(HNMCT) – Mới đây, nhà văn Lê Phương Liên ra mắt cuốn tiểu thuyết dã sử “Nữ sĩ thời gió bụi” (NXB Phụ Nữ). Tác phẩm tái hiện sống động cuộc đời nữ sĩ Đoàn Thị Điểm – một nhà giáo, nhà văn, lương y ở thế kỷ XVIII, đồng thời dựng lại những gương mặt văn nhân khác trong một thời kỳ dữ dội của lịch sử dân tộc.
“Nữ sĩ thời gió bụi” hấp dẫn từ những trang đầu tiên với buổi sớm bên hồ Phượng Trì khi nữ sĩ tuổi trăng tròn mê mải đi bài Mai Hoa quyền. Cuốn sách gần 300 trang, dẫn độc giả theo suốt những thăng trầm cuộc đời Đoàn Thị Điểm và khép lại cùng với phút giây bà từ giã cuộc đời ở tuổi 43 khi theo chồng – tiến sĩ Nguyễn Kiều đi nhậm chức tham tri ở Nghệ An.
Với 5 chương, gồm “Con nuôi quan thượng thư”, “Tùng tàn, trúc gãy, chỉ còn mai xanh”, “Duyên phận kỳ nữ”, “Phu nhân Nguyễn Kiều”, “Thi nhân trong mưa biển”, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời nữ sĩ được điểm nhắc và qua đó làm nổi bật phẩm cách của bà. Phẩm cách của một nữ tác gia tầm vóc của nền văn học trung đại gắn liền với các tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc” diễn âm, “Truyền kỳ tân phả”…
Nhà văn Lê Phương Liên, trên trang sách cũng như ngoài đời, luôn kiên định một phong cách sống, viết giản dị, sâu sắc với góc nhìn hết sức nhân hậu. Vậy nên, sự dữ dội ở thời kỳ vua chúa phân tranh, tao ly loạn lạc… đi vào tác phẩm của bà như đi qua một bộ lọc. Ở đó, đoạn trường gió bụi làm nền cho việc khắc họa thân phận con người, mà trung tâm là nữ sĩ tài sắc, truân chuyên Đoàn Thị Điểm. Một nữ sĩ, và hơn hết là một nhà văn hóa, một nhân cách trong cả đời sống và trong văn chương. Người sớm định hình lẽ sống cho mình, dù ở tuổi cài trâm nhưng dám chối bỏ cơ hội giàu sang nơi cung cấm để bảo toàn sự tự do cho bản thân; người tự tin cho mình một danh phận dù không qua một trường thi nào; người biết nhìn xa để thấy “vốn quý giá nhất là bản thân mình”.
Chú trọng khai thác tình tiết lịch sử, để nhân vật bộc lộ sự rung cảm tinh tế của mình, “Nữ sĩ thời gió bụi” mang đến cho bạn đọc những trang viết thật sự thăng hoa. Tiêu biểu là trường đoạn miêu tả cuộc “dạ du” của Đoàn Thị Điểm trên hồ Tây với các danh sĩ Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác.
“Nữ sĩ thời gió bụi” qua ngòi bút mềm mại của Lê Phương Liên khiến nhiều danh nhân, trí thức Thăng Long trở nên gần gũi với độc giả. Đó là Quận công Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du; là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…
Bên cạnh đó, không gian sống của các nhân vật cũng được nhà văn chăm chút, miêu tả sinh động. Bạn đọc như thấy được vị đậm nếp xôi đọng lại sau con chữ, tiếng hươu tác sớm mai, thấp thoáng án thư nơi cho ra đời những tác phẩm của nữ sĩ…
“Nữ sĩ thời gió bụi” – cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tiên của một nhà văn chuyên viết về đề tài thiếu nhi, gia đình… thực sự mang đến cho độc giả cảm nhận mới mẻ. Tác phẩm cũng gửi thêm một thông điệp về việc lịch sử vẫn luôn ở đó và không ngừng chờ đợi sự kiếm tìm, sáng tạo của nhà văn.
Hà An
(Theo Hà Nội mới Cuối tuần)