với mọi người thông qua cách viết bằng chân. Ở tuổi 36, cô đã vượt lên số phận nghiệt ngã bằng văn học. Những vần thơ, những câu hát, những dòng tự truyện… của nữ văn sĩ rất xúc động, tinh tế, chân thực và phong phú về đề tài. Lối viết văn thông minh, các triết lý sống nhẹ nhàng lồng vào đó khiến người đọc phải giật mình suy ngẫm, điều này khá đặc biệt ở một quốc gia kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Nỗ lực và ý chí của Ghimire cũng đã trở thành một biểu tượng của sự can đảm trong cộng đồng người khuyết tật trên toàn thế giới. Nữ văn sĩ có biệt tài đưa những sự thật của xã hội vào trong thơ: sự nghèo đói, bệnh tật, khó khăn và những bất cập của xã hội… được cô chuyển tải thành thơ một cách tinh tế khiến cho người đọc có cảm giác băn khoăn, ấn tượng và xúc động. Ngôn ngữ văn học của Ghimire thể hiện cái nhìn sâu sắc về thực tại xã hội đang diễn ra.
Jhamak Kumari tự hào với tác phẩm của mình. |
Bại não là tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến sự kiểm soát của các hoạt động cơ thể cũng như tư thế. Nguyên nhân là do một hoặc nhiều phần của bộ não có chức năng điều khiển vận động bị tổn thương nên người bệnh không thể cử động các cơ của mình một cách bình thường. Triệu chứng diễn ra từ nhẹ tới nặng, gồm cả những dạng thức tê liệt. Vì khuyết tật nên Ghimire không được đến trường mà chỉ tự học viết ở nhà bằng việc lắng nghe người chị gái học bài. Chữ đầu tiên mà cô viết được là kí tự “ka” (#), kí tự đầu tiên trong bảng chữ cái Devanagari, một hệ thống chữ cái mà Ấn Độ và Nepal đang dùng.
“Khi đó tôi không thể chia sẻ niềm vui này với ai. Chữ đầu tiên của tôi được viết trên mặt đất và tôi có thể phát âm nó từ tim mình. Tôi sung sướng đến nỗi viết đi viết lại chữ “ka” nhiều lần”, cô kể lại trong sách của mình. Mặc dù Ghimire đã cố gắng tập viết đến nỗi có lần bàn chân của cô bị bật máu, nhưng những công sức của ngày đầu tiên không được chú ý tới. “Tôi viết chữ lên mặt đất, sau đó có người khác đi tới, giẫm lên và xóa mất. Tôi lại viết, viết đến nỗi chân bị tổn thương, ngứa và rát vào mùa hè do mồ hôi chảy ra; tê cứng, buốt giá vào mùa đông. Khi các con chữ tròn dần tôi bắt đầu cảm thấy hạnh phúc”.
Manjushree Thapa, tiểu thuyết gia kiêm dịch giả nổi tiếng người Nepal nhận xét: “Cách diễn đạt của Jhamak Kumari Ghimire dường như đạt đến độ tinh tế nhờ những trở ngại về bản thân mà cô đã vượt qua”.
Bà Thapa cũng dẫn chứng một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Ghimire – “Câu hỏi của trẻ lang thang đường phố dành cho cha” (A street child’s question to his father) để chỉ ra thủ pháp ẩn dụ về hình ảnh trẻ lang thang và cha chúng nhằm đề cập tới quốc gia Nepal “là cha của tất cả cư dân nghèo khó”.
“Cô ấy đã nói thay cho cả một thế hệ khi viết”- bà Thapa nhấn mạnh. “Cha! Tại sao cha lại sinh ra/ Những đứa con phản bội như con?”- một câu trong “Câu hỏi của trẻ lang thang đường phố dành cho cha”. “Con bé giờ là niềm tự hào của cả gia đình tôi” – ông bố Krishna Prasad Ghimire cho biết
Tin vào cuộc sống
Cuốn tự truyện có tựa “Đời là đóa hoa hay bụi gai” đã giúp Jhamak Kumari Ghimire giành giải văn học Madan Puraskar, giải thưởng uy tín nhất Nepal. Sách đang được tái bản lần thứ 5 bằng tiếng Nepal và có cả phiên bản tiếng Anh. Trong quyển sách này, Jhamak thuật lại nỗ lực phấn đấu để thể hiện mình, từ lúc mới sinh trong một gia đình bình dân ở một ngôi làng nhỏ trên đồi phía Đông Nepal cô đã bị câm và không thể sử dụng đôi tay của mình. Cô không được đến trường và đã tự học bằng cách lắng nghe chị gái học bài.
Sách gồm nhiều câu truyện nhỏ khác nhau, kể về quá trình đấu tranh với bản thân để vượt lên số phận nghiệt ngã. Ghimire đã cho độc giả thấy những kỷ niệm, hồi ức của chính bản thân cô, hay những lúc tự ti, tiêu cực trong cách suy nghĩ của cô gái tật nguyền. Song trong tâm hồn cô cũng có những điều tinh tế, những suy nghĩ sáng tạo mà không thể nói ra bằng lời hay bằng tay.
Nội dung câu chuyện hết sức cảm động, đặc biệt ở phần ước mong cháy bỏng được đọc, được viết, được trang trải tấm lòng một cách thoải mái như những bạn bè cũng lứa. Khi Ghimire bắt đầu học viết, sự nhiệt huyết, những thử thách cũng như niềm đam mê các con chữ cháy bỏng từ trái tim cô gái trẻ tưởng chừng không bao giờ tắt.
Ghimire thổ lộ, có những giây phút cô gục ngã, gần như phải đầu hàng số phận bởi những người xung quanh cô, một số thành viên gia đình và xã hội luôn ngăn cản cô phấn đấu để được hưởng quyền tự do của một con người, muốn giết chết niềm đam mê cuồng phong trong cô… Những dè bỉu, dị nghị… nhắm vào thân phận bé bỏng của cô gái tật nguyền khiến cô có lúc muốn chết. Ghimire đã viết trong tác phẩm của mình nhiều chi tiết xúc động, cô nói rằng, những người xung quanh, ngay cả thành viên trong gia đình cũng không bao giờ biết được những tổn thương trong lòng của các cô gái tật nguyền như cô. Chính những lời nói, những hành động vô tình của họ khiến trái tim và suy nghĩ của cô bị ảnh hưởng đến mức độ nào… họ cũng không hay biết.
Qua những tác phẩm của Ghimire, độc giả có thể nhận thấy, cô mong muốn được là người có ích cho gia đình và xã hội đến nhường nào. Bằng những câu văn thân thiện mà thâm thúy, tinh tế song lại không kém phần hài hước, Ghimire khiến cho người đọc không thể không cảm thấy xúc động, dễ nhớ và cảm thụ.
Bệnh bại não đã làm cho Ghimire mất đi nhiều thứ nhưng không khiến cô mất đi khát vọng và niềm đam mê. Thực tế, trên thế giới có nhiều người nổi tiếng bị mắc phải chứng bệnh bại não như Ghimire, chẳng hạn như Stephen Hawking, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới người Anh, ông đã có những nhận định rất chính xác về vũ trụ, khoa học kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo hay Jerry Traylor, người duy nhất chạy bộ khắp nước Mỹ bằng nạng… tất cả những con người này đều hơn hẳn những người bình thường về nghị lực, tinh thần và khả năng chống chọi với số phận khắc nghiệt. Họ sống nhờ mong muốn vượt lên số phận, họ phát triển khả năng bằng việc thách thức chính bản thân mình và họ thành công bởi niềm đam mê không giới hạn.
Cũng như tất cả những phụ nữ Nepal khác, Ghimire đặc biệt tin vào Đức Phật, tin tưởng vào phép luân hồi và những quy luật nhân – quả của Đạo Phật. Ở Nepal, đền chùa mọc khắp nơi, ngay giữa khu dân cư đông đúc, giữa chợ hay trên những quảng trường lớn. Người dân ở đây sống bằng đời sống tín ngưỡng vô cùng phong phú, lúc nào tay của họ cũng lần tràng hạt và miệng lẩm nhẩm cầu nguyện. Ghimire luôn ao ước được đi đến các đền chùa này nhưng quả thật rất khó khăn.
Một năm có 365 ngày thì ở Nepal có tới 126 lễ hội lớn nhỏ và người dân cầu nguyện quanh năm. Ghimire nói rằng, cô luôn cầu nguyện bằng cả trái tim mình, cho tất cả mọi người và cho chính bản thân cô. Cuộc sống không bao giờ là đơn giản, với ai cũng thế và đặc biệt là đối với những người như Ghimire, nhưng điều quan trọng nhất là phải có đức tin, tin vào cuộc sống và tin vào chính mình.
Nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi, đến nay Jhamak đã xuất bản bốn tập thơ, hai truyện ngắn và nhiều tác phẩm được in báo. Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải thưởng trên, Jhamak dùng chân viết lên giấy: “Tôi rất hạnh phúc nhưng tôi cũng nhận thức được trách nhiệm sắp tới của mình”.
Theo Minh Trường – VNCA>CAND